Cách Claude Makelele thay đổi Premier league

Tác giả Ole - Thứ Tư 20/03/2024 16:19(GMT+7)

Tiền vệ người Pháp tất nhiên là một huyền thoại đích thực của Chelsea, nhưng hơn hết, anh còn là một trong số ít những cầu thủ sẽ mãi mãi tồn tại trong thế giới bóng đá bởi sự kiến tạo nên một vị trí mang chính tên mình - vị trí “Makelele”.

 

Đã nhiều năm trôi qua kể từ lần cuối cùng Makelele ra sân trong màu áo The Blues. Đó là một đêm định mệnh tại Moscow vào năm 2008, khi Chelsea suýt chút nữa đã giành được chức vô địch Champions League lần đầu tiên sau khi thất bại trước Man United trên chấm phạt đền đầy oan nghiệt. Dẫu vậy thì cái tên Makelele vẫn luôn tồn tại như một cột mốc lịch sử quan trọng, thậm chí là một khái niệm về một vị trí trên sân bóng.

Trong từ điển bóng đá Anh trước thập niên 2000s, khi mà sơ đồ 4-4-2 với lối chơi “kick and rush” vẫn được ưa chuộng một cách tuyệt đối, không quá nhiều người quan tâm tới sự xuất hiện của một tiền vệ phòng ngự thực thụ. Tuy nhiên, sau thời đại của Claude Makelele, Chelsea và Jose Mourinho, mọi thứ đã hoàn toàn đổi thay. Vai trò Makelele được định nghĩa một cách hết sức rõ ràng trong tư duy của các chiến lược gia Premier League, về một tiền vệ luôn sẵn sàng án ngữ trước hàng phòng ngự, hiếm khi nào dâng cao hơn các tiền vệ công và chỉ tập trung làm nhiệm vụ bọc lót, che chắn, bảo vệ các vệ tinh xung quanh mình, nói chung là hy sinh toàn bộ lợi ích cá nhân để hướng tới vinh quang của tập thể.

Khi Chelsea giành được chức vô địch Premier League mùa 2004/05 bằng kỷ lục chỉ để lọt lưới 15 bàn trong suốt cả mùa giải, cái tên Makelele đã thể hiện vai trò quan trọng bậc nhất đối với CLB chủ sân Stamford Bridge. Dưới sơ đồ chiến thuật 4-3-3/4-1-4-1 của HLV Mourinho, ngôi sao người Pháp chính là tiền đề cho phép những cầu thủ như Damien Duff, Arjen Robben hay đặc biệt là Frank Lampard có nhiều cơ hội dâng cao, đóng góp cho mặt trận tấn công.

Quay trở lại quá khứ, ít người biết rằng Makelele từng là một… tiền vệ tấn công. “Tại Nantes, tôi là một tiền vệ theo kiểu truyền thống, đóng vai trò trong cả nhiệm vụ tấn công và phòng ngự. Tuy nhiên, khi đến Tây Ban Nha, tôi đã được thuyết phục chỉ tập trung vào khâu phòng ngự: áp sát đối phương, liên tục truy đuổi và cản phá, sẵn sàng bọc lót cho các đồng đội bất cứ khi nào… Có lẽ tôi thích vai trò mới này hơn, nó khiến tôi cảm thấy hữu ích hơn. Tôi muốn mọi người hiểu rằng vai trò của tôi bây giờ là loại bỏ đi các mối nguy hiểm có thể đến với cầu môn của đội nhà, ngăn chặn những tình huống phản công từ đối phương và gây rắc rối cho họ khi có bóng”, cựu tiền vệ Real Madrid chia sẻ.

 

Về mặt lý thuyết, bất cứ đội bóng nào cũng có thể dập khuôn theo công thức của Mourinho để chuyển đổi sơ đồ 4-4-2 thành một hệ thống có “vị trí Makelele” trong đội hình, với xu hướng đơn giản là loại bỏ đi một tiền đạo và thay thế bằng một cầu thủ thứ ba ở hàng tiền vệ. Nhưng nếu chỉ như vậy thì Makelele đã không thành công tới mức… thay đổi cả nền bóng đá Anh.

Trên thực tế, Makelele không hề sở hữu khả năng chuyền dài đỉnh cao giống như một số tiền vệ kiến thiết lùi sâu vào thời điểm bấy giờ (Pirlo, Xavi…), thế nhưng nếu đánh giá cầu thủ người Pháp không có giá trị gì đối với việc tổ chức lối chơi của Chelsea thì hoàn toàn sai lầm. Chính nhờ khả năng thu hồi tuyệt vời và luân chuyển trái bóng trong phạm vi ngắn của Makelele mà đội bóng chủ sân Stamford Bridge mới có thể tạo ra sự ổn định cần thiết ở tuyến giữa, từ đó tạo ra nền tảng cho các cầu thủ tấn công phía trên tự do sáng tạo nhằm tìm kiếm bàn thắng.

The Blues ở giai đoạn này rõ ràng không phải một đội bóng chơi tấn công thuần túy nên việc chuyển đổi trạng thái trong các tình huống phản công là cực kỳ quan trọng. Do đó, một cỗ máy thu hồi bóng như Makelele chính là điều kiện tiên quyết để Chelsea thực hiện được các pha lên bóng một cách mượt mà, hiệu quả.

Vào mùa Hè năm 2003, khi Real Madrid bán Makelele sang London để đưa David Beckham về sân Bernabeu, chính Zinedine Zidane đã phải than phiền về cách chuyển nhượng thiếu cân bằng của Los Blancos. “Tại sao phải phủ thêm một lớp sơn hàng hiệu lên chiếc Bentley khi mà nó đã mất đi toàn bộ động cơ?”, nhà vô địch EURO và World Cup cho biết.

Đó là thời điểm mà thứ ánh sáng từ dải ngân hà Galaticos quá chói lọi khiến người ta khó lòng nhận ra vai trò Makelele là quan trọng đến nhường nào. Trong 5 năm chơi bóng ở xứ sở sương mù, cầu thủ người Pháp đã tạo nên một cuộc cách mạng đối với tư duy bóng đá Premier League. Từ những gã “ăng-lê” chỉ biết chạy và tạt với khối hình 4-4-2 cứng nhắc, nước Anh giờ đây đã biết đến những sơ đồ chiến thuật mới mẻ và đa dạng hơn. Và hơn hết là vai trò của một tiền vệ thứ ba chuyên biệt có khả năng che chắn trước hàng phòng ngự đồng thời đóng góp vào khâu luân chuyển bóng, tạo nền tảng cho các cầu thủ tấn công phía trên được tự do tỏa sáng.

Claude Makelele là một Anchor man điển hình

Liên tiếp hai mùa giải 2004/05 và 2005/06, Chelsea đều giành được chức vô địch Premier League và đích thân HLV Mourinho cũng tuyên bố rằng Makelele chính là ngôi sao xuất sắc nhất trong đội hình The Blues. Một thống kê khó tin khác, thời điểm tiền vệ người Pháp chia tay CLB thành London để trở về quê hương khoác áo Paris Saint-Germain vào năm 2008, anh đã tích lũy được tỷ lệ chiến thắng gần… 71% trong màu áo Chelsea. Di sản tại sân Stamford Bridge nói riêng và Premier League nói chung, không gì khác chính là vai trò Makelele đã đi vào sách vở.

Mãi tới sau này, khi N’Golo Kante, một người Pháp gốc Phi khác giành được chức vô địch nước Anh cùng Leicester ở mùa giải 2016/17, người ta một lần nữa được tái hiện hình ảnh gần nhất với Makelele trong quá khứ. “Một số cầu thủ được sinh ra để trở thành ngôi sao, nhưng có những người như tôi hay N’Golo thì luôn vui vẻ khi được làm nền để người khác tỏa sáng. Mọi người từng nói về vị trí Makelele nhưng tôi đã quá già và tôi nghĩ mọi người nên thay đổi gọi nó là vị trí Kante, bởi vì N’Golo hoàn toàn xứng đáng với điều đó”, Makelele khẳng định.

Với niềm đam mê dành cho bóng đá và các cầu thủ trẻ, Maka đã quyết định trở lại sân Stamford Bridge vào mùa Hè năm 2019 trong vai trò của một cố vấn kỹ thuật. Nhiều người mơ ước trở thành Ronaldo hay Messi nhưng chính bài học từ Makelele cũng cho các cầu thủ trẻ thấy rằng có nhiều con đường để dẫn tới thành công. Khi ai đó thực sự nghiêm túc với bóng đá và bản thân mình,  họ hoàn toàn có thể tạo ra một cuộc cách mạng, giống như cái cách Makelele từng thay đổi Premier League, thay đổi cả một nền bóng đá Anh đầy cũ kỹ và bảo thủ.

-Ole-     

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Toni Kroos: Ngọn hải đăng của Real Madrid

Ở Real Madrid lúc này, giữa một hàng tiền vệ gồm những ngôi sao trẻ trung và giàu năng lượng, Kroos hay Luka Modric mang tới độ tĩnh nhất định. Anh là ngọn hải đăng để toàn đội nhìn vào và biết mình cần chơi nhanh hay chậm…

Kieran McKenna: Vua về nhì của Ipswich Town

Ở 2 mùa giải gần nhất, Kieran McKenna 2 lần cùng Ipswich Town về nhì, nhưng chẳng có gì phải buồn hay tiếc nuối, vì cả 2 lần về nhì kể trên đều mang lại niềm vui cho mọi CĐV của CLB này.

Có một Jadon Sancho tự tin và kiêu hãnh ở Dortmund

Jadon Sancho rời Dortmund gia nhập Man United vào mùa Hè 2021. Ba mùa giải cuối cùng cho Dortmund trước khi cập bến "Quỷ đỏ", tổng thành tích ghi bàn và kiến tạo mỗi mùa của Sancho luôn là +29 G/A. Trong 2 mùa giải rưỡi khoác áo MU trước khi trở lại Dortmund theo Hợp đồng cho mượn, Sancho chỉ đặt dấu giày vào… 18 bàn.

Gabriel Martinelli: Thay đổi để thích nghi hoặc ngồi dự bị!

Cầu thủ chạy cánh người Brazil chắc chắn sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến khốc liệt để đòi lại vị trí chính thức trong đội hình xuất phát của HLV Mikel Arteta tại Arsenal, nhất là khi “người đóng thế” Leandro Trossard đang làm rất tốt mỗi khi được trao cơ hội.

Marco Reus: Yêu, sống và cảm nhận...

Lòng trung thành là giá trị xa xỉ trong bóng đá hiện đại. Chúng ta sẽ chẳng thể trách cầu thủ mong muốn ra đi tìm thử thách mới, nhưng một người gắn bó với một đội bóng suốt hơn một thập kỷ thì đó là giá trị đáng trân trọng.

Neymar: Từ thiên tài tới bi hài

Chấn thương, tiệc tùng, những vụ bê bối khiến sự nghiệp của Neymar lao dốc rất nhanh. Ở tuổi 32, liệu anh có thể trở lại đỉnh cao hay không?