Bukayo Saka rất giỏi, nhưng liệu đã đạt đến đẳng cấp thế giới hay chưa?

Tác giả Nam Khánh - Thứ Bảy 09/03/2024 14:10(GMT+7)

Sau chiến thắng của Manchester City trước Copenhagen trên sân khách, thuộc đấu trường Champions League, cựu hậu vệ của Manchester United và hiện đang là một bình luận viên của BT Sport, Rio Ferdinand, đã tuyên bố rằng Foden của Man City mới là một cầu thủ “World Class” (đẳng cấp thế giới), còn Bukayo Saka của Arsenal thì không.

 

Dù là vô tình hay hữu ý, Ferdinand đã có một phát ngôn đầy tính “kích war” khi anh lôi Saka vào trong khi đang nhận xét về Foden.

Trừ những kẻ phải cực kỳ xấu tính ra, có thể nói rằng tất cả mọi người đều yêu quý Saka. Các đồng đội yêu quý anh. Các đối thủ quý mến anh; hãy nghe lại những gì Luke Shaw của Manchester United từng nói về chàng trai này.

Cho đến nay, hành trình thăng tiến của Saka đã diễn ra tương đối suôn sẻ. Anh có màn ra mắt tại Arsenal ở vị trí hậu vệ cánh dưới thời Unai Emery, sau đó ngay lập tức trở thành một phần trong đội hình đá chính số một của họ ở tuổi 17, tiếp đó nhanh chóng trở thành cầu thủ quan trọng nhất của The Gunners, và cuối cùng là đá chính cho ĐTQG Anh tại World Cup ở tuổi 21.

Tuy nhiên, trong 30 năm qua, ngoại trừ trường hợp 4 gã quái vật - Lionel Messi, Cristiano Ronaldo, Kylian Mbappé, và Erling Haaland – ra thì vươn lên đẳng cấp “world class” luôn là một việc cực kỳ khó khăn. Vươn mình từ cấp độ một cầu thủ tiềm năng hàng đầu thành một cầu thủ thực sự xuất sắc đã rất khó rồi; việc bứt phá thành một siêu sao thực thụ lại càng khó hơn. Để trở thành một cầu thủ tấn công đẳng cấp thế giới – ít nhất là theo cách tôi định nghĩa – bạn phải ghi bàn và kiến tạo với hiệu suất tuyệt đỉnh, đồng thời khả năng thúc đẩy nên những chiến thắng bằng các pha ghi bàn và kiến tạo của bạn cũng phải đạt cấp độ cao nhất.

Đúng như Ferdinand nói, Saka chưa đạt đến cái tầm đó, nhưng anh đang ở rất gần với nó.

MỘT CẦU THỦ TRẺ TÀI GIỎI HAY MỘT CẦU THỦ TUYỆT VỜI?

Mùa giải trọn vẹn thăng hoa nhất của Saka cho đến nay cũng chính là mùa giải trọn vẹn gần nhất của anh. Mùa trước, Saka đã ghi 12 bàn không tính penalty và có 11 pha kiến tạo sau 3181 phút đã chơi. Tính trung bình, ngôi sao trẻ của Arsenal đã có hiệu suất ghi bàn + kiến tạo mỗi 90 phút là 0,46. Trong số những cầu thủ đã chơi ít nhất 2000 phút tại Top 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu mùa trước, con số của anh xếp thứ 29. Còn đây là Top 10:

 

Tất nhiên, gom hết cả 5 giải để so sánh chung như trên thì có hơi không công bằng. Nhờ lợi thế tài chính cực khủng và doanh thu bản quyền truyền hình được phân bổ đồng đều hơn nhiều, Premier League chính là giải VĐQG khó ghi bàn và kiến tạo nhất thế giới. Vì thế, dưới đây, chúng ta sẽ xem liệu vị trí của Saka ở mùa giải trước nếu chỉ xét tại giải đấu hạng cao nhất bóng đá Anh sẽ ra sao:

 

Nhìn chung, chẳng có gì gây sốc ở đây cả: Đúng thật Bukayo Saka là một trong những cầu thủ tấn công hay nhất Premier League mùa trước, tuy nhiên, chỉ tính riêng ở Arsenal thì chúng ta cũng đã có 2 cầu thủ có hiệu suất ghi bàn + kiến tạo cao hơn anh rồi. Gabrielli Martinelli mặc dù đứng sau nhưng con số của anh chỉ kém hơn Saka một chút, ngoài ra  Martin Odegaard, một tiền vệ, cũng sẽ góp mặt trong biểu đồ trên nếu chúng ta mở rộng danh sách lên 11 người.

Trên hết, số lượng bàn thắng và kiến tạo thực tế thật ra lại chẳng thực sự hữu ích cho việc dự đoán năng lực ghi bàn và kiến tạo trong tương lai của một đội bóng hoặc một cầu thủ nào đó.

Số lượng và chất lượng của những cú dứt điểm mà họ đã thực hiện (hay còn gọi là “bàn thắng kỳ vọng” – xG) mới thực sự giúp chúng ta dự đoán về năng lực ghi bàn trong tương lai của đối tượng được phân tích với độ chính xác cao hơn nhiều.

Còn những pha kiến tạo thì phần lớn phụ thuộc vào khả năng dứt điểm của những đồng đội mà bạn chuyền bóng đến, vậy nên thông số “kiến tạo kỳ vọng” (giá trị xG của những cơ hội dứt điểm do các đường chuyền của bạn tạo nên – gọi tắt là xA) sẽ là “công cụ” đắc lực hơn cho việc đánh giá năng lực kiến tạo cơ hội của đối tượng được phân tích.

Khi xét thông số tần suất xG+xA trung bình mỗi 90 phút, Saka chỉ xếp thứ 20 tại Premier League mùa trước, với con số 0,5. Dưới đây là Top 10:

 

Giờ thì không chỉ có Gabriel Jesus và Leandro Trossard vượt trên Saka về tần suất tạo nên những cơ hội ghi bàn chất lượng cao trung bình mỗi 90 phút, mà còn có Martinelli và Odegaard nữa. Đứng trên Saka trong danh sách này 1 bậc chính là Kai Havertz, một cầu thủ của Chelsea vào mùa trước và hiện tại đang là đồng đội của anh tại Arsenal.

Nên nhớ, Saka mới chỉ 20 tuổi khi mùa giải 2022-23 bắt đầu. Các thống kê trên là những con số thực sự tuyệt vời đối với một cầu thủ ở độ tuổi này, nhưng điều đó cũng có nghĩa là khi bước vào mùa giải 2023-24 này thì anh vẫn mới chỉ là một “cầu thủ trẻ tài giỏi” thay vì “một cầu thủ thực sự xuất sắc”.

NHƯNG SAKA ĐANG CÓ BƯỚC NHẢY VỌT – DÙ CHO HẦU HẾT MỌI NGƯỜI CHẲNG THỂ NHẬN THẤY NÓ

Nếu chỉ nhìn vào các bàn thắng và những pha kiến tạo thuần tuý, có vẻ như Saka không tiến bộ nhiều so với mùa giải trước. Trong số những cầu thủ đã chơi ít nhất 1200 phút ở mùa giải này, anh đứng thứ 10 giải đấu về tần suất ghi bàn + kiến tạo mỗi 90 phút (không tính các quả penalty):

 

Tuy nhiên, sự khác biệt lớn nhất chính là việc số lượng và chất lượng của những cú dứt điểm mà anh tự mình thực hiện và kiến tạo cho đồng đội thực hiện đã bắt đầu tương xứng với thông số bàn thắng và kiến tạo thực tế. Không giống như mùa trước, hiện Saka đang nằm trong Top 10 về thống kê xG+xA trung bình mỗi 90 phút tại Premier League mùa này.

 

Ngoài sự cải thiện về phong độ săn bàn và kiến tạo cơ hội, ở mùa giải này còn có thêm một sự khác biệt lớn nữa so với mùa trước: Hiện tại không có một cầu thủ Arsenal nào sánh bằng Saka cả. Anh đang dẫn đầu đội về thành tích ghi bàn không tính penalty, thành tích kiến tạo, dữ liệu xG không tính penalty, và cả dữ liệu xA luôn. Ngay cả khi bạn chuyển những con số trên thành tần suất trung bình mỗi 90 phút, Saka vẫn sẽ là cái tên đứng đầu tại Arsenal.

Vậy, chuyện gì đã xảy ra?

Nhìn chung, HLV trưởng của The Gunners là Mikel Arteta đang áp dụng một lối đá thận trọng hơn khi kiểm soát bóng ở mùa giải này. Họ chuyền bóng về phía trước ít hơn, thực hiện ít pha đảo cánh hơn, và tốc độ phát triển bóng của họ đang chậm hơn nhiều so với mùa trước: Từ 1,2 mét/giây xuống còn 1,07 mét/giây.

Ngoại trừ Saka, hầu như mọi cầu thủ tấn công của Arsenal đều đang ghi bàn, kiến tạo, dứt điểm và kiến tạo cơ hội dứt điểm với tần suất thấp hơn mùa giải trước. Lối chơi thận trọng, đặt nặng tính kiểm soát khi cầm bóng mà The Gunners đang áp dụng đã biến họ thành đội bóng phòng ngự tốt nhất Premier League 2023-24 tính đến thời điểm này: 22 bàn thua không tính penalty, 16,9 bàn thua kỳ vọng, không tính các quả penalty – cả hai đều là những thống kê tốt nhất giải đấu.

Nhưng trước khi thể hiện phong độ bùng nổ về khả năng ghi bàn trong những tuần gần đây, phong cách kiểm soát bóng thận trọng của Arsenal đã dẫn đến việc các bức tường phòng ngự mà họ phải đối mặt khi cầm bóng trở nên dày đặc hơn, điều này khiến những cầu thủ như Martinelli và Odegaard khó có thể đạt “năng suất” như mùa giải trước.

Tuy nhiên, Saka là ngoại lệ. Trong một môi trường mà tất cả các đồng đội của anh trên mặt trận tấn công đều đang cảm thấy khó toả sáng hơn, thì chàng trai này lại đang chơi xuất sắc hơn mùa trước. Và vì thế, tôi cho rằng chúng ta đang chứng kiến Saka đạt được một bước nhảy vọt – ngay cả khi nó không quá rõ ràng.

Giờ đây, chàng trai này đang dứt điểm nhiều hơn và tạo ra nhiều cơ hội hơn – nói chung là có một tầm ảnh hưởng lớn hơn quanh khung thành đối thủ - trong một cấu trúc chiến thuật khiến cho các thông số tương tự của những cầu thủ khác bị giảm sút. Nếu Saka mà được chơi cho Liverpool của Jurgen Klopp – một cỗ máy tấn công hạng nặng – có thể các con số thống kê của cá nhân anh sẽ còn tốt hơn nữa.

 

LIỆU SAKA CÓ THỂ TRỞ THÀNH MỘT CẦU THỦ NHƯ THẾ NÀO?  

Chúng ta vẫn chưa nói hết về tất cả những việc mà Saka đã làm trên sân đấu. Trong số tất cả các cầu thủ tấn công chạy cánh và tiền vệ tấn công thi đấu ở Top 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu trong 365 ngày qua, ngôi sao trẻ của Arsenal vượt trên 86% những cái tên trong nhóm này về thống kê kéo bóng, vượt trên 93% về thống kê tắc bóng, 96% về thống kê chạm bóng trong vòng cấm, và 98% về những đường chuyền phát triển bóng đã nhận được từ các đồng đội.

Ngoài việc gánh vác các trách nhiệm ghi bàn và kiến tạo cơ hội cho The Gunners, Saka còn kiêm nhiệm luôn cả nhiệm vụ kéo bóng và thực hiện rất nhiều công việc thuộc giai đoạn không bóng – vừa năng nổ tranh chấp, thu hồi bóng, vừa tìm kiếm khoảng trống để nhận những đường chuyền phát triển bóng từ các đồng đội. Đúng là Saka không hoàn hảo, nhưng anh thực sự là hình mẫu đáng mơ ước về một cầu thủ tấn công đẳng cấp cao. Có những cầu thủ tấn công tuy rất giỏi giang, nhưng lại chẳng muốn pressing, chẳng tham gia nhiều vào quá trình triển khai bóng, hoặc họ  cần được “hầu bóng” đến tận chân, nhưng Saka là kiểu cầu thủ mà bạn có thể lắp vào bất kỳ đội bóng nào, bất kỳ hệ thống nào, kết hợp với bất kỳ đồng đội nào, và anh vẫn sẽ tạo nên những đóng góp đẳng cấp cao.

 

Vâng, chàng trai này mới chỉ 22 tuổi thôi, anh vẫn chưa đạt đến cái “level” được gọi là “sự nghiệp thực sự đạt độ chín”. Vậy, liệu anh có thể trở thành dạng cầu thủ ra sao trong tương lai?

Theo dữ liệu của Stats Perform, tính từ năm 2010, có 8 mùa giải xuất hiện một cầu thủ U-22 thi đấu ít nhất 2000 phút và đạt tần suất tắc bóng + cắt bóng trung bình mỗi 90 phút tối thiểu là 3,0 (đã được điều chỉnh theo thời lượng kiểm soát bóng), tần suất kéo bóng trung bình mỗi 90 phút tối thiểu là 6,0, tần suất chạm bóng trong vòng cấm tối thiểu là 6,0, và tần suất ghi bàn (không tính penalty) + kiến tạo tối thiểu là 0,5.

Những con số đó đều thấp hơn nhiều so với các thống kê mà Saka đang đạt được ở mùa giải này, nhưng nhìn chung chúng vẫn thể hiện rõ nét hình ảnh một cầu thủ tấn công năng nổ tham gia phòng ngự, giỏi kéo bóng, có thể tìm ra khoảng trống tại khu vực đông đúc, chật chội nhất trên sân đấu, và “tạo thành phẩm” quanh khung thành.

Theo thứ tự thời gian, những cái tên đó bao gồm:

  • Mario Götze, Borussia Dortmund, 2012-13
  • Ousmane Dembélé, Borussia Dortmund, 2016-17
  • Leroy Sané, Manchester City, 2017-18
  • Vinícius Júnior, Real Madrid, 2021-22
  • Jamal Musiala, Bayern Munich, 2022-23
  • Khvicha Kvaratskhelia, Napoli, 2022-23
  • Bukayo Saka, Arsenal, 2022-23
  • Bukayo Saka, Arsenal, 2023-24

Về cơ bản, chỉ cần góp mặt trong danh sách trên 1 lần thôi là cũng đủ để bạn trở thành một trong những cầu thủ trẻ được săn đón rầm rộ nhất thế giới – và Saka đã làm được điều đó tận 2 lần.

Nếu chúng ta tăng ngưỡng các chỉ số trên lên để tương xứng với những gì Saka đang làm ở mùa giải này – tần suất tắc bóng + cắt bóng trung bình mỗi 90 phút tối thiểu là 4,0 và tần suất kéo bóng trung bình mỗi 90 phút tối thiểu là 8,0 – thì danh sách sẽ chỉ còn lại mỗi Saka của mùa này và Saka của mùa trước. Đó là chưa kể ngưỡng tần suất ghi bàn và tần suất chạm bóng trong vòng cấm trung bình mỗi 90 phút.

Trên đời có rất nhiều cầu thủ trẻ giỏi rê dắt bóng. Nói đúng hơn là, hầu hết những cầu thủ tấn công trẻ đều ham rê dắt bóng cả. Họ muốn thu hút sự chú ý của người hâm mộ và các HLV thật nhanh bằng những gì mình làm được với quả bóng trong chân… và sau đó, họ chật vật trong việc biến những pha đi bóng đó thành các bàn thắng, các pha kiến tạo, hoặc bất kỳ điều gì có thể giúp đội bóng của họ giành chiến thắng. Tuy nhiên, rất khó để tìm được một chân rê bóng trẻ năng nổ tham gia phòng ngự. Cũng rất khó để tìm được một chân rê bóng trẻ có thể ghi bàn và kiến tạo với tần suất trên mức trung bình. Còn muốn tìm một cầu thủ trẻ làm được tất cả những điều trên ư? Họ hầu như không tồn tại!

Trong danh sách những cái tên góp mặt trong 8 mùa giải đã nói ở trên, 3 cầu thủ lớn tuổi nhất hiện nay là Götze, Dembele và Sane đều đã phải trải qua tình cảnh sự nghiệp bị trật bánh vì những chấn thương. Thay vào đó, Saka lại đang cho thấy những nét tương đồng lớn với một cầu thủ đá cùng vị trí với anh và đang chơi cho đội bóng đứng đầu giải đấu: Mohamed Salah của Liverpool.

Chưa xét đến những kỹ năng chơi bóng cụ thể, thì điểm chung rõ ràng nhất giữa Saka và Salah là họ gần như luôn góp mặt trong các trận chiến. Trong 3 mùa giải qua của Premier League, có 4 tiền đạo đạt thời lượng thi đấu tối thiểu là 7800 phút – 2 trong số đó là Salah và Saka.

Còn về những điểm tương đồng trong các màn trình diễn trên sân đấu, ngoài vị trí thi đấu ra: Trong hơn 2 mùa giải đó, Salah chính là cái tên đứng đầu giải đấu về tổng số lần chạm bóng trong vòng cấm với con số 841, còn Saka đứng thứ hai, với con số 673.

Có lý do để chúng ta lo lắng về thời lượng thi đấu của Saka khi mà anh còn đang quá trẻ. Salah không hề chơi hơn 2000 phút trong một mùa giải cho đến khi anh 23 tuổi, còn Saka thì đã làm điều đó tận 4 lần rồi. Liệu cơ thể của anh có thể tiếp tục chịu nổi cường độ thi đấu như vậy không nếu phải trải qua nó trong 10 mùa giải liên tiếp? Tuy nhiên, có một yếu tố hữu dụng để chúng ta dự đoán về nguy cơ chấn thương trong tương lai, đó chính là tiền sử chấn thương trong quá khứ, và Saka chưa từng gặp phải chấn thương nào dù đã phải thi đấu với lịch trình khắc nghiệt đến thế.

 

Hiện tại, ngôi sao trẻ của Arsenal vẫn còn một chặng đường rất dài cần phải chinh phục thì mới bắt kịp được đẳng cấp của Salah trước khung thành đối thủ - siêu sao người Ai Cập được ghi nhận tần suất ghi bàn + kiến tạo trung bình mỗi 90 phút trong 7 mùa giải qua tại Premier League là 0,88 – nhưng hiệu suất của Saka thực sự đang tiến bộ qua từng mùa giải.

Hầu hết các ngôi sao tấn công rồi sẽ đến lúc bắt đầu ít tắc bóng hơn vì các HLV muốn họ chơi gần khung thành hơn và tham gia phòng ngự theo kiểu tiết kiệm năng lượng thay vì hùng hục đuổi bóng: “Cứ pressing khi chúng ta mất bóng, nhưng đừng có lùi sâu”. Chỉ cần sự hiện diện của họ tại các vị trí nguy hiểm là đủ để đối thủ lo lắng và chơi thận trọng hơn thay vì dồn quân lên để tổ chức tấn công, chẳng phải đây cũng là một hình thức đóng góp cho khâu phòng ngự sao!

Có lẽ sự biến đổi đó sớm muộn cũng sẽ diễn ra với Saka. Và nếu được chơi tập trung hơn vào việc nhận bóng ở khu vực 1/3 cuối sân đối thủ và bên trong vòng cấm, có thể anh sẽ bắt đầu ghi bàn nhiều hơn và tạo ra nhiều cơ hội hơn. Nhưng cũng có thể anh vẫn sẽ tiếp tục tiến bộ trong việc ghi bàn và kiến tạo bất kể phải chơi theo kiểu gì đi chăng nữa.

Một tiền đạo cánh phải thuận chân trái, có thể “sắm vai” một mảnh ghép tuyệt vời trong một hệ thống pressing tầm cao, di chuyển không bóng xuất sắc, liên tục dẫn bóng vào vòng cấm, và tạo ra cực kỳ nhiều cơ hội dứt điểm cho cả các đồng đội lẫn bản thân mình. Đó chính là mô tả về Salah, và một ngày nào đó có thể cũng sẽ là mô tả về Saka.

Theo Ryan O’Hanlon, ESPN

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.