Bóng đá Anh là “miền đất hứa” trong tâm trí của Bruno. Từ khi còn trẻ, anh đã luôn nghĩ về việc một ngày nào đó sẽ chơi bóng ở Anh. “Tôi thích tưởng tượng về mình, đang chơi bóng ở Premier League” – Bruno đã từng nói như thế hồi anh khoác áo Novara 8 năm trước.
Kế hoạch ban đầu của Novara là để Bruno chơi cho đội Primavera (U19) rồi mới nâng dần “độ khó”. Nhưng Bruno đơn giản là quá giỏi để chơi ở cấp độ bóng đá trẻ. Chỉ vài tuần đá cho đội Primavera, Bruno được lên thắng đội một Novara. Anh có trận ra mắt vô cùng ấn tượng trước Empoli ở Serie B. Và cơn sốt Bruno tại Novara bắt đầu.
Các fan yêu mến Bruno. Báo chí địa phương cũng vậy, khi gọi chàng tiền vệ trẻ người Bồ Đào Nha là… “Maradona của Novara”. Mùa giải Serie B 2012/13 khép lại, Bruno ghi 4 bàn thắng, tạo ra 8 pha kiến tạo giúp đồng đội lập công trong 23 lần ra sân. Những CLB hàng đầu của Calcio, trong đó có Juventus và Inter, dĩ nhiên ngay lập tức bị thu hút bởi Bruno.
Nhưng Udinese mới là CLB có được Bruno. Chỉ thuộc nhóm thường thường bậc trung ở Serie A nhưng Udinese nổi tiếng là bệ phóng cho tài năng trẻ, với những ví dụ điển hình như Alexis Sanchez, Juan Cuadrado hay Roberto Pereyra. Udines cũng đảm bảo Bruno được ra sân thường xuyên, thứ mà anh chắc chắn khó có thể đạt được nếu chọn Inter hay Juventus.
Khi Bruno gia nhập Udinese sau mùa giải đầu tiên và duy nhất với Novara, HLV CLB này – ông Guidolin đơn giản là bị gây ấn tượng cực mạnh. “Bruno mới ở Italia được 1 năm mà cậu ta đã cho thấy sự thích nghi tuyệt vời với bóng đá và cuộc sống nơi này”, Guidolin nói với The Athletic. “Tiếng Italia của chàng trai này cũng rất ổn nữa chứ”.
Guidolin thực sự “kết” Bruno. Không chỉ bởi những phẩm chất kĩ thuật mà Bruno sở hữu mà còn là vì không cầu thủ trẻ nào ở độ tuổi của Bruno có thể nắm bắt nhanh nhạnh các ý tưởng chiến thuật từ BHL như tiền vệ người Bồ Đào Nha. “Bruno còn rất trẻ nhưng tôi biết chắc là thằng nhóc này hiểu được tất cả những gì mà tôi truyền đạt. Là một HLV, bạn còn mong gì hơn một cầu thủ như thế?” – Guidolin.
Guidolin thử nghiệm Bruno ở rất nhiều vị trí chiến thuật, từ tiền vệ cánh, tiền vệ box-to-box, và cả vị trí một số 10. “Bruno tuân thủ cấu trúc vận hành của đội bóng nhưng cậu ta biết cách để thoát ra các giới hạn của chiến thuật. Ở chàng trai này, có sự linh hoạt đáng ngưỡng mộ. Bóng đá với Bruno, như nhạc jazz vậy. Bruno thông minh tới mức cậu ta có thể tìm ra vị trí hay nhất của bản thân, ngay trong một trận đấu cụ thể” – Giaretta.
Tại Udinese, một tiền vệ được coi là hoàn thành nhiệm vụ nếu anh ta tạo ra sự kết nối tốt với thủ quân cũng là chân sút hàng đầu của đội bóng – Antonio Di Natale. Bruno và Di Natale đã có mối quan hệ tốt đẹp trong 3 mùa giải là đồng đội. Trừ duy nhất một phát ngôn khá sốc từ Di Natale năm 2015, trong mùa giải cuối cùng của Bruno ở Udinese.
“Bruno Fernandes nhiều khi khiến tôi thực sự khó chịu”, Di Natale nói với Gazzetta dello Sports. “Bruno còn rất trẻ nhưng cậu ấy chắc chắn là người giỏi nhất của đội. Bruno có kĩ thuật tuyệt luân và óc sáng tạo đáng ngưỡng mộ, nhưng đôi lúc, cậu ta quá chú trọng đến chuyện trình diễn thay vì hướng tới tính hiệu quả trong các pha xử lý”.
Phát ngôn của Di Natale về Bruno, rõ ràng là không hề dễ nghe nhưng huyền thoại của Udinese đúng ở 1 chi tiết quan trọng: Bruno thời điểm đó thích “trang trí” các trận đấu của mình hơn là tìm cách “thống trị” chúng. Rời Udinese Hè 2016, Bruno gia nhập Sampdoria, khoác áo số 10 CLB này nhưng cũng chỉ ở đội bóng vùng Genova duy nhất 1 mùa giải, trước khi hồi hương.
Tổng cộng, trong 4 năm chơi ở Serie A, qua 2 CLB Udinese và Sampdoria, Bruno ghi 16 bàn thắng và có 16 pha kiến tạo thành bàn. Những con số thống kê không tồi với một cầu thủ mới 22 tuổi. Nhưng Bruno hiểu rằng Di Natale đã nói đúng. Anh cần hoàn thiện mình hơn nữa. Khi gia nhập Sporting Lisbon đầu mùa 2017/18, một trong những lời hứa của Bruno là anh sẽ-ghi-bàn-nhiều-hơn.
********
Bruno đã thực hiện một cách xuất sắc lời hứa của mình. Mùa đầu tiên ở Lisbon, anh ghi 16 bàn sau 56 trận. Mùa thứ hai, 2018/19, anh đá ít trận hơn (53) nhưng số bàn thắng thì gấp đôi (33).
Làm thế nào để đưa ra một giải thích chuẩn xác nhất về việc một tiền vệ có thể ghi tới 33 bàn, chỉ trong một mùa giải, như Bruno đã đạt tới? Với chính chủ nhân của thành tích này, Bruno, thì chẳng có bí mật nào hết ngoài… một bát to ngũ cốc Chocapic (trộn với sữa) anh ăn vào mỗi buổi sáng. Các thành viên trong gia đình Bruno có cách giải thích tốt hơn: chế độ nghỉ ngơi đúng-quy-trình của Bruno là nền tảng cho những màn trình diễn tốt trên sân cỏ. Mỗi ngày, Bruno luôn ngủ đủ 90 phút, không hơn không kém, sau bữa trưa.
Đồng đội cũ của Bruno, Andre Geraldes thì gợi lại chuyện Bruno chăm chỉ tập sút như thế nào sau mỗi buổi tập, như một lý do giúp tiền vệ này ngày càng hiệu quả hơn trong khâu dứt điểm. Những lời giải thích khác, như bản ngã, động lực và sự tự tin ở Bruno khi anh hồi hương khoác áo Sporting Lisbon, cũng được nhắc tới. Tại Lisbon, Bruno đơn giản là cảm thấy mình có-giá-trị, được trân trọng và tất nhiên được chơi thứ bóng đá mà anh thích nhất.
Hoặc giả cũng có thể mùa giải siêu hạng 2018/19 của Bruno khởi đầu từ một biến cố không ngờ trong lịch sử hiện đại của CLB Sporting Lisbon. Cuối tháng 5/2018, một nhóm khoảng 50 CĐV, trong cơn tức giận vì đội nhà không giành vé dự Champions League đã tấn công trung tâm huấn luyện CLB ở Alcochete. Với dao và gậy sắt, họ đập phá các thiết bị tập luyện, tấn công các cầu thủ và nhân viên CLB. Tiền đạo Bas Dost là người bị thương nặng nhất, phải khâu hơn chục mũi ở đầu. Với những thành viên Sporting có mặt tại Alcochete hôm ấy, đó là một trải nghiệm kinh hoàng.
Một tháng sau sự kiện này, bảy cầu thủ hàng đầu của Sporting Lisbon đơn phương chấm dứt hợp đồng với CLB. Luật pháp ủng hộ họ và BLĐ Sporting Lisbon cũng không muốn gây khó dễ cho những người muốn ra đi. Bruno là 1 trong số đó.
Nhưng đầu tháng Bảy, Bruno đã quyết định trở lại, thậm chí đặt bút kí vào bản hợp đồng mới với Sporting Lisbon đồng thời cam kết sẽ cùng CLB vượt qua khủng hoảng, hướng tới một tương lai xán lạn hơn. Nghĩa cử của Bruno thực sự khiến người Sporting cảm thấy ấm lòng. “Cậu ấy thật sự đặc biệt, không chỉ là ở khía cạnh cầu thủ mà còn là với tư cách một con người” – chủ tịch Sporting Lisbon, Sousa Cintra nói.
Và sau đó, như chúng ta đã biết, là Bruno với thành tích 33 bàn thắng trên mọi đấu trường – kỉ lục ghi bàn một mùa giải đối với một tiền vệ trong lịch sử bóng đá Bồ Đào Nha.
********
Bóng đá Anh là “miền đất hứa” trong tâm trí của Bruno. Từ khi còn trẻ, anh đã luôn nghĩ về việc một ngày nào đó sẽ chơi bóng ở Anh. “Tôi thích tưởng tượng về mình, đang chơi bóng ở Premier League” – Bruno đã từng nói như thế hồi anh khoác áo Novara 8 năm trước. “Với tôi, đấy luôn là giải đấu tuyệt vời nhất, những sân vận động tuyệt vời, những CĐV tuyệt vời”.
Ở tuổi 25, Bruno đã chờ đợi đủ lâu để có cơ hội này, cơ hội được chinh chiến ở Premier League. Cho Man United, một tập thể cũng hệt như Bruno, khát khao vươn tới đỉnh cao vô cùng. Bruno dĩ nhiên thừa hiểu bước xê dịch lớn này, song hành với nó là vô vàn áp lực.
Nhưng những người hiểu Bruno nhất, như Giaretta chẳng hạn, tin rằng, sức ép tại United sẽ trở thành thứ “nhiên liệu” để giúp tiền vệ này chơi thứ bóng đá bùng nổ trên các sân cỏ nước Anh.
“Tôi luôn có niềm tin lớn lao rằng, Bruno sẽ tiến tới cấp độ này, thậm chí sẽ còn hay hơn nữa trong tương lai. Nếu bạn không dám đặt kì vọng lớn vào một cầu thủ như Bruno, thì bạn còn có thể tin vào ai khác nữa”. Sampdoria tố Sporting quỵt tiền vụ chuyển nhượng Fernandes sang MUTheo tiết lộ của Sampdoria, đội bóng này phải nhận được 4 triệu bảng Anh từ Sporting Lisbon trong thương vụ Bruno Fernandes sang MU đầu năm 2020 vừa qua. LƯỢC DỊCH: Bruno Fernandes: Manchester United’s new signing used Post-It Notes to learn Italian and takes a 90-minute nap after lunch every day… and can play a bit too (The Athletic)