Bruno Fernandes: Kỉ lục gia ghi bàn ở Lisbon và bước xê dịch tới United (p1)

Tác giả August - Thứ Sáu 31/01/2020 09:50(GMT+7)

Bóng đá Anh là “miền đất hứa” trong tâm trí của Bruno Fernandes. Từ khi còn trẻ, anh đã luôn nghĩ về việc một ngày nào đó sẽ chơi bóng ở Anh. “Tôi thích tưởng tượng về mình, đang chơi bóng ở Premier League” – Bruno đã từng nói như thế hồi anh khoác áo Novara 8 năm trước. “Với tôi, đấy luôn là giải đấu tuyệt vời nhất, những sân vận động tuyệt vời, những CĐV tuyệt vời”.

Bruno Fernandes từ lâu đã là “cục cưng” của các mẩu tin đồn mỗi mùa chuyển nhượng, đủ để chúng ta những CĐV bóng đá bình thường buộc phải để ý đến anh, hoặc giả bằng cách nào đó, vô tình hay hữu ý, bị ấn tượng bởi những khoảnh khắc sân cỏ tuyệt vời từ chàng trai này. Dù có thể, tất cả chỉ là qua internet, từ những clip ngắn được chia sẻ trên mạng xã hội hay video tổng hợp YouTube.

Bạn sẽ thấy một Bruno với những pha chạm bóng tinh tế, những tình huống qua người thanh thoát, các cú dứt điểm ở nhiều góc độ khác nhau, không ít trong số đó nằm ngoài trí tưởng tượng của một người bình thường. Một tiền vệ từng ghi tới 33 bàn thắng chỉ trong 1 mùa giải (2018/19) làm sao có thể thoát khỏi sự chú ý của các tay Media lão luyện cơ chứ?
Tất nhiên, đa số các clip hay những video tổng hợp chỉ có thể làm nổi bật lên sự quyến rũ trên sân cỏ của Bruno, chàng tiền vệ đã khiến Man United phải chi tới 55 triệu euro (chưa kể các khoản bonus) để đưa anh về Old Trafford. Có rất nhiều điều về Bruno, cuộc đời của anh, hành trình bóng đá của anh, những câu chuyện ẩn sau những điệu vũ mê hoặc trên sân bóng, mà chúng ta chưa hề biết tới.
Nói chuyện với những người gắn bó và hiểu rõ Bruno, vì thế, là cách tốt nhất để chạm tới gần hơn chàng trai này. “Đấy là một chàng trai giàu khao khát, vô cùng nghiêm túc với nghề, luôn thúc đẩy bản thân tiến lên phía trước. Bruno luôn muốn và sẵn sàng làm tất cả để trở thành người giỏi nhất” – Cristiano Giaretta, người đã đưa Bruno từ Học viện bóng đá trẻ Boavista sang CLB Serie B Italia – Novara năm 2012 cho biết. 
Cách Bruno đặt những bước chân đầu tiên của mình trên hành trình bóng đá chuyên nghiệp quả thực không giống anh. Là một Bruno 17 tuổi, từ biệt gia đình, chia tay bạn gái rời quê nhà Bồ Đào Nha để thử vận may ở Italia. Là một Bruno sẵn sàng lắng nghe mọi lời chỉ trích và coi nó là động lực để tiến bước. Là một Bruno ngay khi trở về nhà sau 1 trận đấu là xem… lại chính trận đấu đó, để nghiền ngẫm màn trình diễn của bản thân. Dù đó có thể là 3 giờ sáng. Dù đó có thể là một trận đấu tệ hại của anh. 

“Giống như một tay đấm siêu hạng, Bruno có biệt tài phát hiện điểm yếu của đối thủ để từ đó tung đòn quyết định. Với tôi, Bruno-trên-sân-cỏ là một “kẻ tàn nhẫn”
– Giaretta. “Trong thời đại mà những thông số kiểu như tỉ lệ chuyền chính xác được đề cao thái quá, chúng ta thường đánh đồng những quyết định xử lý tốt với quyết định đề cao sự an toàn. Nhưng Bruno là một kiểu cầu thủ hoàn toàn khác, ưa thích sự mạo hiểm”.
“Khi nói về Bruno, thứ khiến tôi ấn tượng nhất chính là trí thông minh của chàng trai này” – Francesco Guidolin, HLV của Bruno giai đoạn anh khoác áo Udinese (2013-2016) cho biết. “Thực sự rất thông minh, trên sân bóng và cả ngoài đời nữa. Giaretta thậm chí còn nói về “sự thông minh” của Bruno theo cách mạnh mẽ hơn: “Tôi đã làm việc công việc này (giám đốc thể thao) hơn 15 năm và thành thực nhé, tôi chưa từng gặp một tay nào có trí tuệ sắc sảo như Bruno. Không 1 ai cả”.
********
Bruno sinh ra và lớn lên ở Maia, cách trung tâm Porto khoảng 11m về phía Bắc. Kỹ năng bóng đá của Bruno, như đa số các cậu bé Bồ Đào Nha, được mài giũa qua những trận bóng đường phố. Nhưng Bruno có một lợi thế đặc biệt. Anh trai Ricardo, hơn cậu 6 tuổi, cũng là một chân đá bóng rất cừ. Chính Ricardo là người thầy đầu tiên của Bruno. “Nó luôn là thằng bé nhất trên sân. Nhưng nó biết bù đắp sự bất lợi về thể hình bằng lòng dũng cảm”, Ricardo kể về Bruno trong bài phỏng vấn với tờ Dario de Noticias. “Bruno đơn giản là chẳng biết sợ gì cả. Nó cứ vào sân, chơi bóng và chiến đấu, coi đối thủ như như những hình nộm trong vườn nhà thôi. Trước đã thế, giờ vẫn vậy. Không bao giờ sợ hãi”.
7 tuổi, Bruno đăng ký học bóng đá ở CLB địa phương FC Infesta. Màn trình diễn của Bruno ở giải trẻ khu vực vài tháng sau đó khiến chú nhóc lọt vào mắt xanh của các tuyển trạch viên của 2 lò Porto và Boavista. Porto tự tin vào tầm vóc của họ nhưng Boavista mới là phía dành chiến thắng. Cha mẹ Bruno đều bận bịu công việc nên không thể cứ đi-về cùng con trai mình từ nhà tới trung tâm huấn luyện nên lời cam kết của Boavista - xe bus đưa đón cậu nhóc mỗi ngày – đã đánh đúng tâm lý của nhà Fernandes.
Bruno trải qua 8 năm ăn tập tại Học viện Boavista, phát triển tốt ở vị trí tiền vệ công dù nhiều lúc cậu cũng được thử nghiệm cho vai trò trung vệ kiến-tạo-lối-chơi. Khi Bruno thăng tiến qua các tuyến trẻ, chuẩn bị bước vào tuổi trường thành để lên đội một, Boavista hiểu rằng họ đang giữ trong tay một viên ngọc quý.
“Cậu bé này có thể rê bóng… qua cả Thế giới” – Remulo Marques, cựu Phó chủ tịch CLB Boavista đã nói như thế với tờ MaisFutebol năm 2017. “Đầy tính chiến đấu và là một thủ lĩnh đích thực trên sân cỏ. Thứ duy nhất mà Bruno cần phải cải thiện hồi ấy là kĩ năng dứt điểm”.
Trở lại với bước xê dịch lớn đầu tiên của Bruno, hồi năm 2012, rời học viện Boavista tới Novara. Về cơ bản, Novara được coi là một “trạm chung chuyển” các tài năng trẻ ngoài biên giới Italia tới các CLB hàng đầu Serie A. Vụ chuyển nhượng Bruno xuất phát từ một cuộc gọi của đại diện tiền vệ này cho Giaretta, khi đó đang đảm nhiệm chức Giám đốc thể thao của Novara. 

“Anh ấy nói với tôi rằng, Boavista đang sở hữu một thằng nhóc rất được, hứa hẹn vô cùng. Thế nên, tôi cũng thử một chuyến xem thế nào” – Giaretta hồi tưởng lại. “Quả thật, Bruno gây ấn tượng mạnh ngay từ khoảnh khắc đầu tiên. Kĩ thuật chạm bóng, giữ bóng, đi bóng và chuyền bóng tuyệt vời. Đặc biệt giỏi trong các tình huống một đối một. Kĩ năng ra quyết định cũng rất sắc bén”.
“Nhưng quả thật tôi có chút lăn tăn. Vóc dáng mảnh khảnh của thằng bé lúc ấy là một điểm trừ. Nhưng điều quan trọng là Bruno tạo ra một cảm giác hoàn toàn khác biệt so với những cầu thủ cùng trang lứa. Tôi thấy một cá tính bóng đá không lẫn vào đâu được ở thằng bé. Mọi đường lên bóng của đội đều qua chân nó. Một ông chủ thực sự” – Giaretta.
Sau buổi xem giò ấy, Giaretta trở lại Italia và nói với chủ tịch Novara – ông Carlo Accornero rằng mình vừa phát hiện được “một tiểu Rui Costa” tại Boavista. Đấy là sự ví von mà Giaretta vẫn giữ cho tới tận ngày này. “Cả hai đều là những mẫu tiền vệ sáng tạo nhưng cùng sở hữu bản năng của sát thủ. Giống như Rui Costa, Bruno sút xa rất cừ. Giữa họ có khá nhiều điểm tương đồng”.
Mức phí 40 nghìn euro được Novara và Boavista chốt hạ. Bruno thu xếp hành lý bắt đầu chuyến xê dịch tới Italia. Dù thực sự lo lắng khi con trai xuất ngoại ở độ tuổi quá trẻ nhưng cha mẹ của Bruno hoàn toàn ủng hộ quyết định của anh. 
Những tuần đầu tiên của Bruno tại Novara, dĩ nhiên, không hề dễ dàng. Bruno giao tiếp cơ bản được bằng tiếng Anh nhưng điều đó không giúp ích gì nhiều cho chàng trai trẻ này ở Italia. Cô độc và nhớ nhà, Bruno thậm chí đã tính đến chuyện từ bỏ tất cả để hồi hương. Nhưng cha mẹ Bruno đã giúp cậu bình tâm bằng những cuộc điện thoại mỗ tuần và khi bạn gái của Bruno – cũng chính là vợ anh hiện tại – quyết định tới Novara, Bruno đơn giản là không còn lý do gì để từ bỏ nữa. 
Ngoài việc chuyên tâm tập luyện, Bruno dành hầu như toàn bộ thời gian ngoài bóng đá cho việc học tiếng Italia. “Những mấu giấy nhỏ, với từ vựng tiếng Italia xuất hiện ở khắp nơi, trong căn hộ nhỏ của Bruno” – Giaretta nhớ lại. “Tavolo” – bàn – được gắn trên bàn. “Sedia” – ghế được đính ở ghế, rồi “frigo” – trên cánh cửa tủ lạnh. Thằng nhóc này đúng là rất thông minh. Với cách học từ vựng sáng tạo như vậy, sau 1 tháng, nó đã có thể giao tiếp cơ bản bằng tiếng bản địa. Ngay từ hồi 17-18 tuổi, Bruno đã chuyên tâm và mạnh mẽ hơn người rồi”.

LƯỢC DỊCH: Bruno Fernandes: Manchester United’s new signing used Post-It Notes to learn Italian and takes a 90-minute nap after lunch every day… and can play a bit too (The Athletic)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Rodri: “Quả bóng Vàng không làm thay đổi con người tôi”

Gặp chấn thương phải nghỉ thi đấu dài hạn, Rodri, chủ nhân của Quả bóng Vàng 2024, đã mời tạp chí France Football đến nhà riêng ở Madrid để chia sẻ những cảm xúc của anh về buổi lễ trao giải Ballon d’Or, những lời khen mà anh nhận được và về giải thưởng mà một cá nhân chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự hiếm hoi lắm mới nhận được.

Philipp Lahm: Từ phút ngắn ngủi tại Olympiastadion đến huyền thoại bóng đá Đức

Là cựu đội trưởng của cả Bayern Munich và đội tuyển Đức, Philipp Lahm có thể nói đã có một sự nghiệp thi đấu vô cùng thành công. Trong bài viết này, chúng ta sẽ được trở về với những kỷ niệm để tôn vinh nhà vô địch Champions League, World Cup và đã tham gia sâu vào kế hoạch tổ chức UEFA Euro 2024 của Đức.

Liệu Liverpool đã sẵn sàng để buông tay với Mohamed Salah?

Trong chưa đầy 2 tháng nữa, Mohamed Salah sẽ có quyền ký vào một thoả thuận trước hợp đồng với một đội bóng nước ngoài. Và giờ là lúc chúng ta đặt ra câu hỏi: Liệu Liverpool đã sẵn sàng để chia tay vị "Vua Ai Cập" của họ hay chưa?

Luis Diaz và một đêm huyền ảo của Liverpool tại thánh địa Anfield

Trận đấu khép lại, Luis Diaz rời sân Anfield với danh hiệu "Cầu thủ xuất sắc nhất trận" và ôm quả bóng Champions League sau khi đã lập một cú hattrick vào lưới Bayer Leverkusen. Và vẫn như thường lệ, trên quả bóng ấy lại có đầy đủ chữ ký của đồng đội để giúp Diaz lưu giữ lại chút kỷ niệm về một đêm huyền ảo của mình tại Anfield.