Brighton dưới thời Zerbi: Thích nghi để áp đảo

Tác giả Bảo Nguyễn - Thứ Bảy 04/02/2023 15:19(GMT+7)

Dù mất đi thuyền trưởng Graham Potter cùng dàn nhân sự chủ chốt, đội bóng chủ sân The Amex vẫn thể hiện lối chơi đầy khó chịu và sắm vai hiện tượng của mùa giải năm nay. 

 

Việc bán đi những gương mặt tên tuổi từng giúp Brighton để lại dấu vào mùa giải năm trước như Neal Maupay, Marc Cucurella, Yves Bissouma hay mới đây là Leandro Trossard đã khiến nhiều CĐV của “Chim mòng biển” lo ngại về màn trình diễn của đội bóng con cưng, nhất là trong bối cảnh hàng loạt đội bóng tại Ngoại hạng Anh mạnh tay mua sắm nhằm có được một vị trí cao trong mùa giải được dự báo vô cùng khốc liệt. Tưởng chừng như sự ra đi của HLV Graham Potter hồi tháng 9 giữa lúc CLB thuộc phía Nam nước Anh đang lối chơi đầy khoa học sẽ khiến toàn bộ hệ thống của Brighton gặp vấn đề, tuy vậy, người kế nhiệm Potter là Roberto De Zerbi đã làm quá tốt phần việc của mình khi tiếp tục giúp “Chim mòng biển” sắm vai ngựa ô.

Đối với nhiều CLB, việc chuyển giao HLV trưởng ngay giữa mùa sẽ gây ra rất nhiều bất cập, thậm chí có thể làm ảnh hưởng đến lối chơi đang vào guồng của một tập thể. Tuy nhiên, với vị trí thứ 6 trên BXH Ngoại hạng Anh trước vòng 22 cùng việc lọt vào vòng 5 FA Cup đã chứng minh cho việc Brighton không hề gặp chút khó khăn để thích nghi với lối chơi dưới thời HLV De Zerbi. 

Với những CĐV đã theo dõi Brighton lâu năm, thành công của “Chim mòng biển” là điều hoàn toàn dễ hiểu khi giới thượng tầng của đội bóng này luôn đưa ra các quyết định hợp lý và loại bỏ yếu tố cảm tính. Đơn cử như hồi mới bổ nhiệm Graham Potter, Brighton đã mạnh dạn sa thải Chris Hughton vì muốn đội bóng có một lối chơi rõ ràng và đặc sắc hơn. Việc tin tưởng vào nhà cầm quân người Anh là một lời tuyên bố đanh thép của giới chủ rằng họ xem trọng màn trình diễn của các cầu thủ trên sân hơn là kết quả. 

Potter là mẫu HLV có sự linh hoạt trong chiến thuật khi chú trọng việc khai thác hết tiềm năng của cầu thủ để bố trí họ đảm nhận nhiều vị trí khác nhau trên sân. Ngoài ra, ông cũng ưa chuộng sơ đồ 3 trung vệ và thực hiện chính sách chiêu mộ những cầu thủ mang nhiều giá trị cho đội bóng, thay vì chỉ để thi đấu trong một sơ đồ nhất định. Khi Potter rời sân The Amex để đến Chelsea, những người đứng đầu Brighton đã không hề tỏ ra vội vàng trong quyết định bổ nhiệm De Zerbi. Trên thực tế, Brighton đã theo dõi chiến lược gia người Ý ngay từ thời điểm ông còn dẫn dắt Sassuolo tại Serie A.

“Thành tựu đưa Sassuolo cán đích ở nửa trên BXH Serie A của De Zerbi khiến chúng tôi cảm thấy ấn tượng. Chủ tịch của chúng tôi luôn dõi theo những HLV tiềm năng trên khắp thế giới nhằm đáp ứng chiến lược lâu dài của đội. Khi Potter rời đi, De Zerbi là ứng cử viên thay thế số một và Brighton cũng chỉ trao đổi duy nhất với mỗi anh ấy”, Paul Barber - CEO của Brighton tiết lộ. “Chúng tôi tin rằng De Zerbi là người phù hợp để tiếp tục dự án mà CLB đang triển khai và đủ khả năng phát triển nhóm cầu thủ tài năng mà chúng tôi đang sở hữu”.

Tương tự Potter, HLV 43 tuổi người Ý sở hữu phong cách bóng đá riêng và tận dụng nền móng mà người tiền nhiệm để lại để cải thiện lối đá của Brighton mà không cần bạo chi trên TTCN. Ở thời gian đầu nắm quyền, De Zerbi vẫn áp dụng sơ đồ 3 hậu vệ nhưng sau đó nhanh chóng chuyển sang khối 4-2-3-1 ưa thích và kể từ đó biến Brighton trở thành một trong những đội thi đấu vào phom nhất của Ngoại hạng Anh. Trong tổng số 12 trận dưới thời HLV mới, “Chim mòng biển” giành 8 chiến thắng và chỉ phải nhận 2 trận thua, ghi 32 bàn với hiệu suất 2.6 bàn mỗi trận và thể hiện lối chơi kiểm soát hơn so với thời Potter. Cụ thể, Brighton sở hữu quyền kiểm soát bóng lên đến 60% và thực hiện nhiều hơn 10 đường chuyền vào khu vực 16m50 của đối thủ mỗi trận so với thời Potter. Một trong số cầu thủ hưởng lợi từ sự thay đổi này chính là Alexis Mac Allister. Với lối đá kiểm soát, số 10 của Brighton đóng vai trò là hạt nhân trong các đường tấn công của đội chủ sân The Amex. 

Các điểm chạm bóng của Mac Allister dưới thời De Zerbi và Potter.

Dưới thời Potter, Brighton chủ yếu triển khai tấn công thông qua các hậu vệ cánh. Tuy vậy, sự chuyển đổi trong hệ thống của De Zerbi đã khiến “Chim mòng biển” trở nên lợi hại hơn trước khung thành đối phương. Brighton thông thường sẽ tấn công với dàn 4 cầu thủ ở tuyến trên và được bọc lót bởi 2 tiền vệ box-to-box. Hiệu quả ở cách bố trí trên là rõ rệt ở phương diện ngăn cản các đường build-up từ trung vệ đối thủ lên tuyến trên và đảm bảo quân số khi tấn công. Dưới thời Potter, bộ tứ tấn công trên bao gồm 1 tiền đạo cắm thuần túy cùng 3 tiền vệ phía sau. Tuy vậy, De Zerbi đã thay thế 3 tiền vệ bằng 3 cầu thủ thuần về tấn công. Xét về chỉ số kiểm soát bóng trong 1/3 sân đối thủ ở mùa giải này, Brighton của De Zerbi trở thành một ẩn số thú vị khi xếp thứ 3 tại hạng mục trên.

 

Các cầu thủ chạy biên đóng vai trò then chốt trong sơ đồ của Potter.

 

Bộ tứ tuyến trên gồm Kaoru Mitoma, Evan Ferguson, Adam Lallana cùng Solly March được hỗ trợ bởi Moises Caicedo và Mac Allister ở phía sau, theo sự bố trí của De Zerbi.

 

Trong chiến thắng 3-0 trước Liverpool tại vòng 20, sau khi đoạt quyền kiểm soát ở phần sân Liverpool từ tình huống pressing, Mitoma cùng March đều tiếp cận tới vùng cấm đối thủ. Nếu như ở thời Potter, cả hai cầu thủ trên sẽ được yêu cầu bám biên và chắc chắn sẽ không đứng ở vị trí có thể triển khai đợt tấn công dẫn đến bàn thắng mở tỷ số trong trận đấu này. 

Nhìn chung, mọi cầu thủ hoạt động ở 1/3 sân đối phương của Brighton đều hưởng lợi từ triết lý của De Zerbi. Nếu như mùa trước Solly March không có nổi bàn thắng nào thì ở mùa giải hiện tại, cầu thủ người Anh đã bỏ túi 4 bàn trong 5 trận gần nhất và có 2 kiến tạo. Đặc biệt, Mitoma chính là cầu thủ gây bất ngờ nhất cho các CĐV khi trở thành niềm cảm hứng mới cho hàng công “Chim mòng biển”. Tiền đạo người Nhật đạt chỉ số bàn thắng kỳ vọng (xG) 0.20 mỗi 90 phút và chỉ xếp sau Trossard với 0.30 xG. 

Việc để Brighton chơi bóng một cách chủ động và trực diện là bước đi liều lĩnh của De Zerbi, nhưng đồng thời đã mang về những thành tựu đầu tiên với việc “Chim mòng biển” đang xếp ở vị trí đủ điều kiện tham dự cup châu Âu mùa sau. Một tín hiệu đáng lạc quan nữa cho các fan của đội bóng áo xanh trắng chính là việc Brighton không dựa dẫm vào bất kỳ cá nhân nào. Còn nhớ khi Mac Allister được cho nghỉ phép sau chức vô địch World Cup, Pascal Grob đã thể hiện tốt khi trám vào vị trí của tiền vệ người Argentina và chơi bên cạnh “mỏ neo” Moises Caicedo. Trên hàng công, ngoài Danny Welbeck, ông De Zerbi luôn có những sự thay thế mang tính ổn định như Adam Lallana hay Evan Ferguson.

Mới đây, dù đứng trước nguy cơ mất Caicedo vào tay các đội bóng lớn, nhà cầm quân người Ý vẫn một mực khẳng định hệ thống của Brighton vẫn không gặp vấn đề gì nếu tiền vệ người Ecuador ra đi. Lời nói đó đã chứng minh cho sự tin tưởng của ông vào triết lý của mình cũng như đối với toàn bộ các cầu thủ.

Giờ đây, Brighton luôn sẵn sàng thi đầu sòng phẳng với bất kỳ đội bóng nào, thậm chí là với các đội trong nhóm Big Six. Nếu giữ được phong độ như đã thể hiện trong nửa đầu mùa giải, một tấm vé tham dự cup châu Âu mùa tới có lẽ là điều không quá xa vời với các CĐV đội chủ sân The Amex.

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.