Gửi Hatem Ben Arfa: Đã đến lúc chơi “Super Mario” một cách nghiêm túc

Tác giả Hàn Phi - Thứ Ba 07/03/2017 18:05(GMT+7)

“Tôi đã đánh mất sạch uy tín của mình. Giờ thì giống như trò chơi Super Mario vậy, tôi chỉ còn duy nhất một mạng thôi.”
Gửi Hatem Ben Arfa: Đã đến lúc chơi “Super Mario” một cách nghiêm túc
Đó là lời quyết tâm đanh thép của Ben Arfa ít ngày sau khi chuyển đến Hull City theo dạng cho mượn vào tháng 9/2014. Thế nhưng chỉ sau 9 trận đấu cho The Tigers, anh đã chạy trốn khỏi nước Anh, để lại ngôi nhà với đồ đạc còn nguyên trạng và chiếc tủ lạnh chứa đầy thực phẩm thối rữa.
 
Câu chuyện trong vỏn vẹn 4 tháng của Ben Arfa tại Hull City thực sự có thể coi là một bản tóm lược cho sự nghiệp đầy thăng trầm và nhiều biến cố của cầu thủ từng được coi là thần đồng nước Pháp này. Sự nghiệp của Ben Arfa từ khi mới là cậu bé 12 tuổi nổi tiếng khắp đất nước hình lục lăng, cho đến sinh nhật lần thứ 30 trong lặng lẽ và bặt vô âm tín ngày hôm nay, giống như một chiếc tàu lượn siêu tốc. Có những lúc đi lên rất cao nhưng rồi bất chợt rơi xuống, để rồi ở những lần lên đỉnh sau đó, người ta lại mường tượng ra cảnh lao thẳng xuống mặt đất.
 
Hatem Ben Arfa chỉ thi đấu 9 trận cho Hull City và lần cuối cùng chính là chuyến làm khách tại Old Trafford, nơi anh đã bị thay ra khỏi sân chỉ sau 35 phút thi đấu. Là một cựu đội trưởng đáng kính tại Man United ngày nào, HLV Steve Bruce dẫn dắt các học trò đến Old Trafford với niềm tự hào, bên cạnh trận đấu thứ 700 với riêng cá nhân ông ở sự nghiệp cầm quân. Sau một mùa giải đầy ắp thành công với việc lọt tới trận chung kết FA Cup tháng 5/2014, Hull City đã đầu tư rất nhiều tiền bạc để chiêu mộ những ngôi sao lớn, nhưng sau khi rời Old Trafford với ba bàn thua không gỡ, Hull City rơi xuống vị trí 17. Với riêng cá nhân Ben Arfa, có thể anh không quan tâm, nhưng đó là cơ hội cuối cùng của anh để níu giữ sự nghiệp ở Hull City.
Hatem Ben Arfa và HLV Steve Bruce
Sau khoảng nửa tiếng đồng hồ bóng lăn, Hull City mới chỉ để thua một bàn, nhưng Steve Bruce đã nhẫn nhịn quá đủ với Ben Arfa. Một nguồn tin từ phòng thay đồ còn tiết lộ với báo giới rằng ông đã yêu cầu đội ngũ thống kê của mình phải gửi số liệu cho ông ngay lập tức về quãng đường di chuyển của các cầu thủ Hull City kể từ đầu trận. Mối nghi ngờ của Steve Bruce hoàn toàn có cơ sở khi ông biết rằng ngay cả thủ môn Allan McGregor cũng di chuyển nhiều hơn Ben Arfa cho dù đã 35 phút trôi qua. Ngay lập tức, Ben Arfa bị thay thế. Ngay đầu tuần sau đó, một cuộc họp được lãnh đạo đội bóng tổ chức, để rồi đưa ra quyết định rằng họ không còn cần đến sự phục vụ của Ben Arfa. Bình thản đón nhận thông tin này, tiền vệ sinh năm 1987 ngay lập tức trở về quê nhà tại Paris, tìm kiếm một bác sĩ thể lực riêng và thông báo rằng anh sẽ không bao giờ thi đấu cho Hull City một lần nữa. “Tôi chưa bao giờ thất vọng như thế. Ở bất cứ đội bóng nào, tinh thần tập thể luôn phải được đặt lên hàng đầu. Tôi hy vọng Ben Arfa có thể hiểu những lời tôi nói bởi cậu ấy thực sự có tài năng. Nhưng tài năng mà không đi kèm với tập luyện chăm chỉ sẽ chẳng có ý nghĩa gì cả. Để trở thành một cầu thủ lớn, bạn cần phải trở thành một đồng đội tốt trước đã,” HLV Steve Bruce than phiền về cậu học trò mà khi ký hợp đồng, ông đã hiểu rằng mình phải chơi một canh bạc, giống như sự mạo hiểm như đi trên một chiếc tàu lượn siêu tốc.
 
Đó là buổi tối ngày 1/9, thời điểm thị trường chuyển nhượng mùa hè chỉ còn vài tiếng nữa là đóng cửa. Màn đêm đã buông xuống từ lâu trên khách sạn Grand York, nơi Ben Arfa hối hả sải bước đến sảnh trong nỗi buồn man mác. Đáng nhẽ khi đó anh phải xuất hiện ở Hull, nhưng khi đang trên đường đi từ Newcastle, anh buộc phải rẽ vào thị trấn York. Đồng hồ dần điểm đến 11 giờ, và Ben Arfa phải nhanh chóng gửi đi một bản giấy tờ đến Hull City, khiến hợp đồng cho mượn đến Hull của anh không bị đổ bể vì quá giờ. Cùng với cố vấn Michel Ouazine, Ben Arfa rảo bước trong khách sạn, đến bên quầy lễ tân để hỏi rằng liệu anh có thể sử dụng chiếc máy fax của họ. Ben Arfa đã gọi điện đến cho thư ký của Hull, Matt Wild, để nhờ ông giải thích cho chàng lễ tân những thủ tục cần thiết. Một bản hợp đồng theo chuẩn Premier League được gửi tới khách sạn đó từ Hull, và Ben Arfa nhanh chóng ký vào, nhờ lễ tân scan và gửi lại rất chóng vánh. Ben Arfa nói cảm ơn rồi trở ra chiếc xe BMW khá lôi thôi của mình và tiếp tục hành trình đến Hull. Anh đã gặp may mắn vì chàng lễ tân ấy lại là một fan trung thành của Sunderland. “Bất cứ ai rời khỏi Newcastle đều là tin mừng với tôi,” chàng ta đã nói vậy.
 
HLV Steve Bruce đã nghĩ rằng kỳ chuyển nhượng mùa hè của ông đã chấm dứt sau khi Hull City chiêu mộ Mohamed Diame, Abel Hernandez và Gaston Ramirez trong ngày. Cộng thêm 6 cái tên đã chiêu mộ trong suốt 2 tháng trước đó, đội hình của The Tigers lúc này có vẻ như đã khá chật chội. Bruce đã nhắm đến Ben Arfa từ trước, nhưng chỉ đến khi được tin từ một lãnh đạo đội bóng, rằng các thỏa thuận với Ben Arfa đã được hoàn tất vào lúc 8h tối, ông mới hiểu rằng kỳ chuyển nhượng với Hull City chưa chấm dứt. Trong một ngày mà bóng đá Anh đạt được cột mốc chuyển nhượng mới, với việc Man United ký hợp đồng với Radamel Falcao, Danny Welbeck cập bến Arsenal còn Southampton cũng hoàn tất hai chữ ký quan trọng là Toby Alderweireld và Sadio Mane, giới thạo tin cũng đổ dồn đến trị trấn Hull để chờ đón sự xuất hiện của Ben Arfa. Cả trăm cổ động viên đội bóng đã tụ tập bên ngoài khu tập luyện của đội tại Cottingham và hò reo với những gương mặt mới. Hull thông báo bản hợp đồng với Hernandez vào lúc 15h49, với Diame lúc 18h51 và Ramirez lúc 22h22. Các cổ động viên vẫn nán lại để chờ cái tên sáng giá nhất, nhưng 23h đêm, Ben Arfa vẫn mất tích.
Hatem Ben Arfa vs Fellaini
Phía Hull City chắc chắn rằng Ben Arfa đã tìm đúng đường đến Cottingham, nhưng lại rẽ nhầm ở một trạm đổ xăng gần đó. Một nhân viên đội bóng sống ngay đấy đã đi bộ để tìm dấu vết của Ben Arfa và may mắn là ông đã tìm được nhờ vào một thứ ánh sáng kỳ dị phát ra từ chiếc xe của cầu thủ này. Số là Ben Arfa đã mời một nhà làm phim người Pháp, Bruno Sevaistre, đi theo anh trên đường đến Hull để quay bộ phim tài liệu về cuộc đời của anh. Chính ánh sáng từ chiếc camera của Sevaistre đã giúp chiếc xe của Ben Arfa trở nên nổi bật. Phải đến 23h30, Ben Arfa mới cập bến cánh cổng đội bóng, những phóng viên và người hâm mộ vẫn chưa ai rời đi. Phấn khích như một đứa trẻ, Ben Arfa nhoài người ra khỏi cửa kính xe để vẫy chào và bắt tay người hâm mộ. Mọi chuyện chỉ xong xuôi vào lúc 0h40, khi Hull chính thức đưa ra thông báo trên trang chủ CLB. “Sự chào đón của các CĐV Hull City thật không thể tưởng tượng nổi. Tôi rất ngạc nhiên vì vẫn có rất đông người hâm mộ hiện diện để chào đón tôi vào lúc nửa đêm như thế. Tôi gần như đã khóc,” Ben Arfa tâm sự.
 
Trong sự nghiệp cầu thủ của mình, Steve Bruce từng được chứng kiến một cầu thủ người Pháp ngay lập tức tạo ra ảnh hưởng mạnh mẽ lên đội bóng mới, đó là khi Man United ký hợp đồng với Eric Cantona tháng 11/1992. Nhưng ông hiểu rằng mình vẫn phải chơi một canh bạc với Ben Arfa. Là con trai của một tuyển thủ bóng đá người Tunisia, Kamel Ben Arfa, Hatem bắt đầu sự nghiệp chơi bóng từ khá sớm, khi mới lên 7, ở ngoại ô thành phố Paris. Tài năng đã được bộc lộ trong anh từ rất sớm, để rồi đến năm 12 tuổi, anh được Liên đoàn bóng đá Pháp ký hợp đồng và cho gia nhập lò Clairefontaine, nơi đã sản sinh ra những Nicolas Anelka, William Gallas hay Thierry Henry. Sức hút của Clairefontaine ngày càng lan rộng sau khi Pháp giành chức vô địch thế giới năm 1998. Một series phim tài liệu về học viện bóng đá quốc gia này được thực hiện và Hatem Ben Arfa, trong vai của một cậu bé 12 tuổi ăn tập cùng những người đàn anh lớn hơn mình ít nhất 1 tuổi, là nhân vật chính. Với khuôn mặt toát lên vẻ thông minh và cái chân trái tài năng, Ben Arfa được kỳ vọng sẽ trở thành một biểu tượng mới của bóng đá Pháp. Ấy thế mà ngay trong bộ phim đó, người hâm mộ đã bắt gặp những cảnh tượng mà Ben Arfa lời qua tiếng lại với người đàn anh Abou Diaby, mà nếu không có các đồng đội can ngăn, ẩu đả có thể đã diễn ra.
 
Người hâm mộ đã chứng kiến rất nhiều trường hợp các tài năng sớm nở, chóng tàn. Nhưng bông hoa mang tên Hatem Ben Arfa lại là một ngoại lệ với việc lặp lại chu kỳ nở rồi tàn ấy quá nhiều lần. Từng là vua phá lưới giúp U17 Pháp vô địch châu Âu năm 2014, Ben Arfa được đánh giá cao hơn cả Samir Nasri, Jeremy Menez và người bạn thân tại Lyon, Karim Benzema ở thời điểm đó. Anh cũng ra mắt đội 1 Lyon cùng thời điểm với Benzema, dần dần chiếm lấy vị trí chính thức, cho đến mùa giải 2007/08, sau sự ra đi của Silvain Wiltord và Florent Malouda, Ben Arfa độc chiếm cánh trái của Lyon cho riêng anh, để kết thúc mùa giải với danh hiệu cầu thủ trẻ xuất sắc nhất Ligue 1. Nhưng đó cũng là lúc những câu hỏi về thái độ thi đấu của Ben Arfa được dấy lên, bên cạnh đó là những xung đột không đáng có với những đồng đội, bao gồm cả người bạn Benzema cũng như một cầu thủ đáng kính trong đội là Sebastian Squillaci. Ngựa quen đường cũ, chỉ vài tuần sau khi đến Marseille, Ben Arfa tiếp tục gây xích mích với Djibril Cisse. Dù trên sân cỏ, anh vẫn là ngôi sao sáng nhất của đội bóng thành phố cảng và giúp OM đăng quang vào năm 2010, nhưng mâu thuẫn với HLV Didier Deschamps khiến cho đó cũng là mùa giải cuối cùng của anh tại Velodrome.
Ben Arfa trong màu áo Chích Chòe
Rời khỏi nước Pháp, Ben Arfa cập bến Newcastle và lại tiếp tục chu kỳ thăng hoa với những màn khởi đầu đầy ấn tượng cùng Những chú chích chòe. Mùa giải 2011/12 là đỉnh cao đối với Ben Arfa khi anh tạo ra một màn solo ghi bàn từ phần sân nhà qua cả hệ thống phòng ngự của Bolton. Sau đó anh cũng giúp Newcastle giành chiếc vé tham dự Europa League với vị trí thứ 6. Nhưng đó cũng là một lần nữa, sau thành công và vinh quang, Ben Arfa đánh mất chính mình. Anh không còn thiết tha việc tham gia phòng ngự, ngó lơ những chỉ đạo của HLV Alan Pardew và cuối cùng anh bị đẩy tới Hull City theo dạng cho mượn, tiếp tục những chu kỳ nở rồi tàn của mình. 2 tháng đầu của Ben Arfa tại Hull City không đến nỗi tệ, khi các CĐV và cả HLV Steve Bruce đều dành cho anh niềm tin lớn và cả sự động viên, nhưng mọi chuyện đã thay đổi, lần này theo tốc độ chóng mặt hơn.
 
Vào ngày cuối cùng của tháng 10/2014, Ben Arfa mất lái chiếc Mercedes và lao thẳng vào một chiếc Fiat Panda đậu ngay bên đường, chỉ 2 phút sau khi anh rời khỏi nhà để đến sân tập. Cú va chạm mạnh đến nỗi chiếc Fiat văng sang tận vườn của nhà hàng xóm. “Tôi nhìn ra ngoài sân và chiếc Fiat tôi đậu ngay trước cửa đã không cánh mà bay,” người chủ xe, Lynne Gill, cho hay. Ban đầu Ben Arfa bỏ trốn, nhưng sau đó anh đã quay trở lại để gửi thông tin bảo hiểm của mình. Ben Arfa không bị thương trong vụ tai nạn, nhưng mối quan hệ giữa anh và Hull City rạn nứt kể từ đó. Ben Arfa không còn thiết tha thi đấu cho Hull khi đội bóng này càng trôi dần về phía cuối bảng xếp hạng. Như đã nói, anh bị Hull chấm dứt hợp đồng vào ngày đầu tiên của năm 2015. Ba ngày sau, đến lượt đội bóng chủ quản Newcastle sa thải cầu thủ này. “Ben Arfa sẽ không bao giờ trở lại đây,” HLV Alan Pardew dõng dạc tuyên bố.
 
Hatem Ben Arfa đã làm tất cả để lấy lại phong độ một lần nữa, tại Nice. Nhưng mọi thứ lại không suôn sẻ với Ben Arfa khi anh không được phép thi đấu chỉ bởi vì đã xuất hiện trong màu áo U21 Newcastle ở giai đoạn đầu mùa giải. Theo luật của bóng đá Pháp, đó cũng là một giải đấu chính thức và điều đó có nghĩa là Ben Arfa không thể thi đấu cho ba đội bóng trong cùng một mùa giải, sau khi đã chơi cho Newcastle và Hull. Có vẻ như Ben Arfa vẫn chưa muốn từ bỏ, cứ như thể trò chơi Super Mario của anh chưa kết thúc. Anh thuê chuyên gia thể lực riêng để duy trì thể trạng ở mức cao nhất, trong vòng 6 tháng đầu năm 2015. Anh đồng thời cũng tập bóng cùng những người bạn và những đội nghiệp dư để không đánh mất cảm giác bóng. Chứng kiến nỗ lực của Ben Arfa, Nice đã mở rộng vòng tay để chào đón anh thêm một lần nữa. Khác với tất cả những bến đỗ trước đó, Ben Arfa trải qua một mùa giải hoàn hảo cùng Nice. Không chỉ nhận chiếc áo số 9, anh còn được HLV Claude Puel trao toàn bộ niềm tin và đặt cả đội bóng giàu sức trẻ này lên vai của Ben Arfa. “Hatem cũng là mẫu cầu thủ giống như Ibra vậy. Bạn phải xây dựng đội bóng quanh anh ấy,” Claude Puel, nay là HLV của Southampton nhận xét.
Ben Arfa trong màu áo Nice
Ben Arfa kết thúc mùa giải với Nice bằng việc được lọt vào đội hình tiêu biểu, với 17 bàn thắng, đủ các thể loại tuyệt phẩm. Từ tình huống đi bóng lắt léo và dứt điểm sắc lẹm vào lưới Sainit-Etienne, cho đến pha làm bàn mang phong cách Arjen Robben trước Ajaccio và pha bứt tốc thần thánh rồi xé tung mảnh lưới Caen. Mọi pha chạm bóng, rê dắt, chuyền bóng hay dứt điểm của Ben Arfa bỗng hóa thành vàng. Ở tuổi 29, niềm cảm hứng chơi bóng của anh lại sống dậy một lần nữa. Những cú xoay theo kiểu Cruyff, kiểu Zidane, những màn xỏ lỗ kim, trivela hay nổi bật nhất là những pha đi bóng lắt léo đã thành thương hiệu trở lại cùng lúc trên đôi chân ma thuật của Ben Arfa. Tháng 11/2015, anh được gọi trở lại đội tuyển Pháp sau 3 năm vắng bóng. Ngày đầu trở lại Clairefontaine mới mẻ, anh thậm chí còn không nhận ra đường đến nhà vệ sinh.
Phong độ tuyệt vời tại Nice giúp Ben Arfa lần đầu được Barcelona để mắt tới, nhưng cuối cùng anh đã chọn đội bóng quê hương Paris Saint-Germain. Sau khi Ibrahimovic ra đi, đã có nhiều người nghĩ rằng Ben Arfa sẽ trở thành nhân vật trung tâm mới tại đội bóng chủ sân Công viên các hoàng tử. Tuy nhiên khi HLV Unai Emery lên nắm quyền đội bóng, một lần nữa kỷ cương đội bóng và tinh thần tập thể được siết chặt. Ben Arfa được trao cơ hội trong 4 trận đấu đầu tiên và anh đã thi đấu rất tốt, nhưng Emery không mất thêm thời gian để nhận ra sự lười biếng của Ben Arfa trong tập luyện cũng như thi đấu. Lại một lần nữa anh bị bắt gặp khởi động một cách qua loa, chống đối cho trận đấu, một lần nữa anh tiếp tục xích mích với đồng đội, lần này là hậu vệ Aurier, và cũng là một lần nữa chiếc tàu lượn Ben Arfa rơi xuống với tốc độ không thể hãm, bông hoa ấy cũng lại tàn phai. “Cậu đâu phải Messi cơ chứ?” Unai Emery đã nói thẳng với Ben Arfa như vậy.
Hatem Ben Arfa cùng các đồng đội ở PSG
Karim Benzema từng nhận xét về người bạn của mình rằng: “Nếu sự nghiệp của Ben Arfa đi theo đúng hướng, cậu ấy giờ đã có thể thi đấu bên cạnh Messi tại Barca. Về tố chất kỹ thuật, cả hai đều tương đồng, nhưng Ben Arfa lại có những vấn đề riêng.” Bản thân Hatem Ben Arfa cũng nhận thức được thái độ thi đấu tiêu cực của mình và anh từng rất nhiều lần hạ quyết tâm sẽ thay tính đổi nết, nhưng chứng nào vẫn tật nấy. Ở vào ngày sinh nhật lần thứ 30 của Ben Arfa, người hâm mộ vẫn chưa biết tương lai của anh sẽ đi về đâu. Chỉ biết rằng để cứu lấy sự nghiệp của mình, anh cần phải thay đổi hoàn toàn, giống như khi chơi trò Super Mario một cách nghiêm túc mà không lo sợ bị mất mạng vậy.
 
Hàn Phi (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.