“Nymeria, hãy trở về với ta đi. Ta đang đến Winterfell đây. Hãy cùng ta trở về nhà nào.” |
Bastian Schweinsteiger: Khi Sói đầu đàn không còn đơn độc |
Arya Stark cất tiếng nói cùng ánh mắt trìu mến hướng đến người bạn từ thuở nhỏ. Con sói đầu đàn nhìn lại cô bé, rõ ràng nó nhận ra cô chủ nhỏ của mình nhưng sao tình cảm không được mãnh liệt như Arya chờ đợi. Rồi Nymeria quay đầu bước đi và dẫn theo bầy đàn của mình, để lại Arya với vẻ ngỡ ngàng không tin được.
Một phân cảnh ấn tượng của tập 2 bộ phim “Trò chơi vương quyền” ở mùa 7. Đã có rất nhiều fan của loạt phim bàn tán về quyết định của Nymeria, và có hai nhận định nhận được nhiều sự đồng thuận, đó là:
-Con sói ấy đã thay đổi, nó đã tìm được đàn của mình và nó đi theo hướng đi riêng đã chọn.
-Nymeria trở về với bầy đàn là lời nhắc nhở Arya hãy về với gia đình của mình vì sống đơn lẻ không phải là sự lựa chọn khôn ngoan.
***********
Bastian Schweinsteiger bước lên cho loạt đấu súng cân não. Trận tứ kết Euro 2016 đã diễn ra vô cùng căng thẳng và bất phân thắng bại trong 90 phút chính thức và kể cả 30 phút bù giờ. Người thủ lĩnh đã được chọn để chốt sổ cho năm loạt sút đầu tiên, và nếu anh thành công thì Đức sẽ vào bán kết. Để rồi, anh sút lên trời.
Đó không phải là lần đầu tiên Bastian sút hỏng một quả phạt đền trong một trận đấu quan trọng. Còn nhớ chung kết Champions League 2012, chính anh cũng đã thất bại trong loạt đấu súng để rồi Bayern Munich thất bại trận chung kết Châu Âu lần thứ hai trong vòng ba năm. Lần này may mắn là tuyển Đức đã giành được thắng lợi, nhưng lại thêm một lần những ai yêu mến Cỗ xe tăng phải thở dài vì bản lĩnh thực sự của người đội trưởng.
Đã từ lâu, thủ quân tuyển Đức thường được gọi là Sói đầu đàn. Những Lothar Matthaus, Oliver Kahn hay Michael Ballack luôn mang lại một cái uy khiến đối phương phải kiêng dè còn đồng đội phải nể sợ. “Khệnh khạng” trên sân đấu, miệng hét ra lửa, đó là cái chất Đức mà những ai yêu mến màu áo trắng của những năm 80-90 trông đợi. Còn Bastian, đến nhìn đồng đội sút phạt đền mà anh còn quay mặt không dám, thì làm sao mà được như những người đàn anh?
Nhưng có một chi tiết như thế này.
Trong loạt luân lưu với Italia tại vòng tứ kết kỳ Euro ấy các bạn có để ý phía sau khung thành là khán đài khu vực của đội bóng màu thiên thanh không? Các bạn có biết ai chọn không? Đó chính là Schweinsteiger. Khi anh chỉ tay về khán đài của Italia, trọng tài phải hỏi đi hỏi lại hai ba lần, sợ anh chọn sai. Nhưng anh vẫn quả quyết với quyết định của mình. Với bạn như thế có phải là bản lĩnh không?
Đúng là khá khôi hài khi cuối cùng anh lại sút bóng hỏng, nhưng để đưa ra quyết định như thế rõ ràng Bastian phải có sự dũng cảm nhất định. Để rồi chính đối phương là những người đã mắc sai lầm nhiều hơn và đội nhà đã giành được chiến thắng. Chiến thắng ấy không phải do anh mang về mà chính là nhờ vào những người đồng đội, những người mà anh đã hiểu và tin tưởng có thể vượt qua áp lực, và họ đã thành công. Đội trưởng như thế không phải là rất tuyệt vời sao.
****************
Thế hệ tuyển Đức của năm 2006 đã thay đổi toàn bộ bộ mặt của bóng đá Đức. Từ một đội bóng thực dụng, lạnh lùng đến tàn nhẫn. Trở thành đội bóng thăng hoa, và chơi bóng cực kỳ phóng khoáng. Nhưng điều không hề mất đi là cái tính khoa học. Hơn mười năm qua, tuyển Đức đã giành một chiếc cúp vàng và luôn vào tới ít nhất là vòng bán kết của các giải đấu lớn. Đó là cả một thành quả đáng mơ ước của mọi nền bóng đá.
Và sự thay đổi về mặt lối chơi cũng thay đổi về bộ mặt của người thủ lĩnh. Nếu trước kia họ thực dụng và cần sự ổn định bằng tinh thần thép, thế nên họ cần một người đội trưởng có tinh thần “cứng như đá” và là vị tướng của cả đội bóng để mọi người lấy đó làm gương và đi theo. Thì với lối chơi thăng hoa họ cần một người đội trưởng khác đi, một đội trưởng phải biết kết nối với các đồng đội trên sân, bình đẳng để cùng thúc đẩy các cá nhân biết toả sáng. Và đôi khi phải biết lùi một chút, phải biết hoà hợp cùng đồng đội.
Bastian Schweinsteiger là một người như thế. Thời hậu Ballack, vai trò thủ lĩnh của đội bóng thường được chia nhỏ ra: anh một ít, Lahm một ít và Podolski một ít. Những người có kinh nghiệm đi trước thúc đẩy lứa trẻ đi lên, không hề có sự tập trung quyền lực vào một cá nhân nào cụ thể. Chiếc băng trên tay đôi khi trao cho một người vì nó...không thể chia ba mà thôi.
Những nghiên cứu về bầy sói sau này đều cho rằng sói đầu đàn thực ra là...đi cuối cùng, để có thể quan sát và quán xuyến mọi việc trong bầy đàn của mình. Và đôi khi chính việc bước lùi đó, là khiến cho cái bản lĩnh thép kia bị mềm mỏng đi ít nhiều.
Bastian cũng như thế. Khi những cá nhân trẻ như Kroos, Ozil bắt đầu phát triển, anh đã bước lùi lại. Anh trở thành một cỗ máy dọn dẹp tuyến giữa để cung cấp bóng cho hai người đàn em của mình toả sáng. Hãy nhớ rằng, Bastian đã toả sáng rực rỡ như thế nào ở World Cup 2006, khi ở tuổi 22, anh làm khán giả say mê với những quả nã đại bác cháy lưới đối phương. Nhưng về sau, nếu đếm cụ thể thì những cú sút tầm 30 mét của anh đã ít đi rất nhiều.
Chúng ta đôi khi giống như Arya Stark, luôn tưởng rằng Nymeria là con sói của ngày xưa. Chúng ta từng mơ rằng Bastian sẽ là Ballack đệ nhị khi được người đàn anh dìu dắt. Thân hình đậm, máu lửa, và cá tính mạnh. Hai con người ấy có lẽ chỉ khác nhau ở màu tóc. Chúng ta từng mong ước rằng “Bastian hãy trở về đi, hãy giống như hình ảnh của Ballack ngày xưa.” Thế nhưng, cũng giống như Nymeria đi tìm con đường riêng của mình. Bóng đá Đức đã rẽ hướng, thì Bastian cũng bắt buộc phải nương theo ngã rẽ ấy. Và hướng đi của anh ngược lại với cái lối mòn mà chính bản thân Ballack phải gồng gánh trong cả sự nghiệp của mình.
Nhưng cho dù bộ mặt bên ngoài có thay đổi như thế nào thì cũng như cái tính khoa học của nền bóng đá Đức, cái chất thủ lĩnh của người đội trưởng không hề thay đổi. Ngày xưa câu chuyện về Franz Beckenbauer phải treo tay đá bóng tạo cảm hứng như thế nào, thì ngày nay Bastian cũng đã hơn một lần đổ máu vì màu áo anh mang cũng gây dấu ấn đậm nét như thế ấy.
Trở lại với Euro 2016. Anh bị chấn thương suốt cả trận đấu với Italia và một ngày trước khi đá trận bán kết, anh qua nước Anh thăm người yêu Ivanovic với một cái đầu gối bó chặt. Vậy mà anh vẫn ra sân và cống hiến, vẫn vững vàng lãnh đạo đồng đội. Đó chính là cái chất của một thủ lĩnh đích thực, tinh thần hy sinh bản thân vì lợi ích chung là rất mãnh liệt.
Nhưng cũng phải nhắc đến vai trò của những người mà anh lãnh đạo. Làm sao mà Bastian có được sức mạnh lớn lao để đảm nhiệm vai trò nặng nề như thế? Anh không chỉ lãnh đạo một đội bóng mà còn là một trong những người mở đường của cách mạng bóng đá Đức. Một cuộc cách mạng đầy rủi ro vì đã đi ngược lại với truyền thống và lịch sử.
Nymeria trở về với bầy đàn để nhắc nhở về vai trò của số đông, và Bastian cũng vậy, anh đã biết nương vào đội bóng để cùng nhau đi lên. Giống như cách anh tin vào bản lĩnh của đồng đội khi quyết định nơi đấu súng với các cầu thủ Italia. Hay cách anh đã tin tưởng vào sự hợp tác của Lahm và Podolski. Cũng như lòng tin vào tài năng của Kroos và Ozil.
|
Ngày anh chia tay tuyển Đức |
Tập thể Đức của cuộc cách mạng ấy đã phải chịu nhiều điều tiếng khi liên tiếp thất bại và trắng tay ở các giải đấu lớn. Và “bản lĩnh” chính là lý do đưa ra vì sao họ không thể thắng đối phương khi cách ngưỡng cửa thiên đường vài bước chân. Thế nhưng tập thể ấy cũng như Bastian vẫn biết cách bước qua khó khăn để cuối cùng là hưởng niềm vui trọn vẹn với chiếc cúp vàng. Vậy nên sự thành công của Bastian có một phần đến từ niềm tin vào đội bóng của anh, hay chính xác hơn, là gia đình của anh.
Và “gia đình” ấy theo nghĩa rộng hơn không chỉ là trong nội bộ những người từng cùng anh chinh chiến trên sân cỏ. Mà kể cả những fan hâm mộ bị hút hồn bởi cú sút của Philipp Lahm ở ngày mở màn World Cup 2006, những người yêu mến bóng đá Đức vì sự phóng khoáng và cống hiến. Và đối với họ, không cần những lý do cầu kỳ, anh vẫn là người một con Sói đầu đàn vĩ đại, Bastian Schweinsteiger.
PHƯƠNG GP