Barcelona và Leo Messi: Vinh quang lẫn nỗi đau của chuyện tình 20 năm

Tác giả CG - Thứ Năm 20/07/2023 16:03(GMT+7)

Lionel Messi là cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử Barcelona. 20 năm gắn bó với CLB là quãng thời gian hỷ nộ ái ố, nhiều niềm vui nhưng cũng không ít nỗi buồn.

 

1. “Kỷ niệm đầu tiên của tôi với Lionel Messi ư? Đó có lẽ là khi ngồi cạnh cậu ấy trên xe bus đến Trường Trung học Leon XIII ở Barcelona”, Victor Vazquez - tiền vệ đang khoác áo Toronto FC - chia sẻ với The Athletic. Từ năm 13 tuổi, Vazquez là đồng đội của Messi ở lò đào tạo La Masia và họ nhanh chóng trở thành những người bạn thân.

Cầu thủ này chia sẻ thêm: “Tôi nhớ rất rõ, mọi thứ cứ như mới ngày hôm qua, rằng chúng tôi ngồi cạnh nhau và cầm một chiếc máy nghe nhạc Discman. Leo hào hứng kể tôi nghe về cuộc sống ở Argentina và chiếc Discman của cậu ấy toàn những bài nhạc cumbia (thể loại âm nhạc truyền thống của Nam Mỹ). Cậu ấy bật chúng mọi lúc cho tôi nghe và tôi cũng bật nhạc Tây Ban Nha cho cậu ấy”.

Tuy nhiên, trong những ngày đầu gia đình Messi sống ở Tây Ban Nha, căn hộ 120m2 ở Barcelona không phải lúc nào cũng là ngôi nhà tràn ngập tiếng cười. Căn hộ nằm ở đại lộ Gran Via Carlos III, cách sân Camp Nou và La Masia cũ 10 phút đi bộ. Tưởng như đó là nơi hoàn hảo để Messi làm quen với cuộc sống ở CLB nhưng không phải vậy.

 

Lionel Messi ngày ấy thường phải nhốt mình trong phòng, nếm trải những mũi tiêm tăng trưởng hormone mà Barcelona đã trả tiền như một trong những điều kiện để có được chữ ký của anh. Bất cứ khi nào bước chân ra khỏi phòng, Messi đều nhận thấy việc chuyển từ Argentina đến Tây Ban Nha khiến cha mẹ anh khá căng thẳng, đặc biệt là bà Celia (mẹ anh) phải rất chật vật để thích nghi với cuộc sống ở trung tâm thành phố nhộn nhịp cách quê nhà 6000 dặm.

Đã có lúc, ông Jorge phải hỏi con trai mình rằng anh muốn trở về nhà hay không, nhưng cậu bé Messi ngày đó hoàn toàn quyết tâm ở lại Barcelona. Cuối cùng, họ đi đến một giải pháp có lẽ là tốt nhất cho cả gia đình: Ông Jorge ở lại Tây Ban Nha với con trai còn bà Celia trở về Rosario.

Không giống cha mẹ mình, Messi có lối thoát cho những vấn đề. “Từ ngày đầu tiên, cậu ấy đã thể hiện rất tốt trên sân cỏ. Tôi và những cầu thủ khác trong học viện như Gerard Pique hay Cesc Fabregas luôn nói về trình độ xuất chúng của cậu ấy. Chúng tôi không thể tin được cậu ấy giỏi như thế và cả phòng thay đồ đều nhất trí là chúng tôi phải làm mọi thứ có thể để giúp Leo hòa nhập với cuộc sống ở Barcelona”, Victor Vazquez chia sẻ.

Cầu thủ người Tây Ban Nha chia sẻ thêm: “Ban đầu, cậu ấy khá nhút nhát. Cậu ấy hay ngồi một góc phòng thay đồ trước mỗi buổi tập, và sau khi kết thúc buổi tập cậu ấy nhanh chóng tắm rửa rồi đi về nhà. Tất nhiên, điều đó là bình thường với những thay đổi to lớn trong cuộc sống của cậu ấy. Tôi khá thân với Leo. Chúng tôi luôn đồng hành trên xe bus, trên trường, trong buổi tập hay bất cứ nơi đâu và thường nghe nhạc chung. Cứ như thế, Messi dần hòa nhập với đội”.

Và rồi Barcelona đã trở thành nhà của Messi. 

 

2. Tạm gạt những vấn đề của gia đình sang một bên, lúc này Messi cảm thấy Barcelona là nơi tốt nhất để anh theo đuổi ước mơ trở thành siêu sao bóng đá. Anh nhanh chóng thăng tiến qua các lứa trẻ của CLB. Trong mùa giải đầu tiên cho đội U16, cầu thủ người Argentina đã ghi 38 bàn thắng trong 31 trận đấu.

Dần dần, đối đầu với những cậu bé cùng trang lứa không còn là thử thách với Messi. Vì vậy, mùa giải 2003/2004, Barcelona đôn Messi từ đội U16 lên U18. Nhưng anh cũng không ở đó quá lâu. Sau 3 trận cho đội U18, Messi lại được đôn lên đội U19. Tại đó, tiền đạo trẻ người Argentina lại dễ dàng cuốn bay đối thủ và được HLV Frank Rijkaard của đội một chú ý.

Tháng 11/2003, Rijkaard gọi Messi lên đội một để đá giao hữu với Porto do Jose Mourinho dẫn dắt. Cầu thủ người Argentina gây ấn tượng sau khi được vào sân thi đấu 15 phút từ ghế dự bị. Kể từ đó, Messi không bao giờ quay lại học viện thi đấu mà thay vào đó dành phần còn lại của mùa giải để chơi cho đội B và C của Barcelona. Đồng thời, anh cũng thiết lập nên kỷ lục đến nay chưa có ai phá được: Thi đấu cho 5 đội khác nhau của Barcelona chỉ trong một mùa giải.

 

Mùa giải 2004/2005, Messi thi đấu toàn thời gian cho cho Barcelona B, nhưng một lần nữa anh không ở đó quá lâu. Ngày 16/10/2004, Messi có trận chính thức đầu tiên cho đội một Barcelona ở 17 tuổi 3 tháng 22 ngày khi vào sân từ ghế dự bị trong cuộc chạm trán Espanyol thuộc khuôn khổ La Liga.

Mùa ấy, Messi thi đấu cho đội một thêm 8 trận nữa, ghi bàn đầu tiên cho CLB ở phút cuối cùng của mùa giải bằng pha lốp bóng vào lưới Albacete trên sân Camp Nou. Ngoài ra, anh cũng khoác áo Barcelona 17 trận ở hạng ba và ghi 6 bàn.

Pere Gratacos - HLV Barcelona B thời điểm ấy - hồi tưởng: “Tôi nhớ khá rõ trận đấu cuối cùng mùa giải đó, chúng tôi đánh bại Osasuna 4-0 và Messi thực sự đẳng cấp. Tôi tung Messi vào sân ở phút 87 để khán giả có thể đứng dậy dành những tràng pháo tay cho cậu ấy. Tôi biết cậu ấy sẽ không trở lại với chúng tôi nữa và cậu ấy xứng đáng được chào tạm biệt Mini Estadi (sân nhà cũ của Barca B)”.

Ngay từ thời điểm đó, Messi đã bắt đầu có hào quang của siêu sao, ngay cả khi anh không biết điều đó.

“Ngay cả khi đã bắt đầu chơi cho đội một, Leo vẫn dành sáng thứ bảy hàng tuần nếu có thể để ở học viện, xem đội U18 và U19 chơi bóng. Cậu ấy quen biết hầu hết bọn tôi. Những người cậu ấy đã từng thi đấu cùng vẫn ở đó và cậu ấy muốn biết chúng tôi đang tập luyện, thi đấu ra sao. Cậu ấy không quên mọi người. Tôi nghĩ chính sự gần gũi giúp cậu ấy trong những khoảng thời gian khó khăn. Sau này, khi Messi đã trở thành siêu sao thì điều ấy kết thúc, nhưng đó là khi cậu ấy không thể sống cuộc sống bình thường nữa, cậu ấy không thể thoải mái đi bộ khắp Barcelona và thăm những người bạn cũ. Cuộc sống của cậu ấy cần phải thay đổi”, Vazquez bày tỏ.

 

3. Cuộc sống của Messi bắt đầu thay đổi ngay khi anh đoạt danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất U20 World Cup 2005, giải đấu mà Argentina lên ngôi vô địch. Vài tuần sau, anh tỏa sáng trong giải giao hữu tiền mùa giải Joan Gamper khi Barcelona đối đầu Juventus của Fabio Capello. Messi được rút ra nghỉ 10 phút trước khi tiếng còi chung cuộc trên sân Camp Nou vang lên, và trên khán đài là những tiếng hô vang “Messi, Messi, Messi”. Đó sẽ trở thành thanh âm quen thuộc trong suốt 16 năm sau ở Camp Nou.

Trận đấu đó, Messi đã làm khổ những gương mặt giàu kinh nghiệm bên phía Juventus như Gianluca Pessotto, Fabio Cannavaro, Jonathan Zebina, Giuliano Giannichedda bằng sự nhanh nhẹn và khéo léo của mình. Anh khiến 3 cầu thủ Juventus phải phạm lỗi đồng thời kiến tạo 1 bàn thắng cho Andres Iniesta. Tỷ số chung cuộc của trận đấu là 2-2 nhưng đó không phải điều mọi người nhớ về cuộc thư hùng này.

“Tôi chưa từng thấy cầu thủ nào có tiềm năng lớn ở độ tuổi đó như Messi”, Capello chia sẻ sau trận. Thậm chí, trong khi trận đấu diễn ra, chiến lược gia người Italy đã đề nghị Rijkaard được đưa Messi đến Juventus theo dạng cho mượn ở mùa giải mới nhưng đã bị từ chối. Trong khi đó, tờ El Pais viết sau trận: “Thật tội lỗi nếu nghĩ Messi không thể có một vị trí trong đội hình Barcelona này”.

Mùa giải trọn vẹn đầu tiên của anh với tư cách cầu thủ đội một kết thúc khá ấn tượng: 25 lần ra sân, 8 bàn thắng, 5 kiến tạo và Barca đoạt chức vô địch La Liga thứ 2 liên tiếp. Mùa giải của Messi kết thúc sau khi anh dính chấn thương gân khoeo trong trận bán kết lượt về Champions League và buộc phải bỏ lỡ trận chung kết gặp Arsenal. Messi tin rằng anh đủ thể lực để ra sân, tuy nhiên HLV Rijkaard không muốn mạo hiểm. Cầu thủ trẻ người Argentina khi đó được cho rất tức giận và miễn cưỡng ăn mừng trên sân sau khi Barca giành chiến thắng 2-1. Dù vậy, đó thực sự là quãng thời gian vui vẻ của Messi ở Barcelona. Đội bóng thời điểm ấy tập hợp toàn những ngôi sao đẳng cấp thế giới như Ronaldinho, Eto’o, Xavi, Deco, Carles Puyol và họ đã chào đón anh bằng những vòng tay rộng mở.

Trong đó, Deco và Ronaldinho là những người đồng đội thân thiết với Messi, đặc biệt Ronaldinho chẳng khác nào người anh trai của ngôi sao trẻ 18 tuổi. Cầu thủ người Brazil thấy hình ảnh của bản thân mình ở Messi. Chính Ronaldinho đã khuyên Messi nên chuyển đến sống ở Castelldefels, vùng ngoại ô ở phía tây nam Barcelona. Messi mua căn nhà đầu tiên của mình ở đó, cùng khu phố với Ronaldinho. 

“Thỉnh thoảng tôi đến nhà đón anh ấy đi uống một chút hoặc chúng tôi ở nhà chơi trò chơi điện tử”, Messi chia sẻ năm 2007. 

 

4. Trở lại với câu chuyện trên sân cỏ, chức vô địch Champions League 2006 là khởi đầu cho sự kết thúc của một kỷ nguyên. Trong khi Messi tiếp tục tiến bộ qua từng mùa giải, trong nội bộ đội bóng bắt đầu xuất hiện những xáo trộn liên quan đến thái độ của một số ngôi sao như tiệc tùng thâu đêm, đi tập muộn, nổi bật trong số đó là Ronaldinho.

Ban lãnh đạo CLB bắt đầu băn khoăn khi cảm thấy tiêu chuẩn của CLB bắt đầu bị hạ thấp, trong đó nhiều người lo lắng liệu Messi, cậu em trai của Ronaldinho, có thể đi chệch đường hay không. CLB biết Messi thường đi chơi đêm cùng Ronaldinho và nhóm bạn của ngôi sao Brazil, vì vậy họ cần đưa tài năng trẻ trở lại đúng hướng.

Năm 2008, Frank Rijkaard bị sa thải, và đó là nền tảng cho bước ngoặt lớn nhất với Messi lẫn Barcelona: Bổ nhiệm Pep Guardiola. Đội hình lực lượng của đội bóng cũng có sự thay đổi lớn, điều đầu tiên là loại bỏ những cá tính lớn trong đội như Ronaldinho và Deco.

Bên cạnh sự ra đi của những ngôi sao, Guardiola đảm bảo Messi sẽ là trung tâm trong dự án của ông. Anh kế thừa áo số 10 của Ronaldinho và Guardiola cho phép anh tham dự Olympics 2008 trong lúc Barcelona đang trong quá trình chuẩn bị trước mùa giải. Đó giống như hành động thể hiện thiện chí trước ngôi sao mới của đội bóng.

Và phần còn lại là lịch sử: Barcelona trở thành nhà vô địch vĩ đại với cú ăn 6 cùng thứ bóng đá xuất chúng, Messi bùng nổ và trở thành nguồn cảm hứng của tập thể đó. Thương hiệu Messi và thương hiệu Barcelona vang danh khắp toàn cầu. 

 

Kết thúc mùa giải 2008/2009, Messi ghi tổng cộng 38 bàn thắng, 19 kiến tạo trong 51 trận và đoạt danh hiệu Quả bóng vàng đầu tiên trong sự nghiệp. Thành tích ghi bàn trong mùa giải 2008/2009 của Messi thực sự xuất sắc với một cầu thủ thậm chí không thi đấu như một tiền đạo đúng nghĩa. Tuy nhiên, điều đáng kinh ngạc là anh duy trì phong độ ghi bàn khủng khiếp trong 10 mùa giải sau đó. Messi gần như trở thành một cỗ máy bóng đá hoạt động liên tục. Anh không chỉ có tài năng vô song mà còn sở hữu tinh thần cạnh tranh không ngừng nghỉ và không để HLV cho anh nghỉ ngơi một ngày nào.

 

5. Năm 2010, anh đoạt danh hiệu Champions League và Quả bóng vàng thứ hai, nhưng ở hậu trường Barcelona bắt đầu có những sự thay đổi. Mùa hè năm đó, Sandro Rosell được bầu làm chủ tịch CLB sau khi lật đổ đồng minh lâu năm của Guardiola là Joan Laporta. Barcelona chấm dứt mối quan hệ hợp tác tài trợ trên áo đấu với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF và thay thế bằng Qatar Foundation, tổ chức gây tranh cãi về vấn đề nhân quyền.

Trong khi đó, Rosell và huyền thoại Johan Cruyff xảy ra mâu thuẫn lớn. Huyền thoại người Hà Lan luôn được xem là người bạn thân thiết với Laporta và Rosell không thích tầm ảnh hưởng quá lớn của Cruyff ở CLB. Thậm chí, Cruyff đã từ bỏ chức Chủ tịch danh dự CLB ngay sau khi Rosell đắc cử. Và 1 năm sau, Guardiola quyết định rời CLB sau khi hết hợp đồng. 

Kể từ đó Barcelona bước vào kỷ nguyên bất ổn trên băng ghế huấn luyện. Họ bổ nhiệm HLV mới trong 3 mùa hè liên tiếp. Thứ duy nhất dẹp yên sự hỗn loạn là phong độ xuất sắc của Messi. Khi CLB ngày càng mất định hướng, Messi phải đứng ra để kéo con tàu hướng về phía trước, và anh dần say mê với vai trò này cũng như quyền lực mà nó mang lại cho anh.

Những chia sẻ của HLV Tata Martino với Messi có lẽ là minh chứng lớn nhất cho điều đó: “Tôi biết nếu cậu gọi điện cho chủ tịch và yêu cầu sa thải tôi, ngày hôm sau tôi sẽ mất việc. Nhưng làm ơn, tôi không cần cậu chứng minh điều đó với tôi hàng ngày”. Những lời này được cựu Giám đốc Thể thao Andoni Zubizarreta tiết lộ trong cuộc phỏng vấn với tờ El Pais vào năm 2020. Và đó không phải lần cuối cùng Messi thể hiện quyền lực của bản thân.

Tuần đầu tiên của năm 2015, các cầu thủ trở lại CLB sau kỳ nghỉ Giáng sinh và Messi lẫn Neymar được cho phép hội quân muộn hơn vài ngày, đồng nghĩa không tham gia 2 buổi tập. Sau đó, trong trận đấu đầu tiên của năm 2015, cuộc chạm trán Real Sociedad, HLV Luis Enrique quyết định để cả 2 ngôi sau này trên ghế dự bị. Kết quả, Barca thua 0-1.

Khi phòng thay đồ vốn đã không bình yên, các bản hợp đồng mùa hè chưa đáp ứng được yêu cầu và đội bóng đang phải bám đuổi vị trí số một của Real Madrid, kết quả này làm gia tăng căng thẳng. Ngày hôm sau, mọi thứ trở nên tệ hơn. Trong buổi tập mở của Barcelona để người hâm mộ theo dõi, Messi vắng mặt. Với vai trò thủ quân, Xavi buộc phải đứng ra dàn xếp giữa Messi và HLV trưởng.

Trong cơn hỗn loạn, Chủ tịch Josep Bartomeu dùng Zubizarreta làm vật tế thần và sa thải ông với lý do là “những ồn ào xung quanh CLB”. Cuối cùng, mùa giải ấy Barcelona đoạt cú ăn 3 khi bộ 3 tấn công Luis Suarez, Neymar và Messi thể hiện phong độ hủy diệt khi ghi 122 bàn.

 

6. Thật khó để đánh giá hết tầm ảnh hưởng của Lionel Messi tại CLB lẫn thành phố Barcelona. Anh có thể thu hút hàng trăm nghìn người hâm mộ khắp thế giới đến Camp Nou. Ở Barcelona, Messi không chỉ là thần tượng bóng đá mà còn là biểu tượng văn hóa đại chúng. 

Những bức tường của thành phố được điểm xuyết bằng hình ảnh của anh. Có những quán bar đặt tên theo anh, những cửa hàng, nhà hàng dùng những khoảnh khắc mang tính biểu tượng của anh để trang trí. Theo dữ liệu của chính quyền Catalunya năm 2021, Leo là cái tên được sử dụng nhiều thứ 5 cho những đứa trẻ sơ sinh ở đây và là cái tên duy nhất trong top 6 cái tên thông dụng không có xuất xứ từ Catalunya.

Trong khi đó, giai đoạn sau trong sự nghiệp của Messi ở Barcelona được đánh dấu bằng những thất bại ở đấu trường châu Âu và mâu thuẫn gia tăng với ban lãnh đạo CLB. Năm 2020, sau khi đã quá mệt mỏi với cách điều hành của ban lãnh đạo, siêu sao người Argentina gửi burofax tới CLB để bày tỏ nguyện vọng ra đi tự do theo một điều khoản trong hợp đồng. Lúc đó, Pep Guardiola của Man City rất mong muốn tái hợp cậu học trò cũ. Tuy nhiên, Bartomeu không muốn bị nhớ tới là “vị chủ tịch để mất Messi” nên đã thông báo cho El Pulga rằng điều khoản mà anh nhắc tới không còn hiệu lực.

 

Messi miễn cưỡng ở lại CLB, trong khi người hâm mộ phẫn nộ với Bartomeu vì đã để mối quan hệ giữa CLB và ngôi sao số 1 của họ trở nên đổ vỡ. Việc Joan Laporta tái đắc cử vào tháng 3/2021 dường như là cơ hội hoàn hảo để Messi tìm lại sự kết nối với CLB. Laporta nổi tiếng với khả năng tạo sự gắn kết với các cầu thủ và kiểm soát phòng thay đồ. Mọi thứ ban đầu diễn ra khá tích cực: Barcelona đoạt chức vô địch Copa del Rey và sau đó chính Messi bày tỏ quyết định ở lại.

Barcelona đã chuẩn bị cho một mùa hè nhiều khó khăn liên quan đến những rào cản về tài chính, song ông và các cộng sự trong ban lãnh đạo đã đạt thỏa thuận nguyên tắc với Messi về bản hợp đồng mới, bao gồm việc El Pulga sẽ nhận khoảng 20 triệu euro trong mùa giải đầu tiên và mức lương sẽ tăng dần.

Nhưng ngay sau khi gia đình anh trở về Barcelona sau Copa America và kỳ nghỉ hè, họ nhận ra mọi thứ không diễn ra như mong đợi. Ban lãnh đạo CLB quyết định không ký hợp đồng mới với siêu sao Argentina vì đơn giản họ không thể vừa giữ lại Messi mà vẫn đảm bảo tuân thủ các quy tắc tài chính. 

Messi khóc trong buổi chia tay Barca

Sau 2 thập kỷ, Messi rời Barcelona với những giọt nước mắt trong cuộc họp báo chia tay đội bóng. Đây như một vết sẹo lớn với người hâm mộ khi vị cứu tinh, thần tượng, người hùng của họ đột nhiên biến mất. Tuy nhiên, một ngày trở về của El Pulga là điều có thể xảy ra trong tương lai. Như anh chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Mundo Deportivo vào tháng 6: “Tôi muốn trở lại CLB một ngày nào đó. Tôi không biết khi nào và bằng cách nào nhưng hy vọng tôi có thể giúp CLB trong tương lai vì đây vẫn là đội bóng tôi yêu. Điều chắc chắn là chúng tôi sẽ sống ở Barcleona. Gia đình tôi đã quyết định như vậy và sẽ thực hiện sớm muộn thôi”.

Nếu được quay trở về quá khứ, có lẽ chúng ta nên nói với cậu bé 13 tuổi nhút nhát, cầm máy Discman và nghe nhạc cumbia trên đường tới trường rằng sau 21 năm, Barcelona sẽ là ngôi nhà cậu cảm thấy thoải mái nhất.

Theo Pol Ballus | The Athletic

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Liam Delap: Cánh én nhỏ tại Portman Road

Sẽ là thiển cận nếu mô tả Ipswich Town của Kieran McKenna là đội bóng một người. Nhưng với Liam Delap, họ thực sự đang sở hữu một chân sút có thể ghi bàn đều đặn. Delap chắc chắn là 1 trong những lý do chính giúp Ipswich (tạm) thoát ra khỏi nhóm 3 đội cuối BXH Premier League 2024/25.

Đêm huyền ảo ở Munich

Thật không tưởng và kỳ lạ, nhưng giờ tôi có thể nói với bản thân mình, ‘Chúa ơi, thì ra cảm giác vô địch là thế này! Tôi luôn luôn tự hỏi nó sẽ như thế nào, nhưng giờ tôi đã biết rồi!’.

Pep Guardiola gia hạn với Man City: Ai buồn, ai vui?

Lại một lần nữa trong những ngày tháng 11, Pep Guardiola lại quyết định gia hạn hợp đồng với Manchester City sau 2 lần gia hạn trước đó vào năm 2020 và 2022. Bản hợp đồng mới cho phép Pep gắn bó thêm 2 năm với đội chủ sân Etihad và đánh dấu cột mốc tròn 1 thập kỷ chiến lược gia vĩ đại này dẫn dắt nửa xanh thành Manchester.

Rodri: "Có nhiều thứ bạn sẽ không thể học được qua trường lớp mà phải tự chiêm nghiệm theo thời gian"

Khôn khéo trong cách ăn nói, kín đáo trong phong cách ăn mặc, là một người có học thức khi đã tốt nghiệp đại học và một cơ thể không dính một hình xăm... Có thể nói Rodri giống như một "cánh chim vừa lạ, vừa đặc biệt" trong thế hệ các cầu thủ đang thi đấu ở bóng đá hiện đại. Và ở cuộc phỏng vấn với Esquire, chúng ta sẽ có dịp hiểu nhiều hơn về con người và lối suy nghĩ của Rodri - cầu thủ đang chơi cho Man City vừa đoạt được danh hiệu Quả bóng vàng năm 2024.

Nghịch lý Vinícius Júnior

Vinícius Júnior đã thất bại trong cuộc đua Ballon d’Or vào tháng trước, nhưng bạn hãy thử nói với người hâm mộ Real Madrid rằng anh thực sự không xứng đáng giành Quả Bóng Vàng mà xem. “Vinícius, Ballon d'Or,” đám đông khán giả tại Santiago Bernabeu đã hát đi hát lại câu này vào hôm thứ 7, khi tiền đạo người Brazil lập hattrick trong chiến thắng 4-0 của Madrid trước Osasuna.

Luis Nani: Cuộc đời xoay trong những điệu santo

Gần 40 tuổi, thay vì lựa chọn nghỉ hưu ở những bãi biển xinh đẹp, Nani vẫn tiếp tục chơi bóng. Chẳng quan trọng là Manchester United lừng danh thế giới, Valencia đình đám một thời hay Sporting Lisbon giàu truyền thống, chỉ cần được ra sân và cống hiến, như thế là đủ mãn nguyện đối với ngôi sao người Bồ Đào Nha.

Ruben Amorim: "Tôi sẽ làm tất cả để đưa Man Utd trở về vị thế của mình"

Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.