Nhân dịp World Cup 2022 sắp bước vào vòng bán kết, hãy cùng tua ngược thời gian và chiêm ngưỡng lại một trong những màn trình diễn cá nhân xuất sắc nhất, kinh điển nhất từng xuất hiện trong một trận đấu thuộc giai đoạn này của ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.
Vào ngày 4 tháng 7 năm 2006, những gì lão tướng 33 tuổi Fabio Cannavaro làm được trước ĐTQG Đức xứng đáng được ca ngợi là một trong những màn trình diễn tuyệt vời nhất mà một trung vệ tạo nên được trong bóng đá hiện đại và chắc chắn đã góp phần rất lớn trong việc giúp anh trở thành chủ nhân của Quả Bóng Vàng – một vinh dự hiếm khi được trao cho một hậu vệ.
BỐI CẢNH
Italia, với một phong cách bóng đá đậm chất Italia, đã giành được tấm vé vào chơi ở vòng bán kết World Cup trong khi chẳng tạo ra ấn tượng thực sự mạnh mẽ. Tại Dortmund, đối thủ của họ chính là đội chủ nhà Đức.
Thành tích phòng ngự của Italia rất tốt. Họ mới chỉ để thủng lưới 1 bàn – một pha phản lưới nhà của Cristian Zaccardo trước đội tuyển Mỹ – sau 5 trận đã chơi.
Tuy nhiên, hàng thủ 4 người của họ đã thường xuyên thay đổi. Tại vị trí hậu vệ phải, Zaccardo đã được thay thế bằng Gianluca Zambrotta, người được chuyển từ cánh trái sang, đồng nghĩa với việc Fabio Grosso sẽ trở lại đội hình xuất phát sau khi bị gạch tên trong cuộc đối đầu ĐTQG Mỹ sau trận mở màn chiến dịch với Ghana. Tại vị trí trung vệ, Alessandro Nesta đã góp mặt trong xuyên suốt vòng bảng tuy nhiên sau đó lại dính chấn thương nên Marco Materazzi đã trở thành người thay thế, nhưng trung vệ thuộc biên chế Inter Milan đã bị đuổi khỏi sân trong trận đấu với Australia ở vòng 16 đội. Sau vụ việc này, Andrea Barzagli là người được trao cơ hội trong chiến thắng 3-0 trước Ukraina, và tới trận bán kết Materazzi đã trở lại với đội hình đá chính.
Tóm lại, Fabio Cannavaro là thành viên duy nhất của hàng thủ Italia đá chính tất cả các trận trong giải đấu.
Tại quê nhà, cơn bão Calciopoli đã khiến đội bóng của Cannavaro là Juventus phải xuống chơi ở Serie B. Giữa vụ scandal đó, vị giám đốc thể thao mới được bổ nhiệm của Juventus, Gianluca Pessotto – một người đồng đội cũ của Cannavaro ở Juve và đội tuyển Italia – đã cố tự sát bằng cách nhảy lầu từ cửa sổ tầng 4 của toà nhà trụ sở CLB. Cannavaro đã bị sốc thấy rõ khi được thông báo về tin tức này giữa một cuộc họp báo. Sau chiến thắng trước Ukraina, các cầu thủ Italia đã diễu hành với một lá cờ tổ quốc có in tên Pessotto.
Có thể nói, phía sau màn trình diễn phòng ngự thượng thừa này là một bối cảnh hậu trường đầy hỗn loạn và bi kịch. Thật may mắn, Pessotto sau đó đã thoát ch.ết và bình phục hoàn toàn.
TRƯỚC ĐỘI TUYỂN ĐỨC, CANNAVARO ĐÃ XUẤT SẮC ĐẾN THẾ NÀO?
Câu trả lời là: Vô cùng xuất sắc. Theo nguyên tắc chung, Cannavaro chơi thấp hơn Materazzi, nhân vật chính trong các tình huống không chiến. Materazzi đã bị vượt qua vài lần, và khi ấy Cannavaro sẽ “quét dọn” ở phía sau với những pha can thiệp được căn thời điểm một cách tuyệt vời. Ví dụ, anh đã có một pha truy cản bằng má ngoài được thực hiện rất “mượt” vào giữa hiệp 1 của trận đấu.
Khi không làm nhiệm vụ bọc lót cho người đồng đội, Cannavaro cũng sẽ phải đối phó với nhiều mối đe doạ khác nhau. Miroslav Klose cực đáng sợ với những tình huống thoát ra phía sau hàng thủ. Michael Ballack dâng cao để mang đến thêm một phương án không chiến. Lukas Podolski có thể tung ra những cú sút đầy uy lực hết sức nguy hiểm.
Trong nửa tiếng đầu, Cannavaro đã giành chiến thắng khi đua tốc độ với Klose trong một tình huống bóng vô chủ, đã đánh bại Ballack trong một tình huống không chiến, và truy cản được một cú sút của Podolski. Hiếm khi một trung vệ lại là cầu thủ xuất sắc nhất trên sân ngay từ giai đoạn đầu trận, nhưng Azzurri đã phải chịu áp lực rất lớn trong suốt hiệp 1 và Cannavaro đã cho thấy anh là bất khả chiến bại.
Có một chi tiết đáng chú ý là Cannavaro đã thường xuyên rời bỏ vai trò trung vệ lệch phải của mình – đôi khi anh xông lên khu trung tuyến để tranh cướp bóng, và cũng rất sẵn lòng bám theo Klose đi vào khu vực hậu vệ phải để tranh bóng ở đó. Đôi khi, bạn sẽ có cảm giác rằng có một lực hút nam châm giữa chiếc giày phải của Cannavaro và quả bóng – có 2 lần, anh dâng cao trong một tình huống phạt góc của Italia, đối thủ phá bóng thành công, và trên đường chạy về phòng ngự, Cannavaro đã thực hiện một pha tắc bóng quan trọng ở khu trung tuyến. Bạn sẽ rất hiếm khi được thấy các hậu vệ đoạt được bóng trong kiểu tình huống này, chứ đừng nói đến 2 lần trong 1 trận đấu.
Lối chơi của Cannavaro có chút gì đó lôi thôi – theo đánh giá qua lăng kính bóng đá hiện đại, anh là một hậu vệ thuần tuý. Anh chẳng mấy bận tâm tới việc tìm kiếm một người đồng đội có vị trí lý tưởng trong những pha phá bóng của mình. Cannavaro chỉ phá bóng đơn thuần, chẳng quan tâm nó sẽ đi tới đâu – có một tình huống, anh đã phá bóng vào người Materazzi, suýt nữa gây ra một sai lầm tai hại cho hàng thủ Italia. Materazzi điềm tĩnh hơn khi xử lý bóng, và có một điều đáng chú ý là đội tuyển Đức chẳng hề cố pressing các trung vệ của đội bóng áo Thiên Thanh.
Cannavaro thậm chí còn chẳng cần quan tâm mấy tới việc chuyền bóng cho Andrea Pirlo, người đã có một sự khởi đầu không tốt trong trận đấu này. Cannavaro đã không phải thực hiện một đường chuyền nào cho đến khi trận đấu trôi qua được 8 phút và chẳng có lấy một nỗ lực ghi bàn nào khác ngoài một cú dứt điểm từ khoảng cách hơn 9 mét trong xuyên suốt trận đấu. Cannavaro là một hậu vệ và anh có mặt trên sân chỉ để phòng ngự.
Ở Cannavaro có một thứ khí phách kinh người mà trong bóng đá hiện đại chỉ Virgil Van Dijk mới có thể sánh được. Sau khi trận đấu trôi qua 1 tiếng, có một tình huống Klose cố rê bóng qua anh ở cánh trái của đội tuyển Đức, nhưng rốt cuộc lại lúng túng đến mức vấp phải quả bóng và hất nó lên trời, ngược ra phía sau.
4 phút sau, cũng tại vị trí đó, Podolski đã cố làm điều tương tự, và cuối cùng cũng vấp vào quả bóng. Klose và Podolski vốn là những cầu thủ chẳng hề xa lạ với những pha bóng vụng về như vậy, nhưng có vẻ như 2 tình huống trên – khi phải đối đầu với Cannavaro – không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, hay nói cụ thể hơn là họ đã bị áp đảo bởi khí phách của trung vệ người Italia.
Cannavaro đã ít tham gia vào trận đấu hơn trong phần lớn thời gian của hiệp hai, với việc Italia là đội chiếm được thế “cửa trên”, nhưng vẫn có một số tình huống phòng ngự thực sự xuất sắc. Anh lao đi để đánh chặn những đường chuyền đưa bóng hướng tới chân các cầu thủ tấn công của đối thủ, anh bù đắp cho điểm yếu chiều cao của mình (1m75) bằng cách hành động trước đối thủ từ rất sớm và anh đã có một pha tắc bóng tuyệt vời với Bastian Schweinsteiger trước khi đứng dậy và hét vào mặt anh ta rằng đừng ăn vạ nữa.
Đó là tất cả những gì mà bạn muốn từ một trung vệ Italia.
ĐÂU LÀ KHOẢNH KHẮC TUYỆT VỜI NHẤT?
Không nghi ngờ gì nữa, câu trả lời chính là đóng góp của anh trong đợt tấn công cuối cùng của trận đấu.
Với việc Fabio Grosso đã ghi bàn từ một cú cứa lòng đẹp mắt vào góc xa khi hiệp phụ thứ hai còn lại 2 phút để đưa Italia vươn lên dẫn trước với tỷ số 1-0, tất cả các cầu thủ Đức đã dâng cao trong một nỗ lực tìm kiếm bàn gỡ hoà. Khi Ballack tạt bóng vào vòng cấm, Cannavaro đã một lần nữa đánh đầu phá bóng thành công.
Sau đó, trong một động thái hoàn toàn không phải là cách phòng ngự được ghi trong sách giáo khoa mà rõ ràng là đã được thúc đẩy bởi adrenaline thuần tuý, anh đã lao lên khu vực giữa sân để đuổi theo quả bóng đã bị mình phá bay đi hơn 18 mét, tuy Podolski khống chế được bóng, nhưng Cannavaro đã băng vào để đoạt lấy nó ngay lập tức, và tạo nên một đợt phản công cho Italia.
Khi ấy, Francesco Totti đã trở thành người “tiếp quản” quả bóng, như thể anh đã cố tình đẩy văng Cannavaro ra khỏi nó và nói, “phần việc còn lại, ông anh cứ để cho em”…
… và cuối cùng là một pha phối hợp xuất sắc giữa Alberto Gilardino và Alessandro Del Piero, người đã đưa bóng vào lưới với một cú dứt điểm tinh tế. Có thể nói, tình huống này đã tóm tắt lại toàn bộ màn trình diễn của Cannavaro vào ngày hôm ấy: Anh thường đoạt được bóng vì xuất hiện ở đúng vị trí, nhưng ngay cả khi bỏ vị trí, anh vẫn thành công trong việc chiếm lấy nó.
KHOẢNH KHẮC BỊ LÃNG QUÊN
Khi thời gian thi đấu chính thức còn lại 10 phút, Cannavaro đã rất may mắn khi không phải chịu một quả penalty. Khi một pha bóng dài bay tới rìa vòng cấm của Italia, Cannavaro đã vượt lên trên Podolski với một cú bật nhảy sớm khác và đánh đầu phá bóng. Tuy nhiên, trọng tài Benito Archundia lại cho rằng Cannavaro đã phạm lỗi với Podolski, và do đó cho Đức được hưởng một quả đá phạt ở khu vực chữ D trước vòng cấm.
Đây có vẻ là một quyết định nặng tay. Nhưng mấu chốt thực sự trong tình huống này là pha phạm lỗi đó chắc chắn đã diễn ra bên trong vòng cấm. Podolski bắt đầu bật lên ở vạch vôi vòng cấm và đã nhảy hơi lùi về phía sau, trong khi Cannavaro thì ở đằng sau anh, tức là bên trong vòng cấm. Nếu Archundia coi đây là một pha phạm lỗi, thì đáng lẽ đó phải là một quả penalty chứ không phải đá phạt – nếu điều này xảy ra, chắc chắn người ta sẽ nhớ về màn trình diễn của Cannavaro theo một cách khác và có lẽ kết cục của kỳ World Cup năm ấy sẽ thay đổi.
CHUYỆN GÌ ĐÃ DIỄN RA TIẾP THEO?
Cannavaro đã có thêm một màn trình diễn xuất sắc khác trong trận chung kết với đội tuyển Pháp, và lần này khoảnh khắc đỉnh cao là một pha tranh chấp cực đáng nhớ với Thierry Henry – diễn ra vào thời điểm khoảng 15 phút sau khi trận đấu bước sang hiệp 2. Có thể nói, đây sẽ là một trong những pha đấu tay đôi hay nhất mà bạn từng được chứng kiến trên sân cỏ.
Trung vệ đối tác của Cannavaro là Materazzi mới là người nổi bật hơn trong trận chung kết – vì nhiều lý do – nhưng chính Cannavaro là người được trao vinh dự nâng cao chiếc cúp vô địch sau khi Italia giành chiến thắng.
Anh cũng đã giành chiến thắng trong cuộc bầu chọn Quả Bóng Vàng 2006, trở thành hậu vệ thứ ba được trao danh hiệu cao quý này sau cặp đôi người Đức Franz Beckenbauer và Matthias Sammer. Nhưng cả hai người họ đều là những hậu vệ quét lịch lãm, xử lý bóng đầy tinh tế thay vì là kiểu cầu thủ phòng ngự cục súc, bụi bặm như Cannavaro. Chính vì vậy, theo góc nhìn đó, thì chiến thắng vào năm 2006 của Cannavaro vẫn là lần duy nhất mà một hậu vệ trường phái cũ được đánh giá là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới.
Theo Michael Cox, The Athletic