Baggio - Pirlo: Luân lưu và bước ngoặt cuộc đời

Tác giả Phương GP - Thứ Sáu 19/05/2017 18:38(GMT+7)

Hôm nay là ngày sinh nhật của Pirlo. Các mặt báo in hàng loạt bài viết về những kỷ niệm đẹp. Mỹ từ dành cho anh là chưa bao giờ cạn.
Baggio - Pirlo: Luân lưu và bước ngoặt cuộc đời
Đáng lẽ ra bài viết cũng sẽ có nội dung tương tự, nếu như người đang chắp bút những con chữ này không xem một bàn thắng tuyệt đẹp trên Youtube.

Phút 41 của trận đấu giữa Juventus và Brescia vào ngày đầu tháng tư năm 2001. Pirlo có bóng từ giữa sân và anh thực hiện một đường chuyền vượt tuyến hoàn hảo. Bóng đi như đặt vào chân người tiền đạo, và số 10 của đội bóng áo xanh thực hiện một pha khống chế không thể xuất sắc hơn trước khi sút tung mành lưới đối phương. Người đàn ông có chiếc đuôi ngựa ấy dang đôi tay ngạo nghễ ra ăn mừng. Anh ghi bàn vào lưới đội bóng cũ. Đội bóng đã mang lại cho anh Quả bóng vàng châu Âu năm 1993, đã là bệ phóng giúp tên tuổi anh trở thành huyền thoại. Thế nhưng, khi tượng đài về anh sụp đổ, cũng chính màu áo sọc trắng đen đã vô tình với chiếc đuôi ngựa ấy. Để cái buồn trong đôi mắt anh, ngày càng sâu thẳm hơn.
Baggio trong màu áo  Brescia
Lạ một điều, nếu Juventus là kẻ đẩy Baggio vào hoàn cảnh bị ruồng bỏ. Thì cũng chính Lão bà, lại là người đã đưa tay cứu lấy Pirlo vào cái ngày tuổi tác anh bị AC Milan chê bai. Người viết thật sự không biết trong khoảnh khắc mà Baggio vui sướng như thế, Pirlo đã có thái độ ăn mừng như thế nào. Nhưng khi xem xong bàn thắng ấy, tôi bỗng nhận ra sự nghiệp của Pirlo và Baggio có chỗ ngược lối như chính hình ảnh của Juventus lưu vào ký ức của hai con người này vậy.

Chúng ta yêu mến Pirlo và dĩ nhiên hoàn toàn đồng ý với nhau rằng anh là một con người bản lĩnh. Nét điềm đạm cùng khuôn mặt “ngái ngủ” ấy dường như không biết sợ điều gì. Nhất là ở kỳ Euro 2012, anh biến Joe Hart thành gã hề với pha “xúc thìa” đầy nghệ thuật. Thế nhưng, trong Pirlo vẫn có sự ám ảnh, sự ám ảnh về trận chung kết Champions League 2005 mà anh đã từng thừa nhận.

Khoảng sáu ngày nữa là tròn mười hai năm kể từ cái ngày địa ngục đó. Dĩ nhiên, việc dẫn trước ba bàn để rồi thua cuộc trên chấm 11 mét là điều mà những đồng đội của Pirlo và ngay chính fan hâm mộ Milan cũng khó thể nào nguôi ngoai. Nhưng Pirlo không phải ám ảnh chỉ vì thất bại, mà đêm hôm ấy anh thật sự là tội đồ khi đã dứt điểm hỏng quá thứ hai của Milan. Từ đó dù Dida có cố gắng ngăn cản được Riise, thì mọi chuyện cũng đã chấm dứt khi Andriy Shevchenko hoàn tất một ngày “quỷ ám”.

Và cách đó khoảng mười một năm, chung kết World Cup 1994, cũng là một chàng trai đang ở đỉnh cao sự nghiệp với mái tóc dài và lối chơi lãng tử, Baggio cũng đã trở thành tội đồ với cú sút luân lưu hỏng, khiến chiếc cúp vàng vào tay người Brazil. Hành trang của Baggio lên đất Mỹ lúc ấy là cả một mùa giải thành công. “Đuôi ngựa thần thánh” gần như gánh vác cả hàng công để dẫn dắt màu áo thiên thanh đến với trận đấu cuối cùng. Thế nhưng cú sút quá căng cứng của anh đã giết đi tất cả, để rồi người ta nhớ đến anh là kẻ đã đá bay chức vô địch.

Những năm sau đó là thời gian mà Baggio chơi bóng với tâm lý thật nặng nề. Cả nước Ý quay lưng lại với người con yêu quý. Không ai lên tiếng bảo vệ anh trong “cuộc chiến vương quyền” với Sói đầu bạc Lippi. Ở cái tuổi mà lẽ ra là đỉnh cao của sự nghiệp, là lúc tạo ra những giá trị để đời. Baggio lại chơi thứ bóng đá thiếu cảm hứng dù cả hai đội bóng thành Milan đã có thời gian cưu mang lấy anh. Không ai chê bai gì anh cả, bởi đó không phải là thứ bóng đá đẳng cấp thấp, chỉ là nó có hơi hướng đượm buồn và thiếu sinh khí đến lạ thường. Nó khiến khán giả tiếc cho đôi chân từng là niềm hứng khởi cho những cậu bé yêu bóng đá, chứ không phải là cái thở dài cho những nỗi nhớ nhung của fan hâm mộ về anh.

Ở điểm này, có vẻ Pirlo may mắn hơn Baggio rất nhiều. Chí ít, anh không phải là kẻ sút bay đi cả giấc mơ của cả dân tộc. Và những Milanista cũng rộng lượng hơn và sẵn sàng cho chàng thanh niên số 21 một cơ hội khác. Và anh đã không làm họ thất vọng.

World Cup 2006, anh là một trong những nhân tố chính trong đội hình của chính huấn luyện viên Lippi. Pirlo đã cùng đồng đội sửa lại sai lầm của người đàn anh năm xưa để hoàn thành ước nguyện của người dân đất nước hình chiếc ủng. Và một năm sau, chính anh đã chuộc lại lỗi lầm của chính mình.
Một năm sau, chính anh đã chuộc lại lỗi lầm của chính mình.
Cú sút phạt đập lưng Inzaghi của số 21 đã mở ra con đường chiến thắng của AC Milan. Sau đó, một lần nữa sự tinh quái của chàng tiền đạo ấy đã mang về lợi thế nhân đôi. Và mặc dù, The Kop gỡ lại được một bàn nhờ công Dirk Kuyt nhưng Milan đã không để kịch bản xưa lặp lại. Pirlo và đồng đội đã có cuộc trả thù ngọt ngào. Danh tiếng và đẳng cấp của Pirlo cũng từ ngày ấy càng lúc càng tăng lên vượt bậc. Để rồi cũng như người đàn anh của anh ở Brescia, Pirlo dần trở thành biểu tượng của màu áo thiên thanh và niềm hy vọng của cả ước mơ bóng đá lớn lao của người dân nước nhà.

Ngày mà Pirlo xỏ giày ra sân thi đấu cho Brescia, thật ra ở đó cũng chính là bến đỗ tạm thời cho những tham vọng lớn hơn của cầu thủ trẻ. Anh trở về màu áo xanh để có thể tự tìm ra bản ngã của chính mình, để biết được sở trường và định hình đúng về một lối chơi cho bản thân. Anh ra sân mười trận đấu, để từ đó là bước đệm chuyển mình sang nửa đỏ thành Milan với tham vọng lớn hơn.

Còn Baggio lại khác. Sau những năm tháng vật vờ với những tham vọng hào nhoáng. Dường như việc giúp cho màu áo xanh ấy trụ lại Serie A trở thành niềm cảm hứng mới cho một cầu thủ đã ngoài tuổi băm. Tượng đài một thời chạy khắp mặt sân để trở thành cứu cánh cho đội bóng những lúc nguy cấp. Không ai ngờ một cầu thủ tuổi 33, khi qua màu áo mới lại có thể từng mùa ghi đều đặn hơn mười bàn thắng và nhất là dẫn dắt một đội bóng nhỏ bé ở lại với sân chơi cao nhất. Thậm chí, một năm sau khi Baggio giải nghệ, Brescia liền rớt hạng. Để từ đó, người hâm mộ mới hiểu tầm quan trọng của anh là như thế nào.

Hai cầu thủ, hai tượng đài. Hai con người vĩ đại trong lòng của những tifosi. Và cả hai con người ấy đều phải đối diện với sự nghiệt ngã của số phận. Nhưng hãy nhìn thử hình ảnh của Baggio và Pirlo sau thất bại, để biết người hâm mộ quan trọng như thế nào đối với cầu thủ. Hai anh đều giữ lại đẳng cấp của riêng mình, nhưng một người chịu sự lạnh nhạt mà dần đi đến hồi kết không thể buồn hơn. Còn người kia lại dần dần toả sáng hơn nữa và đạt được thành công tuyệt vời.

Không thể nói Baggio thiếu bản lĩnh khi đối diện với thất bại. Đơn giản là anh vẫn là anh, không hề có sự xuống cấp về đẳng cấp. Chỉ là khi chơi bóng dưới ánh nhìn với thứ tình cảm nhạt nhoà, thì đôi chân đôi khi cũng mất nhiều xúc cảm rất nhiều.
Baggio - Pirlo
Bóng đá suy cho cùng vẫn là một bộ môn thể thao, và thể thao thì phải có khán giả. Cầu thủ chơi bóng ngoài tiền tài, danh vọng thì thứ cảm hứng họ mang ra sân đấu vẫn là cống hiến hết mình cho những người hâm mộ trên khán đài. Những con người sẵn sàng cười khi họ vui, khóc khi họ buồn và kể cả hy sinh bản thân khi “đứa con cưng” của mình dưới sân bị tác động không tốt. Thứ tình cảm ấy, như là dòng máu chảy trong huyết quản để nuôi lấy sức mạnh đôi chân trên sân cỏ, và sinh ra những tác phẩm để đời.

Ngày sinh nhật của Pirlo và một chút suy ngẫm cho bộ môn thể thao mà chúng ta yêu mến. Quả nhiên, ngắm nhìn chàng tiền vệ ấy đem lại nhiều thứ thú vị đến kỳ lạ. Nhưng dù sao thì vẫn phải chúc mừng sinh nhật anh chàng “ngái ngủ” ấy. Và có lời khen cho đường kiến tạo của anh, một đường chuyền tuyệt hảo dành cho Baggio.

PHƯƠNG GP (TTVN)

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.