“Bad boy” Samir Nasri và tình yêu bất diệt với bóng đá

Tác giả Hàn Phi - Thứ Năm 16/03/2017 18:27(GMT+7)

 
Đây là tấm ảnh chụp tiền vệ Samir Nasri sau khi anh bị đuổi khỏi sân ở trận đấu lượt về vòng 1/8 Champions League tại Leicester. Với những cầu thủ khác sau khi phải nhận thẻ đỏ, họ có thể sẽ chạy ngay vào phòng thay đổi để có một không gian yên tĩnh mà giải tỏa sự giận, nhưng với Nasri thì không. Anh ngồi ngay gần lối đi ra đường hầm, chăm chăm hướng về màn hình đang chiếu trực tiếp trận đấu, mặc cho xung quanh có rất nhiều người qua lại, ném những cái nhìn dò xét và những lời xì xào bàn tán. Đơn giản bởi trọng tài có thể cướp đi niềm vui được chơi bóng của anh, nhưng vẫn còn đó một niềm đam mê khác nữa, đó là xem bóng đá.
 
Không phải cầu thủ nổi tiếng nào cũng thích ngồi trước màn hình tivi để theo dõi bóng đá, ngay cả khi đó là đội bóng mà họ đang gắn bó. Andy Carroll từng nói rằng anh thậm chí còn không biết những đồng đội của mình tại Liverpool là ai và đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của Google. Dirk Kuyt thì nói rằng thời gian rảnh rỗi anh chỉ muốn đi câu cá. Mauro Icardi cũng thẳng thắn tiết lộ anh chẳng bao giờ xem bóng đá và không biết tình hình của môn thể thao vua hiện tại như thế nào. Batistuta chỉ coi bóng đá như một công việc. Càng kỳ lạ hơn khi một ngôi sao tầm cỡ như Alexis Sanchez thậm chí còn chưa bao giờ nghe đến cái tên Ilkay Gundogan, một tuyển thủ Đức cũng nổi tiếng không kém là bao. Những trường hợp như vậy không phải là hiếm và cũng không có gì đáng trách. Họ chỉ cần sống với niềm đam mê chơi bóng, ra sân với tinh thần quyết tâm và tập trung tuân thủ tốt những nhiệm vụ mà HLV giao phó.
 
Tất nhiên số lượng những cầu thủ không thích xem bóng đá không thể chiếm đa số. Nhưng để tìm ra những người thực sự đam mê giống như một cổ động viên đích thực thì khó hơn nhiều. “Tôi thực sự rất đam mê bóng đá và muốn theo dõi mọi trận đấu có thể. Tôi hiểu mọi thứ về những đối thủ mình sắp phải giáp mặt vì tôi luôn xem video về họ trước mỗi trận đấu. Ngay cả khi phải ngồi dự bị, tôi cũng muốn tìm hiểu những điểm mạnh, yếu của đối thủ để tạo ra được sự khác biệt nếu được tung vào sân,” Samir Nasri từng chia sẻ như vậy về niềm đam mê lớn nhất trong cuộc đời mình.
 
Sinh ra trong một gia đình có điều kiện ở Marseille, Nasri nhận ra tình yêu với bóng đá từ khi mới 5 tuổi, khi anh thường xuyên đến sân Velodrome để cổ vũ đội nhà. Cộng thêm một năng khiếu trời phú, Nasri tiến bộ rất nhanh qua những trận đấu đường phố, để rồi lọt vào mắt xanh của những nhà tuyển trạch. Anh cùng với Benzema, Ben Arfa và Menez trở thành những niềm hy vọng mới của bóng đá Pháp sau thành công tại giải U17 châu Âu năm 2004. Cá nhân Nasri khi đó đã được ví như Eric Cantona, một người con của Marseille khác, hay Zidane, với nhãn quan chiến thuật và tố chất kỹ thuật vượt trội so với đồng đội cùng trang lứa. Tài năng của Samir Nasri không ngừng được cải thiện, nhờ khá nhiều vào sự đam mê với chiến thuật và những công thức thành công trong bóng đá. Tuy nhiên, những rắc rối bên ngoài sân cỏ đã khiến cho anh tự ngăn cản bản thân vươn đến đỉnh cao.
Samir Nasri và Cesc Fabregas
Cũng như nhiều tài năng bị gán mác “bad boy” khác của làng túc cầu thế giới, Nasri đã vướng vào quá nhiều vấn đề mà cho đến nay bất kỳ người hâm mộ nào cũng có thể đọc vanh vách những scandal của anh. Không đến nỗi mâu thuẫn với các đồng đội nhiều như người bạn đồng hành Hatem Ben Arfa, Samir Nasri còn gây thất vọng hơn với người hâm mộ bởi cách xử sự của anh với đội bóng. Khi trở thành một cầu thủ quan trọng của Arsenal, Samir Nasri đưa ra hai yêu cầu dành cho HLV Arsene Wenger, đó là việc nâng mức lương lên 110 nghìn bảng/tuần, bằng với người nhận lương cao nhất đội trưởng Cesc Fabregas. Thứ hai là Nasri muốn thi đấu ở vị trí số 10 sở trường, thay vì phải dạt trái theo yêu cầu của “Giáo sư” người Pháp. Những năm cuối của Nasri tại Etihad cũng gần như tương tự. Anh tự đánh mất phong độ bằng những một thói quen ăn uống không tốt, để rồi bị tăng cân và kéo theo những sự sụp đổ khác. Cho dù Pep Guardiola muốn giữ Nasri lại sau khi ông đặt chân đến Manchester, nhưng tiền vệ này vẫn dứt áo ra đi bởi anh biết nếu ở lại cũng sẽ không có nhiều cơ hội thi đấu. Qua hai lần gây thất vọng ấy với người hâm mộ, Nasri đã tự biến mình thành một “bad boy”. Thế nhưng, những sự kiện đó vẫn cho thấy tình yêu của anh đối với trái bóng, thể hiện qua việc muốn thi đấu ở vị trí mà anh cho rằng mình có thể phát huy khả năng tốt nhất, hay đơn giản là muốn được ra sân.
Bad boy Samir Nasri ở màu áo Man City
Rất nhiều phóng viên cũng chẳng thể nào ưa nổi Samir Nasri, người đã từng xả một tràng những lời chửi bới vào một phóng viên sau thất bại của đội tuyển Pháp tại EURO 2012, tuy nhiên cũng có những nhà báo, đã từng tiếp xúc với Samir Nasri, đã dành rất nhiều lời khen cho cầu thủ này. Một phóng viên của kênh truyền hình dành cho các Citizens có tên Blue Moon Rising, từng nhận xét như sau: “Tôi từng phỏng vấn Samir Nasri cho đài BMRTV và anh ấy thực sự là một tràng chai tuyệt vời,  hết sức cởi mở. Khi mà các cầu thủ ngày càng tỏ ra thận trọng trước báo giới, thì anh ấy không hề giấu diếm gì cả. Samir Nasri nói ra tất cả những gì mình nghĩ và anh ấy tỏ ra là một người hết sức hiểu biết.” Samir Nasri có thể từng gây hấn với HLV Raymond Demonech, hay Didier Deschamps, để rồi mất đi cơ hội dự World Cup lấy một lần trong đời, nhưng anh lại được yêu mến bởi Pep Guardiola hay Sampaoli, những nhà cầm quân rất coi trọng chiến thuật. Samir Nasri từng tỏ thái độ ra mặt với HLV Arsene Wenger khi còn ở Arsenal, nhưng lại bảo vệ ông khỏi những chí trích và coi ông như người cha thứ hai, nhiều năm sau khi đã rời Emirates. Không phải trong Nasri có một sự mâu thuẫn, mà có vẻ như anh là một cầu thủ thẳng thắn và thích sống với quan điểm và nguyên tắc của riêng mình.
 
Đó cũng là lý do mà anh dễ dàng rơi vào “cái bẫy” mà Jamie Vardy đã sắp đặt ở trận lượt về với Leicester City vừa qua. Trong một tình huống không có gì gay gắt, nhưng bị kích động bởi những tình huống kéo áo từ Vardy, Nasri đã tiến tới và cụng trán với đối thủ. Samir Nasri chưa hề có tác động, hay nếu có, cũng chưa đủ để khiến Vardy văng ra chới với như vậy. Theo dõi lại băng hình quay chậm, ai cũng thấy rõ màn đóng kịch của Jamie Vardy tài tình như thế nào và dĩ nhiên trọng tài sẽ hoàn toàn bị xỏ mũi. Lúc này thì sự bồng bột của Samir Nasri chỉ khiến anh trở thành một kẻ tội đồ với người hâm mộ Sevilla, cũng như trở thành một cái gai trong mắt những cổ động viên trung lập.
Samir Nasri đụng độ với Jamie Vardy
Samir Nasri có thể là một gã tồi, khi anh từng dính vào scandal giữa Karim Benzema và Mathieu Valbuena về những băng hình nhạy cảm. Cuối năm ngoái anh cũng khiến người bạn gái giận sôi máu sau khi bị phát hiện có những cuộc tình vụng trộm bên ngoài. Thế nhưng Samir Nasri vẫn sẽ là một anh chàng luôn hết mình vì trái bóng, cho dù trên sân hay trước màn hình tivi, vẫn là một cổ động viên không bỏ lỡ bất kỳ trận đấu nào của đội bóng quê hương Marseille, và vẫn là anh chàng từng gọi với theo Mesut Ozil và nói rằng: “Tớ yêu cậu!”, như một fan cuồng đích thực, dẫu cho khi đó Ozil không hề nhận ra Nasri là ai.
 


Hàn Phi (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Rodri: "Có nhiều thứ bạn sẽ không thể học được qua trường lớp mà phải tự chiêm nghiệm theo thời gian"

Khôn khéo trong cách ăn nói, kín đáo trong phong cách ăn mặc, là một người có học thức khi đã tốt nghiệp đại học và một cơ thể không dính một hình xăm... Có thể nói Rodri giống như một "cánh chim vừa lạ, vừa đặc biệt" trong thế hệ các cầu thủ đang thi đấu ở bóng đá hiện đại. Và ở cuộc phỏng vấn với Esquire, chúng ta sẽ có dịp hiểu nhiều hơn về con người và lối suy nghĩ của Rodri - cầu thủ đang chơi cho Man City vừa đoạt được danh hiệu Quả bóng vàng năm 2024.

Nghịch lý Vinícius Júnior

Vinícius Júnior đã thất bại trong cuộc đua Ballon d’Or vào tháng trước, nhưng bạn hãy thử nói với người hâm mộ Real Madrid rằng anh thực sự không xứng đáng giành Quả Bóng Vàng mà xem. “Vinícius, Ballon d'Or,” đám đông khán giả tại Santiago Bernabeu đã hát đi hát lại câu này vào hôm thứ 7, khi tiền đạo người Brazil lập hattrick trong chiến thắng 4-0 của Madrid trước Osasuna.

Luis Nani: Cuộc đời xoay trong những điệu santo

Gần 40 tuổi, thay vì lựa chọn nghỉ hưu ở những bãi biển xinh đẹp, Nani vẫn tiếp tục chơi bóng. Chẳng quan trọng là Manchester United lừng danh thế giới, Valencia đình đám một thời hay Sporting Lisbon giàu truyền thống, chỉ cần được ra sân và cống hiến, như thế là đủ mãn nguyện đối với ngôi sao người Bồ Đào Nha.

Ruben Amorim: "Tôi sẽ làm tất cả để đưa Man Utd trở về vị thế của mình"

Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.

Ayoze Perez: Sau cơn mưa mù là nắng ấm

Từ một cái tên từng nổi lên tại xứ sở sương mù trong màu áo Newcastle cách đây gần một thập kỷ, rồi bất ngờ ngụp lặn bởi những ca chấn thương, Ayoze Perez giờ đây đã quay trở về quê hương Tây Ban Nha ấm áp và trở thành nguồn cảm hứng kỳ lạ mang đến nét tươi mới cho Villarreal trong mùa giải năm nay.

Rodri: “Quả bóng Vàng không làm thay đổi con người tôi”

Gặp chấn thương phải nghỉ thi đấu dài hạn, Rodri, chủ nhân của Quả bóng Vàng 2024, đã mời tạp chí France Football đến nhà riêng ở Madrid để chia sẻ những cảm xúc của anh về buổi lễ trao giải Ballon d’Or, những lời khen mà anh nhận được và về giải thưởng mà một cá nhân chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự hiếm hoi lắm mới nhận được.

Philipp Lahm: Từ phút ngắn ngủi tại Olympiastadion đến huyền thoại bóng đá Đức

Là cựu đội trưởng của cả Bayern Munich và đội tuyển Đức, Philipp Lahm có thể nói đã có một sự nghiệp thi đấu vô cùng thành công. Trong bài viết này, chúng ta sẽ được trở về với những kỷ niệm để tôn vinh nhà vô địch Champions League, World Cup và đã tham gia sâu vào kế hoạch tổ chức UEFA Euro 2024 của Đức.