Arsene Wenger và giá trị của thời gian

Tác giả CG - Thứ Hai 16/11/2020 14:30(GMT+7)

Thật khó tin là Wenger lại nhớ tất cả những điều đó: áp lực, những lời chỉ trích, cơn nóng giận. Song, sau tất cả những gì ông đã làm cho bóng đá, tất cả những gì bóng đá đã lấy đi của ông thì dường như ông không hề mệt mỏi với nó. Bây giờ ông có cơ hội để làm tất cả những gì mình muốn.

 
Những buổi sáng của những năm tháng đó, thời gian chưa bao giờ là đủ. Suốt nhiều năm, Arsene Wenger luôn đặt ra giờ giấc chỉn chu. Sự đúng giờ là điều hiếm thấy trong bóng đá nhưng Wenger rất kỷ luật trong vấn đề này. Các cuộc họp báo hàng tuần của ông ở trung tâm huấn luyện Colney ngoại ô London luôn bắt đầu lúc 9 giờ sáng. Và nó sẽ phải được diễn ra vào lúc đó.
 
Có những ngày Wenger tỏ ra hơi nóng nảy, khó chịu một chút, nhưng chúng rất ít khi xảy ra. Thường thì “Giáo sư” luôn tạo ra ấn tượng cho người đối diện rằng ông rất vui vẻ khi trò chuyện, đi sâu vào những vấn đề thu hút sự chú ý của ông, đặc biệt điều này thể hiện rõ trong những năm cuối cùng tại Arsenal.
 
Với Wenger, thời gian chưa bao giờ là đủ. Wenger có một nguyên tắc là hàng ngày, ông sẽ phải có mặt trên sân tập trước các cầu thủ. Nếu không phải trả lời truyền thông thì chắc chắn ông sẽ không đến muộn hơn các học trò. Vì thế, nếu đến lúc phải chuẩn bị đi, ông sẽ cắt ngắn những quan điểm của mình theo cách rất lịch sự. 
 
Giờ đây, Wenger đã có thời gian hay nói chính xác là đã có thêm nhiều thời gian hơn. Kể từ khi rời Arsenal vào năm 2018, thật dễ để mọi người tin ông sẽ nghỉ hưu khi công việc ở FIFA - trong vai trò Giám đốc Phát triển Bóng đá Toàn cầu - tạo ra cảm giác ông đang hưởng mức lương cao ngất ngưởng nhưng công việc lại chẳng có gì nhiều.
 
Nhưng công việc của Wenger ở FIFA không hề là kiểu ngồi không ăn lương. Ông được giao nhiệm vụ thành lập một bộ phận nghiên cứu có thể xác định những thiếu sót mang tính cấu trúc trong bóng đá ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Ông đang làm việc để cải thiện những cơ sở vật chất và công tác huấn luyện ở 200 Liên đoàn bóng đá quốc gia thành viên. Ông muốn đảm bảo “mọi người đều có cơ hội chơi bóng đá một cách có cấu trúc”. Còn trong thời gian rảnh, ông viết hồi ký và bắt tay vào thực hiện lịch trình quảng cáo với những yêu cầu vừa phải.
 
Có lẽ điều này không có gì ngạc nhiên cả. Wenger chưa bao giờ là một người có cuộc sống yên tĩnh. Cựu danh thủ Bixente Lizarazu luôn lo ngại rằng “sẽ không thể ngào ngăn ông ấy lại”. Đó là một đặc điểm để nhận biết Wenger. Phương pháp của ông là quản lý tổng thể. Ông từng nói mình giống như “một vận động viên đỉnh cao: tôi không bao giờ chơi bời, không đi sàn nhảy, tôi ăn sớm và tập thể dục”. Ông viết rằng phương pháp của ông giống “thầy tu”.
 
Và điều đó cũng có giá của nó. Trong hồi ức về những đội bóng xuất sắc của Wenger, phần hấp dẫn nhất cuốn sách mới của ông là khi ông chia sẻ một chút về những hy sinh cá nhân. Ông viết rằng công việc quản lý thực sự “cô đơn”. Hơn một lần, ông cho biết đã không dành quá nhiều thời gian cho cô con gái Lea. (Wenger vô cùng tự hào về Lea khi thành tích học tập của cô ở Đại học Cambridge rất cao).
 
“Nếu muốn thành công, bạn phải dành toàn bộ thời gian. Dù sống theo kiểu nào thì bạn cũng phải tìm ra ý nghĩa cuộc sống. Tôi đã tìm ra được điều đó. Bóng đá là ý nghĩa cuộc sống của tôi. Tôi chẳng có gì phải hối tiếc về điều đó”, cựu HLV trưởng Arsenal bày tỏ.
 
 
Ông nói thêm: “Nhưng, giống như tất cả những người chỉ theo đuổi mục đích duy nhất, điều đó sẽ phát triển một số khía cạnh và giết chết những khía cạnh khác. Khi bạn tham gia một giải đấu, bạn phải trở nên thật cứng rắn. Bạn giết chết tính cảm xúc của mình. Bạn tập trung vào hiệu quả và việc giành chiến thắng nhưng lại không phát triển những phần khác trong tính cách của bản thân. Tôi tiếc về vấn đề này nhưng tôi không tiếc cuộc đời mình đã sống. Nếu được làm lại, tôi cũng sẽ lựa chọn như thế”.
 
Wenger vẫn còn tình yêu và mong muốn cống hiến cho bóng đá. Đến thời điểm hiện tại, ông vẫn nói “một ngày không bóng đá giống như một ngày linh mục không có thánh lễ”. Ông nhớ công việc huấn luyện vì “nếu trong suốt 36 năm ngày nào bạn cũng uống thuốc thì bạn sẽ nhớ nó, ngay cả khi có thể bạn sẽ không dùng lại nữa”.
 
Sau này ông đã tìm thấy sự cân bằng. Ông vẫn có thể bị tiêu tốn năng lượng bởi bóng đá, vấn đề chỉ là thời điểm này, chúng không phải những vấn đề cấp thiết để khiến ông phân tâm khỏi những câu hỏi lớn, những suy nghĩ lớn hơn.
 
Ông vẫn suy nghĩ về mọi thứ và mọi vấn đề. Ông lo lắng sự phát triển của các cầu thủ đang bị ảnh hưởng vì các CLB đang quá vội vàng trong việc giải quyết vấn đề của các tài năng trẻ. Ông nói: “Sự lưỡng lự giữa việc cung cấp sự hỗ trợ cho các cầu thủ và yêu cầu họ tự chủ động là quá lớn. Chúng ta phải khuyến khích các cầu thủ chủ động lại để tự giải quyết những vấn đề của họ”.
 
 
Ông sợ các CLB quá vội vã “hỏi xem họ có thể làm gì để giúp đỡ” cho dù đó là cung cấp các chuyên gia tâm lý hay những HLV chuyên môn. Ông thừa nhận rằng mình là “một trong những người đầu tiên tạo ra vấn đề đó” khi quá trình cải tổ mà ông thực hiện ở Arsenal đã khiến các đội thuê một nhóm HLV chăm sóc mọi khía cạnh trong quá trình phát triển của cầu thủ.
 
Ông tin rằng ở đẳng cấp cao nhất, bóng đá đang phát triển quá đồng nhất và có nguy cơ “đánh mất những đặc điểm mang tính địa phương”. Ông nghĩ đó là một kỷ nguyên mà “tất cả mọi người thi đấu hao hao như nhau và ai cũng nghĩ họ là người duy nhất chơi bóng như thế” cũng như có nguy cơ mà sự sáng tạo bị phụ thuộc vào tập thể.
 
Wenger chia sẻ: “Trình độ kỹ thuật đã thụt lùi một chút. Hiện nay Barcelona không còn hay như trước nữa. Real Madrid cũng vậy. Bayern Munich không còn hay như khi họ có Robben và Ribery đầy đủ sức mạnh. Tính tập thể đang ở tiêu chuẩn cao nhưng tính cá nhân đã đi xuống”.
 
Trong bối cảnh đó, “Giáo sư” thấy những cầu thủ sáng tạo đang bị mất chỗ. “Tính thể chất đã chiếm lĩnh và các cầu thủ sáng tạo bị loại bỏ. Bạn muốn thấy những cầu thủ như Maradona, Cruyff, Platini, Zidane. Nhưng kể từ khi chúng tôi đo lường những màn trình diễn thể chất thì những cầu thủ này sẽ gặp khó khăn”, ông bày tỏ. Và ông cũng thấy cậu học trò cũ Mesut Ozil là một trong những nạn nhân của thay đổi đó.
 
Wenger ghi nhận “chính sách nhập cư thành công” của Pháp với kho tàng tài năng đáng kể. Ông cho rằng kỷ nguyên của những CLB vệ tinh - như Manchester City đã thực hiện hay là mạng lưới của Red Bull - là một điều khó tránh. 
 
 
Wenger nghi ngờ rằng đại dịch COVID-19 sẽ thúc đẩy nhanh hành trình bóng đá rẽ sang một trong hai lối: Hoặc là European Super League, điều mà ông đã từng cảnh báo vài lần, hoặc một thế giới mà “Premier League sẽ nuốt hết mọi thứ khác”. Ông hy vọng khung cảnh những sân vận động vắng khán giả sẽ chỉ ra cho tất cả thấy “không có người hâm mộ, bóng đá không còn là môn thể thao như trước đây nữa”.
 
Cựu HLV trưởng Arsenal cũng tự hỏi rằng liệu có phải định nghĩa thành công trong bóng đá đã trở nên quá chật hẹp. “Chúng ta đang sống trong xã hội mà chỉ người chiến thắng mới được ghi nhận và những người khác bị cảm thấy vô dụng. Nhưng cuộc sống thực sự không phải như vậy”, ông chia sẻ.
 
Có lẽ Wenger chính là ví dụ điển hình cho điều đó. Vài năm trước, có rất nhiều người chỉ vào ông - ngay tại sân vận động mà ông đã góp phần tạo nên, ở một CLB mà ông đã tạo nên danh tiếng trong kỷ nguyên hiện đại, trong một giải đấu mà ông đã góp phần định nghĩa - và nói ông đã thất bại. Tất cả lý do chỉ bởi ông đã không vô địch quốc gia trong hơn một thập kỷ.
 
Thật khó tin là Wenger lại nhớ tất cả những điều đó: áp lực, những lời chỉ trích, cơn nóng giận. Song, sau tất cả những gì ông đã làm cho bóng đá, tất cả những gì bóng đá đã lấy đi của ông thì dường như ông không hề mệt mỏi với nó. Bây giờ ông có cơ hội để làm tất cả những gì mình muốn. Đây là điều ông đang muốn làm: suy nghĩ về những câu hỏi lớn và cố gắng tìm ra câu trả lời.
 
Và rốt cuộc, ông đang cảm thấy mình có thời gian để làm.
 
Dịch từ bài viết “Arsène Wenger and the Gift of Time” của tác giả Rory Smith trên New York Times.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Julian Brandt: Gọi giấc mơ về từ quá khứ

Dù chưa bao giờ phát tiết trọn vẹn những phẩm chất cũng như tiềm năng thiên bẩm của mình nhưng tiền vệ người Đức đang cùng Dortmund mơ về một mùa giải đẹp nhất kể từ ngày bắt đầu sự nghiệp.

Gabriel Heinze và con đường của một gã... Judas

Một hậu vệ mạnh mẽ, phóng khoáng, luôn nhận được sự yêu quý tại bất kỳ nơi nào anh từng thi đấu nhưng rồi những mối nhân duyên quá đỗi phức tạp đã vô tình biến Gabriel Heinze trở thành kẻ phản bội trong mắt người hâm mộ từng giành trọn vẹn tình cảm cho ngôi sao người Argentina. 

Xavi ở lại Barcelona: Giá trị của tình yêu

Tình yêu là thứ quyết định việc Xavi chọn ở lại Barca và cũng là thứ khiến CLB xứ Catalan luôn muốn giữ chân nhà cầm quân 44 tuổi, dù trước đó, ông từng tuyên bố sẽ ra đi sau khi mùa giải 2023/24 hạ màn. 

Jamal Musiala và giấc mơ từ những vũ điệu Latin

Cuộc phỏng vấn độc quyền trên tờ MARCA sẽ phần nào giúp những người hâm mộ hiểu rõ hơn về cuộc sống của Jamal Musiala cũng như lời hẹn ước chuyển tới La Liga chơi bóng trong tương lai không xa.

Nghịch lý Nicolas Jackson

“Hôm nay, Jackson vừa cầu thủ xuất sắc nhất vừa là cầu thủ tệ nhất trên sân - điều mà tôi chưa từng thấy trong bất kỳ trận đấu nào trước đây”, cựu danh thủ hiện đang làm việc tại Talksport - Stuart Pearce đã bình luận như thế về màn trình diễn của Nicolas Jackson trong thất bại 0-1 của Chelsea trước Man City ở bán kết FA Cup.