Việc Arsenal giữ lại Granit Xhaka được xem là nước đi khôn ngoan, giữa bối cảnh “bão giá” trên thị trường chuyển nhượng.
Sau rất nhiều đồn đoán về một cuộc chia ly, cuối cùng tương lai của Granit Xhaka đã được làm sáng tỏ bằng việc gia hạn hợp đồng với Arsenal đến mùa hè 2025. Liệu đó có phải là một quyết định làm thay đổi bộ mặt của Arsenal trong mùa giải mới?
GRANIT XHAKA SẼ Ở LẠI ARSENAL
"Granit sẽ ở lại với chúng tôi. Cậu ấy là một thành viên quan trọng trong đội bóng và cậu ấy muốn ra sân vào hôm nay. Tôi nghĩ rằng đó là một cam kết rất rõ ràng từ phía Granit, rằng tương lai của cậu ấy là ở đây", HLV Mikel Arteta đã nói như vậy trước trận giao hữu với Chelsea.
Và đó cũng chính là dấu chấm hết cho tin đồn chuyển nhượng về việc anh sẽ chuyển đến đầu quân cho AS Roma. Thực tế, đội bóng được dẫn dắt bởi HLV Jose Mourinho đã có cơ hội, tuy nhiên mức giá họ đưa ra đã bị từ chối thẳng thừng vì không hề tương xứng với giá trị của tiền vệ người Thụy Sĩ.
Granit Xhaka sẽ ở lại Arsenal và chấm dứt những đồn đoán về tương lai. Ảnh: Getty Images
Về phần mình, HLV Mikel Arteta từng nung nấu ý định làm một cuộc cách mạng về nhân sự trên hàng tiền vệ, khi mà trong tay chiến lược gia người Tây Ban Nha “thừa lượng nhưng thiếu chất”. Và nguyên tắc chuyển nhượng trong bóng đá hết sức đơn giản: muốn mua thì phải bán. Vậy nên sau khi đã chi ra hơn 70 triệu bảng trên thị trường chuyển nhượng, Arsenal cần thanh lọc đội hình trước đã.
Dani Ceballos và Martin Odegaard đã trở lại Real Madrid sau khi hợp đồng cho mượn kết thúc. Màn trình diễn của “tiểu Santi” trong mùa giải thứ hai chơi bóng tại nước Anh chỉ để lại sự thất vọng lớn lao. Trong khi đó, Mikel Arteta vẫn đang tìm mọi cách để chiêu mộ Odegaard và chờ một tín hiệu “bật đèn xanh” từ phía Real Madrid.
Mặt khác, Matteo Guendouzi cũng chuyển đến Marseille theo dạng cho mượn kèo theo điều khoản mua đứt bắt buộc. Còn Lucas Torreira, sau những lùm xùm của cầu thủ này về việc công khai muốn rời đi, tương lai của bản hợp đồng từng khiến Arsenal tiêu tốn 25 triệu bảng coi như đã được định đoạt. Những Ainsley Maitland-Niles hay Joe Willock cũng có khả năng bị bán nếu nhận được một đề nghị hợp lý.
Ngoại trừ Odegaard, người mà Arsenal rất muốn sở hữu nhưng cần phải chờ đợi thêm, thì Xhaka chính là tiền vệ mà các Gooners phân vân, đắn đo nhất. Chưa cần nói đến màn trình diễn ấn tượng trong màu áo Thụy Sĩ tại Euro 2020, Xhaka chính là tiền vệ tốt nhất của Arsenal mùa giải 2020/2021, lọt vào đội hình tiêu biểu do CIES bình chọn.
Ngoài ra anh sở hữu thống kê ấn tượng khi nằm trong top 5 tiền vệ có số lượng đường chuyền trung bình cao nhất Premier League. Kể từ khi cập bến Emirates ở thị trường chuyển nhượng mùa hè 2016, Xhaka là cầu thủ thi đấu nhiều nhất cho Arsenal với tổng cộng 230 trận, tức trung bình 46 trận/mùa. Đó là thống kê phản ánh được tầm quan trọng của cựu cầu thủ của Borussia Monchengladbach trong màu áo đỏ trắng.
VÌ SAO XHAKA TỪNG MUỐN RA ĐI?
Đã có thời điểm HLV Mikel Arteta từng nghiêm túc với việc bán Xhaka. Bến đỗ cụ thể ở đây là AS Roma - đội bóng duy nhất đưa ra lời đề nghị chính thức. Bản thân Xhaka cũng được cho là rất hứng thủ với việc chuyển sang thi đấu tại Serie A.
“Đó là một thành phố tuyệt vời. Và Arsenal biết tôi muốn làm gì”, Xhaka đưa ra câu trả lời đầy ẩn ý đó trong một lần được đặt câu hỏi về tương lai của mình. Anh đồng thời cũng dành những lời có cánh cho tân HLV trưởng Jose Mourinho của Roma:“Mọi người đều biết tài năng của Mourinho, biết những thành tựu mà ông ấy đạt được. Ông ấy luôn biết cách để tạo ra sự khác biệt”.
Vị thế của AS Roma ở thời điểm hiện tại chẳng khác gì tình cảnh của Arsenal. Cả hai đều đang loay hoay đi tìm lại ánh hào quang đã mất trong quá khứ. Vậy nên việc tiền vệ 28 tuổi từng mong muốn ra đi không hẳn vì vấn đề danh hiệu. Đơn giản, anh chỉ muốn thay đổi môi trường chơi bóng, rời xa mảnh đất đầy nhiễu nhương ở xứ sở sương mù.
Granit Xhaka đã 2 lần đứng trước viễn cảnh rời Arsenal, nhưng cuối cùng anh đều ở lại. Ảnh: Getty Images
Sự thật thì mối quan hệ giữa Xhaka và Arsenal có thể được so sánh với tình cảm của một cặp vợ chồng già. Họ có với nhau nhiều kỷ niệm đẹp khi mới yêu, nhưng cũng đã xảy ra nhiều biến cố, rạn nứt trong quãng thời gian chung sống. Trong quá khứ, Xhaka từng bị các Gooners khủng bố tinh thần nặng nề sau mỗi lần mắc lỗi, đặc biệt là sau hành động chửi thề, khiêu khích với CĐV đội nhà trong trận đấu với Crytal Palace hồi tháng 10/2019.
Sở dĩ Xhaka có hành động như vậy bởi lẽ anh đã chịu đựng quá nhiều những tiếng la ó, sỉ nhục gia đình anh từ cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Sự cố ấy từng khiến Xhaka suýt nữa đã ra đi trong thị trường chuyển nhượng mùa đông năm đó vì áp lực đến từ nhiều phía. Nếu không có sự xuất hiện của Mikel Arteta, người đã có những tác động nhất định khiến tiền vệ sinh năm 1992 phải suy nghĩ lại, cuộc chia tay này thậm chí đã diễn ra từ 2 năm trước.
Nhìn vào vụ bạo loạn ở Anh ngay sau khi đội tuyển của họ thất bại trước người Italy trong trận chung kết Euro, ta thấy rõ sự thái quá trong cách hành xử của hooligan tại đây. Ngoài ra, sự soi mói quá nhiều của truyền thông Anh cũng khiến các cầu thủ bóng đá cảm thấy khó chịu. Đôi khi, có hàng tá những tay săn tay rình rập chỉ để theo dõi xem Paul Pogba đi cắt kiểu tóc gì. Hay như Eric Cantona từng nói: “Truyền thông Anh cũng như thời tiết của họ vậy. Thật sự tệ hại. Nếu không vì sự vĩ đại của Manchester United, tôi đã không hứng thú đến Anh chơi bóng”.
GIỮ XHAKA, ARSENAL ĐƯỢC GÌ?
Nhưng sau tất cả, mối lương duyên này chắc chắn vẫn được kéo dài, ít nhất là trong mùa giải tới. Có nhiều nguyên nhân để giải thích cho sự “quay xe” của Arsenal.
Thứ nhất, Pháo thủ khó lòng tìm được người thay thế xứng đáng ở mức giá từ 10-12 triệu bảng (khoản tiền mà AS Roma chỉ chấp nhận để mua Xhaka). Về cơ bản nếu bán tiền vệ người Thụy Sĩ, ban lãnh đạo đội bóng phải bù thêm khá nhiều tiền để tìm kiếm người thay thế xứng tầm.
Hai cái tên được nhắc đến nhiều nhất là Ruben Neves và Manuel Locatelli đều được định giá 35 triệu bảng. Nhưng Arsenal hiện đang thất thế trong cuộc cạnh tranh với Manchester United lẫn Juventus trong cả hai thương vụ này. Thậm chí nếu may mắn chiêu mộ thành công 1 trong 2 cái tên kể trên, sự hòa nhập của họ với đội bóng mới hãy còn là ẩn số. Đó chắc chắn là thương vụ đi kèm với rủi ro lớn.
Granit Xhaka không phải người xuất sắc nhất, nhưng là phương án đáng tin cậy. Ảnh: Getty Images
Trong khi đó, việc giữ lại một cầu thủ đã quá quen thuộc và hiểu bản sắc lối chơi của Arsenal như Xhaka sẽ giúp HLV Mikel Arteta vừa giữ được sự ổn định, vừa có thêm ngân sách để chiêu mộ một tiền vệ sáng tạo như ông mong muốn.
Thứ hai, Xhaka là một thủ lĩnh tinh thần đích thực. Bỏ qua những lùm xùm với người hâm mộ Pháo thủ trước kia, có thể khẳng định Xhaka chính là cầu thủ có tư chất lãnh đạo tốt nhất tại Arsenal vào thời điểm hiện tại, sau sự ra đi của David Luiz. Những gì xảy ra tại Euro 2020 chính là minh chứng điển hình nhất.
Thụy Sĩ vốn không phải một cường quốc về bóng đá và cũng rất lâu rồi không sở hữu một ngôi sao mang tầm cỡ thế giới, thế nhưng việc lọt vào vòng tứ kết tại giải đấu vừa qua, chỉ dừng bước trước Tây Ban Nha trên chấm 11m, được coi là một bất ngờ lớn. Chìa khóa thành công nằm ở sự đoàn kết. Và người khơi dậy điều đó cả trong lẫn ngoài sân cỏ chính là chàng tiền vệ đội trưởng - Xhaka.
Còn ở Arsenal, dù là thời điểm phong độ đỉnh cao thì đội trưởng Pierre-Emerick Aubameyang cũng chưa bao giờ là một thủ lĩnh đích thực cùng sự máu lửa trên sân cỏ. Điều tương tự cũng đến với trường hợp của Hector Bellerin - người mang danh đội phó nhưng chủ yếu là vì đã gắn bó lâu với đội bóng. Giờ đây phong độ của Aubameyang đã sa sút trầm trọng, còn Bellerin cũng sắp khăn gói ra đi vì không đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, các Gooners mới thấy trân quý giá trị của một thủ lĩnh như Xhaka. Anh không phải mẫu cầu thủ toàn diện, nhưng lại là người có thể khơi dậy tinh thần chiến đấu bên trong các đồng đội.
Phẩm chất thủ lĩnh của Xhaka là điều Arsenal cần. Ảnh: Getty Images
Thứ ba, cũng là điều quan trọng nhất, câu trả lời nằm ở cách vận hành đội hình mong muốn của Mikel Arteta. Luôn được biết đến là bản sao của Pep Guardiola, do vậy cựu trợ lý Manchester City rất thích xây dựng lối chơi dựa trên thiên hướng kiểm soát bóng. Và 4-3-3 chính là sơ đồ ưa thích nhất của Mikel Arteta. Để vận hành sơ đồ này, điều quan trọng là phải có một tiền vệ mỏ neo đủ tầm, giống như Rodri (Man City) hay Jorginho (Chelsea).
Như đã nói ở trên, Xhaka không kém cạnh bất cứ tiền vệ nào tại Premier League ở khả năng chuyền và phân phối bóng (điều tiên quyết với một tiền vệ mỏ neo). Ở mùa giải trước, Xhaka đứng đầu trong cả hai thông số về chuyền bóng trong màu áo Arsenal; cầu thủ chuyền bóng nhiều nhất (trung bình 70 đường chuyền/trận) và cầu thủ có tỉ lệ bóng chính xác nhất (90,2%).
Tuy nhiên khả năng thoát pressing của cầu thủ này lại là trở ngại lớn. Anh khá tệ trong những pha xử lý ở không gian hẹp, nhất là khi bị đối thủ gây áp lực. Ngoài ra, khả năng đưa ra phán đoán phòng ngự của Xhaka cũng là điểm yếu lớn. Anh thường phạm lỗi không cần thiết, hay nói cách khác là thiếu tinh tế trong các pha vào bóng. Tổng cộng 60 thẻ vàng, 3 thẻ đỏ và vô số những lần phạm lỗi trong vòng cấm đội nhà. Rõ ràng không có bất cứ cầu thủ Arsenal nhận nhiều thẻ hơn Xhaka trong giai đoạn từ 2016 đến nay.
Đó là lý do vì sao Mikel Arteta bỏ ra 50 triệu bảng Anh để đưa về Ben White, người có khả năng bọc lót cực tốt. Khi Xhaka được giải phóng bớt nhiệm vụ phòng ngự, hoặc được hỗ trợ của những đồng đội xuất sắc như Thomas Partey hay Ben White, chiến lược gia người Tây Ban Nha tin tưởng tiền vệ Thụy Sĩ sẽ trở thành một chân “chia bài” chất lượng. Ngoài ra, sự đa năng và thể trạng ít chấn thương của Xhaka cũng là một điểm cộng. Còn nhớ ở mùa trước, khi Arsenal khủng hoảng ở vị trí hậu vệ trái vì Kieran Tierney dính chấn thương dài hạn, chính Xhaka đã trám vào vị trí của người đàn em và thi đấu không tồi chút nào.
Từ tất cả những lý do đó, việc Arsenal giữ lại Xhaka được xem là nước đi khôn ngoan, giữa bối cảnh “bão giá” trên thị trường chuyển nhượng.
Trong khi Pep Guardiola đang cố gắng chấm dứt chuỗi phong độ tệ hại nhất của CLB trong 1 thập kỷ, Cole Palmer, Jadon Sancho, Romeo Lavia và Tosin Adarabioyo đang cùng HLV Enzo Maresca làm nên cuộc cách mạng tại Chelsea.
Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.
“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.
Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?
Ở mỗi đội bóng trước đây, HLV Arne Slot luôn có một “số 9” biết cách ghi ít nhất 20 bàn/mùa. Còn tại Liverpool bây giờ, ông dường như vẫn chưa dứt khoát chọn được ai giữa Diogo Jota và Darwin Nunez làm “số 9”.