Năm 2020, tạp chí FourFourTwo bình chọn ra 10 HLV vĩ đại nhất lịch sử bóng đá. Arrigo Sacchi xếp thứ 6 và là HLV người Italy duy nhất trong top 10. Ở một đất nước nổi tiếng với thứ bóng đá phòng ngự mang tên catenaccio như Italy, việc Sacchi – một HLV “phản catenaccio” – là người Italy duy nhất có mặt trong danh sách này đã nói lên tầm vóc của ông trong dòng chảy bóng đá.
Thứ Sáu 01/04/2022 18:00
Bóng đá Italy nổi tiếng với catenaccio. Cố HLV Helenio Herrera thừa nhận catenaccio mà ông áp dụng ở Inter là bỏ bớt một tiền vệ và bổ sung thêm một hậu vệ, mà ở Italy vị trí này được gọi là libero (hậu vệ thòng). Cũng khoảng thời gian đó, ý tưởng này được Nereo Rocco áp dụng cho AC Milan. Cả hai gặt hái thành công vang dội. Nhà báo Giovanni Arpino từng nói “Nereo Rocco là một nửa bóng đá Italy”, chỉ chừng đó thôi chúng ta cũng hiểu vị HLV có biệt danh “El Paron” (Bậc thầy) và triết lý của ông có ảnh hưởng sâu sắc như thế nào đối với bóng đá Italy. Catenaccio được báo giới Italy gọi là "bóng đá của người Italy".
Quả thực, tư tưởng phòng thủ, ngăn chặn đối thủ đã ăn sâu bén rễ vào đời sống bóng đá Italy, nó ngấm vào DNA của những người làm bóng đá Italy suốt nhiều thế hệ, truyền từ lớp người này sang lớp ngày khác. Chiến thắng tất nhiên là thứ quan trọng nhất, và để chiến thắng thì trước tiên không được phép thua. HLV Carlo Ancelotti từng nói "Các đội bóng Italy thường đánh lén đối thủ. Họ không cố gắng chứng minh mình giỏi hơn mà họ cho đối phương thấy họ khôn ngoan hơn". Ký giả huyền thoại Gianni Brera thậm chí còn cực đoan hơn: “Trận đấu bóng đá hoàn hảo là trận đấu kết thúc với tỷ số 0-0”.
Hay nói cách khác, phòng thủ đã trở thành căn tính của người Italy. Rudi Fuchs, nhà phê bình nghệ thuật kỳ cựu người Hà Lan, nhận xét: “Người Italy dụ dỗ và ru ngủ bạn trong vòng tay mềm mại của họ, và rồi ghi một bàn thắng như thể đâm bạn bằng một nhát dao găm”. Và Arrigo Sacchi thì khái quát thứ căn tính này một cách ngắn gọn: “Italy có văn hoá phòng thủ không chỉ trong bóng đá. Suốt nhiều thế kỷ, các nước khác liên tục xâm lược chúng tôi”.
Trong những năm cuối thập niên 60, catenaccio thống trị đời sống bóng đá Italy. Đã có một vài HLV đã manh nha cho các đội bóng của mình chơi một thứ bóng đá cởi mở hơn như Paulo Amaral hay Heriberto Herrera ở Juventus. Với nguồn cảm hứng “Bóng đá tổng lực” của Ajax và đội tuyển Hà Lan trong thập niên 70, có một luồng gió mới thổi lên đời sống bóng đá thế giới, và bóng đá Italy cũng đã có những người tiếp thu nó.
Trong hai năm liên tiếp 1972 và 1973, Ajax lần lượt đánh bại Inter Milan và Juventus trong các trận chung kết C1. Sau trận chung kết năm 1972, cây bút huyền thoại Brian Glanville đúc rút: “Bóng đá tổng lực đã hoàn toàn làm lu mờ catenaccio”. Hà Lan và Italy là hai nền bóng đá đậm tính triết lý, và những thất bại của hai ông lớn Italy đã khiến một số HLV ở đây suy nghĩ tới việc chỉnh sửa lại catenaccio.
Luis Vinicio đã áp dụng lối chơi định hướng khu vực (zonal system) ở Napoli trong thập niên 70 dựa trên nguồn cảm hứng của người Hà Lan. Thế nhưng theo Jonathan Wilson, người đầu tiên thực sự định hình cách chơi định hướng khu vực ở bóng đá Italy là Nils Liedholm – huyền thoại người Thuỵ Điển.
Trong quãng thời gian dẫn dắt AS Roma, chiến thuật của ông tương đối linh hoạt. Có thời điểm ông rút một libero với nhiệm vụ phòng ngự đơn thuần ra và thay vào đó bằng một cầu thủ có thể chơi tấn công, sáng tạo ở phía trước hàng thủ. Ông triển khai một hệ thống phòng ngự khu vực thay vì phòng ngự kèm người một-một và hướng dẫn các cầu thủ chơi thứ bóng đá kiểm soát bóng và luân chuyển vị trí linh hoạt như cách mà người Hà Lan đã chơi. Liedholm là một trong những HLV đầu tiên ở Italy từ bỏ dần việc đá phản công, thay vào đó là kiểm soát bóng, kiểm soát toàn bộ mặt sân. Trong quãng thời gian dẫn dắt Roma, ông giúp đội bóng đoạt 1 Scudetto, 3 Coppa Italia và 1 lần vào chung kết cúp C1.
Có một điểm chung giữa những Paulo Amaral, Heriberto Herrera, Luis Vinicio hay Nils Liedholm chính là tất cả bọn họ đều không phải người Italy. Bởi thế, chỉ khi một người Italy dám đứng lên chống lại tư tưởng catenaccio và rồi gặt hái thành công, bóng đá Italy mới bắt đầu thức tỉnh và nhận ra vẻ đẹp của một cách chơi bóng hoàn toàn khác.
“Khi bạn xây một căn nhà, bạn bắt đầu với phần móng chứ không phải mái. Rocco và sau này là Trapattoni luôn xây dựng các đội bóng của họ dựa trên nguyên tắc cơ bản là nhận ít hơn đối phương 1 bàn thua thì dễ hơn là ghi nhiều hơn họ 1 bàn thắng. Đây là logic hoàn hảo”, đó là những gì Gianni Brera đúc rút về quan điểm chơi bóng của những HLV thành công đại diện cho catenaccio. Trong khi tư tưởng kiểu như thế thống trị đời sống bóng đá Italy thì Arrigo Sacchi muốn thực hiện một cuộc cách mạng.
Là một người chưa từng đá bóng chuyên nghiệp - "bạn đâu cần phải làm một con ngựa để trở thành người đua ngựa" là câu nói nổi tiếng của ông - Sacchi không có quãng thời gian làm cầu thủ để bị thấm nhuần tư tưởng catenaccio như nhiều HLV cùng thế hệ.
Từ nhỏ, Sacchi đã hâm mộ những đội bóng vĩ đại với lối chơi tấn công quyễn rũ như Budapest Honved, Real Madrid, Brazil. Tuy nhiên, đội bóng thực sự gây ấn tượng mạnh mẽ nhất với Sacchi chính là ĐT Hà Lan trong thập niên 70. Cả bốn đội bóng này trong thời đỉnh cao ở giữa thế kỷ 20 đều là những tập thể có lối chơi cấp tiến dựa vào khả năng di chuyển và phối hợp ăn ý, nhuần nhuyễn. Chính từ việc theo dõi những đội bóng này, Sacchi nhận ra giai đoạn không kiểm soát bóng cũng rất quan trọng, và việc làm sao để đoạt lại bóng cũng là vấn đề của cả hệ thống.
Cộng thêm việc không quá bị ảnh hưởng bởi tư duy chủ đạo bóng đá Italy thời điểm đó do chưa từng chơi bóng chuyên nghiệp như đã nói ở trên, Sacchi dần hình thành một triết lý bóng đá riêng. Bước vào thập niên 80, Arrigo Sacchi xuất hiện và trở thành một người tiên phong chống lại tư tưởng phòng thủ theo lối cũ của người Italy.
“Với tôi, La Grande Inter (thế hệ cầu thủ Inter Milan vĩ đại dưới sự dẫn dắt của Helenio Herrera trong thập niên 60 của thế kỷ 20) có những cầu thủ vô cùng tuyệt vời. Nhưng đó là một đội bóng chỉ có một mục tiêu duy nhất: chiến thắng. Nhưng nếu bạn muốn được lưu danh sử sách, bạn không chỉ giành chiến thắng mà còn phải chơi thứ bóng đá mãn nhãn, giải trí. Những đội bóng vĩ đại trong lịch sử có một điểm chung, bất kể kỷ nguyên hay chiến thuật gì. Đó là họ kiểm soát sân bóng và trái bóng. Điều đó có nghĩa là khi bạn có bóng, bạn phải điều khiển cuộc chơi và khi phòng ngự, bạn phải kiểm soát không gian”, Sacchi chia sẻ.
Thay vì sử dụng sơ đồ 5 hậu vệ với một libero ở trung tâm hàng phòng ngự, Sacchi sử dụng sơ đồ 4-4-2, chơi tấn công và áp dụng hệ thống phòng ngự khu vực trái ngược hoàn toàn ở bóng đá Italy thời điểm ấy. Trong cuốn "Inverting the Pyramid", nhà báo Jonathan Wilson gọi đó là "pressing cục bộ", tức là pressing toàn sân và nhốt đối phương vào một không gian hẹp như thể dựng một cái lồng. Có thể nói "dựng xe buýt" không có trong từ điển của Sacchi và đây chính là cuộc cách mạng với bóng đá Italy. Việc di chuyển không bóng và tấn công khoảng trống là điều tối quan trọng, và mọi cầu thủ đều phải học cách phòng ngự. Tiền đạo thì phải phòng ngự từ phần sân đối thủ, mà phòng ngự là để tấn công.
Milan của Sacchi với bộ ba Hà Lan bay cùng thế hệ cầu thủ Italy tài năng đã làm mưa làm gió thế giới bóng đá từ năm 1987 đến 1990. Sacchi từ chối sử dụng hệ thống có một libero dù trong tay ông có một libero xuất sắc là Franco Baresi. Tuy nhiên, Baresi cùng các đồng đội đã thích nghi rất tốt với chiến thuật của người thầy. Jonathan Wilson nhận xét có lẽ trong lịch sử không đội bóng nào chơi với hệ thống định hướng khu vực (zonal system) hay như là AC Milan của Sacchi. Còn Paolo Maldini thì nói: "Trước khi Sacchi đến, các cuộc đấu tay đôi luôn là mấu chốt. Nhưng với ông ấy, điều quan trọng là di chuyển không bóng, và đó là thứ giúp chúng tôi chiến thắng".
Một trong những thứ vũ khí của AC Milan dưới thời Sacchi chính là bẫy việt vị. Đó cũng chính là một ví dụ tiêu biểu về cách ông dạy các cầu thủ nhận thức về không gian. Với Arrigo Sacchi, bóng đá có kịch bản có thể chuẩn bị và biên kịch chính là HLV trưởng. Triết lý của Sacchi là dạy các cầu thủ chơi bóng và tư duy chơi bóng để khi ở trên sân, các cầu thủ có thể đưa ra quyết định nhanh và chính xác với càng nhiều tình huống càng tốt.
Tất nhiên, với tư duy khác biệt, hơn nữa lại là một người Italy, Sacchi bị coi như một người phản bội truyền thống. Một người Italy nhưng khước từ catenaccio là điều không hề đơn giản ở thời điểm đó.
Năm 1991, ông được bổ nhiệm làm HLV trưởng đội tuyển Italy. Cây bút Michael Cox viết trong cuốn "Zonal Marking": "Italy lọt vào chung kết World Cup 1994, thua Brazil trên chấm luân lưu nhưng Sacchi bị chỉ trích vì ông ám ảnh với pressing, 4-4-2 và phòng ngự khu vực. Năm 1996, Sacchi vẫn dẫn dắt Italy dù trải qua kỳ Euro thảm họa ở Anh khi Azzurri bị loại từ vòng bảng. Sacchi khẳng định Italy đá hay nhất giải đấu dù phần lớn người hâm mộ muốn ông bị sa thải".
HLV Giovanni Trapattoni - một trong những chiến lược gia nổi tiếng nhất theo trường phái catenaccio và là môn đệ của Nereo Rocco - tuyên bố: "Italy của Sacchi chỉ là 1 đội bóng hay trong khoảng 5 trận đấu. Milan của Sacchi chỉ giành được 1 scudetto nhưng phong cách chơi bóng của họ lại được tôn vinh bởi 1 bộ máy tuyên truyền hiệu quả.
Tôi muốn thấy Milan không có bộ ba cầu thủ Hà Lan và tất cả các tuyển thủ Italy đá thế nào. Bạn có thể thử giải thích những chi tiết chiến thuật tương tự cho 11 cầu thủ bình thường và họ vẫn là những cầu thủ bình thường mà thôi..."
Truyền thông Italy cũng ủng hộ Trapattoni và "đánh" Sacchi tơi tả. Nhà báo Gianni Brera của tờ La Gazzetta dello Sport là một trong số đó. Brera là bạn thân của Nereo Rocco và như đã nói là người từng tuyên bố "trận đấu hoàn hảo là trận đấu kết thúc với tỷ số 0-0". Tất nhiên quan điểm của những người có tiếng nói như Trapattoni hay Brera được nhiều người trong nước Italy đồng tình.
Thế nhưng, dù từng bị chỉ trích nhiều ở Italy nhưng triết lý của Sacchi đã tạo ảnh hưởng lên rất nhiều người khác. Jorge Valdano chia sẻ: “Chúng ta nhớ đến AC Milan của Sacchi nhiều hơn là nhớ AC Milan của Fabio Capello, dù Milan của Capello thành công hơn và gần với hiện tại hơn. Tương tự, Bóng đá tổng lực của Hà Lan trong thập niên 70 là huyền thoại, hơn nhiều so với Tây Đức – đội bóng đánh bại họ ở chung kết World Cup 1974 – hay Argentina – đội đánh bại họ ở chung kết năm 1978. Những gì đọng lại trong tâm trí mọi người là hành trình tìm kiếm sự vĩ đại và cảm xúc”.
Những HLV hàng đầu thế giới hiện tại như Jurgen Klopp hay Pep Guardiola đều chịu tầm ảnh hưởng ít nhiều của Sacchi. Klopp từng tiết lộ khi còn là cầu thủ của Mainz 05 dưới thời HLV Wolfgan Frank, ông và các cầu thủ của đội bóng này từng phải xem đi xem lại video các bài tập phòng ngự, di chuyển không bóng của Milan dưới thời Sacchi. Trong khi đó, Guardiola đã gọi điện cho Sacchi hồi tháng 11/2020 để xin ý kiến khi thời điểm ấy Manchester City vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong cách chơi bóng.
Năm 2020, tạp chí FourFourTwo bình chọn ra 10 HLV vĩ đại nhất lịch sử bóng đá. Arrigo Sacchi xếp thứ 6 và là HLV người Italy duy nhất trong top 10. Tất nhiên mỗi tạp chí sẽ có những tiêu chí đánh giá riêng, nhưng ở một đất nước nổi tiếng với thứ bóng đá phòng ngự mang tên catenaccio như Italy, việc Sacchi – một HLV “phản catenaccio” – là người Italy duy nhất có mặt trong danh sách này đã nói lên tầm vóc của ông trong dòng chảy bóng đá.
“Bóng đá được sinh ra từ bộ não chứ không phải cái tay hay cái chân. Michelangelo nói ông ấy vẽ bằng cái đầu chứ không phải bằng tay. Vì thế tôi cần những cầu thủ thông minh, đó là triết lý của tôi ở Milan. Tôi không muốn những nghệ sĩ solo mà muốn một dàn nhạc. Lời khen tuyệt vời nhất mà tôi nhận được là khi mọi người nói thứ bóng đá của tôi giống như một bản nhạc”, Arrigo Sacchi bày tỏ.