Ảo vọng đáng yêu của bóng đá Anh

Tác giả KDNX - Thứ Ba 29/06/2021 17:15(GMT+7)

Zalo

Dù đối đầu với nhau khá nhiều lần, trong đó có trận chung kết World Cup 1966, trận đấu mà ĐT Anh đã đánh bại Đức bằng một bàn thắng gây tranh cãi. Nhưng từ xưa tới nay, Đức chưa bao giờ là đối thủ của Anh, ít ra là theo suy nghĩ của Barney Ronay, một cây viết tới từ báo The Guardian.

Ảo vọng đáng yêu của bóng đá Anh
Ảnh: Getty Images

TỪ NHỮNG DÒNG TIÊU ĐỀ NGÂY NGÔ ĐÁNG YÊU

 
Ngụ ngôn Aesop của Hy Lạp có một câu truyện như thế này: Một ngày nọ, một con ruồi bay đến đậu trên sừng của một chú bò. Dù vậy, bò ta cũng chẳng mấy để tâm. Khi con ruồi đã đậu chán, nó vội quay sang chú bò rồi nói:
 
- Này, tôi đậu trên sừng anh nãy giờ có khiến anh phiền không ?
 
Chú bò bèn đáp lại:
 
- Không, tôi còn chẳng biết là cậu đậu trên sừng tôi nãy giờ đấy.
 
Sẽ là hơi khập khiễng khi so sánh nền bóng đá Anh, một trong những nền bóng đá lừng danh và lâu đời nhất, với chú ruồi trong truyện. Nhưng khi xét đến bề dày thành tích cùng những gì mà ĐT Anh đã đạt được trong suốt chiều dài của nền bóng đá này, người Anh chỉ là một chú ruồi nhỏ so với ĐT Đức, đối thủ của họ trong trận đấu diễn ra vào tối nay (theo giờ Việt Nam), một đội bóng sở hữu 4 danh hiệu World Cup và 3 danh hiệu Euro. Rõ ràng, bóng đá Anh chẳng khác gì chú ruồi đậu trên sừng của chú bò Đức vậy.
 
Và cũng giống như chú ruồi trong truyện, người Anh cũng muốn xem mình là một cái gì đó "quan trọng" với người Đức, chính vì vậy, cứ mỗi lần đối đầu với người Đức, họ sẽ làm đủ mọi cách gây chú ý, từ hô hoán tới viết hàng loạt những bài báo nhằm phô trương thanh thế của đội bóng nước nhà. Một ví dụ được nhà báo Barnay Ronay nêu ra trong bài viết của anh về vấn đề này đó là một tựa báo được viết nửa Anh nửa Đức: "ACHTUNG! SURRENDER!!!" (Chú ý! Đầu hàng ngay - ND). Một dòng tiêu đề mà theo Ronay ở thời điểm đó gây được sự chú ý, không phải vì sự ngây ngô của nó, mà bởi vì người ta khá thích sự hài hước nhẹ nhàng đậm chất Anh Quốc này.
 
Tiếp đó, Ronay nêu ra dòng sapo của bài viết: "Với lũ người Đức chúng bay, Euro 96 đã chấm dứt rồi" (For you Fritz, ze Euro 96 Championship is over). cần phải nhấn mạnh rằng trong bài viết gốc, từ "the", được viết thành “ze” như một cách nhạo báng lối phát âm tiếng Anh của người Đức, một dân tộc có ngôn ngữ khá gần với tiếng Anh.

Ảo vọng đáng yêu của bóng đá Anh
 
 
Theo Barney Ronay, việc coi người Đức là đối thủ truyền kiếp, là kẻ thù không đội trời chung của giới làm truyền thông bóng đá Anh Quốc là một "căn bệnh" cố hữu nhưng cực khó hiểu. Bởi theo nhà báo này, xuyên suốt lịch sử đối đầu trong bóng đá, ĐT Đức còn có những đối thủ cạnh tranh gay gắt hơn với họ. Cụ thể, theo Ronay, đó là Italy, đội bóng từng đối đầu với người Đức 9 lần, ĐT Hà Lan, 14 trận bán kết, Pháp, đương kim vô địch và là hàng xóm. Nói cách khác, theo Ronay, đội tuyển Anh chỉ là một chú bé con so với những đối thủ to lớn hơn kể trên.
 

TỚI NHỮNG DÒNG TIÊU ĐỀ SẶC MÙI CHIẾN TRẬN

 
Xuyên suốt chiều dài lịch sử của hai quốc gia này, họ đã từng là kình địch trên những chiến trường, trong đó có hai cuộc thế chiến thứ nhất và thứ hai. Trong cả hai lần đó, Đức luôn là nước thua trận. Chính vì vậy, khi viết báo bóng đá, các cây viết của báo chí Anh thường xuyên "nhồi nhét" khá nhiều những từ ngữ mang đậm tính chiến trận, một điều mà Barnay Ronay cũng nêu ra trong bài viết của mình.
 
Ví dụ đầu tiên được anh nêu ra đó là những gì cây viết Hugh McIlvanney viết trong bài báo của Observer vào năm 1966 cho kỳ World Cup diễn ra trên đất Anh. Cụ thể, trong bài báo đó, cây viết này đã nói về việc các đồng nghiệp người Đức của ông cảm thấy "khó chịu với cái không khí đặc quánh chủ nghĩa dân tộc và quân phiệt của các đồng nghiệp người Anh."
 
Tiếp đó, là những gì tờ Bild nêu ra trong bài viết của mình: "Có cảm giác, mấy tay nhà báo Anh viết ra những dòng tin của mình khi đang ngồi trong những chiến hào với cái mũ sắt trên đầu và một cái mặt nạ phòng hơi độc trên mặt vậy."

Ảo vọng đáng yêu của bóng đá Anh
Những cuộc đối đầu giữa Anh và Đức luôn căng thẳng. Ảnh: Getty Images
 
Mọi thứ chưa dừng lại ở đó. Như để dẫn chứng thêm cho tinh thần "đá bóng như đánh trận" này của các đồng hương, Barnay Ronay nêu ra việc các CĐV Anh thường xuyên  hát những bài hát về máy bay ném bom tới từ Anh Quốc khi họ đến với vùng Ruhr, nơi từng bị Quân đội Hoàng gia Anh oanh tạc khiến 21.000 chết và mất nhà cửa.
 
Theo Barnay Ronay, những điều trên khiến anh cảm thấy khó chịu, nhất là khi trong gia đình của anh có khá nhiều thành viên phải chịu đựng những gì mà hai cuộc thế chiến đã để lại, cùng với đó là những đau thương mà người Đức phải chịu đựng sau những trận bom của lực lượng Đồng Minh.
 

BÓNG ĐÁ THỜI “THẾ GIỚI PHẲNG”

 
Trong bài viết của mình, Barnay Ronay cho rằng anh cảm thấy rất vui khi truyền thông cũng như các cầu thủ ít khi nhắc tới những thứ vô nghĩa và không thuộc về một trận bóng như tinh thần dân tộc, quá khứ hay chủ nghĩa anh hùng, những thứ mà trong quá khứ anh đã phải nghe đi nghe lại khá nhiều lần. Theo cá nhân của người viết, đây chính là một phần của bóng đá thời "thế giới phẳng", của cái thời mà bóng đá cấp CLB đã giúp các nền bóng đá xích gần nhau hơn.

Ảo vọng đáng yêu của bóng đá Anh
Thomas Tuchel và Jurgen Klopp là những HLV Đức được các cổ động viên Anh ở đội bóng mà họ dẫn dắt yêu quý. Ảnh: Getty Images
 
Có thể thấy rõ nhất qua danh sách của ĐT Đức. Cụ thể, trong đội hình của Die Mannschaft có đến 3 cầu thủ hiện đang đá cho Chelsea, đó là Timo Werner, Antonio Rudiger và Kai Havertz, những người đang thi đấu cùng với Ben Chilwell, Mason Mount ở phía bên kia chiến tuyến. Ngoài ra còn có Kalvin Phillips đang thi đấu chung với Robin Koch ở Leeds hay Bernd Leno đang thi đấu chung với Bukayo Saka ở Arsenal.
 
Có lẽ vì vậy mà chúng ta không còn thấy nhiều sự sôi sục và không khí "như đánh trận" của các thế hệ trước, thay vào đó là những sự bình thản, những toan tính chiến thuật được đề ra bởi HLV hai đội, Gareth Southgate bên phía Anh và Joachim Loew bên phía ĐT Đức.
 
Không thể phủ nhận việc bóng đá đang dần trở nên "phẳng" hơn có thể giết chết những thứ như bản sắc, lối chơi hay những đặc trưng của các nền văn hóa bóng đá. Nhưng cũng không vì thế mà chúng ta nói rằng điều này thực sự xấu, một phần vì nhờ đó, chúng ta đã có thể xóa nhòa những khác biệt, những thứ hận thù hay thứ chủ nghĩa dân tộc lố bịch của các thế hệ trước đây, điều đã khiến Barnay Ronay phải viết hẳn một bài báo về vấn đề này.
 
Sử dụng tư liệu từ bài viết: "Germany, England’s deepest rivals? In reality it’s not a rivalry at all" của tác giả Barnay Ronay trên The Guardian

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Alphonso Davies: Từ cậu bé ở trại tị nạn đến ngôi sao bóng đá thế giới

Sinh ra trong một trại tị nạn rồi sau đó vươn tới những đỉnh cao với các danh hiệu Bundesliga, Champions League cùng Bayern Munich và cuối cùng là tham dự World Cup 2022 cùng ĐTQG Canada. Đó quả là một chặng hành trình dài và nếu nó có được Alphonso Davies ghi vào một cuốn nhật ký thì hẳn đó sẽ là một cuốn nhật ký rất đáng đọc. Nhưng chàng trai tới từ Canada năm nay mới chỉ 24 tuổi và chặng hành trình tiếp theo của anh vẫn còn rất dài.

Danny Welbeck và "mùa xuân" mới cùng Brighton

Danny Welbeck, 33 tuổi, đang tận hưởng một trong những mùa giải đẹp nhất trong sự nghiệp cầu thủ. Bạn có thể thích tiền đạo Brighton hoặc không, nhưng bạn không thể phủ nhận những bước tiến khó tin của chàng trai “tuổi băm” này.

Estevao Willian và ước mơ một ngày đứng trong hàng ngũ những người giỏi nhất

Như một lời giời thiệu tổng quát về bản thân mình đến người hâm mộ bóng đá Anh, trong một cuộc phỏng vấn với ký giả Thiago Rabelo của tờ The Guardian (Anh), Estevao Willian, tài năng bóng đá 17 tuổi được đánh giá là triển vọng nhất của Brazil kể từ sau Neymar – người sẽ chính thức gia nhập Chelsea vào mùa hè năm sau – đã có những chia sẻ về nhiều khía cạnh trong cuộc đời lẫn sự nghiệp vẫn còn chưa đơm hoa của mình.

X
top-arrow