Antonio Valencia: Từ đứa trẻ đồng nát đến cỗ máy không thể thay thế

Tác giả Ole - Thứ Ba 24/01/2017 17:37(GMT+7)

Cần gì phải tìm kiếm sự hoa mỹ nếu như bạn đã sở hữu trong tay một Valencia cần mẫn và hiệu quả, một kẻ luôn trung thành, giàu nhiệt huyết và sẵn sàng cống hiến bằng trái tim rực lửa.
Antonio Valencia: Từ đứa trẻ đồng nát đến cỗ máy không thể thay thế
Thời điểm hiện tại, không phải những bản hợp đồng hào nhoáng như Ibrahimovic hay Pogba mà chính ngôi sao người Ecuador mới thực sự là nhân tố quan trọng bậc nhất trong hành trình phục hưng Man United dưới triều đại Jose Mourinho.
 
NUÔI GIẤC MƠ TỪ… RỪNG AMAZON
 
Antonio Valencia xuất thân từ Lago Agrio, một thị trấn nằm ở miền Bắc đất nước Ecuador, thuộc vùng rừng nhiệt đới Amazon. Tại nơi này, người dân chủ yếu sống nhờ vào những công việc tay chân liên quan đến ngành khai thác dầu mỏ. Ngoài ra, việc giáp ranh với biên giới Colombia cũng biến Lago Agrio trở thành một mảnh đất hết sức lý tưởng cho giới tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy. Kéo theo đó là những mảnh đời sa ngã vào tệ nạn như một hệ quả tất yếu. 
 
Sinh trưởng trong một gia đình nghèo bao gồm 7 anh chị em, thời thơ ấu của Valencia thường xuyên phải gắn liền với những ngày tháng chạy loăng quăng ngoài sân vận động để phụ giúp mẹ mình bán hàng tạp phẩm, đồ uống. Hôm khác, anh lại cùng cha đi thu gom vỏ chai, lon nước, đồ phế liệu trước khi bán cho những cửa hàng đồng nát trên phố. 
 
Khó khăn như vậy, thế nhưng cậu bé Valencia cũng chưa bao giờ nghĩ rằng những nỗi vất vả mà mình từng trải qua trong cuộc đời là một điều gì đó thiệt thòi hay bất hạnh. Thậm chí, ngay cả sau này, khi đã trưởng thành và kiếm được rất nhiều tiền thì cầu thủ sinh năm 1985 vẫn luôn giãi bày tâm sự về những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của mình trong quá khứ. “Chúng tôi thường phải lao động miệt mài để có được một bữa tối no đủ. Mặc dù vất vả nhưng cuộc sống khi ấy thật là hạnh phúc và mọi người trong gia đình tôi đều yêu thương nhau hết mực”, Valencia chia sẻ trong một bài phỏng vấn cách đây vài năm.
Antonio Valencia trong màu áo tuyển QG
Bất chấp cuộc sống thuở nhỏ có phần thiếu thốn, tuy nhiên Valencia vẫn luôn cố gắng nuôi dưỡng một niềm đam mê bất tận cùng trái bóng tròn. Không có điều kiện giống như nhiều đứa trẻ cùng trang lứa khác để được gia nhập học viện, cậu bé đã chấp nhận đá bóng bằng… chân đất, ngay trên những khoảng sân loang lổ, bẩn thỉu và nhếch nhác nằm bên cạnh nhà mình. Khoảng thời gian ấy, chỉ cần được tận hưởng niềm vui chơi bóng cùng chúng bạn sau một ngày làm việc thôi dường như cũng là quá đủ đối với Valencia rồi. 
 
Cứ vào mỗi buổi tối, trong cái ngôi nhà gỗ một tầng đơn sơ và chật chội năm nào, gia đình đầm ấm của Valencia lại tràn ngập những tiếng cười vui, những câu chuyện hài hước và đương nhiên là không thể nào thiếu đi những giấc mơ xa xôi ở đâu đó về một tương lai, một cuộc sống tốt đẹp hơn. Để rồi, đến ngày mà Valencia được Pedro “Papi” Perlaza, một tuyển trạch viên địa phương phát hiện vào năm anh lên 11 tuổi, mọi thứ đã bắt đầu thay đổi. Kể từ thời điểm này, Valencia chính thức được ăn tập tại học viện ở Sucumbios, nơi mà những sân bóng vẫn thường xuyên phải chịu cảnh lụt lội vì những cơn mưa vùng nhiệt đới bất ngờ. Chẳng sao hết, đối với một cậu bé từng phải lang thang nhặt ve chai để kiếm ăn cùng cha mẹ, chỉ cần được như thế thôi cũng đã là quá tốt.
 
TRỐN NHÀ LÊN THỦ ĐÔ ĐÁ BÓNG
 
Kiên trì luyện tập và nhanh chóng tiến bộ vượt bậc, năm 2001, Valencia đã nhận được lời đề nghị từ El Nacional, CLB nằm ở thành phố Quito, thủ đô Ecuador. Khi ấy, vì quá lo lắng về việc cha mình sẽ không đồng ý cho con trai tập luyện xa nhà nên Valencia đã quyết định… bỏ trốn. Chỉ có duy nhất mẹ và anh trai, Carlos Alfredo biết chuyện của ngôi sao đang khoác áo M.U. Sau đó, cũng chính Carlos Alfredo là người đã trả tiền cho chuyến xe buýt kéo dài 8 giờ đồng hồ đưa Valencia từ quê nhà Lago Agrio đặt chân đến thủ đô Quito, một bước khởi đầu quan trọng giúp chàng trai sinh năm 1985 viết tiếp những câu chuyện hoài bão về cuộc đời mình.
 
Thời điểm mới gia nhập El Nacional, cầu thủ người Ecuador được xếp chơi như một tiền vệ trung tâm và chỉ nhận mức lương 50 đô la mỗi tháng. Khoảng thời gian tiếp theo, sau khi nhận thấy Valencia sở hữu tốc độ chẳng hề thua kém một VĐV điền kinh là mấy, ban huấn luyện đội bóng mới quyết định chuyển anh ra đá cánh, vị trí đã làm nên tên tuổi đồng thời trở thành tấm vé thông hành quan trọng giúp Valencia được đặt chân đến trời Âu.
 
Mùa Hè năm 2005, Valencia cập bến Villarreal, tuy nhiên mùa giải đầu tiên chơi bóng tại Tây Ban Nha đã chứng kiến thất bại nặng nề của ngôi sao người Ecuador với chỉ vỏn vẹn 2 lần được ra sân đều từ băng ghế dự bị. Cuối mùa, ngay lập tức anh bị đem cho Huelva Recreativo mượn. Giai đoạn sau đó, Valencia thi đấu có phần khá hơn trong màu áo CLB xứ Andalucia và cũng góp công đáng kể giúp cho đội bóng này giành suất thăng hạng La Liga. Mặc dù vậy, ban lãnh đạo Villarreal vẫn quyết định đẩy cầu thủ sinh năm 1985 sang nước Anh, bằng một bản hợp đồng cho mượn với Wigan.
 
Những tưởng sự nghiệp của Valencia sẽ trở nên tầm thường và lặng lẽ giống như nhiều ngôi sao đương thời, nhưng thực tế lại chỉ ra rằng, tiền vệ người Ecuador phù hợp với môi trường bóng đá xứ sở Ăng-lê hơn bao giờ hết. Khi mà thứ bóng đá “kick and rush” (chạy và sút) vẫn còn đang cực kỳ thịnh hành tại Anh vào những năm giữa thập niên 2000 và chưa hề bị xóa nhòa bởi các phong cách chiến thuật mới du nhập từ châu Âu, Valencia đã nhanh chóng thể hiện được những phẩm chất tuyệt vời của mình nhờ vào khả năng bứt tốc chẳng khác nào một con linh dương thực sự. 
 
Cũng cần phải nhấn mạnh thêm rằng, tại VCK World Cup 2006 được tổ chức ở Đức, Valencia chính là một trong những ngôi sao thi đấu ấn tượng nhất dưới màu áo ĐT Ecuador. Thậm chí, anh còn đứng trong danh sách bầu chọn chính thức của FIFA dành cho 11 vị trí xuất sắc nhất giải đấu. Chính điều này đã góp phần mang đến cho Valencia sự tự tin cần thiết trước khi chuyển tới chơi bóng tại Wigan trong giai đoạn tiếp theo.
 
Những màn trình diễn hiệu quả và ổn định của cầu thủ người Ecuador ở JJB Stadium (tên cũ của sân DW Stadium) cuối cùng đã lọt vào mắt xanh của Sir Alex Ferguson. Mùa Hè năm 2009, vị chiến lược gia người Scotland quyết định chiêu mộ Valencia từ Wigan về Man United với mức giá 16 triệu bảng, trong một nỗ lực tìm kiếm sự thay thế cho Cristiano Ronaldo, ngôi sao vừa mới chuyển sang đầu quân cho Real Madrid bằng một bản hợp đồng kỷ lục.
 
SỰ ĐƠN GIẢN LÀM NÊN HẬU VỆ PHẢI HAY NHẤT THẾ GIỚI
 
Trên thực tế, những màn trình diễn của Valencia tại sân Old Trafford cũng không tệ chút nào. Tuy nhiên, để đáp ứng được niềm kỳ vọng lớn lao từ các CĐV khó tính ở “Nhà hát của những giấc mơ” thì rõ ràng những cú nước rút thần tốc bên hành lang cánh phải của anh vẫn là chưa đủ. Mùa giải 2009/10, Valencia đóng góp cho M.U tổng cộng 5 bàn thắng cùng 7 pha kiến tạo ở Premier League sau 29 lần đá chính, một con số hoàn toàn chấp nhận được. Mặc dù vậy, chấn thương mắt cá chân trái hết sức nghiêm trọng ở trận gặp Rangers tại vòng đấu bảng Champions League vào tháng Tám năm 2010 đã khiến tiền vệ người Ecuador phải rời xa sân cỏ suốt nửa năm liền.
Antonio Valencia và Sir Alex
Bước sang mùa giải 2011/12, Valencia đã tìm thấy phong độ cao nhất của mình khi đóng góp tới 13 đường kiến tạo cho Quỷ đỏ tại Premier League (cộng thêm 4 bàn thắng) chỉ sau 22 trận được ra sân ngay từ đầu. Mặc dù vậy, đội bóng chủ sân Old Trafford lại không thể giành được ngôi vô địch cuối cùng khi liên tục hụt hơi vào cuối mùa trong cuộc đua với gã hàng xóm giàu có Man City. Chứng kiến sự tiến bộ vượt bậc của Valencia, trước thềm mùa bóng 2012/13, Sir Alex cũng quyết định trao cho anh chiếc áo số 7 huyền thoại. Nhưng rồi, điều trớ trêu là trong những áp lực quá lớn của một kẻ thay thế, Valencia đã không còn là chính mình. Tiền vệ người Ecuador nhanh chóng bước qua một năm cực kỳ thảm hại với những tiếng la ó và cười chê từ khắp các góc khán đài, nơi mà người ta muốn nhìn thấy một Nani giàu sáng tạo và nhiều cảm hứng bước vào sân hơn thay vì lối chơi quá đơn giản như một “cái máy chạy” của anh.
 
Dưới thời HLV David Moyes, đội bóng thành Manchester chìm sâu trong cơn khủng hoảng trầm trọng. Thế nhưng, giữa những giờ phút mà M.U gặp nhiều gian nan nhất, tất cả vẫn luôn được chứng kiến một Antonio Valencia ra sân bằng trái tim rực lửa cùng tấm lòng nhiệt huyết, sẵn sàng chiến đấu đến cùng, dẫu cho anh không ít lần bị kéo về đá hậu vệ, một vị trí vốn không phải sở trường. Khoảng thời gian sau này, khi Louis van Gaal lên nắm quyền tại “Nhà hát”, nhà cầm quân người Hà Lan đã thường xuyên sử dụng Valencia như một con bài chiến thuật đa năng bên hành lang cánh phải.
 
Thái độ cầu tiến cùng tinh thần vượt khó chính là những yếu tố quan trọng nhất giúp cho cựu ngôi sao Wigan có thể thích nghi tốt trước mọi hệ thống chiến thuật. Trong suốt những năm tháng chơi bóng tại M.U, bản thân Valencia chưa bao giờ lên tiếng kêu ca hay phàn nàn về vị trí thi đấu của mình. Anh sẵn sàng thực hiện tất cả mọi nhiệm vụ được giao phó, từ khâu tranh chấp bóng, kèm người, cho đến leo biên, tạt bóng… miễn sao được ra sân cống hiến cho Quỷ đỏ là tốt rồi. Kết quả là đến bây giờ, cầu thủ người Ecuador đã nắm giữ một suất vững chắc trong đội hình của HLV Jose Mourinho, ở một vai trò vốn không hề thuộc về anh trước kia, hậu vệ phải.
Cầu thủ người Ecuador đã nắm giữ một suất vững chắc trong đội hình của Jose Mourinho
Mới đây nhất, sau khi kiến tạo cho Ibra ghi bàn trong trận hòa 1-1 trước Liverpool, cá nhân Valencia ngay lập tức đã nhận được bản hợp đồng gia hạn từ phía ban lãnh đạo M.U, một phần thưởng hoàn toàn xứng đáng dành cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của ngôi sao 31 tuổi này. Thời điểm hiện tại, cầu thủ người Ecuador thậm chí còn được ông thầy Mourinho ca ngợi là hậu vệ cánh phải hay nhất thế giới.
 
Tất nhiên, lời khen từ phía “Người đặc biệt” vẫn sẽ cần thêm thời gian để kiếm chứng. Mặc dù vậy, nếu như nhìn vào những con số thống kê của Valencia trong mùa giải năm nay, người ta sẽ không khỏi bất ngờ trước sự hiệu quả mà ngôi sao sinh năm 1985 đã mang lại cho hàng phòng ngự đội bóng chủ sân Old Trafford. Cụ thể, tính trung bình mỗi trận ở Premier League 2016/17, Valencia đi bóng qua người thành công 1,6 lần (chỉ kém Pogba); tạt bóng 1,4 lần (nhiều nhất đội); tắc bóng thành công 2,4 lần (chỉ kém Herrera và Darmian); đánh chặn chính xác 1,8 lần.
Thống kê tại Premier League 2016/17
Cách đây ít ngày, người đồng đội Ander Herrera cũng vừa lên tiếng khen ngợi Valencia là hậu vệ phải xuất sắc nhất thế giới. Thế nhưng, cầu thủ mang áo số 25 lại tỏ thái độ hết sức bình thản và khiêm nhường. “Cám ơn Herrera vì những lời khen tốt đẹp ấy nhưng điều mà tôi thực sự quan tâm bây giờ đơn giản là việc chăm chỉ tập luyện vào mỗi ngày. Tôi sẵn sàng thay đổi vị trí thi đấu của mình khi được huấn luyện viên yêu cầu, miễn sao điều đó mang đến giá trị cho M.U. Niềm khao khát lớn nhất của tôi chính là được cống hiến tất cả sức lực của mình cho tập thể đội bóng và tôi chẳng mấy hứng thú với những vinh quang cá nhân theo kiểu như vậy”.
 
Từ một đứa trẻ ngày nào vẫn còn phải lăn lộn bên ngoài đường phố để sinh tồn cùng gia đình, Antonio Valencia đã biến những giấc mơ thuở ấu thơ của mình trở thành sự thật. Trong suốt chặng hành trình dài miên man ấy, xuất phát từ một mảnh đất hẻo lánh nơi vùng rừng nhiệt đới Amazon, bước qua bờ Đại Tây Dương trước khi tìm đến thứ ánh sáng xa hoa tại sân Old Trafford bây giờ, người ta hiểu rằng đức tính giản dị cùng với tinh thần vượt khó bất chấp mọi hoàn cảnh chính là những chìa khóa quan trọng nhất đã giúp cho cậu bé nghèo người Ecuador năm xưa trở thành một “cỗ máy” không thể nào thay thế trong đội hình M.U hiện tại.
 
OLE (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.