Antonio Conte và Chelsea: Thăng hoa và xói mòn

Tác giả CG - Chủ Nhật 14/08/2022 08:03(GMT+7)

Zalo

Antonio Conte đã để lại dấu ấn trong lịch sử Chelsea. 2 năm dẫn dắt, 1 danh hiệu Premier League và 1 chức vô địch FA Cup có thể coi là quãng thời gian thành công về mặt thành tích với chiến lược gia người Italy. Tuy nhiên, sự chia tay của ông với The Blues để lại không ít vết gợn, xuất phát từ những rạn nứt với ban lãnh đạo và một vài thành viên trong đội hình.

Antonio Conte
Antonio Conte

Mùa giải 2017/18, Chelsea dưới sự dẫn dắt của Antonio Conte xếp thứ 5 ở Premier League, và chức vô địch FA Cup là không đủ để giúp ông tiếp tục tại vị. Việc sa thải nhà cầm quân người Italy được đưa ra trên trang chủ CLB vào ngày 13/7/2018 bằng một thông báo ngắn gọn có phần cộc lốc với chỉ vỏn vẹn 61 từ tiếng Anh. Tuy nhiên, mọi thứ có lẽ đã bắt đầu đổ vỡ từ đầu tháng 2 khi kết quả đội bóng đi xuống rõ rệt mà cụ thể là bị đe dọa mất một suất dự Champions League.

Cuối cùng một cuộc chiến pháp lý kéo dài 18 tháng đã nổ ra và cả hai cuộc phán xử sau đó đều kết thúc với kết quả có lợi cho HLV người Italy. Mọi tình huống gây tranh cãi, dù là rất nhỏ, trong suốt 2 năm cầm quân của Conte ở Chelsea đều được tách ra và mổ xẻ kỹ lưỡng. Chelsea cho rằng hành vi của Conte trong mùa giải thứ hai của ông, từ mâu thuẫn với Diego Costa cho đến những lời phàn nàn của ông liên quan đến việc thiếu sự hậu thuẫn trên thị trường chuyển nhượng, đều là vi phạm hợp đồng.

Trong khi đó, luật sư của Conte thì lập luận hành động của HLV người Italy gần như không cấu thành tội bỏ bê trách nhiệm công việc và khẳng định rằng 12 tháng sau khi bị sa thải, ông vẫn phải được trả mức lương 9 triệu bảng/năm vì hợp đồng vẫn còn hiệu lực. Theo đó Chelsea sẽ phải trả lương cho Conte cho đến khi ông nhận một công việc khác. Sau cùng, thẩm phán đưa ra phán quyết rằng Conte đã bị sa thải một cách không đúng đắn và sẽ được bồi thường ở mức cơ bản là 1524 bảng, con số tối đa lên tới 83.682 bảng. Trong khi đó, báo cáo tài chính của CLB trong mùa giải 2018/19 liệt kê “những khoản đặc biệt trị giá 26,6 triệu bảng” liên quan đến “thay đổi đội ngũ ban huấn luyện đội nam cùng các chi phí pháp lý liên quan”. Việc sa thải Conte mang đến cái giá đắt cho Chelsea.

Có lẽ động cơ của Conte đằng sau những phiên tòa không phải tài chính. Thứ ông hướng tới là cảm giác công bằng. “Tôi hài lòng với kết quả này. Tôi thấy tiếc vì vấn đề lại trở thành những tố tụng pháp lý”, HLV sinh năm 1969 tuyên bố. Dù thế nào đi chăng nữa, đây cũng là một cái kết không ai mong muốn trong mối quan hệ. Như đã nói, mọi thứ đổ vỡ trong mùa giải thứ hai của ông.

Conte đã không ngần ngại thừa nhận phong cách của mình không phù hợp với tất cả mọi người. Thời điểm đó, cựu HLV trưởng Juventus nhấn mạnh những người đã liên hệ làm việc với ông phải biết con người của ông là như vậy.

Antonio Conte và Chelsea Thăng hoa và xói mòn 1
Antonio Conte đoạt Premier League ngay trong mùa giải đầu tiên dẫn dắt Chelsea. Ảnh: Getty Images

“Tôi không phải một nhà ngoại giao. Tôi rất thẳng thắn, nếu tôi cố cắng thay đổi con người mình thì tôi sẽ kết thúc sự nghiệp ngay lập tức. Người thành thật luôn lên tiếng rất rõ ràng trong mọi thời điểm. Và nếu bạn giả tạo thì lúc nào bạn cũng giấu giếm sự thật. Tôi xin nhắc lại, tôi thích sự thành thật, nói sự thật trong mọi thời điểm. Tôi ghét những kẻ giả tạo”, Conte chia sẻ vào đầu năm 2018.

Ngay sau trận chung kết FA Cup, Conte đã đoán đó sẽ là trận đấu cuối cùng ông dẫn dắt Chelsea. Đã có một cái bắt tay lạnh lùng, chớp nhoáng giữa ông và giám đốc Marina Granovskaia khi toàn đội tiến lên khu vực danh dự trên khán đài sân Wembley để nhận cúp. “Khi bạn quyết định chọn một HLV như tôi, chắc chắn bạn phải biết mình đang lựa chọn điều gì. Tôi không thể nào thay đổi tính cách của mình”, Conte chia sẻ trong cuộc họp báo sau trận. Khi đó, ông đã nhắc đi nhắc lại cụm từ “tôi không thể thay đổi”.

Hầu như những sự rạn nứt đều bắt nguồn từ thị trường chuyển nhượng. Conte coi danh hiệu Premier League mà ông đoạt được chỉ là một phép màu nhỏ với một đội bóng xếp thứ 10 mùa bóng trước đó, thông qua những sự bổ sung nhân sự không đáng kể như N’Golo Kante, Marcos Alonso, David Luiz bên cạnh tài thao lược của ông cùng việc The Blues không phải đá cúp châu Âu. Việc bán Oscar đến Thượng Hải SIPG giúp Chelsea thu về lợi nhuận lớn. Chelsea sau đó lên ngôi khi vẫn còn 2 vòng đấu Premier League nữa.

Conte coi đó như một nền tảng để phát triển. Thành công đã tiếp thêm sức mạnh cho ông. Mùa hè năm 2017 đó, ông đã nghĩ tỷ phú Roman Abramovich sẽ chi tiêu rất mạnh tay để nâng cấp đội hình, trong đó có việc mang về Romelu Lukaku từ Everton và Virgil van Dijk từ Southampton. Có thể Chelsea coi hai thương vụ này là quá đắt đỏ vào thời điểm ấy, nhưng trong mắt Conte thì đó đều là những người đội bóng có thể đưa về.

Trong cuộc phỏng vấn trên Telegraph vào năm 2020, Conte nhấn mạnh “với sự xuất hiện của 2 cầu thủ đó, chúng tôi sẽ tăng thêm 30% sức mạnh đội hình”. Thời điểm Manchester United có được Lukaku còn Southmapton từ chối bất cứ sự quan tâm nào cho Van Dijk, chiến lược gia Italy khẳng định Chelsea “bỏ lỡ thời điểm để đưa về những cầu thủ hàng đầu có thể ở lại đội bóng trong nhiều năm nữa”.

Khi đó Conte nhắm đến những cầu thủ có kinh nghiệm có thể ngay lập tức chinh chiến một cách bản lĩnh ở UEFA Champions League. Ông muốn có Kyle Walker, cuối cùng hậu vệ này gia nhập Manchester City với giá 50 triệu bảng. Ông nhắm Leonardo Bonucci và Alex Oxlade-Chamberlain lúc đó đang muốn rời Arsenal. Conte cũng thích một cầu thủ khác của “Pháo thủ” thời điểm ấy là Alexis Sanchez, bên cạnh hậu vệ biên Alex Sandro từ Juventus.

Ở hàng tiền đạo, HLV người Italy cũng muốn chiêu mộ Fernando Llorente, cầu thủ ông đã làm việc cùng ở Juventus, nhất là khi tương lai của Diego Costa không chắc chắn. Cuối cùng, Tottenham đã trả giá cao hơn để có được sự phục vụ của tiền đạo Tây Ban Nha từ Swansea. Dù điều này không mấy ảnh hưởng đến sức mạnh hàng công, tuy nhiên nó cho thấy xu hướng chuyển nhượng của Chelsea mùa hè 2017. Họ vẫn biết phải bổ sung lực lượng cho một mùa giải có lịch thi đấu dày đặc, tuy nhiên họ thích những cầu thủ trẻ còn dư địa để phát triển hoặc những cầu thủ trong tầm giá 20-40 triệu bảng hơn. Chelsea cho rằng những yêu cầu của Conte là một dạng gia tăng quyền lực, còn chiến lược gia người Italy thì thấy mình không được hậu thuẫn ở thị trường chuyển nhượng.

Trong suốt mùa hè đó, Chelsea đã liên tục nhận được những tin nhắn và email yêu cầu cập nhật thông tin các tân binh sắp đến. Sau đó khi Conte biết rõ rằng những cầu thủ mà mình muốn sẽ không xuất hiện, mọi thứ chìm vào im lặng. Trong khoảng 10 ngày, Chelsea cố gắng liên hệ với HLV trưởng (head coach) của mình nhưng không có hồi âm. Tin nhắn, email cũng không được trả lời. Điều đó khiến họ vội vã lao vào thị trường chuyển nhượng.

Antonio Conte và Chelsea Thăng hoa và xói mòn 2
Antonio Conte và ban lãnh đạo Chelsea rạn nứt khi HLV người Italy không được bổ sung nhân sự như mong muốn. Ảnh: The Times

Chelsea vẫn chi mạnh tay. Alvaro Morata là tân binh với mức phí kỷ lục của Chelsea lúc đó, dù Conte từng công khai bày tỏ sự yêu thích Harry Kane. Tiemoue Bakayoko, cầu thủ giúp Monaco vô địch Ligue 1, lọt vào bán kết Champions League và khiến Chelsea phải bỏ ra 40 triệu bảng, được xem là sự thay thế trực tiếp cho Nemanja Matic. Sau đó cũng Antonio Rudiger xuất hiện cùng Davide Zappacosta và Danny Drinkwater. Những động thái này có sự tác động từ phía Conte.

Tuy nhiên, sự không hài lòng của Conte được thể hiện rõ nét khi ông triệu tập một cuộc họp đội trước mùa giải được cho là để giới thiệu các cầu thủ tân binh. Thay vào đó, ông lại giới thiệu 2 thành viên mới trong ban huấn luyện là Paolo Vanoli và Davide Mazzotta. Đó là cách Conte thể hiện quan điểm.

Kế đến là câu chuyện với Diego Costa. Conte và Chelsea đã làm mọi cách để giữ chân được tiền đạo người Tây Ban Nha trong suốt mùa giải 2016/17 mà The Blues đoạt chức vô địch Premier League. Mùa hè trước đó, anh đã liên tục thể hiện ý muốn ra đi. Vấn đề là Conte vốn chỉ muốn làm việc với những cầu thủ toàn tâm toàn ý gắn bó với Chelsea, nhất là khi đội bóng đang trong cuộc đua tới danh hiệu vô địch Premier League. 

Tuy nhiên, việc Conte gửi tin nhắn cho Costa trong mùa hè để thông báo với tiền đạo này rằng anh không còn nằm trong kế hoạch của chiến lược gia người Italy thực sự đã gây nên những hoang mang trong ban lãnh đạo. Tin nhắn này được gửi đi mà không hề có sự chấp thuận từ thượng tầng. Bên cạnh đó nó cũng khiến các cầu thủ trong đội hết sức ngạc nhiên.

Thực tế, nhiều cầu thủ trong đội cũng mệt mỏi dưới thời Conte. Họ đã liên tục phải nghe HLV trưởng yêu cầu bổ sung lực lượng khi thị trường chuyển nhượng mùa đông đến gần. Việc giám đốc kỹ thuật Michael Emenalo, một nhân vật được xem là cầu nối giữa HLV trưởng và ban lãnh đạo, rời đi từ tháng 11 càng khiến mâu thuẫn giữa Conte và những nhân vật phía trên ông tăng thêm.

Những thất bại trong suốt mùa giải càng làm tăng thêm sự đổ vỡ. David Luiz chỉ có 9 lần đá chính ở Premier League và không ra sân trận nào trong 3 tháng cuối nhiệm kỳ của Conte. Chiến lược gia người Italy không thích phản ứng của trung vệ Brazil khi bị thay ra trong trận hòa 3-3 với Roma giữa tháng 10. Khi Chelsea kết thúc trận lượt về ở Italy, ông đã nói rõ sự không hài lòng trong cuộc họp đội để xem xét lại thất bại và căng thẳng đang sôi sục trong lòng CLB.

Antonio Conte và Chelsea Thăng hoa và xói mòn 3
Mối quan hệ giữa Antonio Conte và Diego Costa đổ vỡ nghiêm trọng dù họ cùng giúp Chelsea đoạt chức vô địch Premier League mùa giải 2016/17. Ảnh: Getty Images

Trong mắt Conte, đội bóng đã không còn “khát khao, động lực và sự ổn định” trong buổi tối hôm đó. Ông càng “sôi máu” hơn nữa khi thấy cầu thủ trẻ Kenedy ngáp trong cuộc họp. Kế đến là câu chuyện của Willian, người cũng nhận thấy vai trò của mình trong đội bị suy giảm. Mối quan hệ của cầu thủ người Brazil với Conte đổ vỡ đến mức trong bài đăng trên mạng xã hội chúc mừng chức vô địch FA Cup, anh dùng biểu tượng chiếc cúp che vừa vặn hình ảnh của HLV trưởng Chelsea khi ấy. Sau đó, anh giải thích một cách khá vụng về khi đổ lỗi cho cô con gái đã sử dụng điện thoại của mình.

Ở một mức độ nào đó, có lẽ cách chơi bóng với cường độ cao mà Conte áp dụng đã không còn hiệu quả sau một thời gian. Cộng thêm những kết quả không tốt khiến tâm trạng trong đội càng đi xuống. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Rudiger tỏ ra nghi ngờ về lối chơi của đội bóng. Các thủ lĩnh trong phòng thay đồ cũng phàn nàn về khối lượng tập luyện và phân tích chiến thuật. Những thứ đó được áp dụng ở mùa bóng 2016/17 khi họ không phải tham dự cúp châu Âu, nhưng sau khi trở lại Champions League những buổi tập cường độ cao như vậy vẫn giữ nguyên. Bầu không khí trong đội trở nên u ám và tập thể dần trở nên rệu rã.

Bản thân các cầu thủ cũng nhận thức được việc sẽ sớm có HLV trưởng mới sau khi mùa giải kết thúc. Khi họ biết điều đó, không có thông báo nào được phát đi. Các cầu thủ Chelsea lúc đó đang làm nhiệm vụ quốc gia tại World Cup đều giữ im lặng. Ban lãnh đạo The Blues cố gắng đưa Maurizio Sarri về từ Napoli. Trong quá trình ấy, việc Conte quay trở lại để chỉ đạo quá trình tập luyện trước mùa giải đã khiến nhiều người ngạc nhiên.

Các cầu thủ đội một không tham dự World Cup chỉ được thông báo trước một tuần rằng họ sẽ trở lại để kiểm tra thể lực trong giai đoạn trước mùa giải vào ngày 7/7. Đến ngày 13/7, thông tin Conte bị sa thải chính thức được công bố trên trang chủ Chelsea.

Tuần này, Conte sẽ trở lại Stamford Bridge lần đầu tiên kể từ khi chia tay đội bóng

Theo Dominic Fifield, Simon Johnson | The Athletic

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Jamal Musiala và giấc mơ từ những vũ điệu Latin

Cuộc phỏng vấn độc quyền trên tờ MARCA sẽ phần nào giúp những người hâm mộ hiểu rõ hơn về cuộc sống của Jamal Musiala cũng như lời hẹn ước chuyển tới La Liga chơi bóng trong tương lai không xa.

Nghịch lý Nicolas Jackson

“Hôm nay, Jackson vừa cầu thủ xuất sắc nhất vừa là cầu thủ tệ nhất trên sân - điều mà tôi chưa từng thấy trong bất kỳ trận đấu nào trước đây”, cựu danh thủ hiện đang làm việc tại Talksport - Stuart Pearce đã bình luận như thế về màn trình diễn của Nicolas Jackson trong thất bại 0-1 của Chelsea trước Man City ở bán kết FA Cup.

X
top-arrow