Antonio Conte: Người thợ may những "bộ đồ" chiến thuật

Tác giả August - Thứ Hai 01/08/2016 17:07(GMT+7)

Ngay trong ngày ra mắt tại Chelsea, Conte đã bày tỏ quan điểm của mình về công việc của một huấn luyện viên: “Khi tôi ở Italia tôi thích ví rằng, người huấn luyện viên cũng như một người thợ may. Một thợ may phải dựng một bộ đồ, một bộ đồ tốt nhất cho đội”. Chàng tiền vệ người Lecce từ một kẻ mặc lên mình bộ đồ chiến thuật của “những thợ may bậc thầy” đang trên đường trở thành một trong những thợ may vĩ đại trong lịch sử “thời trang chiến thuật” của bóng đá thế giới.
 
TỪ NGHIỆP "QUẦN ĐÙI ÁO SỐ" TRỞ THÀNH NGƯỜI THỢ MAY
 
Bắt đầu sự nghiệp cầu thủ tại đội bóng quê hương Lecce và có trận đấu ra mắt vào ngày 6/4/1986 dưới sự dẫn dắt của “người thợ may lão làng” Carlo Mazzone (1986 - 1990), Conte đã nhanh chóng trở thành một tiền vệ phòng ngự tài năng của Italia. Giai đoạn hoàng kim trong sự nghiệp cầu thủ của Conte gắn liền với Juventus bắt đầu từ năm 1991 cho khi giã từ sân cỏ năm 2004. Tại đội bóng áo sọc trắng đen thành Turin, Conte đã trở thành một cầu thủ quan trọng trong những bộ đồ chiến thuật tuyệt hảo của hàng loạt “những thợ may” bậc thầy như Giovanni Trapattoni (Juventus, từ 1991 - 1994), Marcelo Lippi (1994 - 1999, 2001 - 2004), Carlo Ancelotti (2000 - 2001).
 
Đội tuyển Italia tại World Cup 1994 với “đuôi ngựa thần thánh” Roberto Baggio, cùng những Franco Baresi, Alessandro Costacurta, Paolo Maldini, Dometrio Albertini, Roberto Donadoni, Gianfranco Zola đã làm say mê bao con tim trót trao tình yêu của mình cho đội bóng màu Thiên Thanh ấy. Nhưng có lẽ, ít ai còn nhớ về một chàng trai với mái đầu hói mới bước sang tuổi 24 đã thầm lặng chiến đấu bằng lòng quả cảm, với tinh thần máu lửa nơi trung tuyến của đội bóng. Chàng trai với đôi mắt xanh sâu thẳm, đó chính là Antonio Conte. 
 
Giai đoạn hoàng kim trong sự nghiệp cầu thủ của Conte gắn liền với Juventus
Thất bại đầy nuối tiếc World Cup 1994 không thể đánh bại được ý chí kiên cường của chàng trai trẻ Conte. Anh tiếp tục chiến đấu cho Juventus và trở thành nhân tố quan trọng của Azzurri dưới thời của “những thợ may” vĩ đại như Cesare Maldini (1997 - 1998) và Dino Zoff (1998 - 2000). Thất bại của đội tuyển Italia trong trận chung kết Euro 2000 trước đội tuyển Pháp cũng là lời chia tay của Conte sau 20 trận khoác màu áo Thiên Thanh. Bốn năm sau, chàng tiền vệ với lối chơi tràn đầy năng lượng này cũng chính thức không còn là người mặc lên mình những bộ đồ chiến thuật nữa. Nhưng từ đây, một người thợ may đầy trí tuệ, sáng tạo nhưng cũng rất tỉ mỉ của bóng đá thế giới đã dần dần bước ra ánh sáng.
 
Trong cuốn tự truyện “Lãnh đạo tĩnh lặng: giành lấy trái tim, tâm trí và thành công” Carlo Ancelotti đã chia sẻ về những HLV mới vào nghề: “Tôi đã ở trong nghề này đủ lâu để biết một quá khứ thi đấu lẫy lừng hoàn toàn không đủ để giúp một người trở thành HLV giỏi. Nó chỉ cho bạn một chút lợi thế, bởi việc từng là cầu thủ giúp bạn hiểu cầu thủ cần gì.” Đúng như Ancelotti đã nói, sự nghiệp lẫy lừng khi còn là cầu thủ của Conte không giúp vị huấn luyện viên này đạt được thành công một cách dễ dàng. Đối với Conte, đó là một hành trình đầy chông gai và nghiệt ngã mà phải đổ cả mồ hôi, nước mắt và cả máu để có thể đến được với sự công nhận.
 
Trải nghiệm huấn luyện đầu tiên của Conte đến trong mùa 2005/06 với vai trò trợ lí cho HLV Luigi De Canio tại Siena. Với vốn kinh nghiệm ít ỏi này, Conte đã lần đầu được ngồi ghế HLV trưởng tại CLB Arezzo tại Serie B. Đó là một giai đoạn “giông bão” đối với chiến lược gia trẻ tuổi. Conte nhận trát sa thải lần đầu tiên trong sự nghiệp chỉ sau ba tháng ngồi vào chiếc ghế nóng. Nhưng cũng chỉ tháng sau đó ông quay lại dẫn dắt Arezzo và kết thúc mùa giải bằng việc rớt hạng xuống giải Serie C1 và đương nhiên, trát sa thải lại tới. Bari là điểm đến tiếp theo của Conte tại Serie B. Đội bóng miền Nam Italia lúc đó đang trong nguy cơ xuống hạng, nhưng anh đã đưa họ trở lại vị trí giữa trên BXH. Và ngay trong mùa giải tiếp theo, “gã thợ may” trẻ tuổi Conte đã đưa Bari lên hạng Serie A. Tuy nhiên bộ cánh tiếp theo anh khoác cho CLB Atalanta lại không thật sự phù hợp, Conte đành phải ra đi trong tháng một năm 2010. Anh quay trở lại Serie B và đưa Siena lên hạng ngay trong mùa giải 2011 - 2012. 
 
Conte và Pirlo những năm tháng ở Juventus
Sau thành công tại Siena, Conte trở về Turin để may bộ đồ cho chính đội bóng đã làm nên tên tuổi của tiền vệ người Lecce. Thời gian tại Juventus sau scandal Calciopoli là thời kì hoàng kim trong nghiệp cầm quân, đưa Conte trở thành một trong “những chiến thuật gia” được săn đón nhất thế giới. Thành công với Lão Bà và đội tuyển Italia đã thuyết phục được ông chủ Abramovich của Chelsea đưa Conte về sân Stamford Brigde sau khi triều đại Mourinho kết thúc.

NGƯỜI THỢ MAY CONTE VÀ BỘ CÁNH CHO THE BLUES
 
Nhiệm vụ quan trọng và cao cả của người thợ may là tạo ra những bộ trang phục với hai tiêu chí quan trọng: phù hợp với vóc dáng khách hàng và phù hợp với những nguyên liệu trong khả năng chi trả của họ. Và Conte cho rằng, người huấn luyện viên cần may những bộ đồ chiến thuật phù hợp nhất với đội bóng của mình chứ không phải là bán những bộ đồ may sẵn.
 
Triết lý của “thợ may” Conte rất đơn giản, lấy cầu thủ và tập thể đội bóng làm trung tâm. Khi trả lời báo chí tại buổi họp báo ra mắt tại Chelsea, Conte đã khẳng định: “Thường thì, khi tôi đến với một đội mới, tôi sẽ đánh giá... Tôi sẽ tìm ra những vị trí phù hợp cho các cầu thủ… Anh ta phải biết tôn trọng những phẩm chất, những tài năng của các cầu thủ”. Nhà báo danh tiếng Gianluca Di Marzio của Sky Italia cũng tiết lộ, Conte không chọn chiến thuật theo sở thích của bản thân mà tùy vào khả năng của học trò.
 
Với những chiến tích lẫy lừng của Conte với Juventus và đội tuyển Italia đã làm cho giới mộ điệu mặc định rằng, Conte là người đóng đinh với sơ đồ 3-5-2 khi kiểm soát bóng và 5-3-2 khi không kiểm soát bóng. Nhưng không phải vậy, Conte là mẫu huấn luyện viên rất linh hoạt trong việc xây dựng hệ thống cho đội bóng của mình. 
 
Conte ví mình như là một người thợ may và phải linh hoạt theo khách hàng của mình. Khi còn dẫn dắt Bari và Siena, Conte xây dựng hệ thống chiến thuật với sơ đồ 4-2-4. Mặc dù thành danh với hệ thống 4-2-4 nhưng khi dẫn dắt Bà đầm già thành Turin, Conte đã thay đổi đế áp dụng hệ thống chiến thuật để phù hợp với Bianconeri. Với “nguyên liệu đặc biệt” là Andrea Pirlo, Conte như một người thợ may đầy sáng tạo và lành nghề đã may “bộ đồ” 3-5-2 với hạt nhân là cựu tiền vệ của AC Milan. Ngay tại Juventus, cũng có những thời điểm Conte áp dụng sơ đồ 4-3-3.
Và với một đội tuyển Italia được coi là yếu nhất trong lịch sử, ông cũng tiếp tục để lại dấu ấn mạnh mẽ với “bộ đồ” 3-5-2 và linh hoạt sang những “bộ đồ” khác như 5-3-2, 4-4-2 khi phòng ngự và 4-2-4 khi tổ chức tấn công.
 
Vậy “người thợ may” tới từ vùng Apulia sẽ may “bộ đồ chiến thuật” nào cho “khách hàng” Chelsea? 
 
Trong trận đấu ra mắt tại Chelsea gặp Rapid Wien, trái với mọi sự dự đoán của giới truyền thông va chuyên môn, Conte đã sử dụng sơ đồ khởi nghiệp 4-2-4 khi Chelsea có bóng và triển khai sơ đồ 4-4-2 khi phòng ngự. Với William và Moses thường xuyên dâng cao ở 2 cánh tạo thành một hàng ngang tấn công 4 người trước hàng ngang phòng ngự của đối phương.
Chelsea với sơ đồ 4-2-4 đầy lạ lẫm
Khi phòng ngự, Conte chỉ đạo các học trò thiết lập hệ thống 4-4-2, thực hiện pressing từ xa và quyết liệt. Trong một số tình huống trong trận đấu, Chelsea phòng ngự với sơ đồ 5-3-2 thường thấy ở Juventus và Italia dưới thời Conte. 
  
Chelsea với sơ đồ 4-4-2 khi phòng ngự     Chelsea với sơ đồ 5-3-2 khi phòng ngự
Sau trận đấu ra mắt không thành công, Conte chuyển sang sơ đồ chiến thuật cơ bản là 4-2-3-1 và sử dụng sơ đồ 4-4-2 khi phòng ngự ở trận giao hữu tiếp theo gặp CLB Wolfsberger AC. Và những tín hiệu tích cực đã tới khi Chelsea giành chiến thắng với tỉ số 3-0..
 
Chelsea đá với sơ đồ 4-2-3-1
Trong trận đấu thứ ba gặp đối thủ mạnh như Liverpool của Jurgen Klopp, Conte tiếp tục cho các học trò vận hành với sơ đồ 4-2-3-1, 4-2-4 khi kiểm soát bóng và tấn công. Sơ đồ 4-4-2 cổ điển được thiết lập khi phòng ngự.
 
Chelsea với sơ đồ 4-4-2 khi phòng ngự trước Liverpool 
Trong trận này, đã có những thời điểm Chelsea chơi với 3 trung vệ khi kiểm soát bóng. Tuy nhiên, trước hệ thống pressing tốt của Liverpool, các cầu thủ Chelea thường tỏ ra lúng túng với việc phối hợp và triển khai bóng.
 
Chelsea với sơ đồ 3-3-4 khi triển khai bóng
Trận đấu với nhà đương kim vô địch Champion League Real Madrid, Conte tiếp tục cho Chelsea vận hành với hệ thống chiến thuật như trận thắng trước Liverpool. Dù nhận thất bại nhưng những tín hiệu tích cực đã rõ ràng hơn. Đó là hệ thống được vận hành trơn tru, các cầu thủ phối hợp nhịp nhàng, di chuyển hợp lý và xử lý bóng nhanh, gọn hơn so với những trận đấu trước đó. 
 
Qua bốn trận giao hữu đầu tiên, có thể nhận thấy rằng Conte là đang đi tìm một “bộ đồ chiến thuật” phù hợp cho The Blues. Chelsea của ông sẽ khó có thể chơi với hệ thống 3 trung vệ với những gì mà ông hiện có trong tay. Hệ thống 4 hậu vệ với các sơ đồ 4-2-3-1, 4-4-2, 4-2-4 dường như là thích hợp với những “nguyên vật liệu” Conte đang có.

CHỜ ĐỢI SỰ SÁNG TẠO CỦA THỢ MAY CONTE
 
Sinh ra và lớn lên tại thành phố được mệnh danh là “Firenze phương Nam”, Conte là người luôn thích sự sáng tạo trong công việc. Khoảng thời gian là học trò của những “thợ may bậc thầy” như Trapatoni, Lippi, Capello Ancelotti và đặc biệt là Sacchi, Conte thích xây dựng đội bóng của mình với sự linh hoạt ở mức tối đa.
 
Những thành công với Bari, Siena, Juventus và đội tuyển Italia không làm cho Conte thỏa mãn và mất đi sức sáng tạo. “Người thợ may” đến từ Italia đó vẫn luôn không ngừng lao động với sự hăng say và sáng tạo để “cắt, may” ra những “bộ đồ chiến thuật” phù hợp với đội bóng mình. Mặc dù luôn lấy “khách hàng” là trung tâm nhưng trong mỗi bộ đồ đó vẫn luôn in đậm phong cách của Conte, một phong cách đầy khoa học, tỉ mỉ và kỉ luật.
 
Trong tiếng Italia, “conte” có nghĩa là “bá tước”. Nhưng “conte” cũng có nghĩa là “cùng nhau”. Conte sẽ cùng với những học trò của mình tại Chelsea tạo ra những bộ cánh tuyệt đẹp trình diễn trên sân khấu Ngoại hạng Anh đầy hào quang nhưng cũng vô cùng khắc nghiệt. Hãy cùng nhau chờ đón những bộ cánh tuyệt vời của “thợ may” Conte trên sàn “catwalk chiến thuật” ở Priemier League 2016 - 2017.

►  Xem thêm tin tức Cup C1 Châu Âu và bảng xếp hạng C1 mới nhất
AUGUSTUS (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Ruben Amorim: "Tôi sẽ làm tất cả để đưa Man Utd trở về vị thế của mình"

Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.

Ayoze Perez: Sau cơn mưa mù là nắng ấm

Từ một cái tên từng nổi lên tại xứ sở sương mù trong màu áo Newcastle cách đây gần một thập kỷ, rồi bất ngờ ngụp lặn bởi những ca chấn thương, Ayoze Perez giờ đây đã quay trở về quê hương Tây Ban Nha ấm áp và trở thành nguồn cảm hứng kỳ lạ mang đến nét tươi mới cho Villarreal trong mùa giải năm nay.

Rodri: “Quả bóng Vàng không làm thay đổi con người tôi”

Gặp chấn thương phải nghỉ thi đấu dài hạn, Rodri, chủ nhân của Quả bóng Vàng 2024, đã mời tạp chí France Football đến nhà riêng ở Madrid để chia sẻ những cảm xúc của anh về buổi lễ trao giải Ballon d’Or, những lời khen mà anh nhận được và về giải thưởng mà một cá nhân chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự hiếm hoi lắm mới nhận được.

Philipp Lahm: Từ phút ngắn ngủi tại Olympiastadion đến huyền thoại bóng đá Đức

Là cựu đội trưởng của cả Bayern Munich và đội tuyển Đức, Philipp Lahm có thể nói đã có một sự nghiệp thi đấu vô cùng thành công. Trong bài viết này, chúng ta sẽ được trở về với những kỷ niệm để tôn vinh nhà vô địch Champions League, World Cup và đã tham gia sâu vào kế hoạch tổ chức UEFA Euro 2024 của Đức.

Liệu Liverpool đã sẵn sàng để buông tay với Mohamed Salah?

Trong chưa đầy 2 tháng nữa, Mohamed Salah sẽ có quyền ký vào một thoả thuận trước hợp đồng với một đội bóng nước ngoài. Và giờ là lúc chúng ta đặt ra câu hỏi: Liệu Liverpool đã sẵn sàng để chia tay vị "Vua Ai Cập" của họ hay chưa?