Antonio Conte: Nạn nhân điển hình trong cuộc khủng hoảng tại Stamford Bridge

Tác giả Elflaco - Thứ Năm 08/02/2018 10:09(GMT+7)

Đúng thời điểm này một năm trước, Chelsea đánh bại Arsenal 3-1 tại Stamford Bridge, nhờ các pha lập công của Marcos Alonso, Eden Hazard và Cesc Fabregas.

Thắng lợi này giúp Chelsea sở hữu tổng cộng 59 điểm, củng cố vững chắc ngôi đầu bảng sau 24 vòng, với 9 điểm hơn Tottenham, 10 điểm hơn Man City đồng thời bỏ xa những Arsenal, Liverpool cùng Manchester United với số điểm lần lượt là 12, 13 và 14.
 
Nhưng hiện tại và quá khứ không là một. Vẫn còn đó những Alonso, Hazard và Cesc, ngay cả người ghi bàn danh dự cho Arsenal cách đây 1 năm - Olivier Giroud - giờ cũng đã là thành viên của Chelsea nhưng màu xanh The Blues không còn là màu của hi vọng nữa, mà là một màu buồn ảm đảm báo hiệu rất nhiều bất trắc phía trước. 
 
Lúc này, Chelsea đã chơi nhiều hơn 2 trận ở Premier League 2017/18 (26 vòng) nhưng giành ít hơn 9 điểm so với cùng kì năm ngoái. Và đội bóng của Antonio Conte chỉ xếp thứ 4, kém vị trí đầu bảng Man City tới 19 điểm. Cơ hội bảo vệ thành công chức vô địch đã chấm hết và ngay cả một suất dự Champions League mùa sau cũng có gì đảm bảo chắc chắn khi Tottenham cùng Arsenal đã gần ngay phía sau.
 
Một năm trước, Conte là trung tâm của những lời tung hô khi sơ đồ 3-4-3 của HLV người Italia không chỉ là nền móng cho những thắng lợi liên tiếp của Chelsea mà còn mở ra trào lưu mới về mặt chiến thuật ở giải đấu bóng đá hàng đầu xứ sương mù. Một năm sau, trong những ngày giông bão này, Conte vẫn là nhân vật chính – nhưng thuộc phe “phản diện” – là tấm bia hứng chịu bao chỉ trích từ các giới.
 
Các CĐV Chelsea dành cho Conte ngày một nhiều hơn những tiếng la ó. Nhiều ngôi sao Chelsea dường như không còn muốn chiến đấu vì Conte. Giới truyền thông tại Anh “tặng” riêng cho Conte serie những bài viết về việc ông xứng đáng bị sa thải. Và BLĐ Chelsea, như thường lệ, trong hoàn cảnh tương tự với những HLV tiền nhiệm Conte, bắt đầu liên hệ với hàng loạt chiến lược gia danh tiếng cho ghế HLV tại Stamford Bridge.
 
Người ta nói rằng, kể từ khi Conte dính vào những tranh cãi gay gắt, những lời đấu khẩu qua lại với Jose Mourinho, cũng là lúc Chelsea bắt đầu hành trình sa sút không thể tin nổi. Đây là biểu đồ phong độ của The Blues trong năm 2018, tính từ thời điểm Conte “yêu cầu Mourinho đối chất sòng phẳng” về những lời dè bỉu nhằm vào ông liên quan tới nghi án dàn xếp tỉ số hồi HLV người Italia còn làm nghề ở Siena: 10 trận, chỉ 2 thắng lợi trong 90 phút và đánh rơi tổng cộng 10/15 điểm có thể ở Premier League.
 
Người ta cũng nói rằng, Conte đã sai khi đẩy Diego Costa – chân sút tốt nhất của The Blues trong những năm gần đây – khỏi Stamford Bridge theo cách như vậy. Rằng Conte cũng sai khi đặt niềm tin vào tân binh Tiemoue Bakayoko – người dính thẻ đỏ trong thất bại thảm hại của Chelsea trên sân Watford mới đây. Rằng tại sao Conte không duy trì mô hình chiến thắng 3-4-3 của mùa giải trước mà lại liên tục xoay vòng giữa 3-4-2-1 và 3-5-1-1 trong phần lớn các trận đấu của The Blues tại Premier League 2017/18.

Thống kê về Chelsea mùa giải 2017/18
 
Cây viết Ian Ladyman của tờ SportMail mới đây chỉ trích Conte rằng HLV này đã không còn cho thấy bất kì dấu hiệu nào của khát vọng chiến đấu và chiến thắng cùng Chelsea. Và đấy là 1 trong những “đòn đánh” nặng nhất dành cho Conte, trong dạng bài vốn được báo giới tại Anh luôn đặc biệt ưa thích mỗi khi Chelsea có-vấn-đề với HLV của họ. Như “các ngôi sao The Blues không hài lòng với những bài tập nhàm chán và nặng về thể lực của Conte”. Như “Conte mất quyền kiểm soát trong phòng thay đồ đội bóng”. Như “Conte chưa từng có ý định gắn bó dài lâu với Stamford Bridge bởi HLV này luôn muốn hồi hương làm nghề và tiện chăm sóc gia đình của ông ở Italia”.
 
Cách định hướng dư luận của truyền thông Anh khiến rất, rất nhiều người tin rằng Conte là tác nhân số 1 gây ra tình trạng hiện tại ở Chelsea, là kẻ xứng đáng phải gánh chịu những cơn bão chỉ trích, là “kẻ chết biết đi” tại Stamford Bridge đang chờ ngày được giải thoát. Nhưng thực tế tại Stamford Bridge không hề và không bao giờ giống như cách mà giới truyền thông Anh đang miêu tả. Và Conte, như rất nhiều HLV trước ông, đặc biệt là Jose Mourinho, giống với một nạn nhân điển hình hơn là nguồn cơn của bao rắc rối.
 
Ray Wilkins, người từng gắn bó rất nhiều năm với Chelsea trên cả vai trò cầu thủ lẫn trợ lý HLV hôm qua có bình luận rằng: “Cách các cầu thủ Chelsea thi đấu (trong trận thua Watford) hệt như cách họ từng thể hiện trong những ngày cuối cùng của Mourinho tại Stamford Bridge. Họ đơn giản là không chơi bóng, không chiến đấu. Vì đội bóng. Và vì HLV của họ”. Theo Wilkins, Conte đã làm tất cả những gì có thể, với những nguồn lực mà ông có trong tay. Và vì thế, việc đổ lỗi hoàn toàn cho Conte trong cuộc khủng hoảng hiện tại ở Stamford Bridge, trong khi lại không hề tính đến thái độ thi đấu của các cầu thủ, vai trò của BLĐ CLB là vô cùng bất công đối với chiến lược gia người Italia.
 
Khi Bakayako thi đấu không tốt và ở trận thua mới nhất cầu thủ này sắm vai “kẻ tội đồ”, đa số quay mũi dùi chỉ trích nhằm vào Conte. Nhưng đừng quên rằng, Bakayoko chưa từng là lựa chọn ưu tiên của Conte trong nỗ lực tăng cường nhân lực cho tuyến giữa Chelsea ở kì chuyển nhượng hè. Và Bakayoko cũng chỉ là 1 trong những ví dụ cho thấy giữa cầu-thủ-mà-Conte-muốn và cái tên mà BLĐ Chelsea mang về Stamford Bridge có sự khác biệt lớn đến như thế nào. 
 
Conte muốn Romelu Lukaku, BLĐ Chelsea “tặng” ông Alvaro Morata. Conte theo đuổi cầu thủ chạy cánh đa năng Alex Sandro của CLB cũ Juventus và BLĐ Chelsea, trong các kì chuyển nhượng Hè 2017 và tháng 1/2018 đem về từ Zappacosta đến Palmieri. Cái tên mà Conte chờ đợi sẽ đem đến sự khác biệt cho hàng công The Blues trong giai đoạn 2 mùa giải, Edin Dzeko, rốt cuộc cũng chẳng hề cập bến Stamford Bridge, thay vào đó là Giroud.
 
Michale Emenalo, người chịu trách nhiệm hàng đầu trong hoạt động chuyển nhượng của Chelsea đã rời Stamford Bridge được vài tháng, như cái giá phải trả dành cho ông này bởi hàng loạt thương vụ mua bán cầu thủ không tốt trong vài mùa giải gần đây. Nhưng cung cách làm việc của BLĐ Chelsea trong hoạt động chuyển nhượng thì vẫn vậy có vẻ khá hỗn loạn và hiếm khi cho thấy sự tương thích với những yêu cầu cấp thiết của Conte.
 
Tới đây, chúng ta cần phải thừa nhận một sự thật rõ ràng rằng, Conte chưa từng nhận được sự hậu thuẫn xứng đáng từ BLĐ Chelsea. Như cách Mourinho có được tại United. Như cách Man City dành cho Pep Guardiola. Với một HLV giúp đội bóng của mình đăng quang ngay mùa giải đầu tiên hành nghề ở Premier League, nếu ở các CLB khác, vị thế của HLV này chắc chắn sẽ lên rất cao và từ đó có được sự ủng hộ lớn lao từ BLĐ đội. Nhưng tại Chelsea, Conte không có được điều đó. Ông không có tiếng nói quan trọng trong hoạt động chuyển nhượng, ông hiếm khi nhận được sự bảo vệ đủ lớn từ giới “chóp bu” Chelsea trong các cuộc tấn công liên tiếp từ truyền thông. Thậm chí, có thể nói, những gì Conte nhận được từ CLB ở mùa giải hiện tại còn không bằng so với mùa trước.
 
Vậy, Conte là “nạn nhân” hay “tội đồ” đây, hỡi những kẻ đang tranh thủ mọi cơ hội để “ném đá” HLV người Italia?

ELFLACO (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.