Từng được xem là một trong những niềm hy vọng lớn nhất bóng đá Ý nhưng rồi tính cách ngang tàng cùng với thói quen ăn chơi thác loạn đã khiến cho cuộc đời cũng như sự nghiệp của Cassano mãi mãi chỉ còn là câu chuyện buồn và trở thành nỗi ám ảnh day dứt trong hồi ức của nhiều tifosi.
“Cassano từng ngủ với 700 phụ nữ ấy à? Tôi nghĩ chẳng ai tin điều đó đâu. Có ai ở Bari này là không biết nói phét cơ chứ”, một người hàng xóm cũng mang cái tên Antonio tỏ vẻ đầy tiếc nuối và ngán ngẩm khi được hỏi về đứa trẻ ngỗ nghịch ngày nào vẫn thường hay tụ tập chơi bóng cùng đám bạn ngay trước những bậc thang đá nhà thờ Bari gần nhà mình. Từng được xem là một trong những niềm hy vọng lớn nhất bóng đá Ý nhưng rồi tính cách ngang tàng cùng với thói quen ăn chơi thác loạn đã khiến cho cuộc đời cũng như sự nghiệp của Cassano mãi mãi chỉ còn là câu chuyện buồn và trở thành nỗi ám ảnh day dứt trong hồi ức của nhiều tifosi.
IL GIOIELLO DI BARI VECCHIA (VIÊN ĐÁ QUÝ CỦA KHU PHỔ CỔ BARI)
Nếu không nhờ bóng đá, có lẽ giờ này Cassano đã trở thành một tên tội phạm. Chắc chắn là như vậy. Xuất thân từ khu ổ chuột ở Bari Vecchia, cậu bé Antonio Cassano không hề hay biết mặt cha mình. Giữa tiếng súng nổ hàng ngày bên tai cùng tiếng còi xe cảnh sát, Cassano cứ thế lớn lên bên cạnh một mẹ nghiện ngập đã cố gắng nuôi nấng anh bằng tất cả những gì bà có thể kiếm được. Thức ăn đôi khi là điều gì đó quá xa xỉ, để rồi chính sự nghèo đói và bần cùng trở thành một phần ký ức tuổi thơ của Cassano.
Sống giữa môi trường tội phạm bủa vây xung quanh, chẳng có gì bất ngờ khi Cassano thường xuyên giao du chơi bời với đám bạn bè “đầu trâu mặt ngựa” và không hề hứng thú với việc học hành. Từng bị đúp tới sáu lần, Cassano chỉ có một cách kiếm tiền duy nhất là cá độ thông qua những trận bóng đường phố. Thay vì đến lớp, cứ đến độ chiều chiều, Cassano lại tụ tập với các chiến hữu ở quảng trường khu phố cũ Bari Vecchia để sẵn sàng cho những trận cầu “sinh tử” của mình. Không chỉ kiếm được tiền hay đồ ăn, Cassano còn khiến tất cả phải thán phục bởi những trò biểu diễn cùng trái bóng. Tiếng còi kết thúc các trận đấu như vậy sẽ được thông báo khi xe cảnh sát xuất hiện vào lúc trời bắt đầu nhá nhem tối. Ngay lập tức, Cassano sẽ nhanh chóng bỏ chạy và cũng không quên… lấy trứng, cà chua từ các hàng bán rong bên đường để ném vào mấy tay cảnh sát.
Cuộc sống vất vưởng chạy ăn từng ngày và sự thiếu giáo dục đã dần hình thành nên một Cassano với bản tính hoang dại và nổi loạn. Sau này, khi kể về đời mình trong cuốn tự truyện Dico Tutto (Tôi sẽ nói tất cả), chính cựu tiền đạo người Italia cũng thừa nhận rằng: “Nếu không có bóng đá mà đúng hơn là bàn thắng ghi được vào lưới Inter, có lẽ tôi đã phải trở thành một tên cướp, hoặc một loại tội phạm gì đó đại loại như thế. Tôi quen biết rất nhiều người sống cuộc đời như vậy. Thứ duy nhất mà tôi giỏi là chạy và lừa bóng. Chấm hết”.
Rồi một ngày, cái duyên cùng trái bóng tròn mà Chúa ban tặng đã tìm đến Cassano sau khi tuyển trạch viên phát hiện ra anh trên phố và quyết định đưa cậu thiếu niên bướng bỉnh này về luyện tập tại đội trẻ Bari. Ban đầu, Cassano vẫn sống cuộc sống nghèo khổ. Phải đến khi cầu thủ sinh năm 1982 nhận được bản hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên, mọi thứ mới thực sự chuyển sang hướng khác.
Ngày 17/12/1999, Cassano có màn ra mắt Serie A trong cuộc chám trán với Lecce. Và chỉ ngay trong trận đấu tiếp theo, vào trước dịp Giáng sinh mùa Đông năm 1999, khi Bari tiếp Inter trên sân nhà San Nicola, cái tên Cassano đã khiến tất cả mọi người phải nhắc đến mình. Phút 89, khi tỷ số đang là 1-1, Cassano xuất hiện bên hành lang cánh trái để đón đường chuyền dài từ khoảng cách hơn 40 mét của Simone Perotta. Nhận bóng bước một bằng pha xử lý gót chân đầy mê hoặc, chân sút trẻ đến từ khu ổ chuột Bari đã nhanh chóng di chuyển vào khu vực cấm địa rồi khéo léo loại bỏ cặp trung vệ số má Laurent Blanc - Christian Panucci trước khi dứt điểm quyết đoán ấn định thắng lợi 2-1 cho đội nhà. Chạy thẳng về phía khán đài, Cassano ăn mừng như một… thằng điên. Và phía bên trên, người ta cũng bắt đầu phát điên lên vì “Il Gioiello di Bari Veccio” (Viên ngọc quý của khu phố cổ Bari). Đây chính là khoảnh khắc định mệnh đã làm thay đổi tất cả, để rồi Cassano bắt đầu tự biến cuộc đời mình thành những vở kịch đen trắng lẫn lộn…
THIÊN TÀI… NỔI LOẠN
Cả nước Ý bắt đầu nói về Antonio Cassano nhiều hơn. Từ lúc sinh ra, Cassano chưa bao giờ được chứng kiến khu Bari Vecchia tắc đường vì xe cộ cả, nhưng bây giờ chuyện đó đã trở thành sự thật. Người ta đến nhà anh chỉ để được tặng quà và nhìn tận mắt “El pibe de Bari” (Cậu bé Bari, nhại lại theo “El pibe d’oro” là biệt danh Cậu bé vàng của Maradona). Trên các bước tường loang lổ đầy những vết súng đạn của khu ổ chuột Bari Vecchia, các cô gái bán hoa đứng bắt khách bên cạnh cái tên Cassano được viết một cách nghệch ngoạc nhưng tràn đầy niềm phấn khích. Người dân Bari thì bàn tán về Cassano không ngớt trong các quán bar, ngoài đường và cả ở nhà, còn nhiều hơn cả chuyện… làm tình. Các băng đảng mafia cũng không quên bảo kê cho biểu tượng mới của thành phố. Chuyện kể rằng vào năm 2002, khi chân sút người Ý bị ăn trộm chiếc Porsche. Nhưng chỉ đúng một ngày sau đó, chiếc xe đã quay trở lại ngay ngắn trước cửa nhà anh kèm theo một bó hoa xin lỗi. “Bóng đá có thể làm nên những điều thần kỳ. Tôi thấy mình cứ như là Brad Pitt vậy”, Cassano kể lại.
Đội bóng nhà quê Bari đương nhiên không thể nào giữ chân Cassano mãi được, anh cần một sân khấu lớn hơn cho tài năng của mình. Năm 2001, Cassano đồng ý gia nhập AS Roma theo lời mời của vị chiến lược gia lẫy lừng Fabio Capello với mức phí chuyển nhượng kỷ lục 30 triệu euro (khoảng 60 tỷ lira tiền Italia thời điểm bấy giờ). Ngay ở buổi hẹn đầu tiên với Chủ tịch Sensi, Cassano đã đến muộn… hai tiếng. Tất nhiên, mọi thứ vẫn có thể được xuề xòa khi mới gặp gỡ, hoặc do Sensi chỉ là người làm ăn và không liên quan gì lắm đến các vấn đề chuyên môn. Thế nhưng, Capello thì khác. Ông luôn đặt nặng vấn đề kỷ luật, vốn là điều mà những người gốc Bari như Cassano ghét cay ghét đắng.
Ngày mới cập bến Giallorossi, Cassano từng tuyên bố muốn giành danh hiệu Quả bóng Vàng nhưng rồi hành động của anh lại chẳng liên quan gì đến lời nói. Cựu tiền đạo Bari lao vào ăn chơi trác táng vô tội vạ. Bên cạnh việc đốt tiền vào những chiếc ô tô đời mới, đồ hiệu xa xỉ, những cuộc nhậu nhẹt, Cassano còn liên tục gây rối ở CLB. Trong phòng thay đồ, anh kẹp chai nước mở nắp ngay trên mép cửa để người đi vào bị ướt. Tại căn-tin, Cassano tìm cách tráo đường với muối rồi đưa cho các đồng đội. Khi các cầu thủ khác đang đi tắm, Cassano tranh thủ giấu quần lót của họ vào… thùng rác. Cảm thấy chưa đủ vui, Cassano còn nhiều lần ăn trộm chìa khóa sân tập rồi mang người yêu vào làm tình từ đêm tới sáng…
Những màn trình diễn trên sân cỏ của Cassano nhìn chung thì vẫn tương đối hứa hẹn, thế nhưng nhiều khoảnh khắc thiếu kiểm soát đã khiến cho niềm hy vọng của nước Ý dần đánh mất đi cơ hội trong mắt HLV Capello. Mùa giải 2002/03, khi Roma chạm trán AC Milan ở trận chung kết lượt về Coppa Italia, chân sút gốc Bari phải nhận thẻ đỏ sau tình huống giơ ngón giữa vào mặt trọng tài Roberto Rosetti. Tháng Mười Một năm 2003, sau khoảng thời gian đầu mùa bóng mới chơi tốt và trở thành đối tác quan trọng trên hàng công AS Roma cùng với Francesco Totti, Cassano lần đầu tiên được triệu tập lên khoác áo ĐT Italia. Trở về CLB, Capello thấy cậu học trò có vẻ hơi mệt mỏi nên đã rút anh ra nghỉ sớm. Ngay lập tức, Cassano tỏ ra bực dọc rồi sút quả bóng lên trời. Capello yêu cầu Cassano hãy tỏ thái độ tôn trọng mọi người. Anh bật lại ngay tức khắc: “Chết mẹ mày đi”.
Trước sự ngỗ ngược đến mức chán nản, Capello rồi cũng đành làm ngơ trước những thói hư tật xấu của cậu học trò khó bảo. Mùa giải 2003/04, Cassano chơi rất hay và ghi được 14 bàn thắng ở Serie A, nhưng bản tính nổi loạn thì chưa bao giờ lắng xuống. Tháng Hai, khi Roma tiếp đón Juve, anh xin phép HLV cho mình được bẻ cột cờ góc ăn mừng nếu lập cú đúp. Capello đồng ý rồi bảo nếu ghi nổi hai bàn thì bẻ luôn cả bốn cột cũng được. Thế rồi, Roma dẫn trước 2-0 bằng cú đúp của Cassano. Chẳng còn chần chờ gì nữa, anh cởi phăng áo thi đấu rồi chạy về phía cuối sân bẻ cây cột cờ góc làm đôi, trong niềm hân hoan sung sướng tột độ. Chiếc thẻ vàng cùng màn giáo huấn nghiêm khắc của ông trọng tài kỳ cựu Colina khi ấy dĩ nhiên chẳng thể nào khiến cho Cassano bận tâm. Đêm trước ngày thi đấu, vẫn bằng trò ăn trộm chìa khóa quen thuộc, Cassano lại rước bạn gái vào sân để “làm tình làm tội” nhau tới tận… 6h sáng rồi mới thèm mò về nhà. Quả là một trận cầu đáng nhớ từ “sân to đến sân nhỏ”, rất đúng với phong cách của Cassano.
-Ole-