Andriy Voronin: Dưới cái bóng của Sheva

Tác giả Ole - Chủ Nhật 03/04/2022 18:13(GMT+7)

Một ngôi sao sở hữu tài năng thiên bẩm, từng được khoác lên vai chiếc áo số 10 của Liverpool và ĐTQG Ukraine, thế nhưng Andriy Voronin chưa bao giờ có đủ thời gian và cơ hội để vượt qua chính mình. Thay vào đó, chỉ là những sự nuối tiếc về một cái tên dần chìm vào quên lãng.

 
Nếu như Shevchenko không đặc biệt yêu thích chiếc áo số 7, có lẽ người ta đã yêu cầu anh phải mặc áo số 10 tại ĐT Ukraine. Trên thực tế, Sheva đã mang áo số 10 ngay từ thời điểm bắt đầu sự nghiệp ở ĐTQG, trước khi nhường lại nó cho một cái tên khác trong suốt gần 10 năm, một cầu thủ mà có lẽ sẽ mãi bị xem như “cái bóng” của tiền đạo khoác áo AC Milan. Cho đến tận bây giờ, dường như cũng chỉ còn rất ít người nhớ đến cái tên Andriy Voronin, một chân sút mang trong mình tố chất đặc biệt nhưng đã không bao giờ được phát tiết một cách trọn vẹn. 
 
Năm 2001, Juergen Klopp khi ấy vừa trở thành HLV của Mainz, đội bóng mà Voronin vừa chuyển tới từ Monchengladbach trước đó một năm. Chia sẻ về cậu học trò cũ, nhà cầm quân đang dẫn dắt Liverpool cho biết, “Một cầu thủ mà tôi ao ước cậu ấy mới chỉ 20 tuổi và có thể trở lại đội bóng của mình. Voronin sở hữu tài năng phi thường và là một cầu thủ đáng kinh ngạc. Tôi từng hơi bất công với cậu ấy. Vào thời điểm mới làm HLV, tôi chưa có được quyết định đúng đắn”.

 
Có một câu chuyện kể lại rằng trong một lần phải ngồi dự bị quá lâu, Voronin đã đến hỏi Klopp lý do tại sao nhưng rồi vị chiến lược gia người Đức chỉ trả lời ngắn gọn, “Bởi vì cậu không có tên trong đội hình xuất phát và cũng chẳng bao giờ phàn nàn cả”. Sự thật là trong mùa giải đầu tiên tại Mainz (2000/01), chân sút người Ukraine gần như chỉ làm bạn với băng ghế dự bị. Bước sang mùa giải tiếp theo, cơ hội đã đến với Voronin nhiều hơn với tổng cộng 34 lần ra sân nhưng hơn một nửa trong số này đều là… vào sân thay người. Tuy vậy, chỉ chừng ấy thời gian cũng là đủ để tiền đạo sinh năm 1979 gây ấn tượng với 8 bàn thắng cùng 8 pha kiến tạo. Mùa giải cuối cùng thi đấu cho Mainz, ngôi sao người Ukraine chơi bùng nổ và ghi được 20 bàn, giành danh hiệu Vua phá lưới Bundesliga 2. 
 
Những nỗ lực của Voronin là không đủ để giúp CLB thăng hạng nhưng rồi một lời mời từ Cologne đã nhanh chóng đưa tiền đạo tóc vàng tìm đến thử thách mới. Mặc dù vậy, thành tích 4 bàn thắng trong mùa giải tiếp theo dường như quá ít ỏi để giữ chân Voronin ở lại. Thay vào đó, cuộc gọi từ Bayer Leverkusen xem chừng có vẻ hấp dẫn hơn bao giờ hết. Chỉ trong vòng ba mùa giải khoác áo đội bóng chủ sân Bay Arena, chân sút người Ukraine đã sát cánh cùng với Dimitar Berbatov để tạo ra nguồn cảm hứng Đông Âu bất tận trên tuyến đầu. Đó thực sự là một khoảng thời gian kỳ diệu trước khi Berbatov chuyển đến Premier League và đầu quân cho Tottenham.

 
VCK World Cup 2006 đã chứng kiến một ĐT Ukraine chơi cực kỳ hứng khởi trước khi chấp nhận dừng bước bởi Italia ở tứ kết nhưng cá nhân Voronin thì hoàn toàn ngược lại. Không bàn thắng, không khoảnh khắc bùng nổ, chỉ có một ca chấn thương đùi khiến anh phải vắng mặt trong trận đấu quan trọng tại tứ kết. Tất cả đều mang đến những sự hổ thẹn và nuối tiếc. Dẫu vậy thì cơ hội lớn nhất trong cuộc đời Voronin đã đến chỉ đúng một năm sau đó. Mùa Hè 2007, đương kim Á quân Champions League - Liverpool đưa ra đề nghị dành cho ngôi sao người Ukraine với chiếc áo số 10 danh giá được chờ sẵn tại sân Anfiled. Áp lực là có thừa nhưng Rafa Benitez thì hoàn toàn tin tưởng vào tân binh mà ban lãnh đạo The Kop đã cất công chiêu mộ từ Bundesliga.
 
“Cậu ấy có những phẩm chất tuyệt vời và khác biệt với những tiền đạo mà chúng tôi đang sở hữu. Voronin thông minh và luôn biết cách kết nối các đồng đội. Cậu ấy hoàn toàn đủ khả năng cung cấp bàn thắng một cách ổn định cho Liverpool”, nhà cầm quân người Tây Ban Nha nhận xét đầy phấn khích.
 
Nhưng rồi, mọi dự đoán đều sai lầm. Bất chấp việc khởi đầu tốt với bàn thắng giúp Liverpool đánh bại Toulouse ở vòng sơ loại Champions League, nhưng những ca chấn thương dai dẳng cùng hàng loạt màn trình diễn đáng thất vọng sau đó đã khiến Voronin rơi vào tình cảnh bế tắc cùng cực tại Anfiled. Chỉ có được 6 pha lập công sau 28 lần ra sân trong màu áo đội bóng mới, anh nhanh chóng bị đem cho Hertha Berlin mượn ngay trong mùa giải tiếp theo. Tuy nhiên, sau khi trở lại nước Đức, Voronin đã lập tức tìm thấy phong độ tốt nhất của mình và 11 bàn thắng cùng những trận cầu đẳng cấp đã đưa cầu thủ người Ukraine thêm một lần nữa quay lại Premier League. 

 
Mặc dù vậy, nước Anh dường như không phải “miền đất lành” đối với các tiền đạo người Ukraine. Lần lượt Sheva tự hủy hoại sự nghiệp lẫy lừng ở Chelsea cho đến Voronin “sống dở chết dở” với những ca chấn thương lãnh nhách tại Liverpool khiến người ta phải thừa nhận rằng mọi thứ đã đến lúc không thể nào cứu vãn được. Giai đoạn cuối sự nghiệp, cựu chân sút Bayer Leverkusen lần lượt khoác áo Dynamo Moscow và Fortuna Dusseldorf trước khi quyết định giải nghệ.
 
Sự biến mất và chìm vào quên lãng của Andriy Voronin tất nhiên cũng không phải một câu chuyện quá hiếm hoi trong thế giới bóng đá đương đại. Tuy nhiên, trong cùng thời kỳ mà Andriy Shevchenko nổi lên như một biểu tượng của bóng đá Ukraine vào thập niên 2000s thì người ta lại càng cảm thấy nuối tiếc cho người đồng đội cùng tên với huyền thoại khoác áo AC Milan. Chẳng có Quả bóng Vàng, danh hiệu Champions League hay Scudetto nào dành cho cựu tiền đạo từng thi đấu Liverpool cả. Thay vào đó, những gì mà Voronin nhận được dường như chỉ là sự nuối tiếc về một ngôi sao sở hữu tài năng thiên bẩm nhưng đã sớm bị chôn vùi dưới cái bóng quá lớn của Sheva.
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.