Andriy Shevchenko: Đôi mắt linh dương giữa rừng Đông Âu

Tác giả Frank - Thứ Năm 25/08/2016 19:19(GMT+7)

Sân Volksparkstadion một ngày cuối tháng Sáu, trận tứ kết World Cup 2006 đã dần đi đến hồi kết khi Italia dẫn trước Ukraine với tỷ số 2-0. Ngay cả HLV Marcello Lippi có lẽ cũng cảm thấy thư giãn đôi chút với trận đấu có thể coi là dễ thở nhất từ đầu giải. Đột nhiên, Gianluigi Buffon tỏ ra căng thẳng cực độ và gào thét chỉnh hàng rào khi Ukraine được hưởng một quả phạt cách xa khung thành cỡ 30m. Nhiều người có phần ngạc nhiên về phản ứng thái quá của Gigi, nhưng hơn ai hết, thủ thành số một của Italia là người hiểu rõ nhất sự nguy hiểm của cầu thủ đang đứng trước chấm đá phạt: Andriy Shevchenko.
 
Andriy Shevchenko - Linh dương Đông Âu của Milan
Thời kỳ những năm cuối thập niên 90 và đầu thiên niên kỷ mới, trong khi mẫu tiền đạo cắm cổ điển vẫn còn được ưa chuộng trên toàn thế giới, Andriy Shevchenko chính là một trong những cái tên đầu tiên trình làng lối chơi của một tiền đạo hiện đại. Chơi tốt cả hai chân, kỹ năng dứt điểm đa dạng, từ đối mặt thủ môn, sút xa, sút gần, đánh đầu hay đá phạt trực tiếp, cầu thủ người Ukraine đều biết cách đưa trái bóng nằm ngoan ngoãn trong lưới. Sheva là mẫu tiền đạo mà bất cứ đội bóng nào cũng muốn sở hữu, và thậm chí anh còn cải thiện được một điểm yếu cố hữu của tiền đạo cắm cổ điển, đó chính là tốc độ. Rất nhiều lần người ta được chứng kiến hình ảnh “Linh dương Đông Âu” xuất phát từ giữa sân và thực hiện một cú dốc bóng qua 2,3 hậu vệ đối phương trước khi hạ gục thủ môn. Chẳng thế mà HLV Carlo Ancelotti đã từng nhận xét rằng: “Shevchenko là tiền đạo hay nhất châu Âu. Cậu ấy là một cầu thủ toàn diện, một người có thể làm mọi thứ trên sân”. Còn bậc thầy Valeriy Lobanovskyi ví von một cách đơn giản rằng Sheva là một “Ronaldo trắng”.
 
Nhưng ít ai biết rằng tài năng của Sheva suýt chút nữa đã mãi mãi bị chôn vùi ngay khi khi còn chưa kịp chớm nở. Ngày 26/4/1986, Ukraine hứng chịu một trong những thảm họa lớn nhất trong lịch sử nhân loại khi nhà máy điện nguyên tử Chernobyl phát nổ. Cả một vùng rộng lớn bị nhiễm phóng xạ, và mọi chuyện còn trở nên trầm trọng hơn khi chính phủ không thông báo ngay cho người dân vùng bị nạn, bao gồm cả nơi mà gia đình Shevchenko đang sinh sống. May thay, bố của Sheva, một người làm trong quân đội đã được báo tin trước và kịp thời di dời gia đình tới vùng biển Đen chỉ 4 ngày sau khi thảm họa diễn ra. May mắn đã giúp Sheva tránh được những đám mây phóng xạ chết người, và may mắn cũng giúp anh lọt vào mắt xanh của Dymano Kyiv để trở thành học trò ưu tú của HLV huyền thoại Valeriy Lobanovskyi. Vị chiến lược gia vĩ đại sinh năm 1939 chính là người đặt nền móng cho Sheva, để rồi anh vụt sáng trước những đối thủ sừng sỏ nhất. 
 
Mùa giải 1997/1998, cả châu Âu sững sờ khi gã khổng lồ Barcelona bị Dynamo Kyiv đả bại tới 0-4 ngay tại Camp Nou, và càng bất ngờ hơn khi cầu thủ lập một hattrick trong thắng lợi của đội bóng Đông Âu mới chỉ bước sang tuổi 21. Người ta ngỡ tưởng như đó chỉ một một phút xuất thần của Shevchenko, nhưng chỉ một năm sau, cũng tại đấu trường Champions League, Sheva lại tạo nên một cơn địa chấn khác khi nã 3 bàn vào lưới Real Madrid. Báo chí phát cuồng vì chàng tiền đạo của Kyiv, nhưng thậm chí chỉ vài tháng sau đó, họ còn phải nhắc tới cái tên Shevchenko nhiều hơn gấp bội khi AC Milan bỏ ra số tiền kỷ lục 22 triệu euro để có được chữ ký của anh.
 
Sheva hủy diệt Barca với một cú hattrick
Trong khi những lời hoài nghi về cái giá ngất ngưởng của Sheva còn chưa ráo mực, anh lập tức tỏa sáng với bàn thắng ngay trong trận ra mắt với Lecce và có thêm 23 lần làm rung lưới đối phương nữa để trở thành vua phá lưới của Serie A. Người hâm mộ ngỡ ngàng, cũng giống như cách họ ngỡ ngàng trước siêu phẩm vào lưới Juventus. Giữa vòng kiềm tỏa của Edgar Davids, Paolo Montero, Ciro Ferrara và Gianluca Pessotto, Sheva nhẹ nhàng rê bóng lách qua góc phải và tung chân thực hiện một cú sút cầu âu tuyệt đẹp, bóng găm vào góc lưới và khiến pha bay người của Buffon trở nên thừa thãi. Đã lâu lắm rồi kể từ thời hoàng kim của Fabio Capello, người hâm mộ mới lại thấy một Milan đầy sức sống tới nhường ấy. Và cũng đã lâu lắm rồi, kể từ cái ngày Marco Van Basten từ giã sân cỏ vì chấn thương, các Milanista mới lại thấy một người có thể khiến họ đầy hy vọng và đam mê đến thế. Sheva chính là viên gạch đầu tiên trong thời kỳ tái thiết của Milan, để rồi khi Carlo Ancelotti trở lại San Siro trên cương vị HLV trưởng, một đế chế mới màu đỏ đen đã chính thức bắt đầu.
 
Mùa giải 2002/2003, Milan đánh dấu sự trở lại với màn trình diễn cực kỳ ấn tượng tại Champions League. Mặc dù dính chấn thương và không thể ra sân thi đấu thường xuyên, nhưng Sheva vẫn luôn tỏa sáng trong những thời điểm mà Rossonerri cần anh nhất. Một cú nước rút ngoạn mục và dứt điểm hạ gục Iker Casillas để giúp Milan giành ngôi đầu bảng của Real Madrid. Một bàn thắng quý hơn vàng vào lưới đại kình địch Inter Milan để đưa đoàn quân của Ancelotti vào trận chung kết. Và cuối cùng là cú dứt điểm quyết đoán trên chấm luân lưu để đem về chiếc cúp bạc thứ sáu cho Milan. Trước cái khoảnh khắc Sheva đánh bại Juventus và trở thành người hùng, anh đưa ánh mắt dáo dác nhìn quanh sân Old Trafford. Đó có lẽ là hình ảnh ấn tượng nhất của Milan trong mùa giải năm đó, hình ảnh của một đôi mắt linh dương giữa muôn trùng khó khăn và áp lực. Nhưng cuối cùng chú linh dương ấy cũng chạy những bước đà thật vững chãi để mở ra một chương mới cho Milan. 
 
Buffon hẳn đã nhớ về ký ức đó trong trận tứ kết World Cup 2006, cũng giống như ký ức về bàn thắng thiên tài của Sheva ngày nào. Nhưng so với người đồng nghiệp Francesco Toldo, có lẽ Gigi còn hạnh phúc hơn nhiều. Milan đã từng đứng khuất sau ánh hào quang của Inter với Ronaldo de Lima và Ivan Zamorano, nhưng điều đó nhanh chóng đi vào dĩ vãng kể từ ngày Sheva đặt chân tới San Siro. 14 lần phá lưới Inter Milan và là người ghi nhiều bàn thắng nhất trong các trận Derby della Madonnina, tiền đạo số 7 trở thành nỗi ác mộng của những Interista suốt một thời gian dài.

Khoảnh khắc lịch sử tại Old Trafford
Và khi cả Juve lẫn Inter đã bị khuất phục, Sheva cùng Milan hoàn tất bộ danh hiệu với Scudetto mùa 2003/2004. Lại là một phong độ hủy diệt quen thuộc với 24 bàn thắng, và lại là niềm vui bất tận ở nửa đỏ thành Milan. Đó cũng là lúc anh bước lên đỉnh cao sự nghiệp với danh hiệu Quả bóng vàng 2004, tiếp nối thành công của một người Đông Âu khác là Pavel Nedved. Các Milanista cứ ngỡ những niềm vui ấy sẽ còn kéo dài khi họ hát vang: “Chúng tôi tới đây để xem Sheva ghi bàn”. Nhưng có ai ngờ rằng đó lại là nốt thăng cuối cùng trước những khoảng trầm bất tận.
 
Hè 2004 đáng ra đã là một mùa hè yên ả với Shevchenko khi anh không tham dự Euro, nhưng cuối cùng anh lại bị lôi vào một cuộc chiến khác còn khốc liệt hơn, cuộc chiến trên chính trường. Một bài phát biểu gượng ép với nội dung ủng hộ ứng cử viên tổng thống Yanukovich khiến Sheva vướng vào những chỉ trích không đáng có. Và đó dường như là một dấu hiệu báo trước điềm chẳng lành. Mùa giải 2004/2005 chứng kiến Milan thất bại trong việc bảo vệ ngôi vương trước sức mạnh của Juventus, nhưng bù lại họ lại lọt tới trận chung kết Champions League. Trong một đêm Istanbul điên rồ với 6 bàn thắng, Milan một lần nữa đứng trước loạt luân lưu để có thể chạm tay vào cúp bạc. Và trớ trêu thay, chính người hùng Shevchenko ngày nào lại trở thành tội đồ khi thất bại trong loạt sút quyết định. Số phận đã chọn Sheva trở thành kẻ chiến bại ngay từ khoảnh khắc Jerzy Dudek cản phá xuất thần cản được hai cú sút liên tục của anh. Khi đó máy quay cũng bắt được đôi mắt của anh, nhưng không phải đôi mắt chiến thắng ngày nào, mà là đôi mắt thất thần của một kẻ thất bại.
 
Các Milanista thất vọng, nhưng họ chưa bao giờ mất niềm tin ở người hùng của mình, nhất là khi anh đã tuyên bố mạnh mẽ sau trận chung kết: “Khi bạn gục ngã, bạn phải đứng dậy và tiếp tục bước tới”. Vậy mà chỉ một năm sau cái đêm Istanbul oan nghiệt, anh bỏ lại Milan hoa lệ để tới với màu xanh hy vọng của thành London. Ở đó có một Chelsea nhiều tham vọng, có một Abramovich rất mực thần tượng anh, nhưng có lẽ đôi chân linh dương đã để lại San Siro mất rồi. Người ta không hiểu vì sao Shevchenko lại sa sút nhanh đến thế, có người nói rằng do áp lực quá lớn từ số tiền 30 triệu bảng, có người cho rằng anh đã mất đi động lực thi đấu. Nhưng dù cho lý do có là gì đi nữa, những người hâm mộ cũng chỉ còn biết ngao ngán khi thấy đôi mắt buồn lạc lõng của Sheva giữa những mờ sương. 
 
Nỗi buồn của Sheva trong màu áo xanh Chelsea
Michael Ballack, người tới Stamford Bridge cùng thời điểm với Sheva, trở thành một nhân tố không thể thiếu ở tuyến giữa của Chelsea. Còn với chàng tiền đạo số 7, hình ảnh của anh có chăng chỉ được người ta nhớ lại với cú cứa lòng tuyệt đẹp vào lưới Tottenham mà thôi. Các Milanista đau đớn khi thấy đứa con cưng ngày nào chết mòn trên băng ghế dự bị, nhưng họ thậm chí còn đau hơn bội phần khi thấy anh mờ nhạt trong ngày trở về. Mùa giải 2008/2009 những tưởng sẽ là cứu cánh cho sự nghiệp của Sheva, nhưng nó chỉ cho người ta nhận ra một thực tế rằng tuổi tác đã bắt kịp những bước chân của anh mất rồi. Không có nổi một bàn thắng, Sheva bị chính người thầy Ancelotti quay lưng, còn Milan lặng thinh trước quyết định gia hạn hợp đồng. Người ta nói Shevchenko và Kaka là hai niềm nuối tiếc lớn nhất của các Milanista, nhưng ít nhất thì Kaka cũng có được ngày về trọn vẹn sau những năm tháng chật vật ở Real, còn với Sheva, anh chẳng có gì ngoài một cuộc chia ly lặng lẽ.
 
Cho tới cái ngày Andriy Shevchenko dính chấn thương và phải giải nghệ sau Euro 2012, các Milanista vẫn đau đáu hình ảnh của anh. Pippo Inzaghi đã trả lại món nợ Istanbul với chiến thắng ngọt ngào ở Athens, Zlatan Ibrahimovic cũng đã mang về cho phòng trưng bày của San Siro thêm một chiếc cúp Scudetto nữa, nhưng người ta vẫn nhớ Sheva. Ở anh có một chất hiền lành chân chất của một người con Đông Âu, nó khiến người ta dễ mến mà khó quên. Trong tâm khảm người hâm mộ, hình ảnh của Sheva hiện lên vẫn thật đẹp. Đó là lần anh trở lại quê hương và đặt chiếc cúp Champions League trước mộ phần của người thầy Lobanovskyi, hay như cái cách mà anh sẵn sàng đánh đổi toàn bộ vinh quang để đổi lấy niềm hạnh phúc cho những nạn nhân của thảm họa Chernobyl vậy. 
 
Đôi mắt của linh dương Đông Âu
Những điều đó cũng giống như đôi mắt của anh, đôi mắt linh dương ngơ ngác giữa rừng Đông Âu bạt ngàn, đẹp đẽ và thuần khiết. Với những người Ukraine, họ sẽ nhớ về đôi mắt đẫm nước của Sheva, khi anh lập cú đúp trong trận gặp Thụy Điển ngay trên sân nhà ở Euro 2012. Với những CĐV của Liverpool, họ sẽ nhớ về đôi mắt thất thần của Sheva như một phần của chiến tích Istanbul vĩ đại. Các True Blues sẽ nhớ về đôi mắt buồn che lấp sau màn sương ở London. 
 
Còn với những Milanista, họ sẽ khắc sâu đôi mắt dáo dác nhìn lên khán đài Old Trafford, trước khi chú linh dương Đông Âu sải bước và làm nên lịch sử…
 
FRANK (TTVN)

⇒ Xem bóng đá trực tuyến và xem bóng đá việt nam.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Rodri: “Quả bóng Vàng không làm thay đổi con người tôi”

Gặp chấn thương phải nghỉ thi đấu dài hạn, Rodri, chủ nhân của Quả bóng Vàng 2024, đã mời tạp chí France Football đến nhà riêng ở Madrid để chia sẻ những cảm xúc của anh về buổi lễ trao giải Ballon d’Or, những lời khen mà anh nhận được và về giải thưởng mà một cá nhân chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự hiếm hoi lắm mới nhận được.

Philipp Lahm: Từ phút ngắn ngủi tại Olympiastadion đến huyền thoại bóng đá Đức

Là cựu đội trưởng của cả Bayern Munich và đội tuyển Đức, Philipp Lahm có thể nói đã có một sự nghiệp thi đấu vô cùng thành công. Trong bài viết này, chúng ta sẽ được trở về với những kỷ niệm để tôn vinh nhà vô địch Champions League, World Cup và đã tham gia sâu vào kế hoạch tổ chức UEFA Euro 2024 của Đức.

Liệu Liverpool đã sẵn sàng để buông tay với Mohamed Salah?

Trong chưa đầy 2 tháng nữa, Mohamed Salah sẽ có quyền ký vào một thoả thuận trước hợp đồng với một đội bóng nước ngoài. Và giờ là lúc chúng ta đặt ra câu hỏi: Liệu Liverpool đã sẵn sàng để chia tay vị "Vua Ai Cập" của họ hay chưa?