Andriy Shevchenko: Ánh sao băng vụt tắt trong màn sương mù

Tác giả Ole - Thứ Năm 30/09/2021 14:35(GMT+7)

Lựa chọn chuyển tới chơi bóng ở Premier League, cứ ngỡ như một giấc mơ sẽ biến Sheva trở thành huyền thoại mới tại London nhưng rồi đến sau cùng, tất cả những gì mà người ta nhìn thấy, mãi mãi sẽ chỉ là một ánh sao băng sớm vụt tắt trong màn sương mù dày đặc cùng với những cơn mưa buồn u ám trên nền trời sân Stamford Bridge.

Nhắc đến Andriy Shevchenko, chính là nhắc đến những bàn thắng, là nhắc đến sự nghiệp đỉnh cao của một cây săn bàn xuất chúng nhất mọi thời đại. Mặc dù vậy, ở khía cạnh ngược lại, cũng không ít người cảm thấy nuối tiếc cho sự xuống dốc quá nhanh của cựu danh thủ người Ukraine sau khi anh quyết định chuyển tới chơi bóng tại nước Anh vào năm 2006, nơi từng phải chứng kiến Sheva giống như một ánh sao băng sớm vụt tắt trong những màn sương mù dày đặc ở thành phố London.
 
Quãng thời gian thi đấu dưới màu áo AC Milan đã chứng kiến cái tên Andriy Shevchenko trở thành một huyền thoại của sân San Siro. Mùa giải 2002/2003, Sheva giành được chức vô địch Champions League bên cạnh dàn danh thủ nổi tiếng hàng đầu thế giới, bao gồm những Maldini, Costacurta, Rui Costa, Inzaghi, Nesta hay Seedorf, Gattuso, Rivaldo… Chỉ một năm sau đó, tiền đạo người Ukraine tiếp tục là hạt nhân quan trọng bậc nhất đưa Rossoneri đến danh hiệu Scudetto với 24 bàn thắng (vua phá lưới Serie A 2003/2004). 
 
Rõ ràng, tên tuổi của Sheva gần như được gắn liền với một thời kỳ hoàng kim rực rỡ ở Milan. Dưới triều đại của HLV Carlo Ancelotti cùng sơ đồ chiến thuật hình cây thông huyền thoại, Shevchenko là một sự lựa chọn không thể nào thay thế. Vậy mà, chỉ sau một mùa Hè 2006, người hâm mộ San Siro đã phải chứng kiến “chú linh dương Đông Âu” nói lời chia tay màu áo đỏ đen để chuyển sang đầu quân cho Chelsea với một bản hợp đồng chuyển nhượng trị giá 31 triệu bảng, kỷ lục vào thời điểm bấy giờ. Từ London, ông chủ giàu tham vọng Roman Abramovich cuối cùng đã có được cầu thủ mà mình từng ao ước. Còn Sheva? Anh chấp nhận bỏ lại những ánh hào quang ở Milan để theo đuổi một niềm kiêu hãnh mới trên xứ sở sương mù.

Andriy Shevchenko đến Chelsea vì mong muốn của ông chủ Roman Abramovich
 
Trên thực tế, Chelsea ở thời điểm ấy vẫn chưa phải một đội bóng hàng đầu lục địa già. Những đồng ruble từ nước Nga xa xôi có thể phần nào đã biến The Blues trở thành một kẻ thách thức mới tại Premier League, thế nhưng để tạo ra tiếng vang và thu hút những vụ chuyển nhượng đình đám, người ta sẽ không chọn đội bóng chủ sân Stamford Bridge. Chính bởi vậy mà sự xuất hiện của một siêu sao tầm cỡ như Shevchenko lại càng khiến cho những người hâm mộ London cảm thấy phấn khích. Một chân sút đang ở độ tuổi đỉnh cao trong sự nghiệp, vua phá lưới Serie A, nhà vô địch Champions League, một thợ săn các kỷ lục… tất cả đã tạo nên một hình ảnh quá đỗi hào nhoáng về Sheva và những gì anh từng làm được trong màu áo Milan.
 
Mọi thứ dường như rất hợp lý sau khi các cổ động viên nước Anh được chứng kiến màn ra mắt của ngôi sao người Ukraine ở trận tranh Commmunity Shield. Đó là ngày 13/8/2006, đối thủ của Chelsea là Liverpool cũng sớm trình diện những bản hợp đồng mới, như Jermaine Pennent, Craig Bellamy hay Fabio Aurelio, nhưng so với cái tên Andriy Shevchenko, tất cả đều quá mờ nhạt. “Chuyện này không bao giờ có thể xảy ra trước đây, nhưng bây giờ nó đã trở thành sự thật rồi. Việc Sheva chấp nhận rời Milan để tới Chelsea giống như một sự khẳng định về vị thế mới của đội bóng”, HLV Jose Mourinho, khi ấy đang dẫn dắt The Blues, chia sẻ trước báo giới.       
 
Bất chấp những nghi ngờ về việc Shevchenko có thể đe dọa vị trí của Didier Drogba trên hàng công, nhà cầm quân người Bồ Đào Nha đã điền tên cả hai vào đội hình xuất phát. Trong sơ đồ chiến thuật 4-3-3 quen thuộc, ngoại trừ Robben bám biên thì cả Drogba lẫn Sheva đều được tự do hoán đổi vị trí cho nhau và hoạt động rộng tùy theo từng thời điểm. Tuy nhiên, với việc Drogba thường xuyên đá cắm thì rõ ràng tân binh người Ukraine có phần thiệt thòi hơn.
 
Phút thứ 10, bất ngờ xảy ra khi Liverpool sớm vươn lên dẫn trước sau pha lập công của Riise. Phải chơi tấn công để tìm kiếm bàn gỡ, HLV Mourinho đã quyết định tung Salomon Kalou vào sân, ngay lập tức Chelsea chuyển sang 4-2-3-1 và Sheva lúc này giống như một tiền vệ tấn công chơi sau lưng Drogba, một vai trò không mấy quen thuộc đối với cựu tiền đạo Milan. Mặc dù vậy, đúng vào lúc nhiều người lo lắng nhất về bản hợp đồng đình đám mới của CLB thì ngôi sao người Ukraine lại biết cách lên tiếng để thể hiện những phẩm chất tuyệt vời của mình. Phút 44, Lampard tung ra đường chuyền dài từ vòng tròn giữa sân, Shevchenko nhanh chóng thoát xuống một cách thông minh, sau nhịp xử lý bóng gọn gàng, nghiêng người chỉnh chân trụ rồi đặt lòng dứt điểm tinh tế, anh đã làm tung lưới Pepe Reina.

Quãng thời gian ở Chelsea chỉ là nỗi thất vọng với Shevchenko. Ảnh: Getty Images
 
Trên Sky Sports, bình luận viên Andy Gray nhận xét: “Giá trị tức thì của 30 triệu bảng”. Phải thừa nhận rằng trong khoảnh khắc ấy, những người hâm mộ nước Anh được chứng kiến vẻ đẹp của một sát thủ thực thụ, một Quả bóng Vàng châu Âu năm 2004, một nhà vô địch Champions League đương thời. Chưa hết, trên góc khán đài VIP, người ta còn thấy ông chủ Abramovich ăn mừng “như điên như dại” với hai nắm đấm thẳng vào không trung, điều hiếm thấy ở vị tỷ phú vốn cực kỳ lạnh lùng và lãnh đạm này. Rõ ràng, Community Shield không phải thứ mà nhà tài phiệt nước Nga quan tâm. Thay vào đó, mối liên kết về gốc gác Đông Âu (hay Liên Xô cũ) với Sheva mới là điều khiến ông chủ của Chelsea cảm thấy phấn khích hơn bao giờ hết. 
 
“Tôi không muốn sử dụng từ ‘tình bạn’ ở đây bởi từ đó dường như là quá… mạnh mẽ”, Sheva trả lời cánh phóng viên khi được hỏi về mối quan hệ với Abramovich. Là một người Nga, đương nhiên Abramovich rất muốn chiêu mộ những cầu thủ Đông Âu về sân Stamford Bridge nhưng trước thương vụ của Shevchenko, người ta cùng lắm cũng chỉ được chứng kiến những bản hợp đồng xoàng xĩnh theo kiểu như Alexey Smertin (3,5 triệu bảng) chẳng hạn. Đối với Abramovich khi ấy, chân sút người Ukraine thực sự là một dự án tầm cỡ hơn rất nhiều.
 
Nhưng rồi, mọi thứ đã sớm dừng lại sau trận tranh Community Shield. Khoảng thời gian sau đó, Chelsea sở hữu một Drogba đạt phong độ đỉnh cao cùng hàng tiền vệ vô cùng chật chội của những Lampard, Ballack, Essien… Tất nhiên, điều gì phải đến cũng đã đến. Giữa tháng 12, Sheva đánh mất vị trí chính thức và phải ngụp lặn trong những cơn mưa u ám ở London. Suốt cả mùa giải, cựu tiền đạo Milan chỉ ghi được vỏn vẹn 4 bàn tại Premier League, một nỗi thất vọng tràn trề.
 
Từ đỉnh cao ở Milan, cầu thủ người Ukraine nhanh chóng rơi xuống đáy của thất vọng. Không ai còn nhận ra một trong những sát thủ hàng đầu châu Âu bây giờ đang phải mài mòn băng ghế dự bị sân Stamford Bridge. Các tifosi tiếc nuối và nhớ nhung Sheva, còn Sheva thì trở nên cô độc trong nỗi buồn ở nước Anh. “Các cầu thủ Chelsea kết nối với nhau khá dễ dàng nhưng Shevchenko thì thường không có mặt trong các buổi tụ tập. Lúc nào anh ấy cũng chỉ ở nhà. Cũng có thể là vì anh ấy không nói được tiếng Anh”, tiền vệ Mikel chia sẻ về người đồng đội cũ.
 
Tại San Siro, chỉ 7 tháng sau khi chấp nhận nói lời chia tay đứa con cưng, Chủ tịch Silvio Berlusconi đã không giữ nổi sự bình tĩnh khi cho rằng Shevchenko vì quá… nghe lời vợ nên mới quyết định chuyển sang khoác áo Chelsea. “Một Milanista đích thực, một người đàn ông chân chính thì chẳng bao giờ hành xử như vậy. Ở nhà tôi, tôi sẽ là người quyết định mọi việc. Sheva thì khác, cậu ấy đã để vợ lên nắm quyền cao nhất. Khi vợ nổi nóng, cậu ấy sẽ chui xuống gầm bàn như một con cún. Vợ cậu ta muốn tới London để bọn trẻ con hít sương mù cho khỏe mạnh và cậu ta chấp nhận nghe theo. Tất cả mọi chuyện chính là như thế đấy”. 

 
Cho đến bây giờ, khi mà Sheva đã trải qua thêm vô vàn những biến cố thăng trầm kể từ sau khi giải nghệ sự nghiệp bóng đá thì khoảng thời gian từng khoác áo Chelsea vẫn cứ là một giai đoạn đầy nuối tiếc trong cuộc đời của ngôi sao người Ukraine. Không ít người tự hỏi rằng, nếu như Sheva cứ tiếp tục khoác áo Milan thì sự nghiệp của anh liệu có còn trở nên thăng hoa hơn nữa hay không? 
 
Mùa giải 2006/2007, khi Rossoneri giành được chức vô địch Champions League, với những bàn thắng của Kaka hay Inzaghi, thì các tifosi cũng không khỏi ngậm ngùi cho chân sút của The Blues, người đang ở cách xa họ cả ngàn cây số. Thật trớ trêu là mới chỉ một năm trước thôi, họ vẫn còn nhìn thấy nhau trong những hoài niệm đẹp đẽ nhất…
 
Lựa chọn chuyển tới chơi bóng ở Premier League, cứ ngỡ như một giấc mơ sẽ biến Sheva trở thành huyền thoại mới tại London nhưng rồi đến sau cùng, tất cả những gì mà người ta nhìn thấy, mãi mãi sẽ chỉ là một ánh sao băng sớm vụt tắt trong màn sương mù dày đặc cùng với những cơn mưa buồn u ám trên nền trời sân Stamford Bridge.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Marc Cucurella - Hậu vệ cánh ảo: Bước ngoặt cho mùa giải của Chelsea-Pochettino

Kể từ hiệp 2 trận đấu trên sân Aston Villa hôm 28/4, Chelsea làm một đội bóng hoàn toàn khác. Đoàn quân của Mauricio Pochettino ghi 2 bàn trong 45 phút sau tại Villa Park để kết thúc trận đấu với tỉ số hòa 2-2. Và sau đó là 4 chiến thắng liên tiếp: 2-0 Tottenham, 5-0 West Ham, 3-2 Nottingham và mới nhất 2-1 Brighton.

Artem Dovbyk: Từ miền đất dữ tới thiên đường

Một mùa Hè đầy phần khích sẽ chờ đón Artem Dovbyk tại nước Đức trong kỳ EURO 2024 năm nay, bên cạnh danh hiệu Vua phá lưới La Liga (Pichichi) mà chân sút người Ukraine đang có được phần nào lợi thế trước những Bellingham, Lewandowski hay Alexander Sorloth… Quay trở lại quãng thời gian hơn một năm về trước, sẽ chẳng ai tin rằng ngôi sao thuộc biên chế Ukraine có thể vượt qua những hiểm nguy từ khói lửa chiến tranh để tìm tới đỉnh cao như hiện tại.  

Lucas Perez: Người viết truyện cổ tích xứ Galacia

Tự bỏ ra 493.000 euro để phá vỡ hợp đồng với Cadiz, chấp nhận từ bỏ giấc mơ La Liga để quay về chiến đấu cùng đội bóng quê hương Deportivo ở giải hạng ba, tiền đạo người Tây Ban Nha có thể sẽ không bao giờ trở thành một ngôi sao xuất sắc nhất. Nhưng trong những câu chuyện cổ tích của thành phố La Coruna, chắc chắn sẽ luôn tồn tại một cái tên - Lucas Perez.

Declan Rice: Chiến binh, nhạc trưởng & nhà thông thái

Vào một buổi chiều thứ Hai tại sân tập của Arsenal ở London Colney, Declan Rice đang xem qua những đoạn clip do The Athletic tổng hợp và suy ngẫm về quá trình phát triển của mình kể từ khi chia tay West Ham để gia nhập The Gunners với mức phí chuyển nhượng 105 triệu bảng Anh – con số cao kỷ lục trong lịch sử CLB – vào mùa hè năm ngoái.