Andrea Pirlo: Giữa những hoài nghi và kỳ vọng ở Juventus

Tác giả CG - Thứ Sáu 18/09/2020 18:00(GMT+7)

Pirlo đã từng ở Juventus và nỗ lực rất nhiều để gặt hái thành công. Còn nếu Pirlo thất bại trên cương vị HLV Juventus thì sao? Ông sẽ trở lại làm Andrea Pirlo - huyền thoại bóng đá.

Andrea Pirlo chuẩn bị có trận đấu đầu tiên dẫn dắt Juventus tại Serie A. Đó sẽ là những nét phác họa đầu tiên trong một bức tranh tổng thể để người hâm mộ có những đánh giá đầu tiên về tiền vệ huyền thoại trên cương vị HLV.


Mối lương duyên giữa Andrea Pirlo và Juventus với vị trí HLV trưởng CLB là bước đi thể hiện niềm tin của cả hai phía cho nhau, nhất là Juventus. CLB chủ sân Allianz đặt niềm tin trong công cuộc săn lùng chiếc cúp bạc Champions League vào một HLV mà cho đến cuối tháng trước vẫn chưa từng có phút nào cầm quân trong một trận đấu. Dường như mọi thứ có vẻ quá dễ dàng với Pirlo. Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ như vậy.
 
Pirlo là một tài năng nổi bật từ khi còn nhỏ, khi ấy ông đã vượt trội so với những người lớn hơn mình hai hoặc ba tuổi (và như chia sẻ trong cuốn tự truyện, ông thường xuyên khóc vì đồng đội không chuyền bóng cho mình). Tuy nhiên Pirlo xuất hiện muộn một thập kỷ so với “kỷ nguyên vàng” của những số 10 bóng đá Italy (Roberto Baggio, Gianfranco Zola hay Roberto Mancini) và sớm một thập kỷ khi lối chơi kiểm soát, chuyền bóng thịnh hành từ năm 2010. Mỏng cơm và chơi ở một vị trí nhanh chóng trở nên lỗi thời, sự nghiệp của Pirlo tưởng như sẽ chẳng đi đến đâu.
 
Nhưng ông đã đi con đường của riêng mình, trở thành tiền vệ kiến thiết lùi sâu - vị trí chưa từng tồn tại ở Serie A thời điểm đó vì các tiền vệ mỏ neo thường là những cầu thủ mạnh mẽ, có nhiệm vụ chính là tranh chấp, chạy thật nhiều, lao vào tắc bóng và chuyền bóng cho người có thể triển khai lối chơi. Pirlo đã tỏa sáng ở Milan, khẳng định vị trí trong hàng tiền vệ gồm những ngôi sao.
 
Đến năm 2011, Pirlo 32 tuổi và Milan dường như cho rằng ông không còn đáp ứng yêu cầu chuyên môn nên đã để ông ra đi dưới dạng chuyển nhượng tự do. Pirlo lựa chọn Juventus dù CLB vừa bổ nhiệm một HLV giàu tham vọng là Antonio Conte - người ưa thích hệ thống 4-2-4 nên sẽ không có vị trí cho ông. Không vấn đề gì hết, niềm tin vẫn được giữ vững. Pirlo và Conte đã tìm ra cách để ông có thể “sống” tại Juventus là hệ thống sơ đồ của Juventus sẽ được chuyển thành 3-5-2 và Pirlo có một “sự nghiệp thứ hai” xuất sắc tại CLB thành Turin.
 
 
Tuy nhiên cương vị HLV trưởng lại là câu chuyện hoàn toàn khác với cả ông lẫn Juventus. Là cầu thủ, bạn kiểm soát những gì mình làm và nếu bạn đủ thông minh lẫn tài năng, bạn có thể định hình số phận của mình như Pirlo. Còn là HLV trưởng, bạn làm việc với các cầu thủ mình có. Gần giống việc nuôi dạy con cái, bạn có thể giáo dục, định hướng, chuẩn bị, truyền cảm hứng cho các cầu thủ nhưng cuối cùng họ mới là người bước vào sân và quyết định trận đấu.
 
Với Juventus là niềm tin và sự liều lĩnh lớn vô cùng. Pirlo chưa hề có kinh nghiệm làm HLV, không hề có bảng thành tích công việc để đánh giá ngoài luận văn mà ông trình bày trong khóa học lấy bằng huấn luyện Pro. Có rất nhiều điều để nói về Pirlo trên khía cạnh cầu thủ và con người nhưng những thứ này không thể hoàn toàn định nghĩa ông trên khía cạnh một HLV được. Vì vậy, tất cả chỉ còn cách phải bước đi cùng với niềm tin mà thôi.
 
Điều trước tiên và cũng là quan trọng nhất, Pirlo sẽ có thể thực sự huấn luyện Juventus. Điều này trái ngược với tiền nhiệm của ông - HLV Maurizio Sarri, người từng miêu tả đội bóng này là “không thể huấn luyện”. Lý do gì khiến Sarri nói Juventus là không thể huấn luyện? Có thể bởi một thực tế rằng CLB này là hội tụ của những cầu thủ kỳ cựu có thâm niên, nhiều người trong đó đã quen với việc vô địch quốc gia hết năm này qua năm khác. Sarri là một nhà cách mạng còn các cầu thủ Juventus là những người có vị thế lớn.
 
Pirlo sẽ không được yêu cầu làm một cuộc cách mạng. Ông sẽ được giao nhiệm vụ kết nối, thúc đẩy tinh thần, truyền cảm hứng và quản trị nhân sự. Nếu niềm tin ở Juventus là khi bạn phải xử lý vấn đề với những người đã biết cách làm sao để giành chiến thắng thì mấu chốt nằm ở việc thúc đẩy và quản trị nhiều hơn. Và nếu có một người như Pirlo ở ghế huấn luyện, rõ ràng uy tín sẽ rất cao.
 
 
Chúng ta có thể thấy câu chuyện này phần nào tương tự với Zinedine Zidane. Ông cũng là một huyền thoại và được trao nhiệm vụ dẫn dắt Real Madrid vào năm 2016 với rất ít kinh nghiệm huấn luyện (dù vậy vẫn nhiều hơn Pirlo). Zidane nổi tiếng là một người trầm tĩnh, thậm chí có phần hơi nội tâm nhưng khi đã cất tiếng thì mọi người phải lắng nghe. Các cổ động viên Juventus có lẽ cũng hy vọng điều tương tự sẽ đến với Pirlo. Những người biết rõ về Pirlo đều nói trước mặt công chúng, ông là một người ít nói nhưng trong cuộc sống bình thường ông là gã hài hước và có sức hút.
 
Xét về khía cạnh bóng đá, chúng ta có rất ít điều để phân tích ngoài một số tuyên bố công khai và trận giao hữu với đội hạng ba Novara. Juventus xuất phát với đội hình gồm ba trung vệ giống như kỷ nguyên Conte nhưng không chơi trực diện như vậy. Thay vào đó, lối chơi xoay quanh việc chuyền bóng ngắn, phức tạp, thay đổi vị trí.
 
Đây là cái nhìn thoáng qua về những gì Juventus dưới thời Pirlo có thể làm. Tuy vậy bạn sẽ thấy điều này khá logic. Đội bóng thành Turin chắc chắn vẫn tập trung hết vào Cristiano Ronaldo và sơ đồ 3-5-2 cho phép tiền đạo Bồ Đào Nha hoạt động ở trung lộ với sự hỗ trợ của những vệ tinh xung quanh mà không cần phải dạt ra cánh nữa.
 
Có thể nói Pirlo là một lựa chọn giá rẻ, ít rủi ro với một đội bóng đã chuẩn bị xả hơi sau chín scudetto liên tiếp. Theo Gazzetta dello  Sport, ông có thu nhập khoảng 4,1 triệu USD mỗi mùa giải (cộng thưởng), kém 1/3 so với những gì Sarri kiếm được và ít hơn phần lớn các cầu thủ trong đội. Âu cũng là dễ hiểu bởi dù sao Pirlo vẫn là tân binh đúng nghĩa trong nghề huấn luyện. Pirlo sẽ không đưa ra yêu cầu mua cầu thủ và không nổi cơn thịnh nộ nếu ban lãnh đạo không đưa về những cầu thủ ông muốn.
 
Những tân binh của Bianconeri - tiền vệ Weston McKennie, Arthur và tiền đạo Dejan Kulusevski - cũng trẻ và rẻ hơn. Thị trường chuyển nhượng bóng đá Italy sẽ mở cửa đến ngày 5 tháng 10 và Juventus sẽ có thể chiêu mộ thêm một tiền đạo kỳ cựu phục vụ mục tiêu ngắn hạn (Luis Suarez hoặc Edin Dzeko). Tuy vậy họ đã lỗ khoảng 80 triệu USD ở mùa giải trước và với việc thua lỗ dự kiến trong mùa giải 2020/2021 (một phần vì đại dịch COVID-19), đây không phải là thời điểm để đầu tư mạnh tay cũng như tái thiết toàn diện.
 
 
Từ quan điểm đó, Pirlo rất phù hợp khi phân tích về chi phí - lợi ích. Ông sẽ dẫn dắt dựa trên sự tôn trọng từ các cầu thủ và thu hút sự ủng hộ từ người hâm mộ lẫn truyền thông, ít nhất trong một khoảng thời gian. Trường hợp tệ nhất là ông không đủ năng lực cầm quân tại Juventus, nhưng nếu điều đó xảy ra thì cũng không phải tận thế bởi ông không tốn quá nhiều chi phí của đội bóng thành Turin.
 
Chắc chắn Pirlo nhận thức được điều này. Có thể trong một thế giới không có COVID-19, không có Ronaldo và Sarri không bị sa thải, ông sẽ không được trao trọng trách dẫn dắt CLB mạnh nhất Italy. Và ông biết nhiệm vụ ấy sẽ không dễ dàng, chủ yếu bởi ông sẽ phải làm việc với những gì mình có. Trừ khi giành scudetto trong mùa giải đầu tiên, trên lý thuyết ông sẽ làm tệ hơn tất cả các HLV đã dẫn dắt CLB trong chín năm qua.
 
Nhưng không có vấn đề gì hết. Pirlo đã từng ở Juventus và nỗ lực rất nhiều để gặt hái thành công. Còn nếu Pirlo thất bại thì sao? Ông sẽ trở lại làm Andrea Pirlo - huyền thoại bóng đá.
 
Dịch từ bài viết “Juventus and Pirlo are gambling that the legendary player can get the best out of Ronaldo & Co. as manager” của tác giả Gabriele Marcotti trên ESPN.

CG

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.