Andre Schurrle: Câu chuyện buồn về người hùng World Cup bị trầm cảm

Tác giả Tú Nguyễn - Chủ Nhật 07/11/2021 10:00(GMT+7)

Hành trình bóng đá của Andre Schurrle không dài, nhưng lại liên tục bị ảnh hưởng bởi căn bệnh trầm cảm. Rất may khi Schurrle vẫn kịp dừng lại đúng lúc, trước khi làm những điều đáng tiếc.

1. Mainz là một thành phố có màu khá u ám, nhưng luôn sôi động mỗi khi diễn ra lễ hội.
 
Đội bóng của thành phố, FSV Mainz 05 cũng có những điều thú vị. Đó là nơi Jurgen Klopp dành toàn bộ sự nghiệp chơi bóng chuyên nghiệp; không khó hiểu khi đó cũng là cảm hứng để Klopp tạo ra phong cách "heavy metal" khi huấn luyện.
 
Họ cũng từng sở hữu một bộ ba tấn công mê hoặc ở mùa 2010/2011. Ba cầu thủ này tự gọi mình là "The Bruchweg Boys" và luôn biểu diễn như một ban nhạc rock tưởng tượng sau mỗi bàn thắng họ ghi được. Adam Szalai chơi trống, Lewis Holtby là ca sĩ chính, còn Andre Schurrle sẽ đánh guitar.
 
Mùa giải đó Mainz 05 thắng tới 7 trận liên tiếp đầu mùa và đứng thứ 5 vào cuối mùa giải. Tiềm năng của bộ ba này là không thể phủ nhận, nên không ngạc nhiên khi họ được liên hệ với nhiều đội bóng lớn. Adam Szalai, tiền đạo người Hungary, người nhiều tuổi nhất trong ba người tiếp tục sự nghiệp của mình ở các đội bóng trung bình tại Đức và hiện tại đã quay trở lại Mainz 05.
 
"The Bruchweg Boys" của Mainz 05. Ảnh: Getty Images
 
Lewis Holtby, cầu thủ 20 tuổi được Schalke 04 cho Mainz 05 mượn có tiềm năng lớn hơn, nhưng không bao giờ đạt được sự ổn định cần thiết. Anh lang bạt khắp nơi sau này, từ Tottenham, Fulham, Hamburg, Blackburn Rovers và bây giờ là Holstein Kiel, đội bóng hạng Hai của Đức.
 
Mặc dù vậy, Andre Schurrle lại là một câu chuyện khác.
 
2. Được Thomas Tuchel đưa lên đội một ở tuổi 18 và còn được ông so sánh với Raul Gonzalez, con đường thăng tiến của Schurrle thuận lợi hơn rất nhiều so với hai người còn lại. Họ trước đó còn cùng nhau giành chức vô địch U19 Bundesliga. 
 
Schurrle tiến bộ rất nhanh và ổn định. Bayer Leverkusen trả 8 triệu euro để có anh mùa hè 2011 và nhanh chóng kiếm lời sau hai năm thành công, khi bán cho Chelsea với con số gấp ba lần như thế. Thời điểm đó Schurrle cũng là thành viên quen thuộc ở đội tuyển quốc gia, và dù một vị trí chính thức vẫn còn hơi quá tầm với cầu thủ sinh ra ở Ludwigshafen, Joachim Low tin rằng Schurrle sẽ là con át chủ bài trên băng ghế dự bị. 
 
Đó chính xác là những gì Schurrle đã làm được tại World Cup 2014. Sẽ không quá lời nếu nói rằng ĐT Đức sẽ không thể vô địch nếu không có Schurrle. Mọi người sẽ nhớ tới pha kiến tạo cho Mario Gotze để ghi bàn quyết định vào lưới Argentina tại trận chung kết, nhưng ít người nhớ đến việc Schurrle đã cứu ĐT Đức như thế nào ở vòng 1/16.
 
Đó là trận đấu với Algeria và nó khó khăn hơn nhiều so với dự kiến. Trận đấu phải kéo dài tới hiệp phụ, để rồi chính Schurrle là người khai thông bế tắc với một pha dứt điểm nhạy cảm bằng chân không thuận. Sau đó là màn hủy diệt 7-1 không thể nào quên trước Brazil ở tứ kết. Dù chỉ vào sân từ phút 58, Schurrle vẫn kịp lập cú đúp, trong đó có một pha vô lê đẳng cấp.
 
Khi nói về điểm mạnh của Schurrle, đó phải là sự đa năng. Schurrle có thể chơi mọi vị trí trên hàng công, sút tốt bằng cả hai chân (5 bàn đầu tiên Schurrle ghi cho Chelsea ở Premier League đều bằng chân trái) và sở hữu lực sút rất tốt. Ngoài ra cầu thủ sinh năm 1990 cũng rất nhanh và chịu khó di chuyển không bóng khiến đối phương gặp rất nhiều khó khăn khi theo kèm.  
 
Andre Schurrle và Mario Gotze: Hai người hùng của Đức ở World Cup 2014. Ảnh: AFP
 
3. Sau khi trở thành nhà vô địch World Cup, Schurrle trở thành người hùng dân tộc. Một số cầu thủ sẽ coi đó là động lực để tiếp tục thăng tiến, nhưng số khác lại cảm thấy khó khăn để đáp ứng được những kì vọng đi kèm.
 
Nụ cười hồn nhiên của cậu bé Bruchweg đang chơi guitar tưởng tượng đã biến mất. Với Schurrle, đó là lần cuối cùng cậu ta tận hưởng niềm vui bóng đá.
 
Quyết định giải nghệ ở tuổi 29 của Schurrle có thể khiến nhiều người ngạc nhiên, nhưng với những ai theo dõi anh thường xuyên thì không, bởi Schurrle đã theo đuổi ý tưởng này nhiều năm rồi. Schurrle có thể đã dừng lại sớm hơn nếu không phải vì áp lực xã hội, cũng như không nhiều công việc có thể giúp cầu thủ người Đức kiếm nhiều tiền hơn bóng đá. 
 
Bóng đá với Schurrle trở thành một gánh nặng, một công việc đáng ghét. Mẹ của Schurrle nói rằng con của bà đã rất lo lắng về tinh thần của mình trong suốt nhiều năm. Trở lại Chelsea sau World Cup, cầu thủ sinh năm 1990 gần như chạm đáy của sự tuyệt vọng. Anh từng tâm sự với Der Spiegel: “Tôi đã rơi xuống hố sâu nhất. Tôi không còn muốn chơi bóng nữa”. 
 
Đen đủi cho Schurrle khi ở thời điểm tâm lý bất ổn như thế, người dẫn dắt anh ở Chelsea lại là Jose Mourinho, một người luôn muốn biến không khí đội bóng như ở ngoài chiến trường. Ông sẵn sàng kéo căng tâm lý các học trò hết cỡ, với những âm mưu tự nghĩ ra để khích lệ đội nhà. Với những ai có tâm lý thép, họ có thể chịu được, thậm chí cảm thấy được khích lệ, nhưng với Schurrle, nó không khác gì sự tra tấn. Nó chỉ khiến anh cảm thấy kiệt quệ về cảm xúc và tâm lý.
 
Thậm chí Schurrle còn gần như ảo tưởng về việc mình bị Mourinho chỉ trích. "Tôi từng tự hỏi Mourinho nghĩ gì về mình khi tôi tập luyện. Cảm tưởng như tôi là người duy nhất ông ấy soi xét trên sân. Chắc không phải vậy đâu nhỉ, nhưng cứ như thể có người đang xem tôi tập và nghĩ rằng: "Thằng này ngu thật!", anh trả lời trong cuộc phỏng vấn với người dẫn chương trình Joko Winterscheidt.
 
Điều này tệ đến mức Schurrle bắt đầu cảm thấy vui vẻ khi bị Mourinho ném lên ghế dự bị. "Nếu bạn không có mặt trên sân, bạn sẽ được hít thở thoải mái và không sợ làm rối tung mọi chuyện nữa",, Schürrle nói. “Trong bóng đá, hoặc bạn là người hùng, hoặc bạn là một kẻ ngốc. Không có gì ở giữa cả”. 
 
Sự nghiệp của Schurrle chững lại và lụi tàn vì những vấn đề liên quan tới sức khỏe thể chất và tinh thần. Ảnh: Getty Images
 
Nhưng trạng thái của Schurrle chính xác lại nằm ở giữa hai thái cực đó, bởi anh không thể trở thành người hùng, nhưng cũng không thể chịu được việc trở thành một kẻ ngốc. Đó là sự tra tấn liên tục về tâm trí; sẽ không thể phát huy hết tiềm năng của bạn nếu bạn không có gì thôi thúc ở bên trong. 
 
Sau đó là đợt ngộ độc thực phẩm trong chuyến đi của ĐTQG đến Ba Lan. Món gà nhiễm khuẩn salmonella khiến Schurrle sụt mất 5kg và gặp rắc rối lớn về thể lực.
 
4. Chelsea nhanh chóng hành động. Marina Granovskaia, giám đốc CLB, rao bán người hùng World Cup và kiếm lời khi bán Schurrle cho Wolfsburg với giá 32 triệu euro.
 
Một mức giá như vậy không giúp cuộc sống của anh trở nên dễ dàng hơn. Thậm chí Schurrle đã cân nhắc đến việc treo giày trong thời gian thi đấu cho “Bầy sói”. Sau khi Wolfsburg chỉ kết thúc mùa giải 2015/2016 ở giữa bảng xếp hạng, Tuchel đưa cho Schurrle một lối thoát. Trên lý thuyết, chẳng có gì hợp lí hơn việc tái hợp với HLV quan trọng nhất sự nghiệp của mình tại một CLB hàng đầu như Dortmund, nhưng đời thì không như mơ.
 
Trở thành bản hợp đồng kỷ lục của đội (30 triệu euro) chẳng giúp ích được gì. Những màn trình diễn đáng thất vọng, tâm trạng thì buồn bã, và khi Tuchel ra đi vào mùa hè 2017, chẳng còn gì có thể níu kéo Schurrle ở lại, ngoài tình bạn với Mario Gotze.
 
Schurrle tiếp tục cân nhắc giải nghệ lần thứ n, nhưng anh đã thử hai cuộc phiêu lưu kì lạ trước khi làm điều này. Trở lại Anh để khoác áo Fulham, đội sau đó xuống hạng, rồi sang tận nước Nga lạnh giá để đá cho Spartak Moscow theo một bản hợp đồng cho mượn khác. Quyết định đến đội bóng thủ đô nước Nga chịu ảnh hưởng lớn từ vợ Schurrle, Anna Sharipova, người sinh ra ở Kazakhstan, nhưng rõ ràng tìm lại cảm hứng ở một đội bóng khi đó đang chìm trong khủng hoảng không phải ý hay. Thể lực cũng là vấn đề; khi được hỏi về mục tiêu của Schürrle cho phần còn lại của mùa giải vào tháng 2/2020, anh chỉ thở dài: "Không chấn thương đã là tốt lắm rồi".
 
Ảnh: Getty Images
 
Spartak Moscow không có ý định mua đứt, Dortmund cũng chẳng muốn anh. Và đó là thời điểm không thể thích hợp hơn để treo giày.
 
Hành trình bóng đá của Andre Schurrle không dài, nhưng lại liên tục bị ảnh hưởng bởi căn bệnh trầm cảm. Rất may khi Schurrle vẫn kịp dừng lại đúng lúc, trước khi làm những điều đáng tiếc như Robert Enke. 10 năm trước, không ai có thể đoán trước kết cục như vậy khi Schurrle luôn tỏ ra thoải mái ở Mainz.   
 
Nhưng giờ đây, Schurrle có thể trở lại Ludwigshafen và lấy lại nụ cười sảng khoái ấy. Anh sẽ luôn được chào đón tại lễ hội hóa trang địa phương. Bởi anh xứng đáng với điều đó. 
 
Theo Michael Yokhin | Football Critic
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.