Alvaro Morata: Chàng trai mong manh hay kẻ trốn chạy?

Tác giả Thế Trung - Thứ Hai 28/06/2021 16:50(GMT+7)

Alvaro Morata có đủ mọi yếu tố để trở thành một tiền đạo hàng đầu nhưng tâm lý và tinh thần của anh lại đang ngăn cản điều đó. Morata không phải mẫu người giỏi chịu áp lực.

 
Anh suy nghĩ nhiều, thường tự đánh giá bản thân và có xu hướng “chạy trốn” khi mọi việc không theo ý muốn. Dẫu vậy, HLV Luis Enrique đã khẳng định rằng Morata vẫn là sự lựa chọn số một của ông ở kỳ Euro 2020 và quyết định này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới thứ hạng của Tây Ban Nha ở giải đấu năm nay.
 
“Alvaro thế nào rồi? Anh ấy có ổn không?”
 
Đó là câu hỏi mà các phóng viên đã dành cho Marcos Llorente ngay sau trận mở màn của đội tuyển Tây Ban Nha ở Euro 2020, một trận hòa đáng thất vọng trước Thụy Điển.
 
Câu hỏi ấy như thể Alvaro Morata vừa mới gặp một chấn thương nghiêm trọng hoặc một điều gì đó cực kỳ không may. Nhưng không phải. Nguyên nhân “chỉ” là cầu thủ này đã bỏ lỡ hai cơ hội mười mươi trong một màn trình diễn nhạt nhòa trước khung thành đối phương. Sự thất vọng, như thường lệ, là thứ có thể cảm nhận thấy rõ ràng trên các khán đài của sân La Cartuja – nơi mà những tiếng huýt sáo của các CĐV đang nhắm đến chính Morata.
 
“Morata là một thành viên quan trọng của chúng tôi”, Llorente trả lời. “Anh ấy chưa được may mắn lắm nhưng rồi anh ấy sẽ sớm ghi bàn thôi. Tôi không nghĩ rằng hành động huýt sáo của khán giả là phản ứng thật sự tích cực. Tôi muốn mọi người hãy giúp đỡ và cổ vũ cho chúng tôi”.
 
Thực tế, trung phong cắm vốn đã là vấn đề đối với đội tuyển Tây Ban Nha trong vài thập kỷ trở lại đây, đặc biệt là trước những giải đấu lớn. Từ Julio Salinas ở Italy 90, Raul trước Euro 2008 cho đến sau này là Cecs Fabregas và Diego Costa. Nói như thế để thấy, Alvaro Morata chỉ là trường hợp nhắc lại của quá khứ, nhưng nếu người đó không phải là Morata thì có lẽ câu chuyện cũng không gay gắt đến mức như vậy.
 
Như đã nói, Morata rất nhạy cảm với ý kiến của những người xung quanh. Đây là thói quen đã hình thành từ khi anh mới bắt đầu sự nghiệp bóng đá. Khi đó, Alvaro Morata cùng với Koke và David de Gea là những cầu thủ trụ cột của đội trẻ Atletico Madrid. Thử thách thực sự chỉ đến khi anh đánh mất vị trí của mình vào tay Borja Baston – người từng khoác áo Swansea, Aston Villa và hiện đang chơi cho Leganes. Gần như ngay lập tức, Morata đã nghĩ tới việc chuyển sang một môn thể thao khác.
 
“Lúc đó tôi không thích bóng đá nữa”, Morata nhớ lại. “Cảm giác như tình yêu của tôi dành cho bóng đá đã không còn. Tôi đã nghĩ tới quần vợt vì tôi cũng từng thi đấu môn này và chắc là tôi chơi quần vợt tốt hơn bóng đá. Tôi đã quá thiếu kiên nhẫn”.
 
Sau tất cả, bóng đá vẫn là sự lựa chọn cuối cùng. Alvaro Morata chuyển tới Getafe một thời gian trước khi gia nhập hệ thống đào tạo trẻ La Fabrica của Real Madrid và đã bắt đầu con đường chuyên nghiệp của mình tại đây. Thế nhưng, sự thiếu kiên nhẫn đã quay trở lại, không chỉ một mà rất nhiều lần, kể từ đó tới nay. 

Những pha bỏ lỡ khiến sự tự tin của Alvaro Morata ngày càng giảm. Ảnh: Getty Images
 
Chỉ một năm sau khi ký hợp đồng chuyên nghiệp với Real Madrid, Morata chuyển sang Juventus với hy vọng được đá chính nhiều hơn. Hai năm sau, anh trở lại Bernabeu. Ngay ở kỳ chuyển nhượng tiếp theo, anh gia nhập Chelsea (trong mùa hè mà sự so sánh giữa Morata và Lukaku liên tục được đặt ra). Sau 2 mùa giải âm u ở London, Morata trở lại “mái nhà xưa” Atletico nhưng cuộc tái ngộ này cũng chỉ kéo dài 18 tháng. Tháng 9 năm ngoái, Alvaro Morata một lần nữa đến với Juve theo bản hợp đồng cho mượn có thời hạn 1 năm.
 
Trên con đường qua 3 giải đấu lớn hàng đầu thế giới, Morata đã sở hữu cho mình một bộ sưu tập danh hiệu không hề nhỏ. Anh có tổng cộng 15 chiếc cúp khi chưa tròn 26 tuổi. Với nhiều cầu thủ, danh hiệu tập thể là thứ họ ao ước nhưng với Morata, sự khẳng định cá nhân mới là điều anh mong muốn. Anh chưa bao giờ hài lòng với màn trình diễn của mình. Chỉ một trận đấu tệ hay thậm chí là một pha bỏ lỡ cơ hội thôi cũng khiến cầu thủ này liên tục trăn trở trong những ngày sau đó. Vì thế, sự tự tin và niềm vui khi chơi bóng của anh bị ảnh hưởng cũng là hệ quả tất yếu.
 
“Bạn bắt đầu phát điên với chính mình. Những suy nghĩ về bàn thắng cứ liên tục xuất hiện trong đầu bạn nhưng nó càng xuất hiện thì bạn lại càng khó tập trung thi đấu. Bàn thắng chỉ đến khi bạn ra sân với nụ cười trên môi và mọi thứ sẽ diễn ra thật trơn tru. Tôi là người suy nghĩ nhiều, có lẽ là quá nhiều về những cơ hội mà tôi đã bỏ lỡ”, Morata nói về khoảng thời gian 100 ngày liên tiếp không ghi bàn ở Juventus.
 
Khoảng thời gian ở Chelsea cũng chẳng dễ dàng gì với Morata. Anh khởi đầu bằng một quả penalty hỏng ăn trong trận tranh Community Shield năm 2017. Sau đó, anh thường xuyên chia sẻ về những lo lắng của mình, về việc đã phải đi gặp bác sĩ tâm lý để học cách kiểm soát cảm xúc và đối mặt với áp lực. Các đồng đội ở Chelsea đã cố gắng để giúp đỡ Morata hòa nhập với môi trường bóng đá và truyền thông xứ sở sương mù nhưng không phải lúc nào họ cũng hiểu rõ được cầu thủ đến từ Madrid.
 
Thủ môn Robert Green chia sẻ: “Alvaro tự cảm nhận được rằng có điều gì đó không ổn mỗi khi cậu ấy không ghi bàn. Phải công nhận rằng cậu ấy rất dũng cảm khi thừa nhận điều khó khăn ấy. Có điều, cậu ấy chưa bao giờ giải thích tại sao và có lẽ đó chính là vấn đề. Cậu ấy luôn có những đồng đội tốt xung quanh, những người sẵn sàng nói rằng ‘Không sao đâu. Cứ đá tiếp đi’ mỗi khi cậu ấy không thể ghi bàn nhưng lại không thể tận dụng”.
 
Có một thời gian Morata đã phải dùng thuốc giảm đau trước mỗi trận đấu vì một chấn thương lưng. Bên cạnh đó, tinh thần của cầu thủ này cũng không ổn định sau cái chết vì tai nạn ô tô của một người bạn thân và những khó khăn của người vợ Alice khi cô mang thai cặp bé trai sinh đôi. Morata hầu như không thể tập trung vào trái bóng ngay cả trong những buổi tập nhưng các cổ động viên Chelsea thì không biết điều đó và họ cũng không dễ tha thứ như những người trong cuộc.

Các cổ động viên Chelsea mất kiên nhẫn khi Alvaro Morata thi đấu không đáp ứng được yêu cầu. Ảnh: Getty Images
 
“Morata không chỉ gặp khó trong những trận đấu, mỗi buổi tập của cậu ấy cũng rất vất vả”, Robert Green nói, “Trong các bài tập dứt điểm, cậu ấy thường xuyên sút bóng ra ngoài và kể từ đó, mọi người bắt đầu nghĩ tới những điều xấu nhất. Giờ đây, mỗi khi nhớ đến Morata, hình ảnh đầu tiên xuất hiện trong tôi là khi cậu ấy cúi gằm mặt xuống sau những cú sút không trúng đích”.
 
Ngày Alvaro Morata trở lại Atletico vào đầu năm 2019 cũng là lúc HLV Diego Simeone cố gắng hiện thực hóa ý tưởng kết hợp anh và Diego Costa thành một cặp tiền đạo ăn ý. Nhưng rồi chỉ một thời gian ngắn sau đó, “El Cholo” nhận ra rằng đây là điều không thể. Ông dần loại Morata ra khỏi những trận đấu quan trọng ngay cả khi phong độ của Costa cũng chẳng còn xuất sắc như xưa.
 
“Simeone ban đầu nghĩ rằng họ là cặp đôi hoàn hảo”, một nguồn tin tiết lộ, “Morata không cá tính như Costa nhưng lại sở hữu tốc độ và khả năng không chiến tốt hơn. El Cholo nghĩ rằng ông ấy có thể bảo vệ Alvaro khỏi những sức ép bên ngoài nhưng kết quả đã không được như vậy. Cuối cùng, Simeone vẫn phải đưa ra lựa chọn giữa một trong hai tiền đạo đang có trong tay”.
 
Diego Simeone không phải là HLV đầu tiên nhìn thấy tố chất ở Morata nhưng lại không thể giúp anh duy trì phong độ ổn định trong thời gian dài. Jose Mourinho, Carlo Ancelotti, Max Allegri, Vicente del Bosque, Zinedine Zidane, Antonio Conte và Maurizio Sarri đều đã thử và chưa thành công. Một người bạn thân với Morata cho rằng cầu thủ này chỉ có thể chơi hay khi cuộc sống xung quanh anh diễn ra thật sự êm ả. Đó là lý do anh không thể trụ được ở một CLB nhiều hơn 2 mùa giải.
 
Morata kết thúc mùa giải 2020-21 với thành tích không hề tệ: 20 bàn thắng và 12 kiến tạo trong 44 lần ra sân (thực tế, đây là những con số tốt nhất của anh từ trước tới nay). Có điều, mọi con số ấy dường như đều trở nên vô nghĩa sau trận giao hữu giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ở Wanda Metropolitano. 0-0 là tỉ số cuối cùng còn Morata là người phải nhận không biết bao nhiêu lời chỉ trích vì những cơ hội mà anh bỏ lỡ, đặc biệt là cú sút trúng xà ngang khi đối mặt với thủ môn Rui Patricio ở phút bù giờ hiệp hai. Như vậy là quá đủ để khán giả có mặt ở sân (phần lớn là người Tây Ban Nha) huýt sáo và và đưa ra những lời chê bai: “Nhìn Morata kìa, hắn thật là tệ hết chỗ nói”.

Các đồng đội luôn ở bên Morata. Ảnh: Getty Images
 
Cơn ác mộng tiếp tục kéo dài đến trận ra quân gặp Thụy Điển ở Euro 2020, khi Morata tiếp tục bỏ lỡ một tình huống đối mặt thủ môn khác. Nó phần nào giảm đi khi anh ghi bàn trong trận hòa 1-1 với Ba Lan nhưng lại một lần nữa xuất hiện khi tiền đạo mang áo số 7 sút hỏng phạt đền trong trận đấu cuối cùng với Slovakia. Dù sau đó Tây Ban Nha vẫn giành được một chiến thắng tưng bừng, chẳng ai dám chắc liệu mọi chuyện đã ổn với Morata hay chưa.
 
Ghi bàn không chỉ là câu chuyện của Morata mà nó còn là vấn đề của toàn bộ đội tuyển Tây Ban Nha. Kể từ khi HLV Luis Enrique trở lại, họ ghi được 20 bàn sau 13 trận đấu chính thức nhưng 6 trong số đó đến từ chiến thắng hủy diệt trước Đức ở Nations League. 14 bàn trong 12 trận không phải là con số đáng khích lệ với một đội tuyển luôn tôn thờ bóng đá tấn công như Tây Ban Nha.
 
Trong mắt Luis Enrique, Alvaro Morata luôn là sự lựa chọn số một và ông không để ai khiến mình thay đổi quan điểm đó. Hơn nữa, Morata đã đá chính trong 6 trận đấu gần nhất của Tây Ban Nha. Để anh ngồi dự bị lúc này chẳng khác nào Luis Enrique tự thừa nhận với cả thế giới rằng ông đã sai lầm. Một người cứng đầu như Enrique không thể nào chấp nhận việc đó. Ông đánh cược vào sự lựa chọn của mình bằng một tuyên bố chắc nịch: “Chúng tôi sẽ ra sân với Morata và 10 cầu thủ khác”.
 
“Khi làm đồng đội với Morata, bạn không thể nói rằng anh ấy đã chơi tệ”, một thành viên của đội tuyển Tây Ban Nha chia sẻ. “Tất cả đều muốn bạn nói rằng anh ấy đã làm tốt dù thực tế không phải như vậy. Ai cũng biết Morata đủ sức để trở thành một trung phong đẳng cấp thế giới. Tất cả giờ đây đều phụ thuộc vào anh ấy mà thôi”.
 
Để bảo vệ chính kiến của mình, cũng là để đảm bảo một giải đấu thành công nhất có thể cho Tây Ban Nha, HLV Luis Enrique và các cộng sự, đặc biệt là bác sĩ tâm lý Joaquin Valdes, cần phải giúp Alvaro Morata tìm lại sự tích cực ở cả đôi chân và cái đầu. Morata từng nói anh đã thay đổi mọi thứ, từ kiểu tóc, ô tô cho đến đôi giày, để cố gắng chấm dứt vận đen cũng như cơn khát bàn thắng ở Juventus. 
 
Nhưng đôi khi thứ Morata cần phải thay đổi nhất lại là suy nghĩ của chính anh. Đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho vận đen, cho đủ mọi lý do trên đời hoặc “chạy trốn” để bắt đầu lại ở một nơi khác đều không phải là sự lựa chọn cho thời điểm này. 
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Rodri: “Quả bóng Vàng không làm thay đổi con người tôi”

Gặp chấn thương phải nghỉ thi đấu dài hạn, Rodri, chủ nhân của Quả bóng Vàng 2024, đã mời tạp chí France Football đến nhà riêng ở Madrid để chia sẻ những cảm xúc của anh về buổi lễ trao giải Ballon d’Or, những lời khen mà anh nhận được và về giải thưởng mà một cá nhân chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự hiếm hoi lắm mới nhận được.

Philipp Lahm: Từ phút ngắn ngủi tại Olympiastadion đến huyền thoại bóng đá Đức

Là cựu đội trưởng của cả Bayern Munich và đội tuyển Đức, Philipp Lahm có thể nói đã có một sự nghiệp thi đấu vô cùng thành công. Trong bài viết này, chúng ta sẽ được trở về với những kỷ niệm để tôn vinh nhà vô địch Champions League, World Cup và đã tham gia sâu vào kế hoạch tổ chức UEFA Euro 2024 của Đức.

Liệu Liverpool đã sẵn sàng để buông tay với Mohamed Salah?

Trong chưa đầy 2 tháng nữa, Mohamed Salah sẽ có quyền ký vào một thoả thuận trước hợp đồng với một đội bóng nước ngoài. Và giờ là lúc chúng ta đặt ra câu hỏi: Liệu Liverpool đã sẵn sàng để chia tay vị "Vua Ai Cập" của họ hay chưa?

Luis Diaz và một đêm huyền ảo của Liverpool tại thánh địa Anfield

Trận đấu khép lại, Luis Diaz rời sân Anfield với danh hiệu "Cầu thủ xuất sắc nhất trận" và ôm quả bóng Champions League sau khi đã lập một cú hattrick vào lưới Bayer Leverkusen. Và vẫn như thường lệ, trên quả bóng ấy lại có đầy đủ chữ ký của đồng đội để giúp Diaz lưu giữ lại chút kỷ niệm về một đêm huyền ảo của mình tại Anfield.