Alphonso Davies: Không còn những hoài nghi

Tác giả CG - Thứ Sáu 31/07/2020 17:42(GMT+7)

Thời điểm rời Whitecaps vào tháng 11 năm 2018, tôi hoàn toàn không còn là cậu bé ngại ngùng hơn 4 năm trước nữa. Tôi biết mình sẽ đi đâu. Tôi biết điều gì đang xảy ra với mình. Khi tới Bayern, tôi không quá lo lắng. Tôi chỉ muốn chứng minh cho mọi người biết rằng tôi có thể chơi ở đẳng cấp ấy. Và từ khi đi một chặng đường dài như vậy, tôi luôn muốn thi đấu với nụ cười trên gương mặt. Tôi vẫn tự nhắc nhở bản thân mình như vậy.

Trên The Players’ Tribune, hậu vệ Alphonso Davies kể lại câu chuyện sự nghiệp của mình từ một cậu bé nhút nhát đến khi trở thành nhà vô địch Bundesliga.
 
Câu chuyện này dành cho những ai đang nghi ngờ bản thân mình. Trong vài năm qua, các bạn có thể đã đọc đâu đó những câu chuyện về tôi, ví dụ như năm tôi 15 tuổi: “Davies trở thành cầu thủ trẻ thứ 2 thi đấu ở MLS” hay năm tôi 17: “Davies thiết lập kỷ lục chuyển nhượng khi chuyển tới Bayern Munich”.
 
Tôi đoán có lẽ mọi người nghĩ rằng tôi luôn muốn làm điều đó. Nhưng không phải vậy.
 
Khi gia nhập Vancouver Whitecaps năm 14 tuổi, tôi khá lo lắng. Lúc đó tôi vừa tạm biệt gia đình ở Edmonton, tôi là một cậu bé rụt rè và không thực sự nói quá nhiều. Và tôi không cảm thấy mình là một trong những cầu thủ giỏi nhất ở đó. Qua 1 hay 2 năm, tôi đã thử việc ở đó 2 lần nhưng các HLV không thấy tôi đã sẵn sàng. Tôi cần thử việc lần thứ ba trước khi họ quyết định có chọn tôi hay không.
 
Khi tôi bắt đầu thi đấu cho Vancouver ở lứa U16, tôi gặp nhiều khó khăn. Tôi cần thời gian để thích nghi. Sau một thời gian, tôi được đôn lên đội U18, ở đây thậm chí còn khó hơn. Nhưng khi tôi được đôn lên đội hai, lúc này đã là cấp độ chuyên nghiệp, thì cảm giác giống như thể tôi đang đâm vào tường vậy.
 
Bỗng nhiên tôi đang chơi bóng cùng với các anh lớn. Sau vài tuần đầu tiên, tôi chẳng thể hiện được gì. Tôi không thể tiếp tục nữa vì không đủ mạnh mẽ cũng như sự nhanh nhẹn. Khả năng chuyền bóng của tôi cũng không tốt. Tôi bắt đầu lo lắng, “Đây có thực sự là mình không?  Mình có thể làm được điều gì ở đây không?”.
 
Tôi lùi lại một chút để đánh giá tình hình. Ước mơ của tôi là trở thành cầu thủ lớn tại châu Âu nhưng hầu hết các ngôi sao tại đó thì xuất thân từ châu Âu hay những nơi như Brazil và Argentina.
 
Có bao nhiêu cầu thủ tới từ Edmonton, nơi bạn chủ yếu chỉ chơi khúc côn cầu? Không có ai cả. Vâng, thế là tôi bắt đầu hoang mang và nghi ngờ rất nhiều. Tôi tự hỏi liệu mình đã đi đủ xa so với khả năng của mình chưa. Hãy thành thật với nhau thế này: Có nhiều lý do giải thích tại sao nhiều cầu thủ bóng đá xuất thân từ Rio de Janeiro hơn là Edmonton. Về cơ bản là ở đó như sống trong tủ đông vậy. Đến tháng 9 tuyết đã bắt đầu rơi và bạn không thể chơi bóng ở bên ngoài.
 
Khi mới tới đó, tôi bị choáng bởi tuyết. Tôi sinh ra ở một trại tị nạn ở Ghana, có bố mẹ là người Liberia. Năm 5 tuổi, tôi và gia đình tới Canada, sống tại Windsor trước khi chuyển đến Edmonton. Tôi nhớ 1 buổi sáng thức dậy và nhìn một thứ màu trắng nằm ở sân bên ngoài. Tôi bỗng nghĩ “Cái gì thế nhỉ?” và đi ra ngoài xem. Lúc đó tôi mặc một chiếc áo phông và quần đùi! Và thế là tôi thấm đòn ngay, trời rất lạnh. Bố mẹ tôi cũng tỉnh giấc và đi ra ngoài. Họ đã chụp những bức ảnh khá ngầu, haha.
 
Có rất nhiều điều ở Edmonton mà tôi phải làm quen. Nhà cửa, trường lớp, bạn bè. Tôi thực sự không biết ai ngoài gia đình và khi đó tôi cũng không hoạt ngôn như bây giờ. Nhưng khi đã bắt đầu quen mọi người, tôi có thể thực sự là mình: một cậu bé khiêm tốn và vui vẻ.
 
Tôi và bạn bè kết nối với nhau nhờ thể thao. Tôi chạy, chơi bóng tổ, bóng chuyền. Tôi tập chơi một chút khúc côn cầu. Tôi có một người bạn mà gia đình cậu ấy sở hữu sân trượt băng và họ mở cửa công khai. Tôi không biết trượt băng thế nào, tôi không biết buộc giày trượt và bạn bè phải làm giúp. Sau đó tôi trượt đi trên băng và không thể nào đứng nổi. Tôi chơi rất tệ!!!
 
Tôi cố gắng phải tập cho bằng được và cuối cùng cũng thành công. Giờ tôi chơi ổn. Tôi không chơi giỏi mà ở mức ổn. Tôi có thể đứng vững nhưng vấn đề là: nếu tôi là một tuyển trạch viên đánh giá vận động viên khúc côn cầu Alphonso Davies, chắc chắn tôi sẽ bỏ qua.
 
Dù sao thì tôi cũng không có ý định thi đấu ở NHL (Giải vô địch khúc côn cầu trên băng ở Bắc Mỹ). Cha tôi, Debeah, khi ấy đang chơi bóng đá nghiệp dư ở Edmonton và cứ cuối tuần ông lại bật TV để xem Chelsea. Tôi lớn lên cùng với việc theo dõi những người như Didier Drogba và Michael Essien thi đấu. Chelsea cũng trở thành đội bóng tôi hâm mộ. Mỗi khi đi ngủ, tôi lại mơ ước trở thành một ngôi sao lớn thi đấu ở châu Âu, ghi bàn và ăn mừng trước hàng chục ngàn cổ động viên đang la hét.
 
(Ngoài ra tôi cũng ước mơ trở thành diễn viên. Tôi vẫn đang cố gắng nhưng bóng đá vẫn là số 1).
 
Năm 9 hay 10 tuổi, có một ngày bạn tôi thấy tôi đang chơi bóng trong giờ ăn trưa ở trường. Cậu ấy đang cố gắng để vào một đội có tên Edmonton Internationals và cậu ấy rủ tôi đến. Vài tiếng sau, khi chúng tôi đang đi bộ đến sân, tôi bảo cậu ấy là mình khá lo lắng. Cậu ấy bảo: “OK. Cậu sẽ làm được thôi”.
 
Tuy vậy tiêu chuẩn ở đó rất cao. Ngày hôm đó hoặc là bạn được vào đội hoặc không. Ban đầu, tôi chạm bóng không tốt. Nhưng sau đó tôi thực hiện được một vài pha rê dắt, sự tự tin tăng lên và tôi thể hiện được khả năng của bản thân. Một hoặc hai tiếng sau, chúng tôi ngồi ở trên sân để chờ đợi nghe thông báo. Đột nhiên tất cả mọi người đều im lắng. HLV đến và nhìn vào bảng. Bạn sẽ nghe thấy ngay cả những âm thanh nhỏ nhất. Rồi HLV nói: “Xin chúc mừng các bạn. Tất cả đều được vào đội”.
 
Chúng tôi lúc đó cùng hô lên “Yeeeaaahh!!”. 
 
Và thế là tôi gia nhập đội bóng. Sau hôm đó điều thúc đẩy tôi hướng về phía trước chính là niềm đam mê thể thao. Niềm đam mê đó luôn nằm trong con người tôi. Tuy nhiên tôi gặp một vấn đề.

Tôi thường bỏ lỡ buổi tập vì nhiệm vụ… trông trẻ. Năm nay tôi 19 tuổi, em gái tôi, Angel, 8 tuổi và em trai Brian thì 12. 7 năm trước, 2 đứa luôn phải được trông chừng liên tục và bố mẹ tôi không phải lúc nào cũng làm được việc đó. Bố tôi làm việc trong một nhà máy đóng gói gà. Đôi lúc bố đi làm lúc nửa đêm và về nhà sau buổi trưa. Mẹ tôi, Victoria, là người lau dọn. Mẹ có thể rời khỏi nhà lúc 9 giờ tôi và trở về lúc 8 giờ sáng. Họ không thể trông trẻ khi cả 2 đều có ca đêm. Vì thế trong khi bạn bè tôi đang tập luyện hay chơi điện tử thì tôi ở nhà, thay tã và hát ru cho trẻ con.
 
Vâng, điều đó quả thực không hề lý tưởng cho sự phát triển của tôi. Nhưng tôi cũng gặp may. Một ngày, một người bạn của tôi rời khỏi đội để gia nhập đội khác là Edmonton Strikers - nơi cha cậu ấy là HLV. Cậu ấy rủ tôi đi cùng. Đến giờ tôi vẫn không chắc tại sao mình lại làm thế nữa bởi họ là đội bóng kém nhất giải đấu.
 
Tôi rất vui khi đã đưa ra quyết định đó vì bố cậu ấy là Nick Huoseh - hiện giờ là người đại diện của tôi. Nick đưa về các cầu thủ vô cùng khiêm tốn và cần cù. Tuy nhiên ông ấy còn hơn cả một HLV. Ông ấy trở thành phần trung tâm trong cuộc sống của tôi. Ông ấy đèo tôi đi tập và rồi đèo tôi về. Ông ấy cho tôi đồ ăn. Ông ấy luôn đảm bảo rằng tôi đang làm tốt. Ông ấy quan tâm chăm sóc tôi như thể tôi là con vậy.
 
Năm 11 tuổi, trong lúc vẫn đang chơi cho Strikers, tôi cũng ghi danh vào Học viện bóng đá St. Nicholas, nơi tôi đã tập luyện hàng ngày. Nhiều đứa trẻ ở đây cũng yêu bóng đá giống như tôi. Bất cứ khi nào tôi muốn thi đấu, chẳng có ai nói “Không, tớ đang mệt lắm” cả. Họ lúc nào cũng sẵn sàng. Trường có những cơ sở trong nhà thế này cho phép chúng tôi tập luyện vào mùa đông. Điều đó thật tốt cho sự phát triển của tôi. Vì thế tôi tiếp tục chơi bóng cho cả Strikers và St. Nicholas đồng thời tập luyện hết sức có thể.
 
Tháng 8 năm 2015, tôi 14 tuổi đủ khả năng để gia nhập Vancouver Whitecaps. Thực sự khó khăn khi phải rời xa gia đình ở lứa tuổi đó. Thật may là Vancouver đã giúp tôi mọi thứ mà tôi cần. Họ sắp xếp chỗ ở cho tôi. Khi tôi không thể tới trường vì tập luyện, họ trả tiền thuê gia sư cho tôi. Từ ngày đầu tiên cho tới ngày cuối cùng, họ luôn quan tâm chăm sóc tôi.
 
Quả thực điều đó giúp tôi rất nhiều khi tôi đang gặp khó khăn ở đội trẻ. Nhưng như tôi đã nói, khi lên đội hai, tôi đã tự hào liệu mình đã đi hết con đường hay chưa. 
 
Lúc này là tháng 4 năm 2016. Tôi đã chơi một vài trận khá tệ và đến một thời điểm, tôi không biết mình làm gì. Nhưng một đàn anh ở đội lớn đã liên tục cổ vũ tôi. Anh ấy là Pa-Modou Kah - một người giàu kinh nghiệm từng thi đấu ở Na Uy, Thụy Điển, Hà Lan, Qatar, Saudi Arabia và chơi bóng cho Portland Timbers. Anh ấy đã xem các trận đấu của tôi và biết tôi đang gặp khó khăn. Anh ấy luôn bảo tôi “Đừng chùn bước nhé. Tất cả chúng ta đều có những trận đấu không tốt. Đó là thứ làm nên những người có tinh thần mạnh mẽ nhất”.
 
Ban đầu, tôi kiểu như “Ừ, anh ấy chỉ nói thế thôi”. Có thể anh ấy chỉ muốn tỏ ra tốt bụng. Nhưng điều đó vẫn luôn trong đầu tôi. “Đó là thứ làm nên những người có tinh thần mạnh mẽ nhất”.
 
Vì thế tôi bắt đầu nghe theo lời khuyên của anh ấy. Tôi không ngừng chiến đấu. Tôi bắt đầu thi đấu tốt hơn. Đến tháng 5, tôi ghi bàn thắng đầu tiên ở USL Championship.  Khi tôi không còn mông lung nữa, HLV đội một - Carl Robinson - nói: “Alphonso, chúng tôi muốn cậu tập luyện với chúng tôi”.
 
Tôi nghĩ rằng đáng lẽ tôi phải vui mừng phấn khích nhưng cảm xúc của tôi chỉ là “Wow, thật căng thẳng”. Lúc này tôi vẫn chỉ 15 tuổi. Ở buổi tập đầu tiên, tôi chào nhanh tất cả mọi người và cố gắng để thứ bóng đá của mình lên tiếng. Nhưng họ thi đấu nhiệt và nhanh hơn tôi. Tôi nghĩ “Không biết liệu mình có thể thi đấu ở đây hay không nữa”.

Rồi tôi nhớ những điều Pa-Modou Kah đã bảo mình. Trở lại đội hai, tôi thực sự cần lắng nghe điều đó. Giờ đây tôi cần nhớ chúng. Vì thế tôi tiếp tục tập luyện với đội một. Ngày qua ngày, tôi dần thích nghi từng chút một. Sau đó trong một buổi tập, tôi thực hiện kỹ thuật đi qua đội trưởng. Anh ấy cao gần 2m, rất to lớn. Tôi đi bóng qua anh ấy, thực sự không thể giải thích tôi đã làm như thế nào, nhưng tôi đã vượt qua anh ấy và tất cả các cầu thủ khác đều: “Ồồồ!”.
 
Đứa trẻ gầy gò từ Edmonton vừa đến và lập tức làm bẽ mặt đội trưởng. Tôi quay lại nhìn anh ấy và thấy anh rất khó chịu. Mọi người đều yêu pha bóng đá nhưng tôi chỉ nghĩ “Ông này sẽ xử mình mất”. Trong phần còn lại của mùa giải, tôi không dám đi gần anh ấy.
 
Dù sao, khoảnh khắc đó đã cho thấy tôi có thể thi đấu ở đội một. Ngày 15 tháng 7 năm 2016, tôi ký hợp đồng với đội một. Ngay ngày hôm sau, chúng tôi có một trận đấu. Ngay khi nét mực trên tờ văn bản vừa khô, Carl liền bảo tôi: “Cậu đã ở trong đội rồi”.
 
Tôi hỏi lại: “Tôi đã trong đội rồi sao?”.
 
Ngày hôm sau, chúng tôi đối đầu Orlando City trước 22.000 người hâm mộ ở BC Place. Tôi ngồi dự bị và chứng kiến Orlando dẫn trước. Chúng tôi đảo ngược tình thế nhưng rồi họ lại gỡ hòa 2-2. Khi tôi đang cố gắng để hiểu điều gì đang xảy ra thì Carl quay sang tôi: “Alphonso, ra khởi động đi”.
 
Tôi ra khởi động với 3 người khác. Thế rồi Carl bảo “Alphonso, cậu sẽ vào sân”.
 
Tôi đứng chết lặng. Có lẽ tôi đã hỏi ông ấy “Thật sao?”.
 
Tôi mặc áo và sẵn sàng vào sân. Khi ấy trận đấu chỉ còn 14 phút. Số áo của tôi được hiện lên. Tôi nhìn vào giày mình, tôi vô cùng căng thẳng. Và vấn đề là khi căng thẳng thì bạn thực sự không muốn chạm vào bóng nữa. Bạn không muốn ai chuyền bóng cho mình cả vì bạn không muốn phạm sai lầm. Nhưng rồi một đường bóng bổng đến chỗ tôi và một hậu vệ đuổi theo sau tôi. Tôi suy nghĩ “Anh ta sẽ đá mình. Mình phải thật cứng”.
 
Tuy nhiên tôi dừng bóng lại, chạm bằng lòng trong và sút. Dù bóng không đi vào lưới thì ngay thời điểm đó, tôi đã rất tự tin. Đa số các cầu thủ đều bước vào những trận đấu như thế này với những đường chuyền an toàn, những pha bóng an toàn. Còn tôi thì thực hiện một pha rê bóng và sút. Đó không phải những pha xử lý dễ dàng! Tuy nhiên tôi đã không còn căng thẳng nữa. Nó giúp tôi tiếp thêm năng lượng mà tôi cần để thi đấu ở đội một.

Sau đó, mọi thứ diễn ra rất nhanh. Năm 2017, tôi trở thành cầu thủ đá chính thường xuyên ở đội một. 1 năm sau, tôi ghi 8 bàn ở MLS và được bầu là cầu thủ xuất sắc nhất năm của Whitecaps. Sau đó Bayern đưa ra lời đề nghị dành cho tôi. Và khi Bayern muốn có bạn, bạn không thể chối từ.
 
Thời điểm rời Whitecaps vào tháng 11 năm 2018, tôi hoàn toàn không còn là cậu bé ngại ngùng hơn 4 năm trước nữa. Tôi biết mình sẽ đi đâu. Tôi biết điều gì đang xảy ra với mình. Khi tới Bayern, tôi không quá lo lắng. Tôi chỉ muốn chứng minh cho mọi người biết rằng tôi có thể chơi ở đẳng cấp ấy. Và từ khi đi một chặng đường dài như vậy, tôi luôn muốn thi đấu với nụ cười trên gương mặt. Tôi vẫn tự nhắc nhở bản thân mình như vậy.
 
Kể từ đó, tôi đã giành 2 chức vô địch quốc gia, 2 cúp quốc gia Đức và trở thành Tân binh xuất sắc nhất năm của Bundesliga. Vâng, và tôi vẫn đang mỉm cười.
 
Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về sự nghiệp của mình sẽ ra sao khi tôi không còn trẻ nữa. Tôi muốn ở lại Đức lâu nhất có thể. Khi tôi đã sẵn sàng giải nghệ - nhiều, nhiều năm nữa - chắc chắn tôi sẽ lấy bằng huấn luyện. Sau đó ai mà biết tôi sẽ ở đâu? Có thể là đâu đó ở châu Âu hoặc trở về nhà ở Canada. Nhưng dù sao ngày đó còn rất xa. Hiện tại tôi vẫn 19 và không muốn nghĩ quá nhiều về ngày kết thúc sự nghiệp. Tôi có rất nhiều ước mơ từ khi còn nhỏ và Bayern đang giúp tôi thực hiện những ước mơ đó.
 
Nhưng tin tôi đi, vẫn còn nhiều điều nữa sẽ xuất hiện. Tôi mới chỉ đang bắt đầu mà thôi.
 
Dịch từ bài viết “Moving Past The Doubt” trên The Players’ Tribune.

CG

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.