Alfredo Di Stefano và 3 ngày bị bắt cóc ở Venezuela

Tác giả CG - Thứ Ba 27/04/2021 12:17(GMT+7)

Zalo

Năm 1963, cầu thủ nổi tiếng nhất thế giới thời điểm đó đã bị bắt cóc tại Venezuela. Chủ nhân của 5 chức vô địch European Cup trong màu áo Real Madrid đã rất lo sợ cho sự an nguy của tính mạng bản thân cũng như… chiếc áo thun polo yêu quý hiệu Fred Perry.

 
Alfredo Di Stefano
Ảnh: Jose Antonio Perez Massa/Pinterest

1.
Các cầu thủ Real Madrid đang đi vào phòng thay đồ thì đột nhiên nghe thấy tiếng súng “bụp, bụp, bụp”. Đó là thời điểm tháng 8/1963 và họ đang ở Caracas nóng ngột ngạt để tham dự một giải đấu có công tác tổ chức khá kém mang tên La Pequena Copa del Mundo (hay còn gọi là World Cup mini).
 
Thủ đô của Venezuela thời điểm ấy thực sự là một thùng thuốc nổ. Cuộc chiến giữa lực lượng chính phủ và các du kích cách mạng có nguy cơ bùng phát thành chiến tranh. Rõ ràng, nhà vô địch Tây Ban Nha chẳng còn lý do nào khác khi tới đây ngoài vấn đề tiền bạc. Real Madrid là một thương hiệu béo bở. 
 
Tất cả mọi người đều muốn thấy Los Blancos và huyền thoại Alfredo Di Stefano, người đã giành 7 danh hiệu La Liga và 5 European Cup trong một thập kỷ huy hoàng khoác áo CLB thành Madrid. Ông đã tái định nghĩa vai trò tiền đạo cắm và ghi hơn 300 bàn thắng. Nếu có những lúc ông bị lãng quên ở kỷ nguyên hiện đại khi các chuyên gia tranh luận về những cầu thủ bóng đá vĩ đại nhất thì có lẽ chỉ bởi ông chưa từng tham dự World Cup dù đã khoác áo tới 3 đội tuyển Argentina, Colombia và Tây Ban Nha. Nhưng vào năm 1963, ông là cầu thủ nổi tiếng nhất hành tinh và nó khiến ông dễ trở thành một mục tiêu bị làm hại, đặc biệt trong bầu không khí nóng bỏng của bất ổn chính trị.
 
Với Di Stefano, không khí nhiệt đới và cái lưng đau chỉ càng khiến tình trạng xấu thêm – những chấn thương dai dẳng là hệ quả không mong muốn của việc ngày càng có tuổi. La Saeta Rubia (Mũi tên bạc) khi đó đã 37 tuổi. Dù thể lực có giảm sút và mái đầu ngày càng rụng nhiều tóc thì ông vẫn là tâm điểm thu hút hàng đầu trong một đội hình đầy rẫy ngôi sao của Real Madrid như Ferenc Puskas, Paco Gento và Jose Santamaria.
 
Thời điểm ấy, Los Blancos đang ở trong sân Olimpico, bên tai ra rả những lời cảnh báo qua loa truyền thanh và tiếng ồn của đám đông hỗn loạn. 2 người biểu tình chống chính phủ nổ súng chỉ thiên khiến người hâm mộ phải chạy trốn khắp sân. Mất 45 phút, tình hình mới trở nên dịu bớt. Sau đó, vì nghĩa vụ thực hiện hợp đồng, các cầu thủ được hộ tống ra sân thi đấu đối đầu Sao Paulo của Brazil.
 
Real Madrid thua 1-2 và nhanh chóng quay trở lại khách sạn Potomac, cả đội tập trung trên sân thượng và lắng nghe những tràng súng nổ ở đường phố phía dưới. Đó không phải thế giới mà những ngôi sao của CLB lớn nhất châu Âu từng trải qua.
 
2. Vào quãng thời gian đó, Di Stefano đang có một cuộc sống thoải mái đủ đầy cùng gia đình ở El Viso, khu sung túc nhất Madrid. Thành công trên sân cỏ mang đến cho ông sự giàu có và những đặc quyền – có lẽ hơn bất kỳ cầu thủ nào khi ấy.

Vào mỗi tối thứ Sáu ở Madrid, ông có thể hòa mình vào đời sống cao cấp, thượng lưu trong các nhà hàng và quán bar của thành phố cùng những ngôi sao điện ảnh, võ sĩ đấu bò và các vũ công flamenco. Thế nhưng lúc này, ông lại đang bị nhốt trong một khách sạn mà bên ngoài là cuộc chiến thực sự khốc liệt. Trong khi các đồng đội trẻ hơn rút đến quán bar American để uống chút gì đó hòng giải tỏa lo lắng thì Di Stefano chọn cách đi ngủ. 
 
Di Stefano thức dậy vào 6h30 hôm sau, thứ Bảy ngày 24/8, với một cuộc điện thoại gọi đến. Cảnh sát đang ở tầng dưới để giải thích với nhân viên bảo vệ và họ muốn nói chuyện với cầu thủ của Real Madrid. Nghĩ rằng các đồng đội đang trêu đùa mình, Di Stefano cúp máy. Vài phút sau, nhân viên bảo vệ đến trước cửa phòng ông cùng hai người đàn ông mặc cảnh phục và mang theo súng máy. Di Stefano bị cáo buộc buôn bán ma túy, hai người đàn ông lạ mặt cho biết. Họ nói rằng cần ông đi cùng đến sở cảnh sát để làm rõ mọi việc và sẽ chỉ mất vài phút mà thôi. Và nếu ông không chấp hành, họ sẽ tra tay ông vào còng.
 
Di Stefano được phép đánh răng nhưng phải nhanh và thay bộ đồ ngủ bằng chiếc áo thun polo màu xanh lá hiệu Fred Perry, quần khaki và đôi giày màu trắng. Sau đó, ông vội vã đi xuống tầng dưới và và bị ấn vào sau xe. Những người đàn ông lạ mặt dán băng dính lên mắt ông và đeo một chiếc kính đen chồng lên đó. Họ đưa Di Stefano đến một căn cộ và sau đó chuyển ông sang một chiếc xe thùng. Từ thành phố, chiếc xe đi tới một trang trại, nơi đây Di Stefano được cho hai bao thuốc Viceroy. Ông đã không hút thuốc trong suốt 1 tháng nhưng sự căng thẳng khiến tiền đạo Real Madrid phải hút ngay bây giờ. Và rồi ông phải trở lại chiếc xe thùng, quay lại thành phố và tới một căn hộ khác. Tiền đạo của Real Madrid bị đưa vào một căn phòng khóa kín có người canh gác.
 
“Tôi nghĩ họ sẽ giết mình”, Di Stefano chia sẻ trong cuốn hồi ký “Gracias, Vieja” (Cảm ơn mẹ). “Tôi tự nói với bản thân rằng ‘Alfredo à, mày hết hy vọng rồi’”.
 
Những kẻ bắt cóc là thành viên của Lực lượng Vũ trang Giải phóng Dân tộc (FALN). Họ không hề cợt nhả. Nhóm người bắt cóc Di Stefano trong thời gian đó cũng đã cướp một tàu chở hàng 3.000 tấn, các thành viên khác của FALN thì làm nổ tung 2 đường ống dẫn dầu và bắn chết 3 cảnh sát.
 
Tuy nhiên, bọn họ bảo đảm rằng Di Stefano sẽ không bị hại. “Chúng tôi không chống lại anh”, họ nói. “Anh sẽ ở cùng chúng tôi vài tiếng rồi sau đó sẽ được thả - không ai muốn làm hại anh hết”.
 
Chỉ huy của nhóm này là Maximo Canales, 20 tuổi. Anh ta mặc quân phục, có một khẩu súng giắt ở thắt lưng và được mệnh danh là “sát thủ tàn nhẫn”. Thế nhưng, Canales đối xử rất lịch thiệp với tiền đạo của Real Madrid. “Anh ta xin lỗi cả nghìn lần vì sự bất tiện này”, Di Stefano nhớ lại. Canales đưa đồ ăn cho ông nhưng theo tiền đạo người Tây Ban Nha thì “nỗi sợ hãi đã khiến tôi chẳng còn thấy đói nữa”.

Alfredo Di Stefano
Alfredo Di Stefano ngồi đối diện kẻ bắt cóc mình. Ảnh: EFE
 
Nhóm du kích này nói với “Mũi tên bạc” rằng họ không cần tiền chuộc mà mục đích của vụ bắt có chỉ là hành động nhằm công khai tăng cường nỗ lực lật đổ chính phủ của Tổng thống Romulo Betancourt, người được xem là quá thân Mỹ trong giai đoạn đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh. FALN đã đưa ra tuyên bố trên tờ báo cánh tả Clarin, trong đó tờ báo này xuất bản riêng một phiên bản đặc biệt để giải thích vụ bắt cóc Di Stefano là vụ bắt cóc chính trị. 
 
Trong suốt sự nghiệp, Di Stefano luôn bị dính tới bất ổn chính trị. Ông từng chứng kiến các cuộc nổi dậy quân sự ở Argentina, nội chiến ở Colombia và chủ nghĩa ly khai ở Tây Ban Nha. Bản thân ông cũng là một nhà cách mạng, ít nhất trên khía cạnh bóng đá, khi phản đối sự bóc lột cầu thủ ở Argentina bằng cách rời bỏ quê hương để gia nhập một giải vô địch không được thừa nhận ở Colombia. Tại đây, ông gặp một người Argentina lưu vong có tên Che Guevara, khi đó mới là cậu sinh viên 24 tuổi đồng thời là một thủ môn khá cừ khôi.
 
Tuy nhiên, Di Stefano không thích bị sử dụng làm một con tốt trên bàn cờ chính trị. “Tôi bảo họ là tôi không dính dáng gì tới chính trị của đất nước này cả”, ông nói. Không thể ngủ được, tiền đạo này nhìn chằm chằm vào đôi giày đế cao su của mình suốt cả đêm hôm đó.
 
Ông đã nghĩ tới trường hợp của người bạn Juan Manuel Fangio, một nhà vô địch Công thức 1 Argentina, đã từng bị bắt cóc trong hoàn cảnh tương tự ở một khách sạn tại Havana mới 5 năm trước. Fangio được phóng thích mà không hề hấn gì chỉ 24 giờ sau đó.
 
Di Stefano có lẽ cũng đã nghĩ tới bộ phim mà ông tham gia thời gian gần đấy mang tên “La Batalla del Domingo” (Cuộc chiến ngày Chủ nhật). Trong phim, siêu sao này đóng một phiên bản hư cấu của chính mình trong một cốt truyện tưởng tượng rằng ông bị bắt cóc.
 
Cùng lúc diễn ra vụ bắt cóc, tại khách sạn Potomac, các lãnh đạo CLB đã báo cho cảnh sát và lực lượng này được huy động toàn bộ. Chỉ trong vài giờ, 5.000 sĩ quan đã lùng sục khắp Caracas để tìm Di Stefano. 

Lực lượng cảnh sát cũng cố gắng nắm bắt tình hình trên ấn bản đặc biệt của tờ Clarin. Trong khi đó một vài tòa soạn và đơn vị đã nhận được những cuộc gọi nặc danh với nội dung: “Di Stefano sẽ không bị đau đớn gì cả. Đừng lo, anh ta không hề gặp nguy hiểm”.
 
Tin tức lan đi khắp thế giới với tốc độ chóng mặt và xuất hiện trên mặt báo vào sáng hôm sau. “Di Stefano bị bắt cóc bởi một nhóm khủng bố”, trang nhất tờ Panorama của Venezuela giật tiêu đề. Tại Anh, tờ Sunday People khẳng định “Phiến quân đã bắt cóc ngôi sao bóng đá”. Ở Tây Ban Nha, tờ ABC đăng một bức ảnh của Di Stefano đầy cả trang nhất, bên dưới là dòng chữ: “Bị bắt cóc ngày hôm qua”. (ABC sau đó in một tấm hình từ phim La Batalla del Domingo khi ngôi sao của Real Madrid bị trói và bịt miệng, tuyên bố rằng bộ phim đó – với thời gian hoàn hảo – sẽ được công chiếu vào thứ Hai tuần sau).

Alfredo Di Stefano
Tờ Marca đưa tin về vụ việc Alfredo Di Stefano bị bắt cóc
 
Ngày Chủ nhật đó là sinh nhật con trai 8 tuổi của Di Stefano và ông đã rất bồn chồn trước sự lo lắng của vợ con ở nhà dành cho mình. Ông cố gắng trấn tĩnh bằng cách chơi domino, chơi cờ và đánh bài với những kẻ bắt cóc.
 
“Anh có thể là một cầu thủ giỏi nhưng lại là một kỳ thủ tồi”, một người trong số họ nói. Sau đó, ông được cho phép nghe đài khi những người đồng đội đang tham gia một trận đấu mà hoàn toàn không còn tâm trạng chơi bóng trước Porto. Bằng cách nào đó, Real vẫn thắng 2-1.
 
3. Sau một đêm mất ngủ nữa, tới buổi sáng thứ ba kể từ khi bị bắt, Di Stefano cuối cùng cũng được thả và trở về khách sạn Potomac. Dù không thích việc ngồi trong chiếc xe thùng đỗ trước cửa khách sạn, trong xe chở toàn những kẻ khủng bố, bao vây xung quanh là lực lượng cảnh sát nhưng ông cũng nói với những người bắt mình là “Nếu có một vụ xả súng, hãy đưa cho tôi một khẩu. Tôi không muốn chết như một con thỏ”.
 
Thay vào đó, họ nhất trí với nhau là ông sẽ được thả gần Đại sứ quán Tây Ban Nha. Ông được yêu cầu phải thay một chiếc áo sơ mi và áo khoác lụa đồng thời đội mũ để không ai nhận ra. “Tôi không muốn cởi chiếc áo phông màu xanh ra chút nào”, ông nói. “Nó thực sự là cái áo đẹp”.
 
Di Stefano sau đó bị bịt mắt, đẩy vào trong xe và được đưa đi một vài dặm đến Avenida Libertador (Đại lộ Tự do). Ông trốn đằng sau một cái cây cho tới khi những người bắt cóc đã đi rồi sau đó đi ra ngoài đường, nhảy lên nắp ca-pô một chiếc taxi và đề nghị tới đại sứ quán.
 
Không may là tài xế đó không biết đường và khi Di Stefano tới được nơi mình cần – đã sau 2 giờ chiều – đại sứ quán đã đóng cửa. “Tôi bấm chuông mạnh đến nỗi không biết tại sao mà mình chưa tạo một cái lỗ trên tường nữa”, ông cho biết. Nhân viên đại sứ quán mở cửa, thông báo cho đại sứ và cảnh sát. Sau 56 giờ bị giam giữ, Di Stefano cuối cùng cũng tự do.
 
Sau đó, một cuộc họp báo nhanh chóng được tổ chức để xác nhận sự trở về của tiền đạo này và một Di Stefano trông hơi hoang mang – chưa cạo râu và vẫn mặc nguyên bộ đồ của những người bắt cóc – và bị rất đông phóng viên và quay phim vây quanh. “Một tình huống không dễ chịu”, ông khẳng định. “Tôi không phải một chính trị gia và tôi không quan tâm tới chính trị của Venezuela nên tôi không muốn giải thích lý do họ bắt cóc mình. Tất cả những gì tôi biết là họ chưa từng ngược đãi tôi”.

Alfredo Di Stefano
Alfredo Di Stefano kể lại cho các phóng viên câu chuyện đã xảy ra với mình. Ảnh: AFP

Di Stefano nhận ra một vài gương mặt thân quen đứng xen lẫn giữa các nhà báo. 2 trong số những kẻ bắt cóc đang quan sát ông. Ông không nói gì cả nhưng có lẽ như thế là quá đủ sợ hãi rồi, ông thu xếp với đại sứ để được ở lại sứ quán thay vì trở về khách sạn.
 
Di Stefano muốn về ngay ngôi nhà thân yêu với gia đình nhưng đó là điều không thể. Los Blancos còn một trận đấu đã được lên kế hoạch sẽ diễn ra trong 2 ngày nữa và chủ tịch Santiago Bernabeu bảo với toàn đội – bao gồm cả Di Stefano – hãy đá lại với Sao Paulo. Không có gì đáng ngạc nhiên khi chẳng còn chút tinh thần nào, trận đấu kết thúc mà không có bàn thắng.
 
Trong khi đó, Di Stefano nhốt mình trong căn phòng ở đại sứ quán với 2 cảnh sát thiện nghệ canh gác. “Khi đó tôi còn sợ hơn cả lúc đang bị bắt cóc”, ông khẳng định. “Tôi chặn cửa bằng một cái ghế và lắng nghe mọi tiếng ồn”.
 
3 ngày sau khi được thả, Di Stefano cuối cùng cũng được hộ tống đến sân bay để rời khỏi Caracas. Ông vẫn không thể thoải mái nổi vì từ lâu đã luôn là người sợ những chuyến bay. Ông và các đồng đội về nhà an toàn nhưng câu chuyện cuối cùng kết thúc mà vẫn có một cái chết xảy ra.
 
“Ngài đại sứ tặng tôi một con vẹt làm quà”, Di Stefano hồi tưởng. “Khi lên máy bay, tôi đã yêu cầu tăng điều hòa lên mức tối đa vì mồ hôi cứ đổ không ngừng. Con vẹt bị lạnh và chết sau đó 4 ngày ở Madrid”.
 
Sau này, Maximo Canales được tiết lộ chính là tên giả của Paul del Rio. Ông không bao giờ bị truy tố tội bắt cóc và sau này trở thành một họa sĩ kiêm nhà điêu khắc thành công. Tại buổi ra mắt bộ phim “Real: La Pelicula” (Real: The Movie) vào mùa hè năm 2005, trong đó bao gồm cả câu chuyện về vụ bắt cóc, CLB đã tổ chức một cuộc gặp gỡ giữa Di Stefano và Del Rio. Tuy nhiên, cựu tiền đạo Real Madrid đã phản ứng dữ dội, ông từ chối chụp ảnh cùng người đã bắt cóc mình và nói “Anh khiến tôi và gia đình sợ hãi. Thật khó để cảm thấy thoải mái, thân thiện với người đã chĩa súng tiểu liên vào đầu bạn và khóa nòng kêu lách cách”.
 
Dù vậy, “Mũi tên bạc” cũng cố gắng thông cảm cho hành động những kẻ bắt cóc. Ông khẳng định: “Tôi đã tha thứ cho họ. Họ là những người có lý tưởng và nghĩ mình đang làm điều tốt. Nhưng tôi không thể nào quên – 3 ngày mà dài như 3 năm vậy. Và giờ đây mỗi khi thấy một vụ bắt cóc, tôi lại nghĩ về những gì từng xảy ra với mình”.
 
Dịch từ bài viết “Alfredo Di Stefano – kidnapped! When terrorists rocked football” của tác giả Paul Brown trên tạp chí FourFourTwo
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

X
top-arrow