Hồi còi mãn cuộc vang lên. Bốn vạn con người khóc buồn cho những phút giây bất lực, hàng chục người khác thì vung cờ đánh trống hát mừng như trẩy hội. Indonesia tiếp tục thành công trong việc đánh bại Việt Nam trong một trận bán kết của giải bóng đá khu vực.
|
Alfred Riedl: Cho một lần thay màu huy chương |
Trong một hỗn hợp cảm xúc hỗn độn ấy, người viết tự hỏi liệu ông đang cảm nhận được gì? Hỡi ngài Alfred Riedl?
**************
Những ngày này, từng đợt gió lạnh không biết từ đâu thổi hơi vào Sài Gòn mang theo vài trận mưa phùn dai dẳng, ngồi xem những giọt nước dội tung tóe trên đường phố làm người viết nhớ đến trận mưa ở…Hà Nội cách đây mười tám năm. Đó là cơn mưa cuối hạ đã biến trận đấu cuối của vòng bảng Tiger Cup 1998 trên sân Hàng Đẫy thành một trận thủy chiến thật sự. Việt Nam gặp Singapore khi mọi thứ dường như đã an bài, cả hai đều thắng ở hai lượt trận đầu tiên và chắc suất vào vòng bán kết, thắng thua chỉ phân định ngôi đầu bảng. Ấy thế mà cơn mưa năm đó lại ám ảnh người hâm mộ bóng đá nước nhà vô cùng, nó dường như trở thành một điềm báo gì đó khi trái bóng đã một lần liếm vạch vôi đội bạn nhưng bị một hậu vệ mang tên là… “vũng nước” cản phá thành công! Việt Nam hòa trận ấy và chịu ngôi nhì bảng. Câu chuyện về thế hệ vàng cũng từ đó được viết nên.
Đầu tiên là trận đấu đầy hài hước và tiêu cực khi Indonesia tìm mọi cách để thua Thái Lan nhằm tránh mặt những chàng trai áo đỏ ở loạt trận bán kết. Tiếp đó là khúc ca hùng tráng khi Trương Việt Hoàng dũng cảm vung chân phải sấm sét xé toang mành lưới Thái Lan, mang về trận thắng lịch sử 3-0 cho Việt Nam trên sân Hàng Đẫy. Và cuối cùng là cái kết bi kịch trong trận chung kết, nơi chúng ta tái đấu với đội bóng đến từ Đảo Quốc Sư Tử. Trong khi những Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Văn Sỹ, Việt Hoàng bất lực trong việc tìm kiếm bàn thắng, nỗi nhớ Văn Sỹ Hùng hãy còn đang đốt cháy tim gan của hàng vạn người hâm mộ. Thì vào phút 65, Sasi Kumar trong một tình huống không chiến đã đánh bại thủ thành Trần Tiến Anh, ghi bàn thắng duy nhất của trận đấu.
|
Ký ức trận chung kết Tiger Cup 98 năm ấy |
Cúp vàng trao tay đội khách, để rồi nỗi đau khắc sâu vào trong tiềm thức của những người yêu mến bóng đá Việt. Cả thế hệ vàng đẹp đẽ là thế, tài danh là thế nhưng tiếc thay nhận phải nỗi xót xa khó để nói nên lời. Và ngày hôm ấy, người giáo già Alfred Riedl nhận thất bại đầu tiên của mình tại Đông Nam Á.
*****************************
“Thất bại”-một cụm từ vừa nói ra đã thấy được cái sự chán chường, chẳng ai muốn mình bị gán cho hai chữ ấy. Thế nhưng Alfred Riedl dường như…có duyên với hai chữ thất bại.
Ông chính là “ông vua về nhì” tại khu vực này khi từ Việt Nam cho đến Indonesia, nơi nào ông cũng gục ngã trước ngưỡng thiên đường. Vị trí thứ hai Tiger Cup 1998, AFF Suzuki Cup 2010. Huy chương bạc các kỳ Sea Games 2003, 2005. Đó là chưa kể nhiều lần ông phải cuốn gói ra đi bởi sự đối xử lạnh nhạt từ phía lãnh đạo của liên đoàn bóng đá hai đất nước này. Tuy vậy, cứ mỗi lần được kêu gọi là Riedl lại trở về nắm tuyển, ông gạt ngang những muộn phiền, những lo âu để đem đến khí thế tốt nhất cho đội bóng mỗi lần xung trận.
“Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc”, đó là câu nói mà mọi người yêu mến bóng đá Việt Nam đều biết đến. Câu “danh ngôn” hàm chứa cái nhìn sắc lẹm này dường như đã thể hiện hết cái lý tưởng của Riedl. Mặc cho phải làm việc với nền bóng đá được mệnh danh là vùng trũng, là nơi có những tiêu cực cùng với đó là khó khăn về sự khác biệt trong văn hóa, nhưng ông, như một người giáo già, “một gã thợ hàn”, luôn tâm niệm đến một giấc mơ vực dậy được nền bóng đá nơi đây. Nơi mà Thái Lan, chỉ cần sự bài bản, đã dễ dàng thống trị một thời gian dài.
Người Việt Nam có câu “Thất bại là mẹ của thành công”, hãy thử nhìn vào những lần thua cuộc của Riedl để xem chúng ta đã được gì?
Tiger Cup 1998, ông biến một thế hệ măng non của Sea Game 1995 trở thành thế hệ vàng trong ký ức người hâm mộ, ông thổi vào đó lối chơi khoa học nhưng cũng không thiếu sự bùng cháy trong những đôi chân quả cảm.
Sea Games 2003, U23 Việt Nam gục ngã ngay tại Mỹ Đình, nhưng đó là nơi mà những cái tên như Văn Quyến, Quốc Vượng, Thanh Bình bước ra ánh sáng. Một thế hệ tài năng mới được Riedl thúc đẩy cái sự hào hoa, tốc độ trong những bước chân để người Việt Nam mãi nhớ đến những năm tháng mà cái sự quyến rũ của bóng đá luôn cuộn lấy không rời.
|
Alfred Riedl và những cậu học trò trẻ tuổi |
Sea Games 2005, bóng đá Việt Nam bị một cú sốc khi đội tuyển không những thất bại mà còn dính vào đại án Bacalod khiến gần như toàn bộ bộ khung chính của Riedl vướng phải vòng lao lý. Nhưng cũng từ đó những Minh Phương, Tài Em, Công Vinh đã gồng mình đứng lên, cùng những con người khác gánh vác cả một nền bóng đá kiệt quệ không chỉ đứng vững mà còn vươn đến vinh quang.
Lớp lang, kỹ luật và bài bản: đó là những gì những chuyên gia đánh giá trong những năm tháng Alfred Riedl dẫn dắt Việt Nam. Vậy đấy, Riedl dường như có lý tưởng của một nhà sư phạm. Ông muốn truyền đạt kiến thức, muốn thực hiện một điều gì đó thật ý nghĩa cho bóng đá khu vực Đông Nam Á, muốn đem đến một nền móng vững chắc trước khi xây dựng nên một ngôi nhà tuyệt đẹp. Nhưng tiếc lắm thay khi những ngôi nhà của ông chưa kịp hoàn thiện, việc thiếu kiên nhẫn lại đẩy ông ra xa công trình của mình, để rồi ông phải nhìn người khác đạp đổ công trình ấy và tiếp tục xây nên những cái nóc thiếu vững chắc. Và cứ thế, công việc của ông hai mươi năm qua cứ mãi như vậy không thôi.
|
Alfred Riedl và cựu danh thủ Hồng Sơn |
*********************************
“Đừng sa thải Hữu Thắng”-Riedl lên tiếng sau khi giúp đội bóng Vạn Đảo giành quyền vào chung kết. Có lẽ chính cái kinh nghiệm lâu năm làm việc đã giúp ông nhận ra tương lai của cậu học trò cũ. Cái “tình” của ông đối với Việt Nam, vẫn còn nhiều vậy đấy. Nhắc đến cái tình thì có hai câu chuyện người viết sẽ luôn nhớ mãi.
Thứ nhất, đó là hình ảnh mà Nguyễn Hữu Thắng đã rót nước cho Alfred Riedl trong buổi họp báo trước trận đấu bán kết. Dù cho phải thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, nhưng cái thái độ lễ phép của huấn luyện viên người Nghệ An đối với ông thầy cũ của mình rất đáng được trận trọng. Ở đó nhắc cho chúng ta đến truyền thống “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy” của con người Việt Nam. Và từ đó chúng ta cũng có thể thấy được cái tình mà ông Riedl để lại cho những người học trò là lớn như thế nào.
|
Alfred Riedl và cậu học trò Hữu Thắng ngày nào |
Và thứ hai là câu chuyện cực kỳ xúc động đã được tài xế Dậu, tài xế riêng của các đời huấn luyện viên Việt Nam, chia sẻ. Đó là vào ngày 24 Tết âm lịch 2006, khi Alfred Riedl chuẩn bị trở về nước cho ca phẫu thuật thận, ông gọi cả đội đến một góc sân để nói chuyện. Sợ đây là chuyến đi không có ngày trở lại nên ông đã đến bên mỗi cầu thủ và dặn dò rất nhiều. Người nhiều nhất chính là Công Vinh và điều ông nhắc nhở anh chính là cái sự trong sáng trong tâm hồn của mình. Hôm ấy đã có những giọt nước mắt, và cũng từ hôm ấy cái nỗi đau về sự cố của năm trước đó cũng bị gạt đi khỏi tiềm thức cầu thủ.
Tiếng còi trọng tài ngân vang, hàng vạn con người Việt Nam câm lặng trên khán đài, hàng chục người dân Indonesia nhảy múa trong những bức tường ở Mỹ Đình. Alfred Riedl dĩ nhiên sẽ nhảy dựng lên ăn mừng khi tiếp tục đưa đội bóng của mình đến trận chung kết. Ngày hôm đó ông đã chiến thắng tại Mỹ Đình, nơi mà giọt nước mắt của ông nhiều hơn là nụ cười. Nhưng liệu khi nhìn qua cái bóng khắc khoải của Công Vinh, hay khuôn mặt bất lực của Hữu Thắng ông sẽ nghĩ gì? Không ai biết được.
Mà thôi, chiến thắng thì hãy vui đi đã, sau đó là chuẩn bị cho trận chiến quan trọng nhất trong năm với đối thủ đáng sợ nhất, Thái Lan. Hãy hy vọng rằng cơn gió đông năm nay sẽ không còn lạnh nữa, để trái tim nóng của người giáo già từ nước Áo xa xôi sẽ được thổn thức trong niềm vui mà suốt 20 năm cứ mãi mong chờ.
PHƯƠNG GP (TTVN)