Alexia Putellas: Bóng đá không hề có giới tính

Tác giả KDNX - Thứ Năm 17/02/2022 19:48(GMT+7)

Zalo

Sinh ra trong một gia đình, một khu phố luôn tôn trọng ý kiến và đam mê bóng đá của bạn dù biết bạn là con gái, trải nghiệm đó sẽ như thế nào? Dưới đây sẽ là câu trả lời từ chính Alexia Putellas, người đã có được một tuổi thơ và tuổi trưởng thành như thế, cho trang The Players’ Tribune.

 
Alexia Putellas: Bóng đá không hề có giới tính
 

"Con bé này có cái gì đó...nó đặc biệt đấy".


Cái đêm trao giải Ballon D'Or ấy vẫn còn lờ mờ trong tâm trí. Khoảnh khắc trước, tôi rời khỏi trại tập trung của ĐT Tây Ban Nha, thế mà một lúc sau, tôi đã ở trên một cái máy bay riêng tới Paris, thế rồi Kylian Mbappe trao cho tôi danh hiệu. Tôi phóng tầm mắt xuống rạp hát tươi đẹp. Trước mắt tôi là gia đình mình và Leo Messi!

Một đêm lịch sử không chỉ với tôi mà còn với các đồng đội Barca được ghi tên vào danh sách đề cử, 4 trong số chúng tôi đến từ Tây Ban Nha. Đáng lẽ ra chúng tôi có thể bỏ qua buổi lễ vì trận vòng loại Euro gặp Scotland diễn ra ngày hôm sau, nhưng chúng tôi biết rằng mình phải tận dụng cơ hội này. Lần cuối cùng một người TBN giành được Ballon D'Or đó là Luis Suarez vào năm 1961. Không phải Luis Suarez người Uruguay đâu. Vì vậy, làm sao tôi có thể bỏ lỡ được cơ chứ?
 
Mẹ và chị tôi chẳng biết gì mấy về bóng đá. Họ là tất cả với tôi, vì vậy tôi rất vui khi đưa họ tới Paris để sẻ chia khoảnh khắc này. Thế nhưng, tôi không nghĩ rằng họ biết rõ chuyện gì xảy ra. Trong suốt buổi lễ, họ cứ lại gần tôi như kiểu: "Alexia, nhìn này, mẹ chụp ảnh với cái người này...nói hộ mẹ xem đây là ai được không?"

Alexia Putellas: Bóng đá không hề có giới tính
 
Tôi vẫn chưa đoàn tụ với danh hiệu của mình. Sau buổi lễ và họp báo, tôi chia tay gia đình rồi trở về Seville để chuẩn bị cho trận đấu gặp Scotland. Không có thời gian để ăn mừng hoặc tận hưởng. Tôi để lại danh hiệu Ballon D'Or của mình ở phòng khách sạn, thi đấu rồi trở lại Barca, nơi hiện đang cất giữ nó.
 
Tôi chỉ nhận ra mình được hiện hình lên tháp Burj Khalifa khi tôi nhìn vào điện thoại. Sau lễ trao giải Bóng đá Toàn Cầu (Globe Soccer Award-BTV) ở Dubai, họ để hình tôi lên tòa cao ốc có chiều cao lên tới hàng trăm mét. Nhưng vì chúng tôi đang ở trong tòa tháp khi điều này diễn ra nên tôi chẳng nhìn thấy gì cả. Tôi nghe nói đây là lần đầu tiên họ đặt hình ảnh một phụ nữ lên tòa tháp này. Theo tôi, điều này rất tuyệt bởi nó sẽ giúp người ta hiểu hơn về môn thể thao của chúng tôi.
 
Danh tiếng chỉ là một trong số những điều bạn phải đối mặt với. Cuộc đời tôi đã thay đổi kể từ năm ngoái, và hiện tại nó vẫn đang thay đổi. Nhưng tôi chỉ tập trung vào điều tôi làm hằng ngày. Những thứ còn lại không đáng để tôi bận tâm.
 
Từ lúc còn bé, mục tiêu của tôi luôn là thi đấu cho Barca. Khi tôi thi đấu cho CLB này, tôi thực sự cảm thấy mình đang đại diện cho gia đình mình, cho lịch sử của mình, cho quê nhà mình. Khi mới 6 tuổi, tôi vẫn nhớ mình đã theo dõi Clasico từ bàn bi-da. Gia đình tôi là những Cule cuồng nhiệt. Mỗi khi họ không đến được SVĐ, họ sẽ ngồi quanh cái quầy bar mang tên La Bolera ở gần nơi chúng tôi sống, Mollet del Valles. Chỗ này lúc nào cũng  đông mỗi khi có trận đấu lớn diễn ra. Khi đó, bố tôi sẽ bế tôi lên ngồi trên bàn bi-da để tôi có thể theo dõi cái màn hình lớn. Tôi nhớ rằng mình đã cực kỳ lo lắng dù chẳng hiểu chuyện gì đang diễn ra. Khi đó, tôi chỉ biết rằng điều này cực kỳ quan trọng mà thôi.
 
Trước đây tôi cứ nghĩ Camp Nou là nơi dành cho đàn ông. Hồi còn bé, tôi thường đến đó với bố mẹ, các cô, các bác và ông bà. Tất cả cùng trên một chuyến xe buýt tới Mollet Penya. Hồi đó, tôi muốn ngồi gần các cầu thủ nhiều nhất có thể. Tôi luôn khăng khăng rằng mình muốn lại gần hơn, kể cả khi tầm nhìn trở nên tồi tệ. Tôi chỉ muốn được lại gần từng pha bóng hơn thôi mà ! Hồi đó, nếu người ta nói với tôi rằng một ngày nào đó tôi sẽ đặt chân lên cái thảm cỏ đó, tôi sẽ nghĩ: "Phì, không đời nào...có đàn ông mới chơi ở đó thôi." Khi tôi thi đấu ở đó hồi năm ngoái, tôi nhận ra rằng đó chính là giấc mơ của tôi kể từ năm 6 tuổi. Khi bạn đứng trong phòng thay đồ, hay trên vòng tròn giữa sân. Trời ạ, bạn phải dừng lại rồi tận hưởng cái khoảnh khắc đó !!!
 
Tôi thường nghe mấy câu như: "Con bé này có cái gì đó...nó đặc biệt đấy." Nhưng hồi đó tôi chẳng mấy quan tâm. Tôi chỉ muốn chơi bóng thôi. Tôi chơi mọi lúc, mọi nơi có thể. Nếu bố mẹ uống cà phê ở quảng trường, tôi sẽ cầm quả bóng để tập sút bóng trên bức tường của tòa thị chính rồi trở về xin nước với cơ thể ướt sũng mồ hôi. Tôi thi đấu trên phố nhiều tới mức chân tôi bầm từng mảng lớn. Rút cục, mẹ tôi phải nói với tôi: "Được rồi, giờ phải ký hợp đồng với một CLB lớn để đảm bảo cho cái chân của cô nương thôi !" (Chẳng có hiệu quả gì đâu. Tôi vẫn cứ chơi trên phố, chân thì vẫn cứ bầm tím như thế !!!)
 
alexia
 

Sự nghiệp bắt đầu bằng lời nói dối
 

Sự nghiệp banh bóng của tôi bắt đầu bằng một lời nói dối trắng trợn. Gia đình đưa tối đến Sabadell, nơi gia đình của một người bạn đang thi đấu cho một đội bóng. Tuy nhiên, quy định tuổi tối thiểu của đội bóng đó là 8, trong khi tôi mới 7 tuổi. Vì vậy, họ phải ăn gian tuổi để tôi được vào. Tôi nhớ rằng gia đình tôi thường thay phiên nhau đưa tôi đi mất nửa tiếng đến sân tập sau giờ làm. Khi đến lượt bà bác tôi, bác ấy sẽ đội nón bảo hiểm lên tôi rồi đặt tôi lên cái mô tô 6 xi lanh to đùng của bác ấy. Tôi thi đấu với lũ con gái 11 đến 12 tuổi, vì vậy, đôi khi tôi sẽ về nhà phàn nàn với bố mẹ rằng tôi không thể đá quả bóng mạnh như họ, thế nhưng, tôi vẫn yêu thích điều này.
 
Khi tôi là học sinh, tôi vẫn thấy thế là không đủ. Tôi học ở trường đại học buổi sáng rồi tập vào buổi tối, nhưng trong đầu tôi đã mường tượng mình là cầu thủ chuyên nghiệp rồi. Hồi đó, nếu tôi có thể tập 24 tiếng một ngày, có lẽ tôi đã làm thế rồi.
 
Barca tin vào phụ nữ lắm. Ngày tôi trở lại CLB vào năm 2012, chúng tôi mất vài năm không có danh hiệu. Chỉ đơn giản là do chúng tôi không thể vượt qua giới hạn của mình. Nhưng thay vì đánh giá lại giá trị của mình, Barca lại gạt phăng mọi nghi ngờ. Kể cả khi kết quả chưa đến ngay lập tức, CLB vẫn quyết tâm với mục tiêu đề ra. Họ biết họ phải làm gì để đạt được thành công mà.
 
alexia
 
Bị nghiền nát bởi Lyon trong trận chung kết Champions League 2019 thực sự đã giúp chúng tôi rất nhiều. Thực tế, đó là một trong những khoảnh khắc quan trọng nhất trên con đường của chúng tôi. Phải cảm ơn Lyon rất nhiều, họ thực sự ở một đẳng cấp khác so với chúng tôi. Chúng tôi chưa bao giờ đạt được đẳng cấp của họ trong cái đêm Budapest đó, nhưng chúng tôi chưa bao giờ cho rằng mình thất bại. Thật sự lạ khi nói về thất bại ở đây, nhưng sau đó, tôi cảm thấy mọi thứ thật yên bình. Có cảm giác như chúng tôi đã thấy rõ giới hạn của mình nằm ở đâu. Mọi thứ đã rõ ràng, vì vậy chúng tôi biết rằng mình phải bắt tay vào việc thôi.
 
Tôi thi đấu ở trận chung kết Champions League 2021 khi đang chấn thương. Trong buổi tập 3 ngày trước trận chung kết, tôi có thể cảm nhận thấy cái dây chằng của mình "đi đời". Tôi lập tức chia sẻ với đội ngũ y tế và HLV. Họ nói với tôi rằng sẽ làm hết sức có thể. Ngày hôm sau, cơn đau vẫn ở đó. Sau 10 phút tập, tôi không thể gượng được nữa. Tôi có thể thấy cánh cửa tới với giấc mơ lấy lại mọi thứ đã mất ở cái đêm Budapest đó đóng sập trước mắt.

Vì vậy, 24 tiếng trước trận đấu, tôi quyết định thực hiện một vài "bài tập tinh thần". Tự nhủ rằng mình không hề chấn thương. Tôi thực sự phải tin vào điều đó. Vì tôn trọng đồng đội của mình, tôi không thể thi đấu dưới sức được, vì vậy, tôi nói với mọi người: "Chấn thương gì chứ? Đừng có nói với tôi về chấn thương." Sau khi chúng tôi thắng trận, tôi phải ngồi ngoài 2 tuần vì chấn thương nặng hơn tôi nghĩ. Nhưng điều đó thực sự đáng giá. Trong lúc ăn mừng, bạn nên tin tôi khi tôi nói rằng tôi chẳng cảm nhận được cái gì ở dây chằng của mình cả.
 
Tôi khá chắc rằng mình sẽ đánh bại được Chelsea. Có lẽ vì chúng tôi đã trải qua trận chung kết trước đó rồi, nhưng mọi thứ thực sự khác. Chúng tôi có đủ sự tự tin về mặt chiến thuật, tự tin vào mọi người, tự tin vào bản thân. Một sự tự tin tôi khó có thể giải thích được. Khi chúng tôi thực hiện quả penalty ở hiệp 1 để nâng tỷ số lên 2-0, tôi hoàn toàn bình tĩnh. Quả bóng sẽ luôn lọt vào và chúng tôi sẽ luôn là người giành chiến thắng.
 
Áp lực là thứ gây nghiện. Tôi luôn yêu thích cảm giác chiến thắng và ghét thua cuộc. Kể cả khi còn bé, tôi luôn cần đến thử thách mỗi khi thi đấu. Nhưng sau 10 năm thi đấu ở Barca ? Tinh thần của CLB cứ thế ngấm dần vào bạn. Nếu nó không thể ngấm vào, chắc chắn bạn sẽ không thể trụ ở đây lâu. Bạn biết rằng mình phải thắng mọi trận đấu. Chẳng có lựa chọn nào khác đâu ! Với tôi, thực khó có thể tưởng tượng về việc thi đấu ở một đội bóng không có được niềm khao khát lớn như thế. Không biết lúc đó tôi có thi đấu tốt được như thế hay không nữa?

Alexia Putellas: Bóng đá không hề có giới tính
 
Bóng đá không hề có giới tính. Ngày còn bé ở Mollet, tôi là đứa con gái duy nhất thi đấu với lũ con trai trên quảng trưởng hoặc trên công viên, nhưng chẳng có chút rắc rối nào cả. Chưa có ai nói với tôi rằng tôi không được chơi, chẳng hề có một lời xúc phạm nào. Chẳng có cặp mày nào nhướng lên khi con bé này nói rằng nó muốn trở thành cầu thủ bóng đá. Tôi biết tôi may mắn khi có gia đình và bạn bè như thế khi lớn lên, nhưng trải nghiệm của tôi đáng lẽ ra phải là trải nghiệm của mọi cô bé trên thế giới này. Thế hệ mới cần phải coi điều này là một điều bình thường. Bóng đá thuộc về mọi người mà.
 
Khi tôi nghỉ hưu, tôi sẽ cầm cái áo và cái khăn quàng của mình, chính cái áo tôi khoác lên mình ngày còn bé ấy, sau đó leo lên cái xe buýt để đến với Mollet Penya theo dõi các cô cậu bé thuộc hệ mới thi đấu cho đội bóng tôi yêu.
 
Dịch từ bài viết của Alexia Putellas cho trang tin Player's Tribune.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Marco Reus: Yêu, sống và cảm nhận...

Lòng trung thành là giá trị xa xỉ trong bóng đá hiện đại. Chúng ta sẽ chẳng thể trách cầu thủ mong muốn ra đi tìm thử thách mới, nhưng một người gắn bó với một đội bóng suốt hơn một thập kỷ thì đó là giá trị đáng trân trọng.

Neymar: Từ thiên tài tới bi hài

Chấn thương, tiệc tùng, những vụ bê bối khiến sự nghiệp của Neymar lao dốc rất nhanh. Ở tuổi 32, liệu anh có thể trở lại đỉnh cao hay không?

Francesco Acerbi: Đóa hoa nở muộn

36 tuổi mới có lần đầu tiên vô địch Serie A dù đã chơi bóng ở Ý từ năm 2006, nếu ví Francesco Acerbi là một đóa hoa nở muộn thì người nuôi trồng đóa hoa ấy là Simone Inzaghi.

Julian Brandt: Gọi giấc mơ về từ quá khứ

Dù chưa bao giờ phát tiết trọn vẹn những phẩm chất cũng như tiềm năng thiên bẩm của mình nhưng tiền vệ người Đức đang cùng Dortmund mơ về một mùa giải đẹp nhất kể từ ngày bắt đầu sự nghiệp.

X
top-arrow