Alexander Hleb: Khi tiếc nuối là nỗi đau biết thở

Tác giả Đức Thịnh - Thứ Hai 03/05/2021 17:18(GMT+7)

Có quá nhiều chuyện không phải do bạn hiểu ra thì mới thấy bình thản, mà là sau khi bình thản rồi bạn mới chợt hiểu ra. Và cũng có nhiều chuyện, không phải là bạn không hiểu, mà là đã hiểu nhưng trong lòng chẳng thể nào chấp nhận.

 
Trong điện ảnh có một hiện tượng gọi là "chết vai". Tức là khi nhắc đến một diễn viên nào đó, khán giả gần như chỉ “đóng khung” vai diễn tiêu biểu và đặc trưng của họ. Giống như trường hợp của Leonardo DiCaprio. Mỗi khi nhắc đến tài tử điện ảnh người Mỹ, người ta thường chỉ nghĩ ngay đến chàng Jack lãng mạn với mối tình cuồng nhiệt cùng nàng Rose trong siêu phẩm bom tấm vượt mọi thời đại mang tên Titanic.

Cũng vì vậy mà sau này, dù đạt được không ít thành công khác trong nghiệp diễn, từ Catch Me If You Can, The Aviator cho đến Revolutionary Road, thì DiCaprio vẫn chưa bao giờ xóa nhòa hình ảnh chàng Jack trong mắt khán giả. Mãi đến năm 2016, DiCaprio mới thoát ra khỏi cái bóng của chính mình với giải Oscar cho hạng mục nam diễn viên xuất sắc nhất trong bộ phim The Revenant – siêu phẩm thu về 38 triệu USD chỉ trong tuần đầu công chiếu ở Mỹ.
 
Phải đến năm 2016, Leonardo DiCaprio mới lần đầu tiên nhận giải Oscar.

Và trong bóng đá, hiện tượng “chết vai” cũng không phải là hiếm. Fernando Torres chỉ thi đấu ở Liverpool trong vòng chưa đầy 4 mùa giải và chưa giành được bất kỳ danh hiệu nào với The Kop, thế nhưng hễ nhắc đến Torres, đa phần NHM chỉ nhớ đến hình ảnh của anh thời còn thi đấu tại Anfield. Để rồi sau này, dù có được chức vô địch Champions League với Chelsea, hay đăng quang Europa League cùng đội bóng cũ Atletico Madrid, thì ký ức rực rỡ nhất về Torres vẫn là khi chàng tiền đạo tóc vàng khoác trên mình tấm áo đỏ, dũng mãnh vượt qua các hậu vệ, trước khi sút tung lưới đối thủ và ăn mừng đầy cảm xúc. Nhưng nếu như Torres vẫn có được chút ít thành công sau khi rời Liverpool thì số phận lại không mỉm cười với Alexander Hleb như vậy sau khi anh rời Arsenal ở TTCN mùa hè 2008. 

Nhắc đến Hleb, trong miền ký ức của những người yêu bóng đá Premier League, chắc chắn không một ai quên được chàng tiền vệ tài hoa người Belarus với khả năng đi bóng đầy ma thuật này. 

Đó là một ngày mùa hạ cuối tháng 6/2005, BLĐ Arsenal bất ngờ thông báo rằng họ đã đạt thỏa thuận để chiêu mộ Hleb từ Stuttgart với mức giá 15 triệu euro, một con số kỷ lục trái ngược với phong cách chuyển nhượng của chính họ trong quá khứ. Thậm chí, khoản phí đó được dự báo sẽ còn cao hơn nếu như Stuttgart không thất bại trước Wender Bremen trong cuộc cạnh tranh tấm vé dự Champions League. Hai trận thua liên tiếp trước Bochum và Bayern Munich ở hai vòng đấu cuối đã khiến Stuttgart nhận trái đắng trước Bremen với khoảng cách chỉ là 1 điểm. Từ chỗ là Á quân Bundesliga mùa giải 2002/2003 dưới thời Felix Magath, “Thiên nga trắng” đã sa sút quá nhiều ở những mùa giải sau đó.

Và đó cũng là năm cuối cùng người ta được chứng kiến hai ngôi sao hàng đầu của Stuttgart là Philipp Lahm và Hleb chơi bóng tại đây. Trong khi Philipp Lahm trở về Bayern Munich sau bản hợp đồng 2 năm cho mượn kết thúc thì cũng là lúc Hleb muốn ra đi để tìm kiếm thử thách mới trong sự nghiệp khi chiếc áo của Stuttgart dường như đã quá chật với tiền vệ tài năng này. Khoảng thời gian 5 năm chơi bóng tại Bundesliga đã mài dũa Hleb từ chỗ là một sao mai đến từ đất nước mà bóng đá ít phát triển, dần trở thành một tài năng được cả nước Đức công nhận. Thế vậy mà CĐV Stuttgart mới nói rằng: “ Belarus là một nước nhỏ, nhưng Hleb là một tài năng lớn”.

Sau nước Đức, đến lượt NHM ở Anh, được chứng kiến những pha đi bóng đầy tốc độ nhưng không kém phần lắt léo của chàng tiền vệ sinh năm 1981. Con số 40 trận đấu cho Arsenal ở mùa giải đầu tiên, trong đó có 25 lần ra sân ở Premier League đủ để cho thấy sự hòa nhập của Hleb ở đội bóng mới là nhanh thế nào. Thậm chí, Hleb còn có tên trong đội hình xuất phát trong trận chung kết Champions League trước Barcelona cuối mùa giải năm đó.
 
Hleb đã từng có những năm tháng cực kỳ đáng nhớ trong màu áo Arsenal.

Nhưng phải sang đến mùa giải 2007/2008, người ta mới thấy được một Hleb trong “phiên bản” tốt nhất tại Arsenal, khi anh kết hợp cùng Tomas Rosicky, Cesc Fabregas và Mathieu Flamini để trở thành “Bộ tứ siêu đẳng” trên hàng tiền vệ. Cùng với nhau, nhóm cầu thủ này đã trình diễn một lối chơi làm mê đắm những ai trót yêu bóng đá đẹp. Trái bóng được ban bật liên tục bằng các đường chuyền ngắn, trong khi các cầu thủ không ngừng di chuyển để khai thác khoảng trống. Thời điểm ấy, Pep Guardiola còn chưa tiếp quản Barcelona để nâng tầm Tiki-taka trở thành lối chơi tấn công đẹp mắt bậc nhất lịch sử túc cầu giáo, thì tại Arsenal thứ bóng đá mang tư tưởng định hướng vị trí từ Arsene Wenger được coi là sự khác biệt to lớn với phong cách chơi bóng “dốc cánh, tạt bổng” của rất nhiều đội bóng ở Anh.

Arsenal thời hậu The Invincibles không còn là một Arsenal cứng cỏi và bản lĩnh nữa, thế nhưng chỉ cần Giáo sư ở đó, ông vẫn biết cách “hô biến” những cầu thủ chỉ ở mức khá, trở thành một tập thể đủ tốt. Hleb cũng chính là một ví dụ điển hình. Anh chưa phải một nghệ sỹ thực thụ như Rosicky, cũng không phải lúc nào cũng có thể đưa ra những đường kiến tạo đẳng cấp như Fabregas, càng chẳng có cái chất điên, sự máu lửa trong lối chơi như Flamini, nhưng ở Hleb người ta thấy được phẩm chất của ba cầu thủ trên tổng hòa từng chút, từng chút trong con người anh. 

Những ai xem Arsenal hồi đó thì đều biết rằng Hleb đa năng lắm. Anh đá cánh phải, anh đá cánh trái, khi Arsene Wenger cần thì anh cũng đá như một hộ công tự do chơi ngay sau tiền đạo chủ lực Emmanuel Adebayor. Dù không thường xuyên ghi bàn nhưng lúc nào chàng tiền vệ người Belarus cũng nổi bật trên sân,. Cách anh đi bóng, cách anh qua người, hay sở thích xuyên phá hàng phòng ngự đối phương theo cách trực diện nhất. 

Ký ức tại San Siro trong trận lượt về Champions League 2008 vẫn còn đó. Một Arsenal non trẻ đã đánh bại đương kim vô địch AC Milan với 2 bàn không gỡ. Fabregas lập siêu phẩm từ cú sút xa để đời. Theo Walcott vào sân từ băng ghế dự bị, có pha bứt tốc thần sầu hơn 50m cuối trận kiến tạo cho Adebayor ghi bàn quyết định. Tuy vậy Hleb vẫn là cái tên được đánh giá cao nhất trên hàng tiền vệ của Arsenal trong chiến tích tại Milan đêm đó với vô số các tình huống lên bóng, xâm nhập vòng cấm đối phương.
 
Bộ tứ huyền ảo một thời của Arsenal với Hleb, Flamini, Rosicky và Fabregas.

Thế nhưng như người ta vẫn nói: “ Tiếc nuối là một loại nỗi đau biết thở”. Đang ở độ tuổi đẹp nhất trong quãng đời cầu thủ, được HLV và đồng đội tin tưởng, được ra sân thi đấu hàng tuần, Hleb lại khiến các Gooners cảm thấy cay đắng vì quyết định ra đi khi mùa bóng 2007/2008 khép lại. Arsenal khi ấy đã đánh mất chức vô địch Premier League vào tay Manchester United, dù họ mới là đội bóng nắm giữ ngôi đầu bảng trong phần lớn mùa giải. Xét cho cùng đội bóng của Arsene Wenger khi ấy chỉ là một tập thể thiếu kinh nghiệm, lại không có những sự bổ sung nhân sự trong giai đoạn lượt về khi những trụ cột bị quá tải hoặc chấn thương dài hạn.

Với Hleb, trái tim chàng tiền vệ tóc vàng bắt đầu xao động khi người đại diện Nikolai Shpilevski liên tục rỉ tai về việc Barcelona đang quan tâm đến anh, và rằng đến Camp Nou là sẽ mở ra một chương đặc biệt với cầu thủ ghi 4 bàn và 11 pha kiến tạo trong mùa giải 2007/2008. Nhưng có biết đâu, giao kèo định mệnh đó đã khiến sự nghiệp của Hleb bị chôn vùi vĩnh viễn.

Để rồi mãi sau này, trong một lần phỏng vấn khi được hỏi vì sao lại quyết định rời Arsenal, Hleb nói rằng: “Tôi vẫn khó giải thích về quyết định ấy. Tôi đã hoàn toàn hạnh phúc ở đó. Arsene Wenger cũng tin tưởng tôi tuyệt đối. Tôi đang đi nghỉ mát, đại diện và quản lý đã thuyết phục rằng tôi phải đến Barcelona. Thành thật mà nói, tôi không thật sự hiểu những gì mình đang làm. Đến một lúc nào đó, bất chợt nhận ra, 'Trời ơi! Mình đã rời Arsenal mất rồi'. Khi Wenger nói rằng, mọi thứ chỉ còn là vấn đề thời gian, tôi đã cảm thấy khá nặng nề. Thật sự rất khó để chấp nhận. Ông ấy đã làm mọi thứ để giữ tôi ở lại Arsenal, thậm chí còn nhắn tin cho tôi, 'Alex, tôi sẽ không để cậu đi, chúng tôi cần cậu ở đây'. Tôi đã khóc khi đọc tin nhắn đó."

Hleb không hiểu vì sao quyết định chuyển sang Barcelona và đã khóc ? Liệu mấy ai tin điều này? Sự thật nếu không đam mê danh vọng, nếu Barcelona không đáp ứng mức lương lên đến 100.000 bảng/tuần, liệu anh có rời Arsenal không? Không ai biết, chỉ có điều cuộc sống ở xứ Catalan của tiền vệ sinh năm 1981 là một gam màu ảm đạm thực sự. 

Hleb kém may mắn khi đến Barcelona giữa bối cảnh đội chủ sân Camp Nou đã sở hữu quá nhiều nhân tố tài năng; từ Xavi Hernandez, Andres Iniesta cho đến những Thierry Henry, Samuel Eto'o hay Lionel Messi. Eidur Gudjohnsen – tiền đạo hàng đầu một thời tại Chelsea cũng phải chấp nhận thay đổi vị trí thi đấu để cố gắng trở thành một phần của tập thể giành cú ăn 6 lịch sử năm ấy.

Nhưng Hleb thì chẳng có được bản lĩnh lớn như Gudjohnsen. Khách quan mà nói, sự nghiệp của Hleb lụi tàn tại Barcelona đều xuất phát từ thái độ hời hợt. Anh không chịu học tiếng Tây Ban Nha, cũng chẳng tích cực luyện tập, cộng thêm thường xuyên dính chấn thương. Cảm thấy Hleb “hết thuốc chữa”, Pep Guardiola loại anh khỏi đội hình. Vậy nên mang tiếng chơi cho Barcelona 4 mùa giải nhưng thực tế Hleb chỉ được ra sân trong năm đầu tiên. Ba năm còn lại là quãng thời gian anh bị đem cho mượn ở Stuttgart, Birmingham và Wolfsburg, trước khi bị thay lý hợp đồng không thương tiếc ở mùa hè 2012.
 
Hleb hoàn toàn lạc lõng trong tập thể Barcelona bách chiến bách thắng năm 2009.

Barcelona mùa giải 2008/2009 là một tập thể đại thành công khi vô địch trong tất cả các giải đấu mà họ tham dự. Tuy vậy trong chiến tích lịch sử ấy không hề có bóng dáng của Hleb, người từng khát khao rời Arsenal để có được danh hiệu. Cuối cùng danh hiệu cũng đá đến với Hleb, nhưng nếu chẳng đóng góp gì cho đội bóng thì danh hiệu đấy có nghĩa lý gì ?

Nếu như trong điện ảnh, DiCaprio có thể chờ đợi gần 20 năm để “tái sinh” với The Revenant, thì trong bóng đá làm gì có thời gian cho Hleb làm lại sự nghiệp. Ngay từ khoảnh khắc anh rời Arsenal, mọi thứ về cơ bản đã chấm dứt !
Và mới đây, niềm tiếc nuối của hàng triệu trái tim của các Gooners bước sang tuổi 40…
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Juan Roman Riquelme, Barcelona và cái chết "số 10 cuối cùng"

Một thương vụ được so sánh với một đám cưới trong mơ giữa số 10 cổ điển hay nhất thế giới và đội bóng vĩ đại hàng đầu châu Âu, nhưng sau cùng lại kết thúc bằng sự cay đắng và nghiệt ngã dành cho chàng tiền vệ hào hoa đến từ Nam Mỹ.

Alphonso Davies: Từ cậu bé ở trại tị nạn đến ngôi sao bóng đá thế giới

Sinh ra trong một trại tị nạn rồi sau đó vươn tới những đỉnh cao với các danh hiệu Bundesliga, Champions League cùng Bayern Munich và cuối cùng là tham dự World Cup 2022 cùng ĐTQG Canada. Đó quả là một chặng hành trình dài và nếu nó có được Alphonso Davies ghi vào một cuốn nhật ký thì hẳn đó sẽ là một cuốn nhật ký rất đáng đọc. Nhưng chàng trai tới từ Canada năm nay mới chỉ 24 tuổi và chặng hành trình tiếp theo của anh vẫn còn rất dài.

Danny Welbeck và "mùa xuân" mới cùng Brighton

Danny Welbeck, 33 tuổi, đang tận hưởng một trong những mùa giải đẹp nhất trong sự nghiệp cầu thủ. Bạn có thể thích tiền đạo Brighton hoặc không, nhưng bạn không thể phủ nhận những bước tiến khó tin của chàng trai “tuổi băm” này.

Estevao Willian và ước mơ một ngày đứng trong hàng ngũ những người giỏi nhất

Như một lời giời thiệu tổng quát về bản thân mình đến người hâm mộ bóng đá Anh, trong một cuộc phỏng vấn với ký giả Thiago Rabelo của tờ The Guardian (Anh), Estevao Willian, tài năng bóng đá 17 tuổi được đánh giá là triển vọng nhất của Brazil kể từ sau Neymar – người sẽ chính thức gia nhập Chelsea vào mùa hè năm sau – đã có những chia sẻ về nhiều khía cạnh trong cuộc đời lẫn sự nghiệp vẫn còn chưa đơm hoa của mình.

Dẫn dắt Manchester United sẽ là một rủi ro lớn với Ruben Amorim?

Đã xuất hiện những tin đồn về việc HLV của Sporting CP, Ruben Amorim sẽ gia nhập City vào mùa hè tới nếu Pep Guardiola quyết định ra đi, nhất là sau khi GĐTT của CLB, Hugo Viana được chỉ định là người kế nhiệm Txiki Begiristain tại sân Etihad. Tuy nhiên, Amorim đang nổi lên như ứng cử viên hàng đầu thay thế Erik ten Hag, sau khi nhà cầm quân người Hà Lan bị sa thải.