Alexander-Arnold và sự khác biệt giữa tuyển Anh và Liverpool

Tác giả Tú Nguyễn - Thứ Bảy 01/10/2022 13:10(GMT+7)

Việc Gareth Southgate bỏ qua Trent Alexander-Arnold từ lâu đã khiến HLV Jurgen Klopp của Liverpool cảm thấy bối rối.

 

“Tôi tôn trọng quyết định của ông ấy, nhưng tôi không hiểu” là phản ứng của Klopp trước việc một trong những hậu vệ phải xuất sắc nhất thế giới bóng đá bị loại khỏi đội hình tham dự vòng loại World Cup của ĐT Anh vào tháng 3/2021.

Alexander-Arnold đã được gọi trở lại chỉ vài tháng trước khi EURO 2020 chính thức khởi tranh. Nhưng một chấn thương đùi trong lúc khởi động trước trận giao hữu với ĐT Áo đã phá hỏng giấc mơ của anh một cách tàn nhẫn. 

Còn bây giờ, Klopp sẽ phải gãi đầu trong sự hoài nghi một lần nữa, khi cậu học trò cưng của ông bị loại ra khỏi đội hình trong trận gặp ĐT Đức tại Nations League, trận đấu cuối cùng của họ trước khi World Cup 2022 diễn ra vào tháng 11. Chỗ ngồi của Alexander-Arnold trên chuyến bay đến Qatar hiện đang bị nghi ngờ nghiêm trọng.

Hẳn nhiều CĐV Liverpool đang cảm thấy hoan hỉ trước viễn cảnh trụ cột của họ có một kì nghỉ đông đúng nghĩa. Nhưng Klopp sẽ không ăn mừng vì điều này. Ông hiểu việc đại diện cho đất nước tại lễ hội bóng đá lớn nhất hành tinh có ý nghĩa thế nào với Alexander-Arnold. Giờ ông sẽ phải sắm vai bác sĩ tâm lý không chuyên, khi đón nhận cầu thủ 23 tuổi vừa bị Southgate loại bỏ trở lại Kirkby.

 

Đi tìm lí do cho quyết định Southgate

Để chỉ ra lí do cho quyết định của Southgate giống như việc đi tìm chiếc máy bay MH370: Vô vọng, nhưng vẫn phải tìm. 

Không thể phủ nhận chiều sâu của Tam Sư ở vị trí hậu vệ phải, khi Kyle Walker, Kieran Trippier và Reece James đang được ưu tiên hơn Alexander-Arnold. Việc Southgate chơi với sơ đồ ba trung vệ cũng là một yếu tố chi phối khác. 

Nhưng không ai trong số đó có kĩ năng chuyền bóng cũng như sức sáng tạo như Alexander-Arnold, điều ĐT Anh đang rất thiếu ở thời điểm hiện tại. Chúng ta có thể tranh luận về việc ai nên đá chính ở hành lang cánh phải, nhưng việc một cầu thủ tầm cỡ như anh vắng mặt trên băng ghế dự bị là điều khó hiểu.

Tiếp đến, có một định kiến đang phổ biến thời gian gần đây: Alexander-Arnold công hay nhưng thủ dở. Có muốn bênh Alexander-Arnold cũng khó, nếu chứng kiến màn trình diễn tồi tệ của cầu thủ 23 tuổi trong trận đấu với Napoli mới đây. 

Tuy nhiên, phần lớn những lời chỉ trích đã bỏ qua vai trò của Alexander-Arnold trong hệ thống của Klopp, khi anh được quyền dâng cao để hỗ trợ tấn công vì được những đồng đội ở dưới trám vào vị trí. “Nếu ai đó nói rằng Trent không thể phòng ngự, có lẽ họ nên qua đây để tôi đấm họ,” Klopp cảm thán sau khi cậu học trò cưng của ông khóa chặt Gabriel Martinelli trong thắng lợi 2-0 trước Arsenal hồi tháng Ba. "Tôi không muốn nghe điều đó, bởi tôi không biết cậu ấy phải làm gì nữa,” ông nói.

Cuối cùng, có một thực tế là Alexander-Arnold đang không đạt phong độ cao nhất ở Liverpool. Nhưng anh không phải cầu thủ duy nhất gặp vấn đề này ở đội chủ sân Anfield, càng không phải cầu thủ Anh duy nhất được gọi bất chấp đội bóng của họ đang gặp khó khăn (đúng rồi đấy, Harry Maguire). 

Niềm tin mù quáng mà Southgate dành cho Maguire trái ngược hoàn toàn với sự ghẻ lạnh mà ông dành cho Alexander-Arnold. Hãy nói về sự khó hiểu của quyết định này trước đã. Cùng với Frank de Boer, Claude Makelele và Roberto Martínez, chính Southgate đã bầu chọn hậu vệ phải của Liverpool vào Đội hình tiêu biểu Champions League vào tháng 5 năm ngoái.

Điều gì xảy ra nếu chấn thương cướp đi những lựa chọn của ông ở vị trí hậu vệ phải? Southgate sẽ cầu xin Alexander-Arnold ư? Đừng nghĩ rằng cầu thủ sinh năm 1998 sẽ không cảm thấy tổn thương sau những gì đã trải qua. Chúng ta đang nói về một cá tính trầm lặng, thích đọc sách Harry Potter, chơi cờ vua, luyện tập các cú sút phạt đồng thời rất muốn trở thành một ngôi sao tại ĐT Anh như cách anh thể hiện trong màu áo Liverpool.

 

Tổn thất của nước Anh?

Alexander-Arnold không phải mẫu cầu thủ phung phí cơ hội khi lên tuyển. Đơn giản là bởi anh chẳng có mấy dịp để chứng tỏ trong màu áo trắng. Trong 17 lần khoác áo ĐT Anh, Alexander-Arnold mới chỉ đá chính hai trận liên tiếp đúng một lần, đó là những trận đấu với Montenegro và Kosovo vào năm 2019. Kể từ sau EURO 2020, anh chỉ chơi cho Tam Sư vỏn vẹn ba lần. Hai trong số đó là với những đội bóng nhược tiểu như Andorra và San Marino.

Việc Alexander-Arnold bị loại không chỉ đơn giản là câu chuyện về một cầu thủ không có cơ hội đối đầu với người Đức. Đây là một tuyên bố lạnh lùng, rằng Southgate bằng cách nào đó đang không tin tưởng một cầu thủ đã giành chức vô địch Champions League, Premier League, FA Cup, League Cup, Super Cup và Club World Cup. Một cầu thủ đã chơi ba trận chung kết Champions League, đã ba lần được xướng tên trong Đội hình tiêu biểu của năm của PFA ở tuổi 23. Anh đủ tốt cho Klopp, nhưng không phải với Southgate. 

Quyết định này càng khẳng định sự thận trọng ở Southgate, một tư duy phản đề hoàn toàn với Klopp. Ông luôn quan tâm đến việc ngăn cản đối thủ hơn là tìm cách nắm thế chủ động. Hãy cứ nhìn cách ĐT Anh lùi về ngay sau bàn mở tỉ số trong trận chung kết EURO 2020 với người Ý và phải trả giá.

Nhiều người nói về những rủi ro khi sử dụng Alexander-Arnold, nhưng nếu ĐT Anh muốn có danh hiệu ở Qatar, họ cần phải đánh cược. Họ cần tin tưởng vào những người có thể phát động các cuộc tấn công từ những đường chuyền dài hơn 50 mét, điều Alexander-Arnold hoàn toàn có thể làm được.

Bằng cách gạt bỏ một tài năng tấn công như vậy, Southgate đã gửi đi một thông điệp rõ ràng: Người Anh sẽ cố gắng rón rén đi qua sa mạc vào tháng 11 và tháng 12. Những người hiền lành có thể kế thừa trái đất, nhưng để đạt những thành tựu to lớn hơn, họ cần đứng lên và chiến đấu bằng sự dũng mãnh và trí thông minh. Alexander-Arnold có thể mang đến cho nước Anh những khía cạnh đặc biệt đó, nhưng có vẻ như anh sẽ chứng kiến cuộc chiến từ xa. Một hoàng tử lưu vong, một nạn nhân của sự dò xét của Southgate.

Một sự lãng phí và là tổn thất không thể bù đắp của nước Anh.

Bài viết có sử dụng tư liệu từ: 

“Banishing Trent Alexander-Arnold is cruel and perplexing – Gareth Southgate has failed a special talent” của Henry Winter (The Times)

“Alexander-Arnold out of England squad but it’s ridiculous his World Cup is in doubt” của James Pearce (The Athletic)

“Gareth Southgate's call to pick Trent Alexander-Arnold but not play him against Italy or Germany was a NONSENSICAL waste of talent and time... the Liverpool star will be hurt by his bizarre latest England omission” của Dominic King (Daily Mail)

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Gabriel Martinelli: Thay đổi để thích nghi hoặc ngồi dự bị!

Cầu thủ chạy cánh người Brazil chắc chắn sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến khốc liệt để đòi lại vị trí chính thức trong đội hình xuất phát của HLV Mikel Arteta tại Arsenal, nhất là khi “người đóng thế” Leandro Trossard đang làm rất tốt mỗi khi được trao cơ hội.

Marco Reus: Yêu, sống và cảm nhận...

Lòng trung thành là giá trị xa xỉ trong bóng đá hiện đại. Chúng ta sẽ chẳng thể trách cầu thủ mong muốn ra đi tìm thử thách mới, nhưng một người gắn bó với một đội bóng suốt hơn một thập kỷ thì đó là giá trị đáng trân trọng.

Neymar: Từ thiên tài tới bi hài

Chấn thương, tiệc tùng, những vụ bê bối khiến sự nghiệp của Neymar lao dốc rất nhanh. Ở tuổi 32, liệu anh có thể trở lại đỉnh cao hay không?

Francesco Acerbi: Đóa hoa nở muộn

36 tuổi mới có lần đầu tiên vô địch Serie A dù đã chơi bóng ở Ý từ năm 2006, nếu ví Francesco Acerbi là một đóa hoa nở muộn thì người nuôi trồng đóa hoa ấy là Simone Inzaghi.

Julian Brandt: Gọi giấc mơ về từ quá khứ

Dù chưa bao giờ phát tiết trọn vẹn những phẩm chất cũng như tiềm năng thiên bẩm của mình nhưng tiền vệ người Đức đang cùng Dortmund mơ về một mùa giải đẹp nhất kể từ ngày bắt đầu sự nghiệp.

Gabriel Heinze và con đường của một gã... Judas

Một hậu vệ mạnh mẽ, phóng khoáng, luôn nhận được sự yêu quý tại bất kỳ nơi nào anh từng thi đấu nhưng rồi những mối nhân duyên quá đỗi phức tạp đã vô tình biến Gabriel Heinze trở thành kẻ phản bội trong mắt người hâm mộ từng giành trọn vẹn tình cảm cho ngôi sao người Argentina.