Alen Boksic: Khối rubik mang đến vẻ đẹp cho bóng đá

Tác giả Ole - Thứ Hai 14/02/2022 11:31(GMT+7)

Từng được xem như một “Marco van Basten mới”, thậm chí là câu trả lời của bóng đá châu Âu đối với “người ngoài hành tinh” Ronaldo ở phía bên kia đại dương, nhưng sự nghiệp của Alen Boksic lại không quá có duyên với những bàn thắng.

 
Sở hữu thể chất mạnh mẽ của một cầu thủ xuất thân từ vùng Balkan điển hình, khi còn chơi bóng, Boksic hiếm khi nào để cho các hậu vệ có cơ hội phạm lỗi với mình. Bên cạnh đó, chân sút người Croatia cũng được đánh giá khá cao ở hầu hết các khía cạnh như tốc độ, kỹ thuật để kiểm soát trái bóng một cách khéo léo bằng cả hai chân hay khả năng đánh đầu tuyệt vời. Mặc dù vậy, xuyên suốt cả sự nghiệp, chỉ duy nhất một lần Boksic ghi được hơn 20 bàn thắng trong một mùa giải, đó là mùa 1992/93 khi anh khoác áo Marseille.
 
Với 23 bàn ở Ligue 1 cùng 6 pha lập công tại đấu trường châu Âu, Boksic đã giúp đại diện nước Pháp giành được cả hai danh hiệu VĐQG cũng như Champions League. Ở một điểm tham chiếu khác, Boksic cũng chính là Vua phá lưới Ligue 1 mùa giải năm ấy và xếp vị trí thứ tư trong cuộc đua Quả bóng Vàng 1993, cạnh tranh sòng phẳng trước những danh thủ lừng lẫy đương thời như Michael Laudrup, Paolo Maldini, Hristo Stoichkov hay Ruud Gullit. 
 
Phong độ khủng khiếp trong mùa bóng 1992/93 đã không bao giờ được Boksic lặp lại khi chuyển sang thi đấu ở nước Ý, tuy nhiên những giá trị mà cầu thủ sinh năm 1970 mang đến thì không đơn thuần chỉ là việc ghi bàn. Theo đó, Boksic chính là một minh chứng điển hình cho làn sóng “trung phong kiểu mới” xuất hiện vào những năm 90s mà Thierry Henry sau này đã đề cập tới.

 
“Họ là những người đầu tiên sẵn sàng di chuyển từ vòng cấm địa xuống khu vực giữa sân để nhận bóng, có thể dạt sang hai cánh, thu hút đối phương và làm cho các trung vệ mất định hướng bởi khả năng chạy chỗ, bứt tốc hoặc rê bóng nếu cần thiết”, Henry chia sẻ, “Vào thời điểm ấy, có lẽ Ronaldo, Romario và George Weah đã tái định nghĩa lại vị trí trung phong”. 
 
Về cơ bản, Boksic cũng sở hữu bộ kỹ năng tương tự. Mọi huấn luyện viên đều thực sự hiểu rằng tiền đạo người Croatia có thể cung cấp cho đội bóng của họ sự đa dạng cần thiết, ngay cả khi anh tỏ ra hơi thiếu hiệu quả trước khung thành. 
 
Để hiểu rõ hơn về tài năng của Boksic, có thể hỏi Slaven Bilic, người từng sát cánh cùng cựu chân sút Marseille cũng như Davor Suker trong màu áo ĐTQG Croatia.

“Thành thật mà nói, tôi cũng chẳng biết giữa họ mới là người xuất sắc hơn nữa. Nếu phải đối đầu với Boksic khi chơi ở vị trí trung vệ, anh ấy sẽ giết chết bạn, tôi thề luôn. Boksic có thể chạy rất nhanh, rê dắt bóng, di chuyển sang cánh trái. Anh ấy hoàn toàn biết cách làm bạn ức chế hay bất kỳ điều gì khác, nhưng chưa chắc anh ấy đã ghi bàn đâu”.
 
“Suker thì khác. Bạn có thể chơi một trận rất hay trước Suker nhưng rồi anh ấy vẫn ghi được vài bàn thắng, thế mới khó hiểu”. 
 
Giống như một sự kết hợp hoàn hảo, khả năng kết liễu của một tay săn bàn thượng thặng theo kiểu Suker sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ việc Boksic sẵn sàng hủy hoại mọi đối thủ. Thống kê cũng phần nào phản ánh quan điểm này khi trong ba mùa giải liên tiếp khoác áo Lazio từ năm 1993 đến năm 1996, Boksic chỉ ghi vỏn vẹn 17 bàn. Nhưng rồi, Juventus lại muốn sở hữu ngôi sao người Croatia và mùa bóng duy nhất gắn bó với “Lão Bà thành Turin” đã giúp Boksic giành được hàng loạt danh hiệu đáng giá, từ Scudetto, Coppa Italia, Siêu Cúp châu Âu cho đến Cúp Liên lục địa.

 
Mùa Hè năm 1997, Bianconeri trả Boksic lại cho Lazio khi những kỳ vọng về một năm thần kỳ giống như mùa bóng 1992/93 đã không trở thành hiện thực. Chẳng vấn đề gì cả, cựu tiền đạo Marseille vẫn tiếp tục viết nên những chương mới trong chuyến phiêu lưu thứ hai ở thành phố vĩnh cửu Roma. Tại Lazio, anh không chỉ giúp CLB giành được Scudetto hay Coppa Italia mà còn đoạt cả danh hiệu UEFA Winner’s Cup vào năm 1999. Chẳng hề ngẫu nhiên khi Boksic luôn xuất hiện trong những tập thể gặt hái được nhiều thành công. 
 
Dẫu vậy thì sự nghiệp của tiền đạo sinh năm 1970 này lại không may mắn trong màu áo ĐTQG. Tại VCK World Cup 1990, anh chỉ là sự lựa chọn thay thế cho những Zlatko Vujovic hay Darko Pancev trên hàng công của ĐT Nam Tư cũ. Tới kỳ EURO 1996, Boksic dính chấn thương đầu ngay từ trận mở màn, qua đó khiến anh mất đi cơ hội cống hiến cho “quê hương mới” Croatia, đất nước mới giành độc lập sau khi tách ra từ liên bang Nam Tư.   
 
Khoảng thời gian sau đó, đội bóng đến từ vùng Balkan thi đấu cực kỳ ấn tượng và giành vé tham dự VCK World Cup 1998 trên đất Pháp. Không ai khác, chính Boksic là người đã ghi bàn quyết định trong trận play-off gặp Ukraine. Nhưng rồi, một chấn thương đen đủi trước ngày khai mạc đã khiến chân sút 32 tuổi này phải lỡ hẹn với ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, giải đấu sau này chứng kiến Croatia giành được huy chương đồng. 4 năm sau, tại VCK World Cup 2002, Boksic vẫn còn cơ hội khoác áo ĐTQG trong ánh hoàng hôn của sự nghiệp nhưng tập thể Croatia thì đã sa sút quá nhiều. 
 
Ở cấp độ CLB, sau những vinh quang cùng Lazio trong mùa giải 1999/2000, Boksic cũng bất ngờ chuyển đến Middlesbrough, một phần bởi mức lương “khủng” lên đến 65.000 bảng/tuần, khiến anh được xem là cầu thủ có thu nhập cao nhất tại nước Anh vào thời điểm bấy giờ. Tuy nhiên, chính điều này lại trở thành nguyên nhân khiến cho tiền đạo người Croatia bị cô lập tại xứ sở sương mù.

 
“Tôi cảm thấy mọi người đều không ưa anh ấy và thật dễ hiểu vì sao mọi chuyện lại như vậy”, Gareth Southgate nhớ lại, “Trong quan điểm của HLV Steve McClaren thì mọi người làm việc như nhau và không ai đặc biệt hơn ai. Mặc dù vậy, ở Boro vẫn tồn tại hai bộ quy tắc, một cho Boksic và một cho những cầu thủ còn lại”.
 
“Trước thềm mùa giải, anh ấy tham gia tập luyện cùng đồng đội và sẵn sàng ra nghỉ ngay khi cảm thấy không thích nữa. Thậm chí có những tin đồn rằng Boksic chẳng hề biết mình đang thi đấu cho CLB nào và nếu muốn bay về Croatia thì anh ấy cũng chẳng cần thông báo với ai hết”.
 
Tuy nhiên, mọi nỗi hoài nghi về tính chuyên nghiệp của Boksic đã nhanh chóng bị lấp đầy bởi những màn trình diễn tuyệt vời trên sân cỏ. Liên tiếp những bàn thắng của cựu tiền đạo Lazio đã góp công giúp Boro trụ vững tại Premier League, thậm chí giành chiến thắng trước các đội bóng “máu mặt” ở xứ sở sương mù. 
 
 
Cho đến bây giờ, người ta vẫn phải công nhận rằng Alen Boksic là một trong những chân sút xuất chúng nhất vào thập niên 1990s, nhưng rồi sự khan hiếm bàn thắng của anh lại trở thành đề tài thu hút nhiều sự tranh cãi hơn cả. Cũng giống như một khối rubik đầy bí ẩn và tồn tại chút gì đó khó hiểu, có lẽ Alen Boksic chính là một trường hợp điển hình về những điều mâu thuẫn nhưng lại chưa đựng vô vàn vẻ đẹp của thế giới bóng đá.   

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.