Aleksandar Kolarov và những đêm mặt đất rung chuyển

Tác giả Ole - Thứ Sáu 10/11/2023 15:44(GMT+7)

Đó chính xác là những âm thanh vô cùng ám ảnh… Đến tận bây giờ tôi vẫn có thể cảm nhận thấy nó mỗi khi nhắm mắt lại. Đây không phải là tiếng còi báo động mà đám trẻ con chúng tôi vẫn thường hay nghe thấy. Nó khác hoàn toàn, như thể một tiếng rên rỉ vậy. Giống như một thứ gì đó bước ra từ trong phim ảnh và nó nghe thật đáng sợ. 

 

Tôi và đám bạn vội vàng quay xe và đạp thật nhanh về nhà. 

Chúng tôi chỉ còn cách khu phố mình ở chỉ vài dãy nhà thì một âm thanh mới lại vang lên, chính xác là một vụ nổ lớn. Tất cả nhìn lên trời… và thấy một chiếc máy bay đang rơi xuống đất. Lửa bốc lên và khói đen bay xuyên qua những đám mây, những tán cây rồi dần biến mất. Một chiếc máy bay quân sự vừa bị bắn rơi ở Belgrade, cách nhà tôi không xa lắm. 

Đó chính là cuộc sống ở Serbia vào cuối những năm 90. 

Tôi về nhà và ngồi lặng đi trong vài giờ đồng hồ, cố gắng hiểu những gì tôi vừa thấy. Chiến tranh mới diễn ra không lâu. Thực ra khi cuộc chiến bắt đầu, tôi còn cảm thấy vui bởi vì một đứa trẻ thì đâu có biết gì ngoài việc được nghỉ học và có thể dành nhiều thời gian hơn với đám bạn cùng quả bóng dưới chân mình?

Tôi vẫn nhớ đêm đầu tiên khi những quả bom rơi xuống, khi tôi 14 tuổi. Tôi và anh trai Nikola đang ngồi trong phòng khách với mẹ. Bà ấy đang xem một bộ phim truyền hình dài tập của Tây Ban Nha, chưa hề bỏ lỡ một tập nào. Nhà chỉ có một chiếc TV và tất cả chúng tôi đều ngồi đó. Đột nhiên, cánh cổng bên ngoài bắt đầu rung chuyển, không chỉ một lần. Tôi không hề biết cái gì đang xảy ra. Tối hôm sau, chúng tôi nghe tin Belgrade đang bị đánh bom trên truyền hình.

Gia đình tôi đã không rời khỏi nhà trong hai ngày đầu tiên. Chúng tôi cố gắng ngủ và bỏ ngoài tai những âm thanh từ các vụ nổ cách đó vài dặm, tiếng máy bay chiến đấu vù vù ngay trên đầu và tất nhiên là cả những cơn ác mộng. Tôi chỉ nhớ là khi ấy tôi cảm thấy rất bối rối, có lẽ vì tôi còn quá nhỏ. Nhưng ở thị trấn nơi tôi sống, cũng chẳng ai biết phải làm gì. Đó chỉ là một thị trấn nhỏ ở Vojvodina, mọi người đều biết nhau. Thời gian trôi qua và các cửa hàng mở cửa trở lại, mọi người cố gắng tiếp tục sống cuộc sống bình thường. Ý tôi là chúng tôi sẽ làm gì tiếp nhỉ? Thật kỳ lạ, tôi phải nghỉ học và có quá nhiều thời gian rảnh. 

Bố tôi bán hàng thuê và mẹ làm việc cho một công ty nhỏ ở địa phương. Tôi và anh trai vô tình trở thành những kẻ sở hữu toàn thời gian của căn nhà. Chúng tôi dành cả ngày ngoài sân nhà với một quả bóng và cái cổng bằng gỗ, đó là khung thành để chúng tôi chơi bóng. Tôi thích góc trên bên trái của cầu môn vì khi bóng đập vào đó, nó sẽ phát ra tiếng động rất lớn, khiến những người hàng xóm phải hét ra bên ngoài cửa sổ nhà họ rằng: “Chết tiệt, bọn nó lại đá bóng rồi”. 

Mỗi lần đá một quả phạt, tôi đều muốn nhà hàng xóm phải nhoài qua hàng rào để la mắng mình. Đó là cách để tôi biết mình đã chơi tốt. Cứ hết lần này đến lần khác. 

Tôi muốn trở thành Sinisa Mihajlovic. Anh ấy có thể làm điều đó một cách vô cùng dễ dàng. Anh ấy là tiền vệ của Sao Đỏ, một câu lạc bộ lớn ở Belgrade. Họ là huyền thoại, à không, hơn cả những huyền thoại mới đúng. Họ đã giành chức vô địch châu Âu vào năm cuối cùng trước khi giải đấu đổi tên thành Champions League, năm 1991. Lúc ấy, tôi mới 6 tuổi nhưng đó là một khoảnh khắc thực sự ý nghĩa đối với cả dân tộc của tôi trên toàn thế giới. Vào thời điểm ấy, có quá nhiều biến động chính trị đang diễn ra. Sự bất ổn khiến cho việc tồn tại trong thành phố của tôi cũng không hề dễ dàng. Nhưng rồi, trong giải đấu cấp câu lạc bộ lớn nhất thế giới, chính những cầu thủ như chúng tôi, những người lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn vẫn có thể bước lên ngôi vô địch. Điều đó thật vĩ đại biết bao. 

 

Khi tôi và anh trai lớn hơn một chút, chiến tranh đã trở thành một phần trong cuộc sống và chúng tôi hiểu rằng, bóng đá chính là cơ hội không thể bỏ qua. Chúng tôi luôn biết cách thúc đẩy tinh thần cho nhau. Có lẽ tôi đã có trong mình tinh thần chiến đấu ngay từ lúc ấy. Tôi nhớ có một hôm chúng tôi ở nhà và muốn xem ai là người mạnh hơn. Chúng tôi đề xuất một ý tưởng, rằng cả hai sẽ lao vào nhau từ hai phía của căn phòng, như đang chuẩn bị nhảy lên đánh đầu và xem ai đẩy ngã ai. Nghe thật ngớ ngẩn phải không nhưng khi ấy, tôi thấy trò chơi rất thú vị. 

Thế rồi mọi việc diễn ra, giống như trong những bộ phim cũ của John Wayne. Tôi đếm được tổng cộng 12 bước trước khi chúng tôi lao vào nhau và… tôi nghĩ mình vừa hủy diệt được anh trai mình. Anh ấy ngã xuống và ngay khi chạm đất, anh ấy đã hết lên: “Gọi bố! Gọi bố ngay”.

“Anh không sao đâu, đứng dậy đi nào”.

“Gọi bố ngay”.

Bố tôi xuất hiện và tất nhiên, chúng tôi phải nói dối. Tôi nói rằng Nikola vừa bị ngã. Mọi thứ không đơn giản nữa và bố phải đưa anh ấy tới bệnh viện. Hóa ra, Nikola bị gãy xương đòn. Thật thú vị khi phải kể lại sự việc cho các y tá. Nhưng kỳ thực đó là những cuộc chiến đã tôi luyện tinh thần cho tôi.

***

Trong bóng đá, tôi chỉ muốn ngày càng tốt hơn so với chính mình. Khi chứng kiến những gì mà Sao Đỏ làm được vào năm 1991, trong hoàn cảnh đất nước rơi vào tuyệt vọng… tôi chỉ muốn vươn lên. Tham vọng và khao khát là thứ tôi không bao giờ đánh mất.  

Khi tôi còn chơi cho Cukaricki, một đội bóng khác ở Belgrade vào năm 2004, có một khoảnh khắc mà tôi nhớ mãi tới tận hôm nay. Sau những màn trình diễn khá tốt, tôi và 5 người nữa đã được đẩy lên đội một, tổng cộng là 23 cầu thủ. HLV yêu cầu chúng tôi tập luyện. “Hãy chạy 5 vòng quanh rừng. Đừng quay lại đây nếu chưa hoàn thành nhiệm vụ”.

Đó là những cung đường thật dài. Thời tiết cực kỳ nóng nực và ai cũng mệt mỏi. Sau 4 vòng, một người đã đề xuất tất cả dừng lại vì chẳng có ai theo dõi chúng tôi cả. Mọi người đều đồng ý nhưng tôi thì không. Tôi đã chạy vòng cuối cùng bằng tất cả sức lực. Tôi làm việc đó mà không ai chứng kiến. Khi hoàn thành chặng đường, tôi gần như muốn ngất đi. Tôi không chạy để gây ấn tượng với đồng đội hay huấn luyện viên, tôi chỉ chạy vì chính bản thân mình. Con người tôi là như vậy đấy.

Nếu có một bộ phim về tôi, xin đừng bỏ qua thước phim về phân cảnh này, làm ơn!

***

Tôi chuyển đến chơi cho Lazio vài năm sau đó, vào năm 2007. Đó là lần đầu tiên tôi có thể gửi tiền về cho gia đình, một khoảnh khắc thật ý nghĩa. Tôi không hề nghĩ rằng mình đã đạt được một thành tựu gì đáng kể. Mọi thứ dường như mới chỉ bắt đầu. Tôi phải nỗ lực chiến đấu để giành lấy một vị trí chính thức trong đội hình sau những ngày làm việc trên băng ghế dự bị. Tại Rome, tôi đã học được nhiều điều và đây cũng là giai đoạn tôi được triệu tập lên ĐTQG. Nhưng rồi tôi đã nhớ lại lời hứa với mẹ khi còn là một cậu nhóc 12 tuổi. Tôi nói với bà ấy rằng một ngày nào đó, tôi muốn thi đấu ở Premier League. Lúc ấy, tôi vẫn chưa làm được nhưng tôi biết rồi sẽ có một ngày, mình sẽ đến Anh để chơi bóng. 

Manchester City đã mở ra cơ hội. Một dự án tuyệt vời đang được xây dựng tại CLB và Premier League chính xác là giải đấu hàng đầu vào thời điểm bấy giờ. Quan trọng hơn hết, đây là cơ hội để tôi vươn tới đẳng cấp cao hơn. Mùa hè năm ấy, trước khi chính thức gia nhập The Citizens, tôi đã thi đấu ở World Cup 2010 tại Nam Phi. Tôi sẽ không xem mình là một kẻ ích kỷ nhưng sự thật đó chính là lần đầu tiên tôi chơi bóng cho một điều gì đó lớn lao hơn rất nhiều, hơn là đội bóng hay bản thân. 

 

Tôi cảm thấy mình giống như một người lính, có trách nhiệm với lá cờ tổ quốc, với bộ quần áo mang trên người và những người đồng bào ở quê nhà. Ai cũng tự hào về chúng tôi. Tôi hoàn toàn hiểu được thứ tình cảm ấy xuất phát từ đâu. Người Serbia đã trải qua nhiều biến cố hơn những gì mà các quốc gia khác có thể tưởng tượng, vì vậy khi chúng tôi có cơ hội thể hiện mình ra thế giới… chúng tôi luôn cố gắng hết sức để được là chính mình, là những chiến binh.

Kết quả không như ý muốn khi chúng tôi phải dừng bước ngay tại vòng bảng nhưng chiến thắng 1-0 trước ĐT Đức vẫn luôn in đậm trong tâm trí của chúng tôi. Giải đấu đã mang lại cho tôi sự tự tin trước khi chuyển đến Manchester.

Với tôi, quãng thời gian khoác áo Man City chính là một trong những giai đoạn đẹp nhất trong đời. Hai chức vô địch Premier League, hai danh hiệu League Cup, tôi chẳng bao giờ có thể quên được những giây phút ấy, những khoảnh khắc tuyệt vời nhất. 

Thành thật mà nói, tôi vẫn luôn xem Manchester City là đội bóng của mình. Chỉ vài tháng trước khi chạm tay vào chức vô địch, tôi và Edin Dzeko đã ngồi xem trận đấu giữa Man United gặp West Brom trên xe buýt. Man Utd đã thua và thật hài hước khi West Brom là đội cuối bảng. Chắc chắn tôi sẽ nhớ mãi về những người hâm mộ Man City, họ thực sự đặc biệt trong trái tim tôi. 

*** 

Bây giờ thì tôi đã quay lại Rome và có một chút cảm giác giống như hồi năm 2010. Thêm một lần nữa, tôi đại diện cho ĐT Serbia tham dự World Cup (2018), cùng với Vesna, vợ tôi và hai đứa con đi cùng. Bố mẹ tôi vẫn ở Serbia vì tôi không cho phép họ tới Nga. Mẹ tôi đã xem trực tiếp 4 trận đấu trong sự nghiệp của tôi và thật buồn cười là trận nào tôi cũng thua. Bố tôi thì quá lo lắng và phải hút tới 5 điếu thuốc trong cả trận, ông ấy cũng nên ở nhà thì hơn. 

Nhưng tôi sẽ ở Nga và ĐT Serbia cũng vậy. Tôi vẫn ghi nhớ trọn vẹn cảm giác đau đớn khi bị loại khỏi vòng bảng cách đây 8 năm. Tôi không muốn điều đó lặp lại. Bây giờ tôi còn mang trên vai chiếc băng đội trưởng, người có trách nhiệm thúc đẩy tinh thần cho các đồng đội. Đó từng là ước mơ của tôi. 

 

Có thể những người khác không biết nên chờ đợi điều gì từ ĐT Serbia nhưng tôi thích người ta nghĩ về chúng tôi theo cách như vậy. Tất cả sẽ cố gắng chứng minh cho cả thế giới biết mình là ai. Rất nhiều cầu thủ trong số chúng tôi từng kinh qua chiến tranh, bom đạn, tiếng còi báo động xuyên màn đêm… Chúng tôi biết đất nước mình từng phải chịu đựng những gì để đi đến ngày hôm nay. Cuộc xung đột vô tình đã mang đến cho chúng tôi tâm lý thoải mái, những cơ hộ tuyệt vời và một thế hệ cầu thủ với tinh thần chiến binh. 

Tất cả chúng tôi đều là một phần của đất nước này và chúng tôi ghi nhớ điều ấy. Mọi thứ đều hết sức thiêng liêng. Và bây giờ, chúng tôi sẽ chiến đấu hết sức để giành lấy cơ hội cho chính mình.

Ole (Dịch)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.