Alberto Gilardino: Câu chuyện về cây vĩ cầm buồn

Tác giả Ole - Thứ Ba 28/04/2020 20:52(GMT+7)

Zalo

Hình ảnh đó đã dần trở thành thương hiệu của Alberto Gilardino, một chân sút thực sự tài năng nhưng dường như lại quá yếu đuối để có thể vượt qua những thử thách trong cuộc đời, một cây vĩ cầm hảo hạng nhưng đã chẳng bao giờ có cơ hội để cất lên những âm thanh đẹp nhất…

Tại bảo tàng Palazzo Tursi, Genoa, người ta trưng bày trong lồng kính một chiếc đàn violin từng thuộc về Niccolo Paganini, người nghệ sĩ vĩ cầm lừng danh xuất thân từ thành phố vùng Liguria này. Khoảng thời gian còn khoác áo Genoa, Gilardino vẫn thường hay tới đây để ngắm nhìn chiếc đàn một cách đầy say mê và thích thú. Trong suốt nhiều năm chơi bóng, mỗi lần ghi bàn, tiền đạo người Italia lại nhanh chóng chạy về phía khán giả rồi tự mình chơi một chiếc violin tưởng tượng ngay trước những tiếng hò reo và niềm phấn khích đến từ người hâm mộ.

Alberto Gilardino Câu chuyện về cây vĩ cầm buồn hình ảnh
 
Hình ảnh đó đã dần trở thành thương hiệu của Gilardino, một chân sút thực sự tài năng nhưng dường như lại quá yếu đuối để có thể vượt qua những thử thách trong cuộc đời, một cây vĩ cầm hảo hạng nhưng đã chẳng bao giờ có cơ hội để cất lên những âm thanh đẹp nhất…
 
Với 188 bàn thắng đã ghi được tại Serie A, thành tích “dội bom” của Alberto Gilardino thậm chí còn tốt hơn cả những Christian Vieri, Pippo Inzaghi, Roberto Mancini, Hernan Crespo, Gianluca Vialli hay nhiều tay săn bàn thượng thặng khác. Thế nhưng, năng lực của cựu tiền đạo AC Milan thì chưa bao giờ được người ta đánh giá một cách đúng mực. Tháng 9/2013, bản thân Gilardino cũng từng chia sẻ trên tờ La Gazzetta dello Sport rằng: “Có một sự hoài nghi vô hình nào đó luôn đeo bám tôi trong suốt 13 hay 14 mùa giải ở Serie A”. Quả thật, ngay cả khi Gilardino đạt phong độ cao nhất, anh vẫn luôn phải sống trong những áp lực từ sự kỳ vọng, để rồi chẳng thể nào phát tiết được trọn vẹn tài năng của mình.
 
Gilardino sinh ra đúng vào ngày Paolo Rossi lập hat-trick vào lưới ĐT Brazil ở kỳ World Cup 1982 (5/7/1982), giải đấu mà cuối cùng người Ý đã bước lên ngôi vô địch. Cha anh, ông Gianfranco, tin rằng đó là định mệnh. Ông nói với vợ mình rằng nhất định khi lớn lên, Alberto sẽ trở thành một cầu thủ bóng đá xuất sắc. Trải qua thời gian, chứng kiến Gilardino ngày càng trưởng thành và bắt đầu giành được những thành công trên sân bóng, nhiều tifosi bắt đầu tin rằng anh chính là định mệnh của Azzurri. Mới 20 tuổi, Gilardino đã gia nhập Parma dưới sự dẫn dắt của Cesare Prandelli.

Ở mùa bóng đầu tiên, tiền đạo trẻ sinh năm 1982 chỉ là sự lựa chọn thứ ba trên hàng công khi mà bộ đôi Adrian Mutu và Adriano thi đấu cực kỳ ăn ý. Tuy nhiên, với việc Mutu quyết định chuyển đến Chelsea và mùa Hè 2003, Gilardino đã nhanh chóng nắm bắt lấy cơ hội. Đầu năm 2004, đến lượt Adriano ra đi, chân sút người Italia lại càng có thêm nhiều đất diễn tại sân Ennio Tardini. Kết thúc mùa giải 2003/04, Gilardino có được tổng cộng 23 bàn thắng ở Serie A, về thứ nhì trong cuộc đua giành danh hiệu Capocannoniere (chỉ kém Andriy Shevchenko của Milan đúng một bàn). 
 
Cũng trong mùa Hè 2004, mặc dù không được gọi tham dự VCK EURO trên đất Bồ Đào Nha nhưng Gilardino đã thi đấu vô cùng xuất sắc ở kỳ EURO dành cho lứa U21 khi trở thành Vua phá lưới (ghi được 4 bàn) đồng thời giành danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất giải. Trở lại Parma, anh tiếp tục thể hiện phong độ ổn định, một lần nữa lặp lại thành tích 23 bàn thắng ở Serie A mùa giải 2004/05, qua đó đoạt được cú đúp danh hiệu cá nhân Cầu thủ xuất sắc nhất mùa và Cầu thủ người Italia hay nhất. “Cậu ấy là tài năng tấn công hay nhất của nước Ý trong vòng 30 năm qua”, đích thân HLV Prandelli thậm chí đã nhận xét như vậy về cậu học trò cưng của mình. 
 
Chính những màn trình diễn thượng hạng này đã giúp cho Gilardino kiếm được một tấm vé thông hành để chuyển tới khoác áo AC Milan, vào thời điểm bấy giờ vẫn đang là một CLB được rất nhiều ngôi sao hàng đầu thế giới khao khát. Bản hợp đồng chuyển nhượng trị giá lên tới 25 triệu euro nghiễm nhiên cũng kèm theo không ít những kỳ vọng dành cho Gilardino. Mùa giải đầu tiên tại sân San Siro, cựu tiền đạo Parma chơi tương đối tốt ghi có được 17 bàn thắng sau 34 lần ra sân nhưng Rossoneri vẫn không thể ngăn Juventus giành Scudetto.

Hè 2006, bất chấp những hỗn loạn trong vụ scandal Calciopoli đình đám, Gilardino chính là một trong sáu chân sút được HLV Marcello Lippi lựa chọn cho kỳ World Cup trên đất Đức (bên cạnh Totti, Del Piero, Luca Toni, Inzaghi và Iaquinta). Có được một pha lập công trong trận hòa 1-1 trước Mỹ ở vòng bảng cùng tình huống chuyền bóng kiến tạo giúp cho Del Piero ấn định thắng lợi 2-0 trước Đức ở bán kết, cầu thủ khoác áo Milan với pha ăn mừng bằng màn kéo violin tưởng tượng ít nhiều đã để lại những dấu ấn trong hành trình vô địch World Cup của ĐT Italia. Cần phải nói thêm rằng, lúc này Gilardino chỉ mới 24 tuổi. Điều ấy vô tình khiến cho nhiều người tin rằng tương lai của anh sẽ còn trở nên chói lòa và rực rỡ hơn thế.
 
Nhưng rồi, mọi thứ dần dần không còn tươi đẹp với Gilardino. Mùa giải 2006/07, mặc dù Milan giành được chức vô địch Champions League, Siêu Cúp châu Âu và Cúp các CLB Thế giới, tuy nhiên những đóng góp của cựu chân sút Parma là tương đối hạn chế (12 bàn ở Serie A, 16 bàn trên mọi đấu trường). Ở độ tuổi 25, không phải là Gilardino đã đánh mất đi những phẩm chất tuyệt vời của mình. Trên thực tế, anh vẫn luôn là một trung phong sắc bén, một mẫu tiền đạo độc lập sở hữu khả năng chơi xoay lưng với khung thành cực tốt.

Nhưng rồi trước vô vàn những định kiến và áp lực quá lớn ở San Siro, cộng thêm sự kỳ vọng phải thay thế một Shevchenko quá danh tiếng, người ta càng ngày càng chứng kiến Gilardino trở nên nhạt nhòa. Những màn ăn mừng thanh thoát bên chiếc violin trong trí tưởng tượng cũng theo đó mà ít dần. 

gilardino milan
 
Tại bán kết Champions League 2007, Gilardino đã chơi hay với một bàn thắng vào lưới Man United nhưng vẫn không được HLV Carlo Ancelotti trọng dụng xứng đáng. Trước thềm trận chung kết gặp Liverpool, bất chấp việc cả Pirlo lẫn Nesta đều ngồi cạnh Gilardino trong bữa ăn chung để ủng hộ tiền đạo sinh năm 1982 đá chính nhưng cuối cùng, Inzaghi vẫn là người được Carletto lựa chọn. Trong hồi ký của mình, Ancelotti viết: “Gilardino có thể trạng tốt hơn… còn Pippo chỉ đạt 50% thể lực thôi, nhưng đó vẫn là đêm của cậu ấy”. 
 
Vốn không phải một cầu thủ mạnh về cá tính, Gilardino lặng lẽ rút lui khỏi những cuộc tranh luận và tự ôm lấy nỗi thất vọng một mình. Anh chán nản và cân nhắc chia tay Milan. Chỉ ít lâu sau, đội bóng chủ sân San Siro chiêu mộ tài năng trẻ Pato và cựu cầu thủ Parma nhanh chóng trở thành người thừa. “Tại Milan, mọi thứ càng ngày càng tệ hơn. Khoảng thời gian cuối cùng ở đây chính là thời điểm tệ nhất trong đời tôi”, Gilardino kể lại.

Mùa Hè 2008, theo lời gọi của người thầy cũ Prandelli, Gilardino cập bến Fiorentina và tái hợp cùng Mutu. Trong màu áo The Viola, chân sút người Ý dần tìm lại được niềm cảm hứng chơi bóng cần thiết, thậm chí những bàn thắng của anh còn giúp cho đội bóng chủ sân Artemio Franchi lọt vào tới Champions League. Tuy nhiên, tất cả chỉ như một cây vĩ cầm buồn cất lên những âm thanh cao trào cuối cùng trước khi vụt tắt. 

gilardino
 
Ở tuổi 28, độ tuổi lẽ ra phải là đỉnh cao sự nghiệp của một cầu thủ thì những gì mà Gilardino nhận được chỉ là câu nói: “Ánh sáng của cậu đã tắt” từ phía HLV Delio Rossi, người đã quyết định để anh chuyển đến khoác áo Genoa. Khoảng thời gian sau này, Gilardino còn tiếp tục phải lặn lội qua rất nhiều CLB, từ Bologna, Parlermo cho đến Empoli, Pescara hay Spezia. Anh trở lại Fiorentina, thậm chí còn sang cả Trung Quốc thi đấu (Guangzhou Evergrande) trước khi giải nghệ.

Trong một nhận xét về cậu học trò cũ, HLV Cesare Prandelli chia sẻ: “Gilardino là một cầu thủ tuyệt vời nhưng đồng thời cũng là một con người nhạy cảm. Cậu ấy tốt bụng và đừng nghĩ rằng điều đó là tiêu cực. Đôi lúc, những người hiền lành như vậy có lẽ không phù hợp với bóng đá. Họ không có được sự tự tin và một chút kiêu ngạo cần thiết”.
 
Rõ ràng, trải nghiệm ở Milan đã đốt cháy niềm khao khát của Gilardino. Trong những nỗi hoài nghi vô tận từ phía các tifosi khó tính, sự yếu đuối đã trở thành nguyên nhân khiến cho chàng tiền đạo người Italia không thể nào vượt qua được chính mình cũng như những cái bóng quá lớn của Inzaghi hay Sheva. Ở một góc độ nào đó, Gilardino luôn cố gắng thể hiện mình mạnh mẽ hơn vẻ bề ngoài nhưng thực tế là anh cũng chưa bao giờ đặt quyết tâm tìm lại bản thân trong màu áo một đội bóng lớn hơn. Có lẽ là mẫu người hướng nội và giàu cảm xúc như Gila cần phải nhận được nhiều hơn sự tin tưởng của mọi người thì mới có thể tỏa sáng được. “Tôi muốn có sự tin cậy và tôn trọng. Khi tôi không cảm nhận được điều ấy, tôi chẳng còn lý do gì để ở lại”.
 
Tại Parma hay Fiorentina, Gilardino luôn có được sự tin tưởng ấy, nơi anh từng chơi những mùa giải hay nhất trong cuộc đời mình. Nhưng ở Milan thì không. Một danh hiệu Serie A vẫn là thứ mãi mãi lảng tránh chân sút sinh năm 1982 bên cạnh những chức vô địch World Cup, Champions League, Siêu Cúp châu Âu… Có lẽ định mệnh của anh cũng chỉ đến thế, chỉ là một Gilardino với gương mặt điển trai, thanh thoát cùng những pha ăn mừng bàn thắng bằng màn biểu diễn violin đã trở thành hoài niệm, một tài năng từng được kỳ vọng nhưng lại quá đỗi yếu đuối để rồi nhanh chóng trở nên vỡ vụn trước những áp lực của cuộc đời, một câu chuyện về cây vĩ cầm buồn đã chẳng bao giờ có thể cất lên những âm thanh đẹp nhất…
 
-Ole-   
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

X
top-arrow