Lời khuyên tốt nhất mà tôi có thể trao cho Van Dijk là hãy thật tỉnh táo trong khoảng thời gian này, để chấp nhận nó và kiên nhẫn với bản thân mình. Tôi chắc chắn cậu ấy sẽ làm được điều đó. Cậu ấy vốn đã rất nổi tiếng với hình ảnh của một con người đầy tích cực và một vận động viên chuyên nghiệp kiệt xuất, đồng thời sẽ nhận được sự cổ vũ của tất cả mọi người tại Liverpool.
Tôi rời bệnh viện với một chiếc nẹp, cảm thấy rất không thoải mái, vẫn phải tiếp tục dùng thuốc giảm đau và chặng đường gian nan bắt đầu từ đó. Bạn sẽ giống như thể đang đi trong một đường hầm dài mà không chút ánh sáng nào. Khi mô tả như vậy, tôi không có ý nói về bệnh trầm cảm, mà chỉ đơn giản là bạn sẽ cảm thấy cực kỳ, cực kỳ bực bội! Thật sự rất kinh khủng khi phải “nếm” qua thứ trải nghiệm đột nhiên bị tách biệt khỏi tập thể mà bạn là một thành viên, và không được làm công việc mà bạn đã rèn luyện cật lực hàng ngày để làm.
Đó là lý do vì sao hiện tại, các chuyên gia vật lý trị liệu đang kiếm được rất nhiều tiền. Mạng lưới hỗ trợ tại các câu lạc bộ hiện nay vô cùng hoành tráng, cực kỳ chú trọng vào khoa học thể thao và sức khỏe tinh thần, nhưng các chuyên gia vật lý trị liệu luôn là những người làm việc hàng ngày với bạn. Vài người sẽ chẳng khác gì một chỗ dựa tinh thần cho bạn cả.
Đúng vậy, nhiệm vụ chính của họ là những công việc thuộc chuyên môn, nhưng họ cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp cho tâm trí của các cầu thủ thư giãn và đạt trạng thái tích cực, kết hợp nhiều bài tập phục hồi để giúp khoảng thời gian này không trở nên đơn điệu. Ngoài ra, bạn còn “trút giận” lên họ và xả hơi nữa.
Những khoảnh khắc đau đớn sẽ xảy đến khi bạn nhìn đám anh em hăng hái tập luyện, còn mình thì phải mắc kẹt với đống máy móc trong phòng điều trị, làm những việc mà dù không thích cũng chẳng tránh né được. Bạn muốn được thi đấu, muốn được là một phần của đội, nhưng cả hai việc đó vào thời điểm này đều là bất khả thi. Duy trì tập trung vào chuyện hồi phục là rất khó, bởi vì bạn sẽ cảm thấy sự tiến triển đang diễn ra quá chậm. Bạn cần phải đặt ra những mục tiêu cho bản thân mình: Đi bộ mà không cần bất kỳ sự trợ giúp nào, trở lại với sân cỏ, làm những việc như đá vào một quả bóng tưởng tượng, sau đó là thực hiện các động tác xoay người. Chúng sẽ tạo ra cho bạn những sự khích lệ đáng kể.
Trong giai đoạn đầu, bạn phải mất vài tháng trời để có thể được phép thật sự sút một quả bóng. Các bài tập phục hồi sẽ bao gồm bơi lội, tập tạ, xây dựng cơ bắp, giãn cơ gân kheo, giữ thăng bằng bằng cách đứng trên một chân rồi sau đó đến chân còn lại. Quá trình hồi phục sẽ đòi hỏi sự kỷ luật còn khắt khe hơn cả khi bạn đang thi đấu. Bạn sẽ phải quan tâm chế độ ăn của mình hơn bởi vì lúc đó bạn đã chẳng còn có được những màn bung sức mà lịch trình 2 trận đấu mỗi tuần mang đến và đốt cháy hàng nghìn calo.
Hồi còn nhỏ, tôi nhớ là mình đã đọc được những câu chuyện về việc Bill Shankly – kiến trúc sư của sự thành công tại Liverpool – hoàn toàn phớt lờ các cầu thủ gặp chấn thương của mình bởi vì họ không có ích gì với ông ấy cả. Có lẽ đó là một công cụ tạo động lực. Các câu lạc bộ ngày nay đang chăm lo cho những cầu thủ của họ tốt hơn rất nhiều so với trước đây, nhưng vẫn có một khoảng cách nhất định giữa đội một và phần còn lại. Khi ở chung một tập thể, một đội ngũ, bạn cùng họ bước vào những trận đấu và các buổi tập, cũng như chia sẻ những câu chuyện và kinh nghiệm với nhau.
Bạn có thể đi xe đến sân tập cùng các cầu thủ đó, ăn uống với họ, đi chơi đêm với họ, kết huynh đệ và là đồng đội của nhau, nhưng khi dính chấn thương, bạn sẽ phải làm mọi thứ một mình. Vào những thời điểm có tâm trạng tốt, bạn sẽ chỉ cảm thấy ghen tỵ. Còn khi tâm trạng xấu, bạn cảm thấy bản thân thật vô dụng và cảm giác tội lỗi vì không thể giúp ích được gì cho mọi người sẽ bao trùm lấy tâm trí bạn, mặc dù điều đó hoàn toàn chẳng phải là lỗi của bạn. Tôi chắc chắn rằng cảm giác bản thân đang bị cô lập trong tình huống đó là một chuyện hết sức tự nhiên của con người.
Tại Blackburn, trong khoảng thời gian dưỡng thương, tôi đã đi xem mọi trận đấu diễn ra trên sân nhà và thỉnh thoảng cũng tham dự những trận đấu trên sân khách nữa, chỉ để có cảm giác mình vẫn đang là một phần của đội, từ đó suy nghĩ tích cực hơn. Cũng trong những tháng ngày ấy, sẽ có một mối bận tâm luôn lởn vởn trong tâm trí bạn: Liệu rằng bạn có còn là một cầu thủ như trước đây sau khi tái xuất sân cỏ hay không? Liệu mình có còn nhanh như trước đây? Liệu mình có còn thực hiện được những tình huống tắc bóng mạnh mẽ, máu lửa như trước? Liệu mình có còn bật nhảy được như trước? Sẽ luôn luôn có những câu hỏi kiểu vậy ám ảnh trong đầu bạn.
Sáu đến tám tuần sau ca đại phẫu, tôi đã phải thực hiện một lần phẫu thuật khác, nó đã được lên kế hoạch từ trước. Tôi có 4 chiếc đinh ghim ở đầu gối và hai chiếc là tạm thời nên phải được tháo ra, nhưng không hề để lại ảnh hưởng xấu nào cả. Tôi cảm thấy cứ như mình đã có được một cái đầu gối mới, cơ thể tràn đầy sức sống, và chuyện tôi sẽ phải thực hiện một chương trình tập luyện đặc biệt hàng ngày cho đến hết sự nghiệp chẳng hề mang đến cảm giác khó chịu nào.
Khi tái xuất sân cỏ, tôi đã vô cùng mong mỏi những trận đấu trọn vẹn, nhưng điều đó chẳng thể diễn ra ngay lập tức. Tôi đã tham gia đợt tập huấn trước mùa giải vào mùa hè năm 1993, thi đấu khoảng 30 phút trong vài trận đấu và chắc chắn rằng mình đã hoàn toàn sẵn sàng. Tôi đã tập luyện rất “ngon lành” trong cả tuần, nhưng Kenny vẫn cực kỳ cẩn trọng, chỉ cho tôi chơi khoảng 10-15 phút trong các trận đấu.
Tôi đã đập cửa văn phòng của ông ấy và chất vấn, “Đến khi nào thì ông mới xài tôi đây? Tôi muốn được đá chính.” Pha lập công đầu tiên của tôi sau khi tái xuất sân cỏ là bàn thắng vào lưới Newcastle United, đội bóng mà tôi yêu, tại St James vào tháng 8. Tôi đã thực hiện một pha chạy nước rút thoát xuống phía sau hàng thủ đối phương (may quá, tốc độ của tôi vẫn còn nguyên), sau đó dứt điểm sắc bén (tuyệt vời, khả năng dứt điểm của tôi không hề biến mất!), và đó là một khoảnh khắc vô cùng hạnh phúc, vì tôi biết rằng mọi thứ đang dần trở nên “ngon lành” như trước. Sự hưng phấn đến tột cùng ấy đã khiến cho những ngày tháng đơn độc tập luyện với các chuyên gia vật lý trị liệu đều trở nên cực kỳ xứng đáng.
Tôi đã không đá chính một trận nào cho đến cuối tháng 9, nhưng vẫn cảm thấy tuyệt vời và cái đầu gối đã hoàn toàn khỏe lại. Nếu sự chần chừ của Kenny từng khiến tôi khó chịu, thì sau này, khi suy ngẫm lại, tôi hiểu rằng đó là điều tốt nhất mà ông ấy có thể làm. Kenny đã phân tích cẩn thận và lên kế hoạch với trường hợp của tôi từ trước. Ông ấy nhận thức được rằng sự trở lại của tôi không thể diễn ra một cách vội vã.
Lời khuyên tốt nhất mà tôi có thể trao cho Van Dijk là hãy thật tỉnh táo trong khoảng thời gian này, để chấp nhận nó và kiên nhẫn với bản thân mình. Tôi chắc chắn cậu ấy sẽ làm được điều đó. Cậu ấy vốn đã rất nổi tiếng với hình ảnh của một con người đầy tích cực và một vận động viên chuyên nghiệp kiệt xuất, đồng thời sẽ nhận được sự cổ vũ của tất cả mọi người tại Liverpool. Cậu ấy sẽ phải trải qua vài ba tháng khó khăn, nhưng ánh sáng sẽ xuất hiện trong “đường hầm” và cậu ấy sẽ quay lại được với nơi mà mình muốn.
Chúc cậu may mắn.
Nguồn: Lược dịch từ bài viết “Alan Shearer: How you come back from an ACL injury” của huyền thoại Alan Shearer, đăng tải trên The Athletic.