Ai là Park Ji Sung mới?

Tác giả Nam Khánh - Thứ Sáu 12/02/2021 15:26(GMT+7)

Tất cả mọi người đều yêu mến Park Ji-sung – những người thân, các đối thủ, các trọng tài, các đồng đội, các huấn luyện viên và bất kỳ ai liên quan đến Quỷ Đỏ. Các cổ động viên Manchester United đến tận bây giờ vẫn hát hò những ca khúc về chàng trai này. Và Sir Alex Ferguson dường như chưa bao giờ nói những điều không tốt về anh:

 
“Điều tuyệt vời ở Ji-sung Park nằm ở chỗ cậu ấy là một trong những cầu thủ chuyên nghiệp nhất mà chúng tôi từng có. Cậu ấy thực sự tuyệt vời, và đặc biệt là trong những trận đấu lớn. Tôi rất thích việc sử dụng cậu ấy trong các trận đấu lớn.

"Chẳng hạn, thành tích của cậu ấy trong những cuộc chạm trán Arsenal thật đáng nể. Các cuộc đối đầu với Milan cũng nên được nhắc đến và tại Old Trafford, khi tôi yêu cầu Park ‘chăm sóc’ trực tiếp Andrea Pirlo, đó chắc chắn là một kỷ niệm vô cùng đáng nhớ. Cậu ấy đã không cho phép Pirlo được thoải mái dù chỉ một chút và cái cách mà Park vượt qua anh ta cũng thật tuyệt vời.

"Park đã đảm đương những vai trò mà chỉ một cầu thủ rất kỷ luật và mang tinh thần sẵn sàng hy sinh vì những mục tiêu to lớn hơn bản thân mới có thể làm tốt được. Đó chính xác là con người của Ji-sung, sẵn sàng hy sinh vì những mục tiêu to lớn. Cậu ấy đã tận hiến cho đội bóng và dù cho bạn có giao cho cậu ấy vai trò nào đi chăng nữa, cậu ấy cũng sẽ nỗ lực hết mình để đảm đương tốt vai trò đó. Chính vì vậy, cậu ấy thực sự là một cầu thủ cực kỳ chuyên nghiệp, rất tuyệt vời và đầy kỷ luật.”
 
Còn đây là những lời chia sẻ của chính bản thân “nạn nhân” Pirlo về Park: 
 
“Hồi còn chơi cho Milan, ở Champions League, Ferguson đã chỉ đạo Park Ji-sung chơi như thể cái bóng của tôi. Cậu ta di chuyển với tốc độ của một electron. Cậu ta liên tục lao vào tôi, đeo bám tôi, dùng tay ôm lấy lưng tôi, cố gắng đe dọa tôi. Cậu ta nhìn vào quả bóng và không biết nó dùng để làm gì. 
 
Họ đã lập trình cho cậu ta nhiệm vụ hoàn toàn vô hiệu hóa tôi. Sự tận tâm của cậu ta với nhiệm vụ đó gần như là tuyệt đối. Dù cho bản thân là một cầu thủ nổi tiếng, nhưng cậu ta vẫn chấp nhận việc được sử dụng như một con chó canh gác.”
 
Park là một nguyên mẫu rất đặc biệt: Một siêu sao từ một giải đấu cấp thấp trở thành một “công nhân” cho những tình huống đặc biệt cụ thể tại một siêu câu lạc bộ. Vào thời điểm ấy – cuối thập niên trước đó và đầu thập niên 2010 – có vẻ như mọi đội bóng lớn đều có một cầu thủ kiểu này – một cầu thủ tấn công đảm nhận vai trò lớp phòng ngự đầu tiên, người được cho là sẽ tạo nên sự cân bằng với những cầu thủ tấn công đắt giá khác – những người mà “phòng ngự” chẳng hề được đặt nặng trong danh sách các nhiệm vụ của họ – trong – như Sir Alex Ferguson đã nói – những trận đấu lớn.

Bạn không thể có một Wayne Rooney, một Carlos Tevez, và một Cristiano Ronaldo trên sân mà thiếu đi một Park Ji-sung, đây được xem là một chân lý. Trên thực tế, bạn thường chỉ có thể đưa ra sân 2 trong số 3 người họ bởi vì bạn cần để giành chỗ cho một Park, đây cũng là một sự thật. Hồi đó, việc Liverpool và Manchester City đối đầu nhau mà không có một cầu thủ “kiểu Park” trong đội hình xuất trận 11 người là một chuyện không tưởng – giống như cả hai đã làm trong cuộc chạm trán gần đây.

 
Cầu thủ “công nhân” người Hàn Quốc dường như luôn hiện diện – và để lại ấn tượng mạnh mẽ – đối với bất kỳ ai đã theo dõi Manchester United trong những năm tháng cuối triều đại Sir Alex Ferguson, nhưng chủ yếu là bởi vì anh thực sự chỉ chơi trong những trận đấu mà bạn muốn xem. Park chưa bao giờ thi đấu quá 1.700 phút trong một mùa giải ở Premier League và chỉ có vỏn vẹn 2 lần chơi hơn 1.000 phút trong 7 mùa giải đã trải qua cùng Manchester United. Mùa giải 2010/2011 có lẽ chính là ví dụ điển hình nhất về Park: Anh đã đá chính đến 9 trong 10 trận đấu của Man United ở Champions League, nhưng chỉ góp mặt trong đội hình xuất trận 13 lần trong số 38 trận đấu của Quỷ Đỏ ở Premier League. 
 
Ngoài trường hợp hiếm hoi về những câu lạc bộ lớn kỳ quặc sử dụng một thủ môn cho Champions League và một thủ môn khác cho đấu trường quốc nội – hãy nhớ về Barcelona ở mùa giải 2014/2015 – thì kiểu dùng quân dựa trên tình huống này đã không còn diễn ra nữa. Những cầu thủ giỏi nhất có xu hướng ra sân mọi lúc; những đội bóng hàng đầu luôn cố gắng khiến các đối thủ phải “cúi đầu” trước phong cách bóng đá của họ; và những phong cách đó ngày càng tập trung hơn vào khía cạnh tấn công. Giờ đây, thay vì say sưa bàn luận, ca ngợi những điều chỉnh kiểu như sự khôn ngoan của Ferguson khi trọng dụng đôi chân cực kỳ cần mẫn và tràn đầy năng lượng của Park cho những trận đấu quan trọng nhất, gần như tất cả mọi người đều chế giễu Pep Guardiola bất cứ khi nào ông thực hiện một sự thay đổi “không chính thống” trong một trận đấu lớn. 
 
Liệu có một “Park của năm 2021” nào đang tồn tại hay không? Có một vài cái tên có thể sẽ được nghĩ đến khi câu hỏi này được đưa ra: Lucas Vazquez của Real Madrid, Giorginio Wijnaldum của Liverpool, và cũng có thể sẽ có cả Mason Mount của Chelsea. Nhưng ý của tôi khi đưa ra những ví dụ đó chủ yếu thiên về hướng “cả ba đội bóng được đề cập đều sở hữu những cá nhân cầu thủ khác có thể đóng góp nhiều hơn vào các bàn thắng và các pha kiến tạo so với 3 gương mặt này, thế nhưng họ vẫn được chọn sử dụng”.

Tuy nhiên, Wijnaldum và Mount chắc chắn không phù hợp với tiêu chí “chỉ dành cho những trận đấu lớn”; họ luôn được ra sân. Về phần Lucas, tôi có xu hướng nghĩ anh ta như một cầu thủ chỉ khiến các fan Real Madrid phát cáu, thay vì một cầu thủ hữu dụng, tuy kém hào nhoáng nhưng vẫn góp công đáng kể vào những chiến thắng của đội. Và có lẽ đây chỉ là một dấu hiệu của bóng đá hiện đại; có thể nếu Park xuất hiện muộn hơn 10 năm, anh sẽ là một đối tượng bị khinh miệt như một tư duy sai lầm của một nhà cầm quân; có thể anh sẽ bị nhìn nhận là một … Dan James. Và có thể nếu Lucas phù hợp với cách hoạt động của Galacticos, các tín đồ của Real Madrid sẽ hát hò những ca khúc về anh – rất lâu sau khi anh ra đi. 
Nhưng chính xác thì có cầu thủ nào giống như Park vào thời điển hiện tại hay không? Liệu có ai ở một câu lạc bộ lớn đang thực sự làm những điều mà Park từng làm hay không?  
 
Chúng ta sẽ định nghĩa “câu lạc bộ lớn” là những cái tên nằm trong top 12 trên bảng xếp hạng các câu lạc bộ bóng đá toàn cầu của “FiveThirtyEight” tính đến chiều thứ Hai tuần này, như sau: 
 
 
Chúng ta sẽ sử dụng mùa giải Premier league mà Park đạt được những con số thống kê tốt nhất – mùa giải 2008/2009 – để cố gắng tìm ra “Park tiếp theo”. Dưới đây là những số liệu được cung cấp bởi Stats Perform:
 
- Số cú sút mỗi 90 phút: 1,3
- Số cơ hội tạo ra cho đồng đội mỗi 90 phút: 1,2
- Số pha chạm bóng bên trong vòng cấm mỗi 90 phút: 4,3
- Số đường chuyền đưa bóng vào vòng cấm mỗi 90 phút: 2,3
- Số đường chuyền vào khu vực 1/3 cuối sân đối phương mỗi 90 phút: 2,3
- Số lần thu hồi bóng mỗi 90 phút: 4,0
- Số pha tắc bóng mỗi 90 phút: 3,0
- Số pha cắt đường chuyền mỗi 90 phút: 2,0.
 
Chúng ta sẽ bắt đầu với việc phân tích những con số ở khía cạnh tấn công của Park, khá bất ngờ, chỉ có 31 cầu thủ thuộc 12 đội bóng hàng đầu đạt được tất cả các con số của Park. (Chúng ta đang sử dụng các số liệu thống kê ở mùa giải trước và mùa giải này, kết hợp lại). Những con số của Park ở khía cạnh tấn công chẳng có gì quá đặc biệt, nhưng cầu thủ người Hàn Quốc đã đóng góp một chút vào tất cả các giai đoạn của việc tổ chức tấn công. Điều này cũng chính là một minh chứng cho thấy biệt danh “Park ba phổi” hoàn toàn không hề phóng đại – anh hiện diện ở khắp mọi nơi trên sân, đóng góp vào mọi khía cạnh của cuộc chơi – và những con số đó dù cho không tạo ra ấn tượng mạnh, nhưng thực sự thì thành tích này nói thì dễ hơn làm. Thật thú vị, đội bóng duy nhất không có cầu thủ nào đạt đến được những “tiêu chuẩn” của Park lại chính là Manchester United. Quên Fergie đi; họ cũng chưa bao giờ thay thế được Park. 
 
Để hiểu rõ hơn nữa về khả năng của Park trong khía cạnh tấn công, chúng ta hãy phân tích sự tham gia của anh vào các bàn thắng và những cú sút. Mỗi 90 phút, các “Sequence” mà Park tham gia vào ở mùa giải 2008/2009 đã kết thúc với những cú sút có giá trị trung bình 0,35 xG (bàn thắng kỳ vọng). Trong tất cả các “sequence” mà anh tham gia, 12,69% trong số đó đã dẫn đến những cú sút và 1,21% dẫn đến các bàn thắng. Và mỗi 90 phút, anh đã khởi đầu cho trung bình 0,16 “sequence” dẫn đến một bàn thắng và 1,04 dẫn đến một cú sút. (Sequence hiểu nôm na là chuỗi cầm bóng liên tiếp không đứt đoạn của một đội, bắt đầu tính từ lần đoạt bóng đầu tiên cho tới khi bị cướp đi, bóng ra biên, hoặc khả quan nhất,là  kết thúc bằng một pha dứt điểm về phía khung thành đối phương)

Lấy tất cả các con số được đề cập làm “tiêu chuẩn”, và chúng ta sẽ chỉ còn lại 11 cầu thủ đạt đẳng cấp tương đương ngôi sao người Hàn Quốc:
 
-Barcelona: Lionel Messi
-Bayern Munich: Thomas Muller
-Chelsea: Willian
-Inter Milan: Alexis Sanchez và Ivan Perisic
-Juventus: Paulo Dybala
-RB Leipzig: Christopher Nukunku
-Manchester City: David Silva, Kevin De Bruyne, Riyad Mahrez
-PSG: Angel Di Maria
 
Giờ đây, có thể nói rằng, danh sách được rút ra ở trên bao gồm những cầu thủ vô cùng tuyệt vời! Chúng ta chỉ lựa chọn 12 đội bóng xuất sắc nhất để đưa vào bài phân tích này và chúng ta cũng đã nâng cao “tiêu chuẩn” đối với những chỉ số về khía cạnh tấn công. Hầu hết bọn họ đều dứt điểm, tạo cơ hội, xâm nhập vòng cấm, và tịnh tiến bóng nhiều hơn Park, nhưng sự thật vẫn là chỉ có 11 cầu thủ làm được tất cả những điều mà Park đã làm trong khâu tấn công. 
 
Khi chúng ta xét đến khía cạnh “thu hồi bóng”, danh sách sẽ giảm xuống chỉ còn  Muller, Willian, Sanchez, và 3 cầu thủ của Man City. 
 
Tuy nhiên, khi tiến hành tìm kiếm những cái tên sở hữu các con số thống kê tương đương Park trong những khía cạnh còn lại, chúng ta sẽ … chẳng tìm thấy ai cả. Trong khi Park thực sự đúng là không thể sánh bằng output tấn công của bất kỳ ai trong số này, nhưng cũng không ai trong số họ sở hữu khả năng tranh cướp bóng của anh. Cầu thủ có số lần tắc bóng trung bình mỗi 90 phút nhiều nhất trong số những cái tên đã nêu để so sánh với Park là Muller (1,8), còn cầu thủ có số pha cắt đường chuyền trung bình mỗi 90 phút nhiều nhất là Willian (0,7). Tổng cộng số lần tắc bóng và những pha cắt đường chuyền của Park mỗi 90 phút là 5,0; của Muller là 2,34, còn của Willian là 2,25. 

 
Mặc dù vậy, cả Muller và Willian đều mang đến cảm giác rằng họ rất thích hợp để được nhìn nhận như những “Park phiên bản mới”. Trong hai người họ, Willian (tất nhiên là trước mùa giải này) là gương mặt có nhiều sự tương đồng với Park hơn; một cầu thủ tấn công cánh vô cùng năng nổ và cực kỳ nhanh, dường như thường được yêu cầu “hy sinh” tiềm năng ghi bàn và sáng tạo của bản thân để mang lại những lợi ích lớn hơn cho các đội bóng của mình. Khi 2 winger của Chelsea trên sân quyết định làm bất kỳ điều gì vào một thời điểm nhất định, Willian luôn là người rất ít được kỳ vọng về các pha bóng “làm nên chuyện”, nhưng họ vẫn giành được những chiến thắng với sự hiện diện của anh trong đội hình.

Còn về Muller, anh đích thực là một “glue guy” hàng đầu của thế giới bóng đá (Glue guy: Một thuật ngữ trong bóng rổ, dùng để ám chỉ những cầu thủ không ghi điểm nhiều, nhưng lại là nền tảng giúp cho các ngôi sao đội nhà ghi điểm), một “cầu thủ của các trận đấu lớn” chính hiệu, đương nhiên rất hữu dụng và sẵn lòng khi phải tham gia hỗ trợ phòng ngự, nhưng đồng thời, anh cũng ghi bàn và kiến tạo với hiệu suất của một siêu sao.  
 
Vậy, Muller và Willian chính là hai cái tên cuối cùng. Tất nhiên, không có ai trong số họ là một sự so sánh hoàn hảo với Park, nhưng bạn còn mong đợi điều gì nữa cơ chứ? Dù sao thì họ cũng chẳng khiến cho mọi người tiếp tục thích nhìn thấy một “Park” thêm nữa.
 
Nguồn : Lược dịch từ bài phân tích “Who Is the Modern Park Ji-sung?” của tác giả Ryan O’Hanlon, đăng tải trên No Grass in the Clouds. 
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Đêm huyền ảo ở Munich

Thật không tưởng và kỳ lạ, nhưng giờ tôi có thể nói với bản thân mình, ‘Chúa ơi, thì ra cảm giác vô địch là thế này! Tôi luôn luôn tự hỏi nó sẽ như thế nào, nhưng giờ tôi đã biết rồi!’.

Pep Guardiola gia hạn với Man City: Ai buồn, ai vui?

Lại một lần nữa trong những ngày tháng 11, Pep Guardiola lại quyết định gia hạn hợp đồng với Manchester City sau 2 lần gia hạn trước đó vào năm 2020 và 2022. Bản hợp đồng mới cho phép Pep gắn bó thêm 2 năm với đội chủ sân Etihad và đánh dấu cột mốc tròn 1 thập kỷ chiến lược gia vĩ đại này dẫn dắt nửa xanh thành Manchester.

Rodri: "Có nhiều thứ bạn sẽ không thể học được qua trường lớp mà phải tự chiêm nghiệm theo thời gian"

Khôn khéo trong cách ăn nói, kín đáo trong phong cách ăn mặc, là một người có học thức khi đã tốt nghiệp đại học và một cơ thể không dính một hình xăm... Có thể nói Rodri giống như một "cánh chim vừa lạ, vừa đặc biệt" trong thế hệ các cầu thủ đang thi đấu ở bóng đá hiện đại. Và ở cuộc phỏng vấn với Esquire, chúng ta sẽ có dịp hiểu nhiều hơn về con người và lối suy nghĩ của Rodri - cầu thủ đang chơi cho Man City vừa đoạt được danh hiệu Quả bóng vàng năm 2024.

Nghịch lý Vinícius Júnior

Vinícius Júnior đã thất bại trong cuộc đua Ballon d’Or vào tháng trước, nhưng bạn hãy thử nói với người hâm mộ Real Madrid rằng anh thực sự không xứng đáng giành Quả Bóng Vàng mà xem. “Vinícius, Ballon d'Or,” đám đông khán giả tại Santiago Bernabeu đã hát đi hát lại câu này vào hôm thứ 7, khi tiền đạo người Brazil lập hattrick trong chiến thắng 4-0 của Madrid trước Osasuna.

Luis Nani: Cuộc đời xoay trong những điệu santo

Gần 40 tuổi, thay vì lựa chọn nghỉ hưu ở những bãi biển xinh đẹp, Nani vẫn tiếp tục chơi bóng. Chẳng quan trọng là Manchester United lừng danh thế giới, Valencia đình đám một thời hay Sporting Lisbon giàu truyền thống, chỉ cần được ra sân và cống hiến, như thế là đủ mãn nguyện đối với ngôi sao người Bồ Đào Nha.

Ruben Amorim: "Tôi sẽ làm tất cả để đưa Man Utd trở về vị thế của mình"

Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.

Ayoze Perez: Sau cơn mưa mù là nắng ấm

Từ một cái tên từng nổi lên tại xứ sở sương mù trong màu áo Newcastle cách đây gần một thập kỷ, rồi bất ngờ ngụp lặn bởi những ca chấn thương, Ayoze Perez giờ đây đã quay trở về quê hương Tây Ban Nha ấm áp và trở thành nguồn cảm hứng kỳ lạ mang đến nét tươi mới cho Villarreal trong mùa giải năm nay.