Những lời tâm sự được chính cựu danh thủ Adriano viết trên website The Players’ Tribune, về nhịp sống tại khu ổ chuột nơi anh sinh thành, về quyết định rời bỏ thế giới bóng đá đỉnh cao hào nhoáng để tìm lại về nơi đây.
Bạn có biết cảm giác bản thân trở thành một lời hứa, một niềm kỳ vọng to lớn là như thế nào không?
Tôi thì biết đấy.
Bao gồm cả cái cảm giác biến thành một kẻ thất hứa, phản bội lại mọi kỳ vọng nữa.
Sự phí phạm lớn nhất thế giới bóng đá: Chính là tôi chứ ai.
“Phí phạm”, tôi thích cái từ này. Không chỉ vì nghe nó hay, mà còn vì tôi thực sự ám ảnh với việc tự phí phạm cuộc đời mình. Tôi hoàn toàn hài lòng với cuộc sống hiện tại, với sự lãng phí điên rồ của mình. Thậm chí tôi còn thích thú cái vết nhơ này ấy chứ.
Tôi không xài hàng trắng như người ta cứ cố chứng minh.
Tôi không thích thú gì việc dính líu tới mấy hoạt động tội phạm, nhưng tất nhiên, có lẽ tôi đã lỡ nhúng chàm kha khá.
Tôi cũng không khoái đi hộp đêm, bar bủng gì cả.
Tôi luôn tìm tới cùng một chốn trong khu phố của mình khi muốn giải trí chơi bời, quán của Naná. Nếu bạn muốn gặp tôi, hãy ghé qua đó.
Cứ cách ngày, tôi lại nhậu nhẹt bét nhè. (mà có khi ngày nào cũng uống).
Làm thế nào mà một người như tôi lại trở thành một con ma men như vậy?
Tôi không thích kể lể chuyện đời mình với người khác. Nhưng lần này sẽ là ngoại lệ. Tôi mải miết nhậu nhẹt là do cái cảm giác thống khổ khi trở thành một kẻ bội tín, thất hứa. Thậm chí nỗi đau ấy còn nặng nề hơn ở cái tuổi này.
Người ta gọi tôi là Hoàng Đế.
Thử tưởng tượng mà xem.
Một thằng cha xuất thân từ một khu ổ chuột ở Brazil tới châu Âu rồi được ca tụng là Hoàng Đế. Liệu anh sẽ giải thích chuyện này thế nào đây, anh bạn? Tới tận bây giờ ngay cả tôi vẫn chẳng thể hiểu nổi ấy chứ. OK, thật ra đúng là hồi ấy tôi đã làm được nhiều thứ hay ho.
Nhiều người không thể hiểu tại sao tôi lại từ bỏ ánh sáng vinh quang của các sân vận động hoành tráng để trở về với khu phố cũ của mình, mải mê nhậu nhẹt tới mức quên cả bản thân.
Đơn giản là vì hồi ấy tôi muốn làm thế thôi, và đó là một quyết định khó có thể “quay xe”.
Nhưng giờ tôi không muốn hồi tưởng dài dòng về chuyện đó đâu. Tôi muốn các bạn cùng tôi du ngoạn một chuyến cơ.
Tôi từng sống ở Barra da Tijuca, một khu sang chảnh của Rio. Nhưng nơi chôn nhau cắt rốn của tôi là tại một khu ổ chuột.
Vila Cruzeiro. Complexo da Penha.
Ngồi lên yên sau đi nào. Chúng ta sẽ đến đó bằng xe máy. Đi kiểu này tôi mới thấy thoải mái.
Tôi sẽ báo cho vài người biết là chúng ta sắp đến đó. Hôm nay, bạn sẽ được biết Adriano thực sự thường làm gì khi cùng đám anh em huynh đệ của mình sống ở một chốn rất đặc biệt. Vứt hết mấy dòng giật tít câu khách, mớ tin lá cải bịa đặt vào sọt rác đi. Bạn sẽ được chứng kiến sự thật trần trụi.
Khẩn trương lên nào anh bạn. Trời gần sáng rồi. Chậm thêm chút nữa thôi là kẹt xe kinh lắm đấy. Anh không biết à, anh bạn? Từ đây đến Penha bằng đường Yellow Line thì nhanh lắm, nhưng chỉ khi đi vào giờ này thôi.
Thế tóm lại là bạn có định đi không đây?
***
Tôi đã kể với bạn rồi nhỉ? Kia kìa, nằm ngay lối vào khu. Sân Ordem e Progresso đấy. Mẹ nó, tôi đá bóng ở cái sân này còn nhiều hơn ở San Siro đấy. Thề luôn.
Để ra vào Vila Cruzeiro, bạn sẽ phải đi qua mặt tiền của sân bóng này. Bóng đá đã bao trùm lên cuộc sống của chúng tôi như thế đấy.
Ở chốn này, bố tôi thực sự hạnh phúc. Tên ông ấy là Almir Leite Ribeiro. Nhưng mọi người thường gọi ổng là Mirinho. Ổng có uy ở đây lắm đấy. Bạn nghĩ tôi nói xạo à? Cứ việc hỏi bất kỳ ai trong khu này đi.
Lịch trình của ông ấy vào mỗi sáng thứ Bảy luôn y hệt nhau. Ổng sẽ dậy sớm, chuẩn bị đồ đạc cần dùng và chực chờ muốn phóng ngay ra sân bóng. “Lẹ lên nào! Bố đang chờ mày đấy nhóc! Đi thôi, trận hôm nay sẽ căng lắm đấy,” ổng thường nói thế. Hồi đấy, tên đội bóng nghiệp dư của chúng tôi là Hang. Tại sao nó được đặt tên như vậy ư? Tôi cũng chẳng biết nữa! Từ hồi tôi mới gia nhập thì nó đã mang cái tên này rồi. Thế là tôi đã có một thời gian dài chơi bóng trong màu áo xanh vàng. Tôi không chém gió đâu. Y hệt như đồng phục Parma mà sau này tôi sẽ mặc luôn. Chuyện duyên số thú vị thật. Ngay cả sau khi tới châu Âu, nguồn cội banh bóng Várzea vẫn không hề phai mờ chút nào trong huyết quản tôi – đó là cách chúng tôi gọi giới bóng đá a ma tơ ở Brazil.
Tất nhiên rồi. Hồi năm 2002, khi quay về Brazil từ Italy để nghỉ hè, tôi chẳng làm gì khác ngoài sấn vào mấy trận banh. Tôi đã bắt taxi phóng từ sân bay tới thẳng Cruzeiro. Trời ạ. Tôi thậm chí còn không về thăm mẹ trước tiên.
Tôi sẽ đi xuống chân dốc, quăng đống hành lý xuống và hò hét. Tôi gõ cửa nhà Cachaça, một thằng bạn chí cốt (giờ thì cầu mong nó được yên nghỉ), và cửa nhà Hermes, một đứa bạn từ thuở thơ ấu khác. Tôi đấm vào cửa sổ nhà bọn nó, “Dậy đi nào thằng trời đánh! Lẹ lên! Chiến thôi!” Jorginho, một thằng bạn thơ ấu tuyệt vời khác của tôi, cũng sẽ nhập bọn và kế tiếp là… thôi, liệt kê tới đây là đủ rồi. Và rồi cả bọn sẽ phát cuồng lên! Sau đó, phần còn lại của thế giới sẽ chẳng thể nào tìm thấy chúng tôi. Chúng tôi đã chơi bóng khắp cả phố, la cà khắp các chốn, quẩy tẹt ga hết quán bar này đến quán bar khác. Độ quậy của chúng tôi thì ngay cả một con la hiền lành cũng sẽ phát cáu đấy!
Một trong những kình địch của Hang là đội Chapa Quente. Chúng tôi thậm chí còn từng đấu với họ trong trận chung kết của một giải nghiệp dư. Khi ấy tôi đã khoác áo Parma rồi. Ngày nào bố cũng gọi cho tôi cả. “Bố đăng ký cho mày dự giải rồi đấy, con trai. Chắc kèo là bọn nó đang run như cầy sấy. Cả tháng nay bố đã liên tục gáy với bọn nó, ‘Thằng bé bự nhà tao sắp về rồi đấy.’” Và chúng nó trả lời với sự sợ hãi, “Thế thì khác gì ăn gian hả, Mirinho.” Kệ mẹ chúng nó chứ. Tôi sẽ đá.
Và dĩ nhiên là tôi đã lâm trận rồi!
Với một ly Coca-Cola nhỏ trên tay (thứ đồ uống duy nhất mà ông thích), bố tôi thông báo đội hình xuất trận của Hang.
“Hangrismar trong khung thành. Lemongrass, Richard, và Cachaça ở hàng thủ.”
Bà mẹ nó, Lemongrass là một tay khó ưa cực. Hắn cứ luôn mồm phàn nàn về mọi thứ. Richard thì có khả năng sút bóng rất mạnh, thậm chí có khi còn mạnh hơn cả tôi ấy chứ. Tất cả những ai tham gia xếp hàng rào đều sẽ sợ phát khiếp khi hắn được giao nhiệm vụ đá phạt…
“Hermes đá tiền vệ với Alan.
Crézio đá cánh phải và Jorginho đá cánh trái, cậu ta là số 7 của chúng tôi.
Trên hàng công là Frank, Dingo, người mặc áo số 10, và Adriano.”
Đội hình này chiến được cả Champions League luôn ấy chứ.
Để tôi giúp bạn hình dung này. Ở Rio, đặc trưng của thời điểm cuối năm là thời tiết sẽ nóng rực. Nhưng cùng với đó là tiếng nhạc vang lên khắp nơi. Điệu Samba xuất hiện khắp chốn. Những cô em tóc nâu nóng bỏng đi qua đi lại đầy đường. Lạy chúa trên cao, cảm ơn phước lành Người đã ban tặng cho chúng tôi. Không có nơi nào khác trên hành tinh tuyệt hơn cái chốn này, anh bạn ạ.
Chúng tôi đã thắng trận chung kết. Pháo hoa được đốt lên khắp khu ổ chuột. Cảnh tượng ấy tuyệt đẹp. Quá là phê luôn.
Cũng chính trên sân bóng này mà tôi có lần đầu nếm mùi rượu bia. Bố tôi dữ lắm, anh bạn ạ. Ổng không thích bọn ma men, càng ghét thấy trẻ con sờ tới món này.
Tôi vẫn nhớ như in lần đầu tiên ông ấy bắt quả tang tôi nốc bia. Lúc ấy tôi mới 14 tuổi, và cả khu đang ăn mừng. Sân Ordem e Progresso cuối cùng cũng được lắp đèn pha, vậy nên mọi người đã tổ chức một trận đấu kèm một bữa tiệc nướng.
Có đông người tham gia lắm, cực kỳ vui luôn, đặc trưng của giới Várzea là thế. Mọi người đều nhảy Samba, hết mình tận hưởng bữa tiệc. Hồi ấy, tôi chưa phải là một thằng bợm nhậu. Nhưng khi tôi thấy bọn nhóc trong tiệc đứa nào cũng uống, ngất ngây vui đùa, tôi đành phải, “aaaahhhh, quất thôi, tới đâu hay tới đó vậy.” Chẳng còn cách nào khác, chẳng lẽ tôi lại chấp nhận mình không chất chơi bằng bọn nó. Tôi lấy một cốc nhựa rồi đổ đầy bia vào. Cái cảm giác lần đầu tiên thứ chất lỏng đầy bọt mang vị đắng ấy chảy xuống cổ họng thật đặc biệt. Một thế giới mới đầy “khoái lạc” vừa mới mở ra trước mắt tôi. Mẹ tôi cũng có mặt ở bữa tiệc và nhìn thấy cảnh đó. Nhưng bà ấy không nói gì cả. Còn bố tôi thì… ôi chúa ơi.
Khi thấy tôi cầm ly bia trên tay, ông ấy đã xông đến với tốc độ vội vã của một người sắp để lỡ một chuyến xe buýt. “Bỏ cái ly xuống cho tao,” ông ấy hét lên với sự giận dữ thấy rõ. Tôi thốt lên, “Ch.ết mẹ rồi.” Các dì và mẹ tôi mau chóng hiểu ra họ cần phải xoa dịu mọi chuyện trước khi tình hình trở nên tệ hơn. “Thôi nào Mirinho, thằng bé chỉ đang chung vui chút với bạn bè thôi, nó sẽ không làm gì điên rồ đâu. Nó chỉ ở yên đó vui vẻ cười đùa thôi mà, để yên cho nó đi. Dù sao Adriano cũng lớn rồi mà,” mẹ tôi khuyên.
Nhưng rốt cuộc mấy lời đó hoàn toàn vô dụng.
Bố thực sự phát khùng. Ổng giật lấy cái ly khỏi tay tôi rồi quăng đi. “Bố dạy mày như thế à con?” ông mắng.
Mirinho là thủ lãnh của Vila Cruzeiro. Tất cả mọi người đều kính nể ổng. Ông ấy là tấm gương của cả khu. Một trong những sứ mệnh của Mirinho là ngăn không để đám trẻ con dính líu vào mấy thứ mà chúng tuyệt đối không nên dính líu. Ông ấy luôn cố kéo chúng ra sân bóng. Ông ấy không muốn thấy bọn trẻ trở thành mấy đứa lêu lổng hư hỏng. Càng không muốn chúng bỏ bê việc học hành. Bố của ông – tức là ông nội tôi ấy – cũng từng là một con ma men đích thực. Thậm chí ổng còn ch.ết vì rượu bia cơ. Vì thế, mỗi khi nhìn thấy bỏ trẻ con bia rượu, bố tôi sẽ không chút chần chừ mà hất hết đống ly, chai xuống đất. Nhưng làm thế mãi cũng chẳng ích gì, phải chứ? Thế là ông già quyết định đổi chiến thuật. Khi chúng tôi không để ý, ổng sẽ tháo hàm răng giả của mình ra và bỏ nó vào cốc của tôi, hoặc cốc của mấy đứa bạn đi cùng tôi. Ổng đúng là một huyền thoại mà. Tôi nhớ ổng quá đi mất…
Tất cả mọi bài học mà tôi học được từ bố đều như thế cả -- thông qua hành động. Chúng tôi chẳng có những cuộc trò chuyện dài dòng lê thê. Ông già không phải kiểu người thích lý sự hoặc giảng đạo. Cách sống ngay thẳng vững bền của ông ấy và sự tôn trọng mà mọi người dành cho ông là những điều khiến tôi nể nhất.
Cái ch.ết của bố đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời tôi, mãi mãi. Cho tới tận ngày hôm nay, đó vẫn là một mất mát mà tôi chẳng thể xử lý nổi. Tất thảy mọi rắc rối đều từ đó mà ra, trong cái cộng đồng mà tôi hết mực yêu quý này.
Vila Cruzeiro không phải là nơi tuyệt vời nhất thế giới. Mà hoàn toàn ngược lại.
Đó là một nơi thực sự rất nguy hiểm. Cuộc sống ở đó khắc nghiệt lắm. Mọi người ai cũng khổ cực cả. Nhiều anh em banh bóng của tôi đã phải rẽ sang những con đường khác. Chỉ cần nhìn quanh nơi đây, bạn sẽ hiểu. Nếu tôi mà dừng lại để liệt kê hết những người quen đã mất mạng vì bạo lực, việc đó sẽ tốn nhiều ngày liền… Cầu mong Đức Chúa Trời phù hộ cho họ. Bạn có thể hỏi bất kỳ ai ở đây – nếu mà có cơ hội chuyển đi nơi khác thì họ sẽ chộp lấy nó ngay lập tức.
Con mẹ nó, bố tôi từng bị bắn vào đầu trong một bữa tiệc ở Cruzeiro. Là đạn lạc. Ông ấy chẳng dính líu gì tới vụ đấu đá ấy cả. Viên đạn xuyên qua trán rồi găm vào phía sau đầu. Các bác sĩ không có cách nào lấy viên đạn ra. Từ đó, cuộc sống gia đình tôi chẳng bao giờ trở lại được như trước. Bố tôi bắt đầu thường xuyên lên cơn động kinh.
Bạn đã bao giờ nhìn thấy một người bị động kinh ngay trước mặt mình chưa? Bạn sẽ không muốn thấy cảnh tượng đó đâu, anh bạn.
Nó đáng sợ lắm.
Khi bố bị bắn, tôi mới 10 tuổi. Sau đó, tôi đã phải lớn lên cùng những cơn động kinh của ông. Mirinho chẳng thể đi làm được nữa. Thế là gánh nặng cơm áo gạo tiền của gia đình đổ dồn lên hết đôi vai mẹ tôi. Vậy bà đã làm gì trong tình cảnh khốn khổ ấy? Bà đã kiên cường đối mặt với nó, đồng thời nương tựa vào hàng xóm láng giềng. Họ hàng nhà tôi cũng dang tay giúp đỡ. Ở đây mọi người đều cơ cực cả. Chẳng có ai khá giả hơn ai. Nhưng kể cả vậy mẹ tôi vẫn không hề cô độc. Luôn có những người sẵn lòng dang tay giúp đỡ bà.
Một ngày nọ, có một người hàng xóm đã đến nhà tôi với một thùng trứng lớn và bảo, “Rosilda, lấy mớ này đi bán đi, cô sẽ kiếm được chút tiền để mua đồ ăn cho Adriano đấy.” Nhưng bà ấy làm gì có tiền để mua lại hết đống trứng ấy. “Không sao đâu. Cứ mang đi bán xong rồi trả tiền cho tôi sau cũng được.” Tình cảm bà con chòm xóm ở đây đại khái là như thế đó, anh bạn.
Có một người hàng xóm khác mang tới cho bà một bình ga. “Rosilda, bán cái này đi. Nửa số tiền kiếm được sẽ là của cô.” Và ngày nào mẹ tôi cũng cố hết sức để kiếm về từng đồng, từng cắc như thế. Bố tôi chỉ có thể ở nhà. Mẹ phải gánh vác hết chuyện cơm áo gạo tiền, còn bà ngoại thì đưa tôi đi tập.
Một trong những người dì của tôi đã kiếm được một công việc giúp bà ấy nhận được nhiều phiếu ăn. Bà ấy đã đưa chúng cho mẹ tôi. “Rosilda, tuy không nhiều nhặn gì cho lắm, nhưng ít nhất cũng đủ mua cho Adriano cái bánh quy.”
Nếu không có những con người tốt bụng ấy, tôi sẽ chẳng là cái thá gì cả.
Hoàn toàn chẳng là cái thá gì cả.
Mẹ nó, kể chuyện nãy giờ làm tôi khát khô cổ họng rồi. Thôi giờ chúng ta tạm dừng ở túp lều của thằng Hermes bạn tôi nhé. Nó nằm ở đằng sau sân cỏ. Đấy, kia kìa! Ở trong con hẻm kia đấy.
Bà ngoại tôi cũng từng sống ở đây. Dona Vanda, một người bà tuyệt vời. Tôi từng kể cho bạn nghe về bà ấy rồi nhỉ? “Adi-rano, cháu yêu! Đến đây ăn bỏng ngô này.” Đến tận bây giờ bà vẫn chẳng thể gọi đúng tên tôi.
Hồi nhỏ, ngày nào tôi cũng ở nhà bà. Thời ấy mẹ, bố và tôi sống ở đường số 9, nằm trên đỉnh dốc. Bạn có muốn lên đó tham quan tí không? Mà chốn ấy phức tạp lắm. Có đủ thứ chuyện thị phi diễn ra ở đó. Tốt hơn hết là chúng ta nên ở lại đây. Khu ổ chuột có một số quy tắc mà chúng ta cần phải tuân thủ.
Hồi tôi còn nhỏ, mẹ tôi thường giao tôi cho bà ngoại trông coi khi bà ấy đi làm. Ngoại đưa tôi tới trường rồi đến Flamengo. Từ thuở ấy nhịp sống của tôi đã bắt đầu bận rộn, hối hả rồi.
Hermes ơi! Lôi bộ domino ra đi nào. Cẩn thận nhé, thằng này hay cầm nhầm đồ của người khác lắm. Đừng rời mắt khỏi nó. Thằng Hermes này tinh ranh như quỷ ấy. Ngồi xuống nhập bọn luôn đi, Jorginho. Quất vài ván domino nào, cho mày đi trước.
Hồi xưa chúng tôi thường tắm trong một cái hố ở cuối con hẻm. Bể bơi phong cách khu ổ chuột đấy anh bạn. Bà mẹ nó, cứ tưởng tượng mà xem ở phía Nam Rio, khu tụ tập của bọn nhà giàu, mà đã nóng như thiêu như đốt rồi, thì ở cái khu ổ chuột phía Bắc Rio này còn nóng tới mức nào nữa. Bọn trẻ thường lôi xô ra và xối nước cho mát. Nói thật với bạn là tới tận bây giờ tôi vẫn thích giải nhiệt kiểu này hơn. Tôi chỉ ra hồ bơi, ra biển để khoe mình là dân nhà giàu thôi. Còn thực lòng thì tắm trên mái nhà, hoặc lôi đại một cái xô ra rồi lấy nước dội lên đầu, như mọi người trong khu ổ chuột thường làm, vui hơn, sướng hơn nhiều.
Bạn có thấy mọi người đi đi lại lại tấp nập ở khu này không? Và sự ồn ào náo nhiệt nữa? Mẹ nó, môi trường ở khu ổ chuột là độc nhất vô nhị. Chỉ cần mở cửa ra là chúng tôi ngay lập tức gặp hàng xóm. Chỉ cần bước chân ra cửa nhà là gặp ngay ông chủ cửa hàng trên phố, bà dì chủ quán bánh ngọt đang tay xách nách mang, thằng em họ của chủ tiệm cắt tóc tới gọi bạn đi đá bóng. Tất cả mọi người đều quen biết nhau hết cả. Tất nhiên rồi, ở đây nhà cửa toàn sát vách nhau cả mà.
Cũng chính vì thế mà tôi đã rất ngạc nhiên với môi trường ở châu Âu khi mới đến đó. Đường phố yên ắng. Mọi người chẳng thèm chào hỏi nhau. Ai cũng rất xa cách hết cả. Kỳ Giáng Sinh đầu tiên tôi trải qua ở Milan thật kinh khủng, anh bạn ạ.
Cuối năm là thời điểm rất quan trọng đối với gia đình tôi. Chúng tôi sẽ tụ tập tất cả mọi người lại với nhau. Lúc nào cũng vậy cả. Đường số 9 sẽ trở nên cực kỳ đông đúc, bởi vì ông bố tôi uy tín quá mà. Truyền thống này bắt nguồn từ ổng đấy. Vào đêm Giao Thừa cũng thế, toàn khu ổ chuột sẽ tụ tập bên ngoài nhà tôi.
Khi mới đến Inter, mùa đông đầu tiên đã giáng lên tôi một đòn đánh nặng nề. Giáng sinh đến và tôi chỉ có một mình đơn độc trong căn hộ. Thời tiết ở Milan lạnh cóng. Cảm giác chán chường đã mau chóng ập đến và bủa vây lấy tôi trong những tháng ngày rét buốt ở miền Bắc Italy. Tất cả mọi người đều mặc đồ tối màu. Phố xá vắng tanh. Trời rất mau tối. Thời tiết thì ẩm ướt. Tôi cảm thấy mình chẳng muốn làm gì hết giữa cái bầu không khí ảm đạm đó. Tất cả những điều này cộng thêm nỗi nhớ nhà khiến tôi chán nản ghê gớm.
Được cái Seedorf là một người bạn tuyệt vời. Anh ấy và vợ đã nấu bữa tối cho những người thân thiết nhất của họ vào đêm Giáng Sinh và tôi cũng được mời. Wow, ông anh này đúng là đỉnh nóc kịch trần. Thử tưởng tượng một bữa tiệc Giáng Sinh ở nhà anh ấy sẽ như thế nào mà xem. Không có gì để chê luôn. Mọi thứ đều tuyệt đẹp, đồ ăn thì cực ngon, nhưng nỗi nhớ Rio de Janeiro vẫn chẳng thể nguôi ngoai.
Tôi đã không ở lại bữa tiệc lâu. Tôi xin lỗi, và cáo biệt họ sớm, rồi trở về căn hộ của mình. Tôi đã gọi điện về nhà. “Chào mẹ. Chúc mừng Giáng Sinh,” tôi nói. “Con trai của mẹ. Mẹ nhớ con lắm. Chúc mừng Giáng Sinh. Tất cả mọi người đều đang ở đây, chỉ thiếu mỗi mình con thôi,” bà ấy trả lời.
Qua điện thoại, tôi có thể nghe thấy rõ bầu không khí rộn rã, nhộn nhịp ở nhà. Tiếng nhạc, tiếng trống ầm ĩ mà mấy bà dì tôi chơi để nhớ lại thời con gái. Tới tận bây giờ, họ vẫn thường hay nổi hứng nhảy múa như thể đang ở một buổi vũ hội. Mẹ tôi cũng thế. Tất cả những cảnh tượng ấy hiện ra rõ mồn một trước mắt tôi chỉ qua những âm thanh từ chiếc điện thoại. Mẹ kiếp, tôi đã lập tức bật khóc.
“Con ổn chứ, con trai?” mẹ hỏi tôi. “À vâng, vâng, con mới từ nhà một người bạn về,” tôi trả lời. “À, thế con đã ăn tối chưa? Mẹ thì vẫn đang chuẩn bị bàn tiệc đây,” bà bảo. “Hôm nay còn có cả mớ bánh ngọt nữa.” Ôi mẹ kiếp, đây là đòn k.ết l.iễu luôn. Món bánh ngọt của bà ngoại tôi là ngon nhất trần đời. Thế là tôi đã khóc như chưa bao giờ được khóc.
Tôi nức nở. “Vậy mẹ và mọi người ăn uống tiệc tùng vui vẻ nhé. Đừng lo, mọi thứ ở đây đều ổn cả.”
Tôi đã thực sự vỡ vụn. Tôi lôi ra một chai vodka. Tôi không hề phóng đại chuyện gì đâu, anh bạn. Tôi đã một mình nốc hết một mớ vodka và khóc suốt cả đêm. Tôi đã lịm đi trên ghế vì uống và khóc quá nhiều. Nhưng uống cho đã, khóc cho đã, rồi phải cố đứng dậy mà bước tiếp thôi, phải chứ? Tôi còn có thể làm gì khác cơ chứ? Tôi đến Milan vì một lý do rõ ràng – một giấc mơ mà tôi đã ấp ủ cả đời. Chúa đã ban cho tôi cơ hội trở thành một cầu thủ bóng đá ở châu Âu. Cuộc sống gia đình tôi đã sáng sủa hơn rất nhiều nhờ Chúa và những gì Người đã làm cho tôi. Và gia đình tôi cũng đã rất cố gắng để tôi có thể theo đuổi giấc mơ. So với những gì đã và đang xảy ra ở cái khu ổ chuột ấy, thì cái giá mà tôi phải trả là quá nhỏ. Trong thâm tâm tôi hiểu rõ điều đó, nhưng vẫn chẳng thể ngăn cản được nỗi buồn.
Bạn có muốn cùng tôi lên sân thượng nhà thằng bạn Tota của tôi không? Đó là nơi trú ẩn của tôi đấy. Tôi sẽ gọi xe máy. Chúng ta sẽ nhậu một chầu và tôi sẽ cho bạn thấy toàn cảnh khu ổ chuột. Đi nào, anh bạn.
Để tôi bật tutufi. Bạn không hiểu tutufi là gì cả, phải chứ? Là kết nối điện thoại di động với dàn loa ấy. Thế giới bên ngoài gọi nó là gì nhỉ? Bluetooth đúng không? Ồ, tôi không biết nói mấy từ này bằng tiếng Anh, mẹ nó chứ. Tôi chỉ học tới lớp 7 là nghỉ! Ở khu ổ chuột, chúng ta phải bật nhạc to hết cỡ, anh bạn à. Ở đây chúng tôi toàn nghe nhạc như thế thôi.
Kia là khu Grota, kia là khu Chatuba, kia là khu Cruzeiro. Thực ra thì tất cả đều như nhau hết. Dính liền kề nhau cả mà. Nhưng chính xác thì đó là những cộng đồng khác nhau của Penha. Và kia là nhà thờ Penha, sừng sững và cao vút, ban phước lành cho tất cả chúng tôi. À đây này, tôi lúc nào cũng mang theo một cái dây chuyền hình nhà thờ này đây. Bạn thích nó không? Vậy thì đeo nó vào để bắt sóng đi. Tôi sẽ làm lễ rửa tội để đưa bạn vào cộng đồng này.
Khi tôi “trốn chạy” khỏi Inter và rời Italy, tôi đã tới đây để ẩn náu. Tôi đã la cà khắp khu ổ chuột trong 3 ngày. Thế giới chẳng thể nào tìm thấy tôi. Không có cách nào cả. Quy tắc số một của khu ổ chuột là đừng có nhiều chuyện. Bạn có nghĩ là sẽ có đứa nào đó mách lẻo về chỗ ẩn náu của tôi không? Tuyệt đối không có đâu, anh bạn à. Truyền thông Italy đã phát điên lên. Cảnh sát Rio thậm chí còn mở cả một chiến dịch “giải cứu” tôi. Người ta đồn ầm lên rằng tôi đã bị bắt cóc. Hài thật đấy? Chẳng đời nào có chuyện tôi bị làm hại ở đây đâu… rốt cuộc, tôi là một đứa con của khu này mà.
Còn thế giới bên ngoài thì điên cuồng xâu xé tôi.
Dù người ta có thích hay không, tôi cần sự tự do. Tôi không thể chịu đựng nổi nữa, ở Italy lúc nào ra đường cũng phải coi chừng mấy cái camera, phải dè chừng bất cứ khi nào có người tiến về phía mình, có thể đó là một đứa phóng viên, một thằng lừa đảo, hay một thằng khốn nạn nào đó muốn kiếm lợi từ tôi.
Còn trong cái cộng đồng này, tôi không phải sống như thế. Khi ở đây, chẳng ai ở thế giới bên ngoài biết tôi đang làm gì cả. Điều đó khiến họ bực tức, khó chịu. Họ không hiểu tại sao tôi lại tới khu ổ chuột. Không phải vì rượu bia, hay phụ nữ, càng không phải vì ma túy. Mà là vì sự tự do. Vì tôi muốn được sống yên bình. Tôi muốn sống. Tôi muốn được làm một con người lần nữa. Dù chỉ một chút thôi. Mẹ kiếp, đó mới là sự thật! Mong muốn đó thì có gì sai trái chứ?
Tôi từng cố hết sức làm theo những gì người ta muốn. Tôi từng mặc cả với Roberto Mancini. Từng cố gắng làm hài lòng Jose Mourinho. Từng khóc trên vai Moratti. Nhưng rốt cuộc tôi đã không thể làm được những gì họ yêu cầu. Tôi từng sống lành mạnh trong vài tuần, tránh xa bia rượu, tập luyện như ngựa, nhưng rồi lại chứng nào tật đó. Hết lần này đến lần khác. Tất cả mọi người đều chửi rùa tôi. Tôi không thể chịu đựng thêm cuộc sống ấy nữa.
“Wow, nhìn tay Adriano xem, hắn không còn kiếm được lương 7 củ Euro nữa rồi. Sao hắn lại từ bỏ mọi thứ để quay về với cái cuộc sống rác rưởi thế kia nhỉ?” Đó là câu mà tôi nghe thấy nhiều nhất. Người ta hoàn toàn chẳng biết tại sao tôi lại làm thế. Đơn giản là vì tôi không ổn với cái cuộc sống hào nhoáng kia. Tôi cần không gian để làm những điều mình thực sự muốn làm.
Giờ thì bạn đã chính mắt thấy rồi đấy. Mấy cuộc tụ tập chơi bời của chúng tôi ở đây đâu có gì sai trái, đúng không nào?? Hoàn toàn không. Xin lỗi vì đã không tặng cho bạn mẩu tin giật gân nào nhé. Nhưng thứ duy nhất mà tôi tìm kiếm ở Vila Cruzeiro chính là sự bình yên. Tại đây, tôi có thể thoải mái đi chân đất, cởi trần, chỉ mặc độc cái quần đùi. Tôi có thể ngồi trên vỉa hè chơi domino, hồi tưởng về những câu chuyện thuở thơ ấu, nghe nhạc, nhảy nhót với bạn bè, và ngủ luôn trên sàn.
Ở mỗi con hẻm của nơi đây, tôi đều có thể nhìn thấy hình bóng của bố tôi.
Tôi còn muốn gì hơn thế này nữa cơ chứ?
Tôi thậm chí chẳng hề mang cô nàng nào tới đây cả. Tôi cũng chẳng làm phiền mấy cô gái trong khu. Bởi vì tôi chỉ muốn được sống bình yên và nhớ về nguồn cội của mình.
Đó là lý do tôi liên tục quay lại đây.
Ở đây, tôi thực sự được tôn trọng.
Đây là câu chuyện của tôi.
Là những bài học tôi đúc kết được từ cái cộng đồng này.
Vila Cruzeiro không phải là nơi tuyệt nhất thế giới.
Nhưng Vila Cruzeiro là “đất lành” của tôi.