Adrian Mutu: Nguồn cảm hứng bất tận phục hưng Parma

Tác giả Ole - Thứ Hai 15/08/2022 16:33(GMT+7)

Zalo

Chỉ xuất hiện ở sân Ennio Tardini đúng một mùa giải nhưng chân sút người Romania đã để lại những dấu ấn không thể phai mờ trong tâm trí các CĐV Parma đồng thời đưa cái tên Adrian Mutu bước ra thế giới.

294229836_3101824430109389_7388167759395082645_n
 

Parma vốn dĩ không phải một thành phố quá lớn. Nằm tọa lạc giữa kinh đô thời trang Milano và thánh đường phục hưng Firenze, thật dễ hiểu vì sao khi mảnh đất này luôn tồn tại một cách lặng lẽ và yên bình trong suốt lịch sử của vùng Emilia-Romagna. Cũng không khó để người ta nhận ra đặc trưng của thành phố, với những mái nhà gạch màu be đỏ theo phong cách Roman cùng nhiều bức bích họa ngoạn mục tô điểm cho các công trình nội thất phía trong. Vẻ đẹp của Parma, có gợi lên chút gì đó cũ kỹ và cũng cho thấy những “vết sẹo” từ quá khứ.

Cho đến bây giờ, nhà thờ Chính tòa Duomo di Parma, được xem như biểu tượng của thành phố, chỉ còn lại một phần thiết kế ban đầu của nó, sau khi bị tàn phá bởi một trận động đất vào thế kỷ 12. Cách đó khoảng nửa cây số, dọc theo những con đường rải sỏi quanh co từ thời trung cổ, là Palazzo della Pilotta, một bảo tàng được xây cách điệu thành… cung điện, với mặt tiền không hề đối xứng gắn liền với câu chuyện về các vụ đánh bom trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Đối với người Parma, khả năng tồn tại và phục hồi qua thử thách dường như đã trở thành một phẩm chất đặc biệt, một thứ DNA có lẽ cũng được ghi nhận trong văn hóa bóng đá của các parmensi. 

Mùa Hè 2002, Parma chào đón hai tân binh mới, là Adrian Mutu và Adriano. Đây đều là những cái tên còn rất trẻ nhưng được kỳ vọng sẽ giúp CLB sớm tái sinh sau giai đoạn tổn thất lực lượng nghiêm trọng. Cần phải nói thêm rằng, Gialloblu đã trải qua thập niên 90s cực kỳ tuyệt vời khi những đồng lira của tập đoàn thực phẩm Parmalat đã giúp đội bóng chủ sân Ennio Tardini giành được vô số danh hiệu cao quý (3 Coppa Italia, 2 UEFA Cup, 1 Winner’s Cup, 1 Siêu Cúp châu Âu…). Tuy nhiên, khoảng thời gian đầu thiên niên kỷ mới cũng chứng kiến Parma liên tục gặp khó khăn về tài chính và phải chấp nhận bán đi gần hết những ngôi sao sáng giá nhất trong đội hình như Buffon, Thuram (sang Juventus), Cannavaro (sang Inter Milan), Crespo, Veron (sang Lazio)…     

Nhiệm vụ tái thiết đội hình, vô hình chung càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Giống như khá nhiều CLB ở giai đoạn cuối thập niên 90, đầu thập niên 2000s, Parma cũng ưa thích sử dụng một cặp tiền đạo có thể chơi ăn ý với nhau trên hàng công và ban lãnh đạo đội bóng kỳ vọng Mutu và Adriano sẽ sớm trở thành những đối tác tuyệt vời. So với Adriano, một trung phong có phần thuần túy sở hữu nền tảng thể chất mạnh mẽ cùng những cú “nã đại bác” uy lực bằng chân trái thì Mutu được xem như nguồn động lực cho yếu tố sáng tạo, bằng kỹ thuật cá nhân xuất sắc cùng nhãn quan chiến thuật nhạy bén. Bộ khung tấn công bên phía Parma thậm chí còn trở nên hoàn thiện hơn nữa nhờ sự góp mặt của tuyển thủ ĐT Nhật Bản, Hidetoshi Nakata. Và dưới bàn tay dẫn dắt của HLV Cesare Prandelli, đội bóng chủ sân Ennio Tardini đã có cho mình những nguyên liệu tốt nhất.

Adrian Mutu Nguồn cảm hứng bất tận phục hưng Parma 1
 

“Ảnh hưởng của họ gần như là ngay lập tức”, Giovanni Dougalli, một CĐV trọn đời của Parma trả lời phỏng vấn trên tờ These Football Times, “Adriano ghi 3 bàn chỉ trong ba trận đầu tiên. Mutu thì phải chờ đến tuần thứ tư mới lập công nhưng một khi đã bắt đầu, cậu ấy sẽ không dừng lại”. Bàn thắng đầu tiên của Mutu chính là tình huống ghi bàn vào lưới Perugia hồi tháng 10/2002, “Cậu ấy xuất hiện bên hành lang cánh trái, đi bóng một cách đầy tự tin vào khu vực cấm địa của đối phương, thực hiện một cú xoay người theo kiểu Cruyff trước khi dứt điểm gọn gàng đưa bóng vào góc dưới khung thành. Mọi động tác đều được thực hiện một cách hoàn hảo”, Dougalli nhớ lại. 

Khoảng thời gian sau đó, Mutu tiếp tục thăng hoa. Thật dễ dàng khi mà phong cách chơi bóng giàu sức mạnh của Adriano đã giúp ngôi sao người Romania tận dụng được các khoảng trống và liên tiếp trừng phạt mọi đối thủ. Không chỉ trực tiếp ghi bàn, Mutu còn thường xuyên thực hiện những đường chuyền xé nát hàng phòng ngự đối phương, bên cạnh những quả tạt chính xác với độ xoáy hoàn hảo để giúp các đồng đội có thể dứt điểm thuận lợi nhất. Người ta bắt đầu ví von Adriano như một chú bò mộng mạnh mẽ, sẵn sàng tàn phá mọi thứ trong khu vực cấm địa, còn Mutu thì ngược lại, uyển chuyển và tinh tế, giống như một “el matador” (võ sĩ đấu bò). Chỉ khác là, thay vì đối đầu nhau, họ lại biết cách cùng nhau tạo nên những khoảnh khắc bùng nổ.

Phong độ tuyệt vời của Mutu khiến anh dần trở thành tâm điểm chú ý của giới mộ điệu châu Âu. Người Romania xem Mutu chính là Gheorghe Hagi tiếp theo, trong khi Adriano cũng bắt đầu được so sánh với Ronaldo. Dẫu vậy thì câu hỏi đặt ra trong đầu các parmensi lúc này là liệu đội bóng của họ đã đủ sức đối mặt với “giới tinh hoa” của Calcio hay chưa? Công bằng mà nói, Parma có khả năng thổi bay nhiều đội bóng trung bình nhưng những thất bại trước Milan, Inter hay Juventus cũng chỉ ra rằng, thầy trò HLV Cesare Prandelli mới chỉ là nhân tố xuất sắc nhất của phần còn lại, thay vì một kẻ thách thức danh hiệu Scudetto đích thực. 

Giai đoạn cuối mùa giải 2002/03, Parma lần lượt giành được hai thắng lợi quan trọng trước Lazio và Milan, qua đó củng cố một vị trí tương đối vững chắc trong nhóm dự cúp châu Âu. Mặc dù vậy, mùa bóng cũng kết thúc có phần dở dang đối với các CĐV sân Ennio Tardini khi mà thầy trò Prandelli chỉ xếp thứ 5 chung cuộc và bỏ lỡ cơ hội xuất hiện tại Champions League mùa sau. Bên cạnh đó, họ cũng phải chứng kiến Christian Vieri bên phía Inter Milan giành danh hiệu Capocannoniere (Vua phá lưới), thay vì Mutu và Adriano, những người lần lượt xếp ở hai vị trí phía sau. Tuy nhiên, điều đáng ngại nhất vào thời điểm bấy giờ, phải là tình hình tài chính của CLB.     

Khoản nợ lên đến 300 triệu bảng Anh sau này đã đẩy Parma tới con đường phá sản và phải miễn cưỡng bán đi hai ngôi sao sáng giá nhất của mình. Về phần Mutu, sau chiến tích ghi 18 bàn thắng tại Serie A 2002/03 (tổng cộng 22 pha lập công trên mọi đấu trường), ngôi sao người Romania đã có một bản lý lịch tuyệt vời để chuyển đến Chelsea, vụ chuyển nhượng được cho là đã giúp cầu thủ này kiếm thêm được một khoản lót tay đáng kể. Trong khi đó, đối tác ăn ý của anh là Adriano cũng tìm đường quay trở lại đội bóng cũ Inter Milan. 

Những câu chuyện về sự sa ngã của Adrian Mutu sau này đều được ghi chép lại đầy đủ. Giống như một con “ma cà rồng” đích thực, tuyển thủ Romania ưa thích cuộc sống về đêm và thường xuyên xét nghiệm dương tính với cocaine cho tới khi bị bắt giữ. Khoảng thời gian sau này, mặc dù có nhiều thời điểm thi đấu thăng hoa trở lại trong màu áo Fiorentina, thế nhưng những gì mà người ta từng kỳ vọng ở Mutu thì đã sớm chìm trong quên lãng và hoàn toàn bị chôn vùi bởi chính lối sống tha hóa đến cùng cực của cựu chân sút Parma. 

Tương tự, số phận của Adriano cũng là những tháng ngày khắc khoải và tủi nhục. Từ việc trở thành một “Hoàng đế” với đỉnh cao là chức vô địch Confederations Cup năm 2005 cho tới cái chết của người cha ruột đã sớm đẩy ngôi sao người Brazil rơi vào trạng thái trầm cảm, nghiện ngập, chấn thương rồi phá sản… và bây giờ tiếp tục phải “sống mòn” trong những favela (khu ổ chuột) tại quê nhà. 

Adrian Mutu Nguồn cảm hứng bất tận phục hưng Parma 2
 

Đâu đó, người ta có thể nghĩ rằng Parma trong giai đoạn đầu thập niên 2000s là một lời nguyền. Ngay cả khi tài năng thực sự của Mutu và Adriano đã giúp đội bóng vùng Emilia-Romagna vượt qua những cơn hỗn loạn ở mùa giải 2002/03 một cách đầy ngoạn mục thì số phận cũng khiến cho cả hai cầu thủ này về sau phải chịu đựng thêm nhiều bi kịch ngang trái. 

Từ niềm cảm hứng bất tận góp phần “phục hưng” cả một thành phố đổ nát, Adrian Mutu đã sớm đánh mất chính mình bằng cuộc sống của một tội đồ, một con người nhưng luôn tồn tại giữa lằn ranh của ác quỷ và thiên thần…     

-Ole-

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Đêm huyền ảo ở Munich

Thật không tưởng và kỳ lạ, nhưng giờ tôi có thể nói với bản thân mình, ‘Chúa ơi, thì ra cảm giác vô địch là thế này! Tôi luôn luôn tự hỏi nó sẽ như thế nào, nhưng giờ tôi đã biết rồi!’.

Pep Guardiola gia hạn với Man City: Ai buồn, ai vui?

Lại một lần nữa trong những ngày tháng 11, Pep Guardiola lại quyết định gia hạn hợp đồng với Manchester City sau 2 lần gia hạn trước đó vào năm 2020 và 2022. Bản hợp đồng mới cho phép Pep gắn bó thêm 2 năm với đội chủ sân Etihad và đánh dấu cột mốc tròn 1 thập kỷ chiến lược gia vĩ đại này dẫn dắt nửa xanh thành Manchester.

Rodri: "Có nhiều thứ bạn sẽ không thể học được qua trường lớp mà phải tự chiêm nghiệm theo thời gian"

Khôn khéo trong cách ăn nói, kín đáo trong phong cách ăn mặc, là một người có học thức khi đã tốt nghiệp đại học và một cơ thể không dính một hình xăm... Có thể nói Rodri giống như một "cánh chim vừa lạ, vừa đặc biệt" trong thế hệ các cầu thủ đang thi đấu ở bóng đá hiện đại. Và ở cuộc phỏng vấn với Esquire, chúng ta sẽ có dịp hiểu nhiều hơn về con người và lối suy nghĩ của Rodri - cầu thủ đang chơi cho Man City vừa đoạt được danh hiệu Quả bóng vàng năm 2024.

Nghịch lý Vinícius Júnior

Vinícius Júnior đã thất bại trong cuộc đua Ballon d’Or vào tháng trước, nhưng bạn hãy thử nói với người hâm mộ Real Madrid rằng anh thực sự không xứng đáng giành Quả Bóng Vàng mà xem. “Vinícius, Ballon d'Or,” đám đông khán giả tại Santiago Bernabeu đã hát đi hát lại câu này vào hôm thứ 7, khi tiền đạo người Brazil lập hattrick trong chiến thắng 4-0 của Madrid trước Osasuna.

Luis Nani: Cuộc đời xoay trong những điệu santo

Gần 40 tuổi, thay vì lựa chọn nghỉ hưu ở những bãi biển xinh đẹp, Nani vẫn tiếp tục chơi bóng. Chẳng quan trọng là Manchester United lừng danh thế giới, Valencia đình đám một thời hay Sporting Lisbon giàu truyền thống, chỉ cần được ra sân và cống hiến, như thế là đủ mãn nguyện đối với ngôi sao người Bồ Đào Nha.

X
top-arrow