Adama Traoré rê bóng gần như nhiều hơn bất cứ cầu thủ nào trên thế giới. Nhưng 2 bàn thắng vào lưới Manchester City vừa qua cho thấy anh không chỉ là một cầu thủ chỉ biết chạy như người ta vẫn nói.
Adama Traoré rê bóng gần như nhiều hơn bất cứ cầu thủ nào trên thế giới. Nhưng 2 bàn thắng vào lưới Manchester City vừa qua cho thấy anh không chỉ là một cầu thủ chỉ biết chạy như người ta vẫn nói.
“Khi bạn theo dõi trận bóng, bạn đừng nhìn Busquets. Nhưng khi bạn nhìn Busquets, bạn có thể thấy cả trận đấu”, HLV Vicente del Bosque từng chia sẻ như vậy. Đó là nhận định tinh tế về tầm quan trọng của một người bị xem là vô hình trên sân bóng. Được nuôi dạy và lớn lên ở La Masia - thiên đường bóng đá vĩ đại - Sergio Busquets có lẽ rồi sẽ được tôn sùng là một trong những vị thánh của Barcelona của Thời kỳ hoàng kim Barcelona.
Nhưng nơi nào có người thờ cúng thì ắt sẽ có người ngạo đạo bởi mỗi vị thánh là một thiên thần sa ngã. Ở Premier League hiện nay có một người ẩn náu, được các linh mục cấp cao của nghệ thuật hắc ám trong bóng đá ban cho một năng lực mới đáng sợ.
Rời Barcelona, lựa chọn Aston Villa của Tim Sherwood là điểm đến đầu tiên, Adama Traoré khi đó như thể từ Vườn Địa Đàng rơi xuống một khu rừng hoang dã - giải hạng Nhất Anh (Championship) - vậy. Sau khi được đưa ra ánh sáng, Traoré chuyển tới phục vụ cho một Lucifer của thế giới bóng đá. Tập luyện và rèn giũa dưới sự hướng dẫn của Tony Pulis, chàng cầu thủ trẻ dường như tìm thấy nơi ẩn sâu trong con người mình, một năng lực mà những người hay chế giễu thường nói anh không thể nào phát huy được.
Đó là khả năng kết thúc tình huống.
Là sự đối nghịch với Busquets, nếu dành 90 phút để theo dõi Traoré, bạn sẽ không thể nào chứng kiến toàn bộ trận đấu diễn ra. Đó là một người mà bản đồ nhiệt/biểu đồ chuyển bóng pha trộn khiến bạn không thể nào đoán được từng chi tiết trận đấu. Đó là một người có thể khiến bạn mường tượng ra cách cầu thủ bóng đá chơi bóng nếu nguồn tài nguyên duy nhất mà bạn có là phần tổng hợp các kỹ năng được lồng chút nhạc dubstep trên YouTube. Trong khi Busquets nhận một đường chuyền, thực hiện pha xoay người hay chuyền bóng cho đồng đội thì Traoré lại quay một vòng cứ như một con mèo mắc kẹt trong túi nilon. Anh mang đến cho trận đấu một cảm giác hỗn loạn mà không nhiều cầu thủ hiện nay so sánh được.
Việc Traoré rê bóng nhiều hơn bất cứ cầu thủ nào khác trên hành tinh này là điều bạn sẽ thấy thực sự khó tin. Tuy nhiên, có lẽ nó đúng là như vậy đấy. Mùa giải 2017/2018, tổng cộng 243 lần rê bóng thành công của anh cho Middlesbrough chỉ kém một chút so với của Eden Hazard và Mohamed Salah gộp lại trong cùng khoảng thời gian. Ngoài ra, cũng không cầu thủ nào ở giải hạng Nhất Anh có tối thiểu 100 lần đi bóng thành công cả.
Nhưng hãy quên những con số đi, chúng không thực sự phản ánh về Adama Traoré. Trong một thế giới mà mọi người ca tụng những tiền vệ có đôi chân tên lửa với những cú sút xa từ khoảng cách gần 30m, Traoré là hiện thân của cảm xúc trong bóng đá. Bạn sẽ phấn khích khi thấy anh rê bóng, tức giận mỗi khi anh chuyền bóng sai địa chỉ, bực bội vì anh không chạy vào phía sau hàng hậu vệ và bày tỏ yêu thương mỗi khi anh đưa bóng vào lưới.
Dù mới chỉ có 1 lần ra sân cho Barcelona, 2 lần phải xuống hạng cùng số lượng bàn thắng ít ỏi ở Premier League nhưng có thể nói câu chuyện của cầu thủ người Tây Ban Nha là về một người chưa được khai phá hết tiềm năng. Những sự kỳ vọng lớn lao với cái mác được đào tạo ở La Masia gần như chẳng giúp được gì. Khi được HLV Tim Sherwood chiêu mộ về Aston Villa, anh được mô tả là “có một chút của Messi và một chút của Ronaldo”. Nhưng mọi thứ đâu có đơn giản như thế.
|
Adama Traore trong màu áo Middlesbrough |
Traoré chỉ được phát huy tài năng khi gặp Pulis. Thời điểm Middlesbrough bổ nhiệm nhà cầm quân người Xứ Wales vào Boxing Day của năm 2017, đội bóng vùng Teesside đang đánh mất tinh thần nghiêm trọng. Những lời hứa hẹn trước mùa giải sẽ “thổi bay giải đấu” của Garry Monk - một HLV trẻ có tư duy chơi tấn công cấp tiến - đã thất bại.
Hậu vệ cánh nhanh nhẹn Cyrus Christie và tiền đạo kỹ thuật Martin Braithwaite bị đẩy đi và người hưởng lợi từ điều này là Ryan Shotton và Rudy Gestede. Với Traoré khi đó, quãng thời gian ở Middlesbrough mới thực sự mở ra tia hy vọng. Trước đó, dưới sự dẫn dắt của người thầy Tây Ban Nha Aitor Karanka và một HLV có tư tưởng tấn công như Monk, sự hiện diện của Traoré ở đội bóng chủ sân Riverside chỉ được xem là tạm thời.
Dưới thời Monk, mọi thứ đã diễn ra rất đáng chờ đợi trong một chuyến làm khách đến sân của Bolton. Traoré có màn trình diễn xuất sắc với 2 đường kiến tạo tuyệt vời. 3 ngày sau, trong cuộc đối đầu với đội bóng cũ Aston Villa, anh bị đuổi khi trận đấu mới diễn ra 4 phút và trong 12 trận kế tiếp, anh chỉ một lần có mặt trong đội hình xuất phát.
Khi Tony Pulis xuất hiện, ông đã thằng thừng từ chối lời đề nghị từ Newcastle dành cho cậu học trò. Pulis và Traoré hoàn toàn khác biệt nhưng vị HLV lão làng nhìn thấy ở chàng trai này có khả năng gì đó vẫn chưa được khai phá hết. Anh đá chính 3 trong 4 trận đầu tiên dưới thời Pulis và ở trận thứ 4, điều mà anh mong chờ đã tới. Sau một mùa rưỡi với 42 lần ra sân tính đến thời điểm đó ở Middlesbrough, Adama Traoré cuối cùng đã ghi bàn.
Sau một pha xử lý khéo léo, tiền đạo Gestede đánh đầu trả ngược bóng về phía sau để Traoré băng lên đưa bóng vào lưới. Đó là một bàn thắng đẹp, nhưng không chỉ thế, nó còn thông nòng cho cầu thủ người Tây Ban Nha, báo hiệu một sự thay đổi quan trọng. Giờ đây, anh đã biết cách kết thúc tình huống, các bàn thắng và kiến tạo bắt đầu đến nhiều hơn. Sau khi lập cú đúp vào lưới Reading, anh chạy một mạch đến chỗ Pulis để ôm lấy người thầy của mình. Sau đó, anh ghi bàn trong 2 vòng đấu liên tiếp với Barnsley và Brentford đồng thời đóng góp một kiến tạo trong trận đấu gặp Leeds để giúp Patrick Bamford có cú hat-trick đầu tiên trong sự nghiệp.
Có thể nói Pulis thật sự tin tưởng Traoré. Sự hỗ trợ của hậu vệ phải Shotton ở phía sau giúp Traoré được thật sự thoải mái thay vì luôn bị bối rối và loay hoay không biết nên chuyền ở đâu. Anh sẽ không còn phải tự hỏi tại sao đội trưởng Grant Leadbitter lại luôn la hét với mình và tại sao dù anh đã chạy vào hàng phòng ngự nhưng chẳng có ai chịu chuyền bóng hết. Không những thế, anh đã học được rằng phải lùi xuống hỗ trợ, sử dụng thể chất mạnh mẽ để cướp bóng trong chấn đối thủ, biết phải phối hợp và đá ăn khớp với đồng đội chứ không phải không thèm quan tâm tới người xung quanh. Chỉ trong vòng 6 tháng dưới sự dẫn dắt của Pulis, Traoré đã là cầu thủ mà Barça cố gắng biến đổi thành trong suốt 11 năm.
Darren Campbell - nhà vô địch Olympic nội dung chạy nước rút - đã được mời để tư vấn, hỗ trợ cho Traoré về tốc độ. Thông điệp mà Campbell đưa ra là hãy “chậm lại”. Trong khi đó, những tình cảm, sự thân mật của cầu thủ gốc Mali với người hâm mộ đã giúp anh nhận được sự yêu mến từ những cổ động viên trung thành của sân Riverside. Anh đã từng đến như một kẻ vô danh, mất một năm rưỡi sống dưới cái mác là kẻ chân nhanh hơn não. Nhưng khi rời Middlesbrough, những gì anh để lại là tình yêu và sự trân trọng của người hâm mộ. “Adama có thể coi là người bạn thân nhất của tôi, bởi vậy mất cậu ấy thực sự là điều khó khăn. Tôi coi cậu ấy như con mình và sẽ mãi yêu quý cậu ấy”.
Traoré đã để lại rất nhiều điều ở Middlesbrogh, cả về vật chất lẫn tinh thần. Anh đã dành tặng 50 chiếc áo có chữ ký cho các cổ động viên mua vé cả mùa còn tờ Gazette gọi anh là “Cầu thủ Boro gây phấn khích nhất sau Juninho”. Chắc chắn, bạn không cần phải ở Teesside lâu để biết lời khen đó có giá trị như thế nào.
Khi anh gia nhập Wolverhampton Wanderers, tất nhiên những thứ từng là vấn đề của anh đã biến mất. Ở đội bóng chủ sân Molineux, Traoré đã tìm được một HLV táo bạo, sáng tạo mà những người yêu quý cầu thủ sinh năm 1996 luôn muốn anh gặp được. Tuy nhiên mọi thứ ban đầu chưa thật sự ăn khớp. Nuno Espírito Santo đã để Traoré đá nhiều vị trí, thậm chí thử nghiệm anh ở vai trò tiền đạo cắm.
Bàn thắng đầu tiên mà Traoré ghi ở Premier League sau 40 trận đấu - pha lập công phút 93 vào lưới West Ham đầu mùa giải 2018/2019 - đáng tiếc đã không thể giúp anh thông nòng như đã từng làm được ở Boro. Đến tận tháng 2/2019, anh mới có pha kiến tạo đầu tiên ở giải đấu cao nhất xứ sở sương mù - quả tạt ở phút 95 để Willy Boly ghi bàn thắng gây tranh cãi vào lưới Newcastle.
Nhưng ở mùa giải này, người ta có thể kỳ vọng Traoré sẽ để lại nhiều dấu ấn hơn tại Premier League. Trong 3 năm ở Villa và Boro, anh đã thi đấu dưới sự huấn luyện của đến 9 HLV - bao gồm cả những người tạm quyền - nên có lẽ một giai đoạn ổn định cùng Nuno sẽ mang lại những tín hiệu tích cực.
Suốt cả sự nghiệp cho đến thời điểm này, Traoré thường bị định danh bằng chính những mâu thuẫn của anh. Chàng trai ấy đã từng dành những năm tháng nền tảng đầu tiên trên cùng những sân tập như Xavi và Iniesta đã trải qua nhưng anh lại không bao giờ lĩnh hội hết được giá trị của những đường chuyền đơn giản. Sau đó, anh tới nước Anh với cái danh “Messi mới” và “Ronaldo mới” - những người được so sánh một thì rê bóng tinh quái còn người kia thì có sức mạnh thể chất vô song. Ở xứ sở sương mù, anh học được cách chơi bóng trách nhiệm dưới sự chỉ dẫn của một HLV cho anh tự do thi đấu theo bản năng.
Nhưng nếu ví Barcelona là Thiên đường và Boro của Pulis là Địa ngục, thì Wolves sẽ là gì? Một dạng luyện ngục cao cấp được bơm hàng tỷ Nhân dân Tệ cùng một HLV có sức hút? Hay đó chỉ là một CLB nhỏ thú vị trên trái đất, nơi Traoré có thể rũ bỏ những thứ từng trói buộc bản thân, nơi anh có thể ngừng làm một vận động viên chạy nước rút, một sản phẩm lai phiên bản lỗi của 2 cầu thủ xuất sắc nhất thế kỷ 21 và làm một cầu thủ bóng đá. Hoặc có lẽ, đó sẽ là nơi đem lại niềm vui.
Dịch từ bài viết “The Dribbler” của tác giả Sam France trong ấn phẩm The Blizzard
CG (TTVN)