Adama Traore: Đi thật xa để trở về

Tác giả CG - Thứ Ba 08/02/2022 11:52(GMT+7)

Zalo

Từ một người bị coi là không phù hợp với triết lý của Barcelona và bị đào thải khỏi CLB, Adama Traore đã trở lại và bước đầu chứng minh giá trị của mình.

Adama Traore
 
Trong suốt hơn một thập kỷ, Barcelona bị đóng khung trong tâm tưởng của khán giả với lối chơi mang tên “tiki-taka” với những cầu thủ tấn công không cần quá cao to nhưng sở hữu kỹ thuật khéo léo cùng nhãn quan chơi bóng xuất sắc. Ngoài ra, các học viên của La Masia cũng được đào tạo dựa trên triết lý chơi bóng mà Johan Cruyff đã truyền bá cho CLB từ những thập niên cuối của thế kỷ 20.
 
Chính vì thế, nếu mới biết đến Adama Traore, có thể nhiều người sẽ ngạc nhiên vì anh là một sản phẩm của La Masia, bởi nhìn anh chẳng có chút… Barcelona nào: một cầu thủ tấn công vạm vỡ, chơi bóng với tốc độ và sự trực diện thay vì dựa trên nhãn quan và tư duy nhạy bén. Nhưng đôi khi có những thứ tưởng như không liên quan nhưng lại là sự thật. Cầu thủ gốc Mali đã ở La Masia trong 9 năm, chơi cho đội Barcelona B trong 2 năm, có 4 lần khoác áo đội một Barcelona ở các trận đấu chính thức (theo Transfermarkt) trước khi bắt đầu hành trình lang bạt đến nước Anh.
 
Thời điểm đó, Adama Traore đã nổi tiếng với tốc độ và sức mạnh của mình. Ở lò đào tạo La Masia, Traore được đặt biệt danh là “Usain Bolt” giống như tên của huyền thoại điền kinh người Jamaica bởi tốc độ đáng kinh ngạc. Song, giống như nấu ăn, có nguyên liệu là một chuyện, chế biến món gì từ nguyên liệu đó lại là vấn đề khác. Tốc độ của Traore cũng vậy. 
 
Albert Benaiges – cựu HLV của La Masia – chia sẻ về cậu học trò cũ như sau: “Cậu ấy sở hữu tốc độ cực tốt. Nhưng chúng tôi không chắc cậu ấy phù hợp nhất với trong vai trò hậu vệ phải hay tiền đạo cánh phải. Thời điểm cậu ấy 18 tuổi, chúng tôi biết cậu ấy có thể trở thành cầu thủ chuyên nghiệp nhưng chúng tôi không biết chắc Adama sẽ phát triển theo hướng nào”.
 
Đó chính là một vấn đề. Giống như một đứa bé, những năm tháng đầu đời luôn là giai đoạn quan trọng để định hướng về suy nghĩ và những thói quen thì cầu thủ trẻ sẽ phát triển tốt nhất nếu được rèn giũa theo một định hướng đúng đắn và nhất quán. Các HLV ở La Masia và Barcelona đã phân vân về vấn đề đó. Cuối cùng, họ đi đến quyết định rằng Traore phù hợp với một lối chơi trực diện hơn thay vì ở Barcelona – nơi mà lối chơi dựa trên những đường chuyền đoạn ngắn phức hợp. 

Adama Traore
Adama Traore không có nhiều cơ hội trong quãng thời gian đầu ở Barcelona. Ảnh: Getty Images
 
Năm 2015, Adama Traore được bán cho Aston Villa với giá 10 triệu euro. Cầu thủ người Tây Ban Nha gia nhập Villa với bản hợp đồng có thời hạn 5 năm, trong đó Barcelona cũng cài một điều khoản mua lại sau khi 3 năm hợp đồng đầu tiên kết thúc. Và như chúng ta biết, điều khoản đó không được kích hoạt.
 
Nhưng có lẽ nước Anh đúng là nơi phù hợp với Traore hơn Barcelona. Ở Anh, nhất là các đội bóng hạng trung thời điểm ấy, vẫn chuộng các lối chơi trực diện hơn. Đặc biệt, cường độ chơi bóng ở Premier League sẽ là nơi điểm mạnh của Traore được phát huy, đặc biệt là những tình huống bùng nổ ở 1/3 cuối sân.
 
Hậu vệ Jetro Willems - cựu cầu thủ Newcastle - nói: “Tôi từng đối đầu với Ronaldo, một người rất nhanh, nhưng cũng không nhanh đến như vậy. Tất nhiên, cậu ấy rất kỹ thuật nhưng đôi khi đối phó với điều đó dễ hơn là trước tốc độ kinh hoàng như thế”.
 
Trong khi đó, Virgil van Dijk từng thừa nhận: “Cậu ấy có lẽ là cầu thủ nhanh nhất Premier League. Wolves sẽ rất mạnh khi có cậu ấy thi đấu ở bên cánh đó. Đối đầu Traore, bạn phải quyết định thời điểm nhất định nào sẽ áp sát cậu ấy hay để cậu ấy tự do chạy một chút”.
 
Nhưng chỉ dựa vào tốc độ không thì không được, như Andrea Pirlo từng nói “bóng đá được chơi bằng cái đầu còn đôi chân chỉ là công cụ”. Các HLV cũng nhận ra điểm yếu của Traore chính là việc anh quá “cậy sức”, chính vì vậy học phải giúp anh cải thiện khả năng quan sát và đưa ra quyết định. Ở Middlesbrough, anh thường đến văn phòng của HLV Aitor Karanka để lắng nghe HLV trưởng chỉ ra những khiếm khuyết trong trận đấu, đặc biệt là giai đoạn không bóng. 
 
Trong khi đó, dưới sự dẫn dắt của Tony Pulis – HLV thứ ba của Traore tại Middlesbrough, người nhận xét anh là có chút bối rối về chiến thuật - chàng cầu thủ trẻ dường như tìm thấy nơi ẩn sâu trong con người mình, một năng lực mà những người hay chế giễu thường nói anh không thể nào phát huy được là khả năng đưa ra quyết định để kết thúc tình huống.
 
Tony Pulis từng từ chối lời đề nghị của Newcastle để giữ Traore ở lại. Darren Campbell - nhà vô địch Olympic nội dung chạy nước rút - cũng được mời đến Middlesbrough để khuyên anh cách sử dụng tốc độ. Điều quan trọng mà Campbell nói với Traore chính là anh nên chạy chậm lại một chút, bởi dù sao thì tốc độ đó vẫn là nhanh hơn so với hầu hết đối thủ.
 
Cầu thủ người Tây Ban Nha chia sẻ trong cuộc phỏng vấn trên Telegraph như sau: "Tại Middlesbrough, Darren từng bảo tôi không cần chạy hết 100% khả năng vì tôi không nhận ra mình nhanh như thế nào. Tôi có thể đánh bại các cầu thủ đối phương với chỉ 70% khả năng và điều đó giúp tôi có thêm thời gian suy nghĩ sẽ làm gì tiếp theo. Tôi muốn mọi người phải tò mò kinh ngạc, tôi sẽ vượt qua đối thủ, cố gắng thể hiện kỹ năng và tốc độ của mình”.

Adama Traore
 
Và đó là tiền đề để anh tiếp tục phát triển dưới sự dẫn dắt của Nuno Santo ở Wolverhampton – có lẽ là quãng thời gian thăng hoa nhất trong sự nghiệp của Traore tính đến thời điểm này. Chiến lược gia người Bồ Đào Nha đặt Traore vào một hệ thống mà các đồng đội sẵn sàng hỗ trợ anh phát huy đặc điểm ưu việt của mình, nhưng anh cũng cần biết các đồng đội ở đâu để phối hợp với họ. Đó là kết quả của nhiều giờ đồng hồ hai thầy trò ngồi lại, mổ xẻ chiến thuật, phân tích băng hình với nhau.
 
Mùa giải 2019/2020, Adama Traore có 9 pha kiến tạo thì 7 tình huống trong số đó là dành cho trung phong Raul Jimenez. WhoScored chỉ ra trong 20 đội bóng Premier League mùa đó, Traore là cầu thủ có nhiều kiến tạo nhất cho riêng một đồng đội (7). Công thức quen thuộc gần như là những tình huống tạo đột biến ở cánh bằng tốc độ trước khi tạt vào cho Jimenez ghi bàn.
 
Và tình huống đó gần như được tái hiện trong trận đấu giữa Barcelona và Atletico Madrid cuối tuần qua. Cầm bóng bên cánh phải, khiến Mario Hermoso không kịp trở tay trước khi tạt bóng vào để Gavi đánh đầu ghi bàn. Công thức đó có thể sẽ được tái hiện nhiều hơn nữa ở Barcelona trong phần còn lại của mùa giải này nếu Xavi – một người mang DNA đích thực của Barcelona - sử dụng Luuk de Jong. 
 
Có thể nói đó là màn tái xuất Barca không thể tuyệt vời hơn của Adama Traore. Trong suốt quãng thời gian có mặt trên sân ở cuộc đại chiến cuối tuần qua, Traore thực sự trở thành mối đe doạ thường trực bên cánh phải, nhất là với Hermoso. Anh đã có một ngày phối hợp nhịp nhàng với Dani Alves và đảm nhiệm tốt cả khâu tấn công lẫn phòng ngự. 
 
Từ chối mức lương cao mà Tottenham mời gọi, chấp nhận giảm lương để trở lại Barcelona, Adama Traore trở lại đội bóng từ thuở ấu thơ với quyết tâm “mang lại hạnh phúc cho người hâm mộ”. Từ một người bị coi là không phù hợp với triết lý của Barcelona và bị đào thải khỏi CLB, Adama Traore đã trở lại và bước đầu chứng minh giá trị của mình.
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

X
top-arrow