AC Milan: Donnarumma đã đi, nhưng Mike Maignan cũng không phải dạng vừa

Tác giả Nam Khánh - Thứ Bảy 31/07/2021 09:26(GMT+7)

Zalo

Gianluigi Donnarumma đã chính thức rời AC Milan. Nhưng người thay thế anh, thủ thành Mike Maignan, cũng không phải một gương mặt hạng xoàng.

Mike Maignan
 
Ngày 11 tháng 4 năm 1983, một trong những sự kiện nổi tiếng nhất trong lịch sử metal đã diễn ra: Metallica “tống cổ” – theo đúng nghĩa đen – Dave Mustaine ra khỏi ban nhạc ngay trước khi thu âm album đầu tay: “Kill 'Em All”. 
 
Tầm 9 giờ sáng, James Hetfield, Lars Ulrich và Cliff Burton đập Dave dậy, lúc ấy tay lead guitar của ban nhạc còn đang “say quắc cần câu”, mắt nhắm mắt mở. Cả 3 thông báo với Dave rằng gã đã bị đuổi. Dave lồm cồm bò dậy hỏi mấy giờ máy bay cất cánh cho mình về California, chỉ để nhận lấy cái lắc đầu rằng: “Không có vé máy bay đâu, tụi tao chỉ mua cho mày vé xe khách đi 4 NGÀY RÒNG RÃ từ New York về California thôi, xe khởi hành trong 1 tiếng nữa, thu đồ gì thì thu nhanh lên.”
 
Như một hành động tử tế cuối cùng trước khi chia tay, James đã lái ô tô chở Dave từ Music Building phố Queens tới bến xe tại đại lộ 8 ở Manhattan.
 
Không chỉ tức vì bị đuổi khỏi chính ban nhạc mà mình đồng sáng lập, Dave Mustaine còn phải nếm trải một cục tức lớn hơn nữa khi phải đi xe khách tận 4 ngày trong khi ban nhạc đang thu âm “Kill'Em All”, cùng những câu đàn đỉnh vật vã do mình viết, với một gã lead guitar khác mà họ âm thầm chiêu mộ về – Kirk Hammet.
 
Thời gian trôi nhanh đến 25 tháng 5 năm 2021, chỉ 1 ngày sau khi Gianluigi Donnarumma rơi lệ trong niềm hạnh phúc vào khoảnh khắc anh và các đồng đội chính thức giúp AC Milan giành được tấm vé tham dự Champions League lần đầu tiên sau 8 năm, thông tin Rossoneri chiêu mộ thành công thủ môn số một của Lille, Mike Maignan, với mức phí chuyển nhượng 15 triệu Euro đã bất ngờ được xác nhận. 
 
Động thái này chính là một lời thông báo rằng, CLB đã quyết định “đoạn tuyệt” với Donnarumma – một trụ cột đích thực ở Milan, và đóng vai trò then chốt trong cuộc hành trình giành lấy tấm vé tham dự Champions League đầu tiên sau 8 năm của họ. 
 
Hai vụ câu chuyện trên có hai điểm chung: Những người đưa ra quyết định đều cảm thấy sự hiện diện của hai “nhân vật chính” đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định của một tập thể khi mà yếu tố này đang cực kỳ quan trọng, cũng như đã diễn ra một cách hết sức chóng vánh đối với hai “nhân vật chính”. 

Mike Maignan
Ban nhạc Metallica, người đừng ngoài cùng bên phải là Dave Mustaine. Ảnh: Metallica.com

Dave Mustaine có tài năng không? Quá giỏi luôn ấy chứ! Cả 4 ca khúc trong demo “No life till lether” – với những câu đàn chất lừ do chính Dave viết – đều đã được đưa vào Kill ‘Em All và trở thành kinh điển của làng thrash metal: Four horsemen (ban đầu có tựa là Mechanix), Jump in the fire, Phantom lord, và Metal Militia. 
 
Nhưng Dave thuộc dạng “tài đi đôi với tật”, lý do sa thải được thủ lĩnh James Hetfield đưa ra là Dave chỉ suốt ngày nghiện ngập, rượu chè, hút chích, và cả thói côn đồ, ưa bạo lực – khiến các thành viên còn lại không thể nào chịu đựng thêm nữa. Thậm chí bassist đầu tiên của nhóm là Ron McGovney đã bỏ nhóm sau khi bị Dave đổ bia lên cây bass của mình. 
 
Còn Donnarumma, anh chính là “người gác đền” số một của Milan vào thời điểm đó, đồng thời được “cơ cấu” để trở thành một thủ lĩnh, một huyền thoại của Rossoneri. Thủ môn 22 tuổi không phải là một “con ngựa bất kham” như Dave Mustaine, nhưng mối quan hệ của anh và người đại diện Mino Raiola lại là một mối đe dọa quá lớn đến CLB. Giám đốc kỹ thuật Paolo Maldini và các cộng sự đã kiên quyết không chấp nhận những con số mà Donnarumma và Raiola đòi hỏi (hợp đồng 2 năm, lương 10-12 triệu euro/năm và 20 triệu Eeuro tiền lót tay dành cho Raiola). 
 
Theo quan điểm của phía ban lãnh đạo Milan, đó là những yêu cầu “hết sức quá đáng”, không chỉ là về chuyện tiền nong, mà đồng thời, trong hoàn cảnh Rossoneri đang rất cần sự “ổn định”, thì việc chứa chấp một cầu thủ mà cứ sau một mùa giải lại phải loay hoay đàm phán, thương lượng hợp đồng mới – đặc biệt là khi anh ta được đại diện bởi Mino Raiola – sẽ không phải là một sự lựa chọn thông minh.
 
Sau khi “dứt tình” với Dave, Metallica và thứ âm nhạc của họ đã chinh phục thế giới cùng một Kirk Hammet đáp ứng đúng những yêu cầu của cặp thủ lĩnh Lars và James – vừa sở hữu tài năng thuộc hàng “khủng”, vừa “biết điều” và “dễ bảo”, mặc dù Kirk không hoàn toàn là một “trai ngoan”.  
 
Đối với Maldini và các cộng sự, Maignan cũng chính là một sự thay thế tương tự như trường hợp của Kirk và Metallica. 
 
Đủ năng lực để trở thành “người gác đền” hàng đầu của nhà đương kim vô địch Ligue 1 2020/2021 – Lille, được ghi nhận là thủ môn có nhiều trận giữ sạch lưới nhất trong 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu ở mùa giải 2020/2021, và từng được vinh danh là thủ môn xuất sắc nhất Ligue 1 2018/2019, chừng đó thông tin là quá đủ để chứng minh tài năng của Maignan. 
 
Quan trọng nhất, hành động chấp nhận một bản hợp đồng 5 năm cùng mức lương 3 triệu Euro mỗi năm dù cho sở hữu một hồ sơ “chất” đến vậy, trước mắt đã cho ban lãnh đạo Rossoneri thấy rõ thành ý của Maignan, cũng như việc anh sẽ không phải là một “quả bom nổ chậm”, một “mối đe dọa” đối với CLB như cặp đôi Raiola và Donnarumma. 
 
Sau khi cùng đoàn quân Azzurri của Roberto Mancini giành chức vô địch Euro 2020, đồng thời đoạt luôn danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất giải”, chắc chắn Donnarumma đã khiến cho hầu hết các Milanista phải nhìn mình theo kiểu “con cáo và chùm nho”. Cảm giác tiếc nuối là không thể tránh được, đặc biệt là khi Milan đã “mất trắng” thủ môn 22 tuổi mà không thu được một đồng phí chuyển nhượng nào, nhưng sự lo lắng là điều không cần thiết, bởi Maignan chắc chắn là một thủ môn “không phải dạng vừa”, và thậm chí có thể sẽ là một sự “nâng cấp” so với Donnarumma.  

Mike Maignan
Mike Maignan gia nhập AC Milan từ thời điểm đầu kỳ chuyển nhượng mùa hè. Ảnh: AC Milan
 
Như đã đề cập, Mike Maignan đã trải qua một mùa giải 2020/2021 hết sức ấn tượng khi khoác áo Lille, được ghi nhận 21 trận giữ sạch lưới ở Ligue 1 – đây chính là thành tích tốt nhất châu Âu. Anh đã từng chỉ cách con số kỷ lục trong lịch sử bóng đá Pháp (22 trận giữ sạch lưới) vỏn vẹn 2 phút, nhưng một cú đánh đầu ở phút 91 trong trận đấu cuối cùng – trước đối thủ Angers – đã ngăn cản điều đó.
 
Trong cả mùa giải, Lille chỉ để thủng lưới 23 bàn thua và có hiệu số bàn thắng bại là 41. Bản thân Maignan đã thực hiện tổng cộng 87 pha cứu thua ở mùa giải trước, với 55 trong số đó là những cú dứt điểm trong vòng cầm, trong khi 31 đến từ ngoài vòng cấm, và chỉ có duy nhất một sai lầm dẫn đến 1 bàn thua. 
 
Thủ môn 25 tuổi thậm chí còn rất giỏi trong việc bắt dính bóng, anh được ghi nhận 22 lần bắt gọn quả bóng, trong khi có 13 lần đấm bóng. Maignan đã thực hiện trung bình 2,3 pha cứu thua/ trận, trong khi để thủng lưới trung bình 0,61 bàn/ trận. Tầm quan trọng của ngôi sao người Pháp trong thành tích “soán ngôi” gã khổng lồ Paris Saint-Germain cũng được thể hiện rõ qua việc anh đã bắt chính trong toàn bộ 38 trận của Lille – tức là Maignan đã giữ sạch lưới đến 55% trong tổng số trận mà anh chơi.
 
Đương nhiên, công việc quan trọng nhất của một thủ môn là cản phá những cú dứt điểm. Khả năng thực hiện nhiệm vụ đó một cách ổn định chính là minh chứng về một “chốt chặn” vững chắc, và Maignan chắc chắn là một trong những người giỏi nhất về khía cạnh này.
 
Phân tích sâu hơn với những con số thống kê nâng cao, thủ môn tân binh của A.C Milan đã được ghi nhận con số 2,8 trong dữ liệu “PSxG/SOT (khả năng thành bàn của những cú sút trúng đích đã đối mặt) trừ GA (số bàn thua thực tế)”, chỉ có Keylor Navas sở hữu con số lớn hơn là 4 (PSxG/SOT 22; GA 18),  nhưng thủ môn của PSG chơi ít hơn Maignan đến 9 trận. Điều này có nghĩa là Maignan đã để thủng lưới ít hơn 3 bàn so với “dự kiến” dựa trên dữ liệu về độ khó của những cú dứt điểm mà anh phải đối mặt. 
 
Chưa hết, việc Maignan là một chuyên gia cản phá thượng hạng còn được thể hiện qua con số tỷ lệ giữa những cú dứt điểm trúng đích anh phải đối mặt và số pha cứu thua mà anh đã thực hiện. Thủ môn người Pháp đã đối mặt với trung bình 2,82 cú dứt điểm trúng đích mỗi trận ở Ligue 1 2020/2021, chỉ có Benjamin Lecomte của Monaco là đối mặt với ít cú dứt điểm trúng đích hơn (2,21) trong số những thủ môn đã ra sân ít nhất 20 trận. Tuy nhiên, với thống kê 2,3  pha cứu thua mỗi trận, anh đã đạt tỷ lệ cản phá là 79,4%, chỉ đứng sau Navas (80,9%) – đây thực sự là một thành tích rất đáng nể. 
 
Mike Maignan
Những thủ môn cản phá các cú dứt điểm tốt nhất châu Âu
 
Có thể nói, Maignan rất giống với “người gác đền” lừng lẫy của Atletico Madrid,  Jan Oblak, ở phong cách cứu thua. Kết hợp với phản xạ tuyệt vời, hai người họ đều sở hữu khả năng “đọc tình huống” và chọn vị trí cực kỳ tốt – chính vì có thể thường xuyên đưa bản thân vào những vị trí hết sức lý tưởng để cản phá, nhờ vậy mà họ rất hiếm khi phải thực hiện những pha cứu thua theo kiểu “không tưởng” hay “cực ảo”. Maignan thực sự có thể phán đoán trước được những nguy hiểm từ trước khi chúng phát sinh, qua đó “hóa giải” chúng một cách hết sức đơn giản. 
 
Bên cạnh đó, khả năng đọc tình huống và ra quyết định còn giúp Maignan trở thành một “cao thủ” trong các pha một đối một. Rất hiếm khi anh thất bại trong việc chọn ra phương án tối ưu cho những tình huống này. 
 
Ngoài khả năng cản phá những cú dứt điểm, Maignan còn xuất sắc trong các khía cạnh khác của vai trò thủ môn: Đóng vai “thủ môn quét” và ngăn cản những quả tạt là hai khả năng nổi bật khác trong lối chơi của ngôi sao người Pháp. Tốc độ, sức mạnh và thể hình của Maignan đã cho phép anh làm chủ vòng cấm rất hiệu quả, bởi vì “người gác đền” 25 tuổi cũng cực kỳ năng nổ trong việc rời khỏi vạch vôi khung thành hoặc thậm chí là hoạt động như một “thủ môn quét” bên ngoài vòng cấm.
 
Mike Maignan
Bản đồ nhiệt về Mike Maignan ở Ligue 1 mùa giải trước. Ảnh: Squawka
 
Cụ thể hơn, Maignan đã có số lần ngăn cản thành công những quả tạt cao thứ tư ở Ligue 1 mùa giải trước, với 23 trên 286, tức là 8% trong số những quả tạt vào vòng cấm. Hơn nữa, anh đã đứng thứ sáu ở Ligue 1 trong việc thực hiện các hành động phòng ngự bên ngoài vòng cấm với thống kê 0,68 mỗi trận. So với thủ môn mà Maignan sẽ thay thế ở Milan, Donnarumma, anh hoạt động bên ngoài vòng cấm nhiều hơn hẳn, còn về khía cạnh ngăn cản những quả tạt, thể hình to cao của ngôi sao người Italy giúp anh vượt trội hơn, nhưng sự khác biệt so với Maignan là không nhiều. 
 
Mike Maignan
Những thủ môn "quét" và làm chủ vòng cấm tốt nhất châu Âu
 
Ngoài ra, khả năng đoạt bóng từ các quả tạt và những tình huống phạt góc đồng nghĩa với việc anh thường xuyên có được những cơ hội tuyệt vời để phát động các đợt phản công, và Maignan cũng là một thủ môn sẵn sàng làm điều này. Anh xuất sắc trong cả các pha ném bóng và những đường chuyền dài chính xác.
 
Đương nhiên, so sánh Maignan và Donnarumma là một việc không thể thiếu trong một bài viết như thế này. 
 
Chỉ số quan trọng nhất – tỷ lệ cứu thua – sẽ là điểm khởi đầu, Maignan vượt trội hơn với thống kê 79,4% so với con số 71,2% của Donnarumma. Trên thực tế, thủ môn người Italy đã thực hiện nhiều pha cứu thua hơn (2,5 so với 2,3 mỗi trận) – điều này xuất phát từ nguyên nhân hệ thống phòng ngự tuyệt vời của Lille đã giúp Maignan không phải đối mặt với nhiều cú dứt điểm trúng đích như Donnarumma (2,82 so với 3,38). Nhưng, như đã nhận xét, tỷ lệ cản phá của anh vẫn là một con số thực sự đáng nể, không chỉ thể hiện năng lực, mà còn cả sự tập trung cực kỳ cao độ của thủ môn người Pháp. 
 
Đào sâu hơn với những con số nâng cao, chúng ta sẽ tiếp tục có được bằng chứng cho thấy Maignan nhỉnh hơn Donnarumma về khả năng cản phá: Anh được ghi nhận thống kê cao hơn trong chỉ số “PSxG – GA” mỗi 90 phút với 0,13 (đứng thứ ba ở Ligue 1), trong khi của thủ môn người Ý là 0,07. 
 
Phân phối bóng cũng là một khả năng quan trọng đối với các thủ môn hiện nay, và mặc dù Maignan thực sự là một người gác đền giỏi dùng chân, nhưng đây là khía cạnh mà Donnarumma đã vượt trội hơn anh trong mùa giải 2020/2021. Thủ môn người Italy được ghi nhận số đường chuyền mỗi 90 phút nhiều hơn (29,2 so với 23), số đường chuyền thành công nhiều hơn (22,5 so với 15,5), tỷ lệ chuyền bóng chính xác cao hơn (77,04% so với 67,32%), có nhiều đường chuyền dài thành công hơn (5,6 so với 4,4) và tỷ lệ chuyền dài chính xác cao hơn (45,96% so với 36,94%).  

Gianluigi Donnarumma: Khi áp lực đã trở thành một món ăn quen thuộc
Gianluigi Donnarumma đã có sự nghiệp tuyệt vời ở AC Milan, nhưng giờ cả hai đã là quá khứ của nhau. Ảnh: Getty Images
 
Trở lại cái ngày “khốn nạn” của năm 1983 đó, trong lúc đang buồn chán trên xe khách, Dave đã vơ mọi thứ có thể đọc được bao gồm cả mẩu báo rách rưới “The arsenal of MEGADEATH can’t be rid no matter what the peace treaties come to”, rồi lẩm nhẩm cụm từ Megadeath trong đầu. Và một “kế hoạch phục thù” đã được vạch ra, cùng một ban nhạc mới do chính ông là thủ lĩnh, với cái tên Megadeth – một biến thể của Megadeath. Đối thủ nặng kí đáng gờm nhất cho chính Metallica đã xuất hiện, tạo nên một trong những cuộc đua vĩ đại nhất trong lịch sử metal. 
 
Sau khi bị “đá” một cách chóng vánh khỏi “band cũ” Rossoneri, Gianluigi Donnarumma đã khởi đầu “chương tiếp theo” của đời cầu thủ một cách quá tuyệt vời với màn trình diễn đỉnh cao ở Euro 2020. 
 
Nhưng liệu thủ môn 22 tuổi có thể tái hiện “hành trình phục thù” của Dave cùng “band mới” Paris Saint-Germain hay không (mặc dù anh đã khẳng định rằng mình vẫn yêu quý Rossoneri và không có chút thù hằn nào)? Và liệu AC Milan có thể chinh phục những mục tiêu mà mình đặt ra cùng sự tỏa sáng của Mike Maignan, để qua đó chẳng cần tiếc nuối hay bận tâm Donnarumma làm được điều gì ở PSG – giống như Metallica, cùng sự tỏa sáng của Kirk, chẳng cần quá bận tâm đến Dave – hay không? Chỉ thời gian mới có thể đưa ra câu trả lời.
 
Nhưng hiện tại, quá rõ ràng là với những gì mà Maignan đã thể hiện trong quá khứ, các Milanista hoàn toàn có thể yên tâm rằng Paolo Maldini và các cộng sự đã thay thế một trụ cột (Donnarumma) bằng một tân binh chắc chắn “không phải dạng vừa”!

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Jamal Musiala và giấc mơ từ những vũ điệu Latin

Cuộc phỏng vấn độc quyền trên tờ MARCA sẽ phần nào giúp những người hâm mộ hiểu rõ hơn về cuộc sống của Jamal Musiala cũng như lời hẹn ước chuyển tới La Liga chơi bóng trong tương lai không xa.

Nghịch lý Nicolas Jackson

“Hôm nay, Jackson vừa cầu thủ xuất sắc nhất vừa là cầu thủ tệ nhất trên sân - điều mà tôi chưa từng thấy trong bất kỳ trận đấu nào trước đây”, cựu danh thủ hiện đang làm việc tại Talksport - Stuart Pearce đã bình luận như thế về màn trình diễn của Nicolas Jackson trong thất bại 0-1 của Chelsea trước Man City ở bán kết FA Cup.

X
top-arrow