AC Milan 2021/22: Những kẻ "nan tẩu"

Tác giả Nam Khánh - Thứ Sáu 27/05/2022 16:31(GMT+7)

Sau những năm tháng dài đằng đẵng với đau khổ chất chồng, tiếng hát “Siamo noi, siamo noi, i Campioni dell’Italia, siamo noi” (Chính chúng ta, chính chúng ta, những nhà vô địch của Italy, chính chúng ta) lại có thể vang lên một cách đầy tự hào từ nửa đỏ thành Milano, nhờ bản lĩnh và nghị lực phi thường đã đưa họ vượt qua mọi gian nan ngán đường để chinh phục Scudetto – trong khi chẳng ai dám tin họ có thể làm được điều này cả.

 
Tại hồi 213 của Hỏa Phụng Liêu Nguyên, một bộ Manhua dựa trên thời đại nổi tiếng với cái tên “Tam Quốc” trong lịch sử Trung Hoa, tác giả Trần Mỗ đã viết nên một trong những màn đối thoại kinh điển nhất đối với những người yêu mến bộ truyện này – với bối cảnh là cuộc gặp đầu tiên của hai nhân vật Lưu Bị và Bàng Thống, trên một dòng sông đầy thi thể.

-Nơi binh hoan mã loạn, lẽ ra không nên lui tới. Tiên sinh là người “tẩu nan” hay “nan tẩu” ?
-Tẩu nan, nan tẩu, ý các hạ là gì?
-Kẻ “tẩu nan”, khi gặp khó chỉ biết lùi về phía sau. Người “nan tẩu” gặp khó vẫn tiến về phía trước.
-Vậy thì xem tôi như kẻ sau đi.
-Tôi chân thành khuyên tiên sinh, sợ thối thì không nên đi, không sợ thì hãy bước tiếp.
-Đúng, làm những chuyện như thế này phải không được sợ thối. 
-Phía trước người chết càng nhiều, con đường của tiên sinh càng khó đi* 
-“Tẩu nan” sau cùng cũng phải gặp những chuyện khó khăn. “Nan tẩu” tuy chịu đựng mùi thối,  nhưng chỉ có tiến về phía trước mới có thể hiểu được mùi thối ở đâu ra, mà có cách giải quyết được nó… đúng không Lưu hoàng thúc?
 
(Tẩu: Trốn chạy; Nan: Khó khăn, gian nan)
 
Tự cổ chí kim của thế gian, trên những cuộc hành trình kết thúc bằng thất bại chưa chắc đã gắn liền với “tẩu nan” bởi thế mà có câu “đừng lấy thành bại luận anh hùng”, nhưng thành công, sự vĩ đại và những nhà vô địch chắc chắn sẽ đi chung với tinh thần “nan tẩu” trên cuộc hành trình đã trải qua. 
 
Hiển nhiên nguyên tắc này cũng hiện hữu trong bóng đá, và trên cuộc hành trình chinh phục Scudetto của một AC Milan đầy khắc khổ, chính thứ tinh thần “nan tẩu” ấy đã được đẩy lên cao ngất ngưỡng và đưa họ vượt qua những thử thách, gian nan khủng khiếp đến mức thành quả cuối cùng của họ xứng đáng được ca ngợi bằng hai chữ “kỳ tích”! 
 
***
 
Hãy nhìn lại bài phát biểu của tiền đạo kỳ cựu Zlatan Ibrahimovic trước toàn thể đội bóng trong phòng thay đồ sau khi Rossoneri đánh bại Sassuolo để chính thức đăng quang Serie A 2021-22: “Từ ngày đầu tiên tôi đến đây, rồi sau đó là vài anh em khác nữa, rất ít người tin vào chúng ta, nhưng khi chúng ta hiểu ra rằng mình cần hy sinh, chịu đựng, tin tưởng và nỗ lực, chúng ta đã trở thành một tập thể đích thực tuyệt vời. Và khi trở thành một tập thể đích thực, chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng tự hào. Giờ đây, chúng ta là những nhà vô địch của Italy… Đã có rất nhiều gian nan và sóng gió, nhưng chúng ta đã chinh phục được chúng trong tư cách một tập thể đích thực. Vào đầu mùa giải, chẳng ai thèm tin vào chúng ta cả. Nhưng thông qua những nguyên tắc này, chúng ta đã trở nên mạnh mẽ hơn.”
VIDEO: Ibra vừa lật bàn vừa phát biểu cực chất sau khi AC Milan vô địch Serie A
AC Milan đã giành được danh hiệu Scudetto đầu tiên sau 11 năm. Trong phòng thay đồ, để khởi xướng màn ăn mừng của các cầu thủ, lão tướng Ibrahimovic đã có...
Đó là những câu từ mô tả chính xác cuộc hành trình của Milan trước khi được tận hưởng thành quả Scudetto lần đầu tiên sau 11 năm dài đằng đẵng.
 
Chẳng có ai tin vào khả năng chinh phục Scudetto của Rossoneri ở mùa giải này cả, đó là sự thật. Ngay cả với những người hâm mộ đội chủ sân San Siro, mục tiêu thiết thực nhất cho đến giai đoạn cuối của mùa giải vẫn là duy trì một vị trí trong top 4, để được góp mặt ở Champions League 2022-23. Quỹ đạo đi lên diễn ra liên tục trong 2 năm rưỡi qua vẫn chưa đủ thuyết phục để mọi người tin rằng đoàn quân của Stefano Pioli có thể mơ lớn. 
 
Người ta thà tin vào một Juventus từng suýt mất vé dự Champions League 2021-22 và đang trong quá trình tái thiết với sự trở lại của Massimiliano Allegri, hoặc một Inter Milan vừa mất đi hàng loạt trụ cột – bao gồm cả vị HLV trưởng đã đưa họ giành Scudetto 2020-21 là Antonio Conte – còn hơn là viễn cảnh Milan được nâng cao chức vô địch vào cuối mùa giải. 

 

Nhưng kết cục là gì? 
 

Juventus khổ sở thấy rõ trên cuộc hành trình 2021-22 và từng phải nằm trong nhóm xuống hạng vào giữa tháng 9. 
 
Inter đã đánh mất cơ hội xây chắc ngôi đầu vào tháng 2 bởi thất bại trong trận Derby della Madonnina, trải qua một giai đoạn khủng hoảng phong độ nghiêm trọng, hồi phục và sau đó phải nếm một cú tát trời giáng với sai lầm tai hại của thủ môn Ionut Radu trong trận đấu với Bologna vào cuối tháng 4, để rồi niềm hy vọng duy nhất còn lại cho họ là kẻ đứng đầu AC Milan sẽ bất ngờ vấp ngã trong những bước cuối cùng. 
 
Một ứng cử viên vô địch khác là Napoli từng bất bại cho đến cuối tháng 11, nhưng đã bắt đầu đi xuống khi hốc mắt và xương gò má của tiền đạo chủ lực Victor Osimhen bị vỡ, kèm theo đó là những ca chấn thương khác và tình trạng tổn thất nhân sự vì Cúp bóng đá châu Phi khởi tranh – kết cục của họ chính là buông súng đầu hàng trong giai đoạn cuối của cuộc hành trình. 
 
Trong một mùa giải Serie A hết sức điên rồ, thành quả của Milan đã đến từ khả năng giữ vững một cái đầu lạnh, duy trì sự tỉnh táo và kiên định với tham vọng của mình ngay cả khi mọi thứ đang chống lại họ – nhìn vào thất bại của Juventus, Inter và Napoli, những phẩm chất này của Rossoneri chắc chắn không nên bị coi nhẹ!
Hãy nhìn vào trận thắng 3-1 của họ vào tháng 1 trước AS Roma “binh hùng tướng mạnh” bằng một đội hình đầy chắp vá, gồm toàn những phương án hai, phương án ba, và những cầu thủ phải chơi trái vị trí sở trường.
 
Hãy nhìn vào chiến thắng áp đảo mà họ giành được ở vòng đấu cuối trước một “hung thần” Sassuolo từng là nỗi ám ảnh của họ, dù cho tham vọng trở thành một “kẻ ngáng đường vĩ đại” của đội chủ nhà là điều rất rõ ràng – đâu phải ngẫu nhiên mà sân Mapei lại trở nên trơn trượt một cách khó hiểu trong trận đấu này, khiến các cầu thủ trượt chân liên tục.
 
Tua ngược thời gian trở lại trận thua trước Spezia hồi đầu năm, khi trọng tài Marco Serra sốc nặng và bật khóc sau khi một quyết định sai lầm của ông đã cướp đi bàn thắng hợp lệ của Junior Messias bên phía Milan, sau đó đội khách vùng lên và ghi bàn ấn định một chiến thắng bất ngờ tại San Siro. Cùng một số đồng đội khác, Ibrahimovic đã an ủi Serra, nói với ông rằng: “Hãy cho mọi người thấy sự mạnh mẽ của ông và đứng lên từ vấp ngã này!”

 
Những câu từ ấy cũng đã được đoàn quân Rossoneri áp dụng cho chính bản thân mình.  
 
Kể từ đó, họ đã không phải nhận thêm bất kỳ một thất bại nào nữa trong 16 trận còn lại của Serie A 2021-22 – bao gồm những chiến thắng ngoạn mục khi mà kết cục mất điểm đang đến rất gần, ví dụ như cuộc lội ngược dòng trước đại kình địch Inter vào tháng 2, hay bàn thắng mang về 3 điểm ở phút 90+2 của Sandro Tonali trong cuộc lội ngược dòng 2-1 trước Lazio. 
 
Một sức bật quá đáng nể đã được Rossoneri thể hiện trên xuyên suốt cuộc hành trình này.
 
Tinh thần “nan tẩu” được đẩy lên cao nhất có thể, chỉ có lời giải thích ấy mới là xác đáng nhất giành cho chức vô địch của một đoàn quân mà HLV trưởng Igor Tudor của Hellas Verona từng bảo rằng “xét về chất lượng đội hình đáng ra chỉ có thể đứng ở vị trí thứ ba hoặc thứ tư tại giải đấu này”, không có một cái tên nào góp mặt trong top 10 cây săn bàn và chỉ có duy nhất 1 cái tên xuất hiện trong top 10 kiến tạo (Rafael Leão, đứng ở vị trí thứ 10, với 8 pha kiến tạo). 
 
Nhìn lại giai đoạn chuẩn bị trước mùa bóng mới của Rossoneri, rõ ràng CLB chủ sân San Siro chẳng hề có những động thái mang dáng dấp của một đội bóng có tham vọng vô địch. 

 
Chàng trai đã đóng vai trò trụ cột trong nhiều mùa giải và được kỳ vọng là biểu tượng tương lai của Milan, thủ môn Gianluigi Donnarumma, đã rời đội bóng sau những bất đồng trong quá trình đàm phán gia hạn hợp đồng. Kế đến, số 10 thực thụ duy nhất của đội là Hakan Çalhanoğlu đã ra đi mà chẳng có một sự thay thế nào được mang về. 
 
Khoản tiền 78,70 triệu Euro mà họ chi ra cho kỳ chuyển nhượng mùa hè chủ yếu là dành cho việc mua đứt những bản hợp đồng mượn ở mùa giải 2020-21, và trừ Mike Maignan – người gác đền của nhà vô địch Ligue 1 2020-21, thủ môn có nhiều trận giữ sạch lưới nhất trong 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu ở mùa giải 2020/2021, và từng được vinh danh là thủ môn xuất sắc nhất Ligue 1 2018/2019 – những tân binh còn lại đều bị xem là “hết date” (Olivier Giroud và Alessandro Florenzi), chỉ thuộc hạng “tầm thường” (Tiemouné Bakayoko, Fodé Ballo-Toure, Junior Messias) và một bệnh binh bao năm qua chỉ quanh quẩn với những chấn thương là Pietro Pellegrini. 
 
Nói tóm lại, đoàn quân của Pioli đã phải bước vào mùa giải này với một đội hình… yếu hơn cả mùa trước, đặc biệt là bởi sự thiếu vắng một số 10 thực thụ trong hệ thống tối ưu 4-2-3-1; bên cạnh đó, nhà cầm quân 56 tuổi đã rất nhiều lần phải xoay sở với tình trạng những cầu thủ quan trọng – hay thậm chí là “phương án hai” – không thể ra sân. 
 
 
Thủ môn Mike Maignan, người thay thế Donnarumma, đã mất một tháng để hồi phục sau ca phẫu thuật cổ tay. Ibrahimovic xuất hiện trên sân rất ít, lần cuối cùng anh được đá chính đã cách đây 4 tháng, trong khi trung vệ trụ cột Simon Kjaer cũng đã phải ngồi ngoài từ tháng 1 vì gặp vấn đề với ACL. Ante Rebic – cầu thủ tấn công đã có 2 mùa giải 2019-20 và 2020-21 góp dấu giày vào hơn 15 bàn thắng cho Milan – cũng chấn thương liên miên, phải ngồi ngoài trong phần lớn mùa giải và sa sút phong độ trầm trọng sau khi trở lại. Ngay cả trung vệ số một Fikayo Tomori cũng đã phải trải qua một thời gian chịu cảnh dao kéo để sửa chữa sụn chêm ở đầu gối trái.
 
Viễn cảnh tan vỡ đã hiện hữu rất rõ vào mùa đông, đặc biệt là khi cặp đôi tiền vệ trung tâm Franck Kessie và Ismaël Bennacer rời đội để tham dự Cúp bóng đá châu Phi. Vào thời điểm Juventus đầu tư 70 triệu euro vào Vlahovic và mua Denis Zakaria với một mức giá được xem là hời, còn người hàng xóm / đại kình địch Inter thì bổ sung Robin Gosen từ Atalanta và tăng cường chiều sâu cho hàng công với Felipe Caicedo, thì Milan – vì chính sách tài chính của chủ sở hữu Elliott – chỉ có thể đưa về tiền đạo tuổi teen Marko Lazetic từ Red Star Belgrade dựa trên ý kiến của tuyển trạch viên trưởng Geoffrey Moncada, nhưng anh là một bản hợp đồng cho tương lai chứ không phải hiện tại.
 
Tuy nhiên, những gian nan, trắc trở đã chẳng thể dập tắt tham vọng của Rossoneri và đánh gục họ, mà thậm chí còn làm nền cho vinh quang cuối cùng của họ trở nên hào hùng hơn nữa. Thật phi thường, một tập thể gồm toàn những con người từng bị coi nhẹ rốt cuộc lại đủ bản lĩnh để vượt qua giông bão và đưa Milan chinh phục Scudetto đầu tiên sau 11 năm. 

 

Vị HLV trưởng Stefano Pioli của họ chính là ví dụ tiêu biểu nhất.
 

Ban đầu, Pioli chỉ là HLV tạm quyền sau thảm họa “7 vòng đấu của Marco Giampaolo”, với quá khứ là một sự nghiệp cầm quân hết sức tầm thường. Trên thực tế, ông chỉ có thể giúp Rossoneri giành được vỏn vẹn 3 chiến thắng kể từ ngày chính thức được bổ nhiệm cho đến thời điểm bước sang năm 2020 – đã thế còn thua nhục nhã với tỷ số 0-5 trước Atalanta. Chính bởi ấn tượng mở đầu tệ đến vậy, có thời điểm hashtag #PioliOut đã trở thành top trending ở Twitter Italy.
 
Ấy vậy mà một cuộc lột xác khó tin đã diễn ra. Mở đầu là phong độ chỉ thua 2 lần trong 21 trận còn lại của Serie A 2019/2020, qua đó khiến các sếp lớn – với CEO Ivan Gazidis là đại diện – từng muốn thay thế ông bằng Ralf Rangnick ngay khi mùa giải kết thúc đã quyết định dẹp bỏ kế hoạch này. Kế đến là chiếc vé tham dự Champions League sau 8 năm chờ đợi giành được ở mùa bóng 2020/2021, và tiếp theo là Scudetto 2021-22 – kèm theo danh hiệu HLV xuất sắc nhất mùa giải của Serie A.
 
Giờ đây, #PioliOut đã trở thành #PioliOutstanding, hay “Pioli quá cháy!” (Pioli on the Fire) – một ca khúc được các CĐV Rossoneri sáng tác dựa trên giai điệu của bài Freed From Desire. Những gì Pioli đã và đang làm được tại CLB chủ sân San Siro đích thực là kỳ tích.
 
Kế đến, Mike Maignan chắc chắn là một cái tên không thể bỏ sót khi nhắc đến những con người đã đưa Milan vượt qua giông bão và tạo nên kỳ tích Scudetto 2021-22 bằng bản lĩnh tuyệt vời của mình. Tuy Maignan đã tạo dựng được danh tiếng đáng kể ở Pháp, nhưng khi đặt cạnh một người tiền nhiệm từng là biểu tượng của Rossoneri, là trụ cột của Azzurri trên chặng đường chinh phục Euro 2020 kèm theo danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu để đưa bản thân vươn lên đẳng cấp “World-Class” như Donnarumma, hiển nhiên đã có không ít người nghi ngờ về khả năng khỏa lấp hoàn toàn chỗ trống mà ngôi sao người Italy bỏ lại của tân binh người Pháp. 

Ảnh: AC Milan
Nhưng rốt cuộc, Maignan đã tạo nên ấn tượng tuyệt vời hơn cả Donnarumma – đến mức có thể khẳng định rằng kể từ sau Alisson, không một thủ môn nào tạo ra tác động lớn như anh lên một đội bóng ở Serie A. 
Nếu thành tích giữ sạch lưới nhiều nhất giải – 17 lần sau 32 trận đã chơi – không nên được quy công lao cho mình Maignan, vẫn còn một chỉ số khác được StatsBomb đưa ra có thể nêu bật lên khả năng “gác đền” đỉnh cao của ngôi sao người Pháp là “Goals Saved Above Average” cho thấy, khi dựa trên độ nguy hiểm của những cú dứt điểm phải đối mặt, thì anh đã cứu thua vượt kỳ vọng đến gần 8 bàn (cụ thể là 7,68) – đứng đầu giải. Danh hiệu thủ môn xuất sắc nhất Serie A 2021-22 cuối cùng đã thuộc về Maignan, và anh còn được WhoScored điền tên vào đội hình xuất sắc nhất top 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu.
 
Đặc biệt hơn nữa, anh còn sở hữu nhãn quan và kỹ năng phân phối bóng tuyệt vời để thực hiện những đường chuyền phát động tấn công hết chỗ chê – Maignan thậm chí đã có 1 pha kiến tạo ở Serie A 2021-22, với cú phất bóng giúp Rafael Leao ghi bàn vào lưới Sampdoria. Chính bởi vậy mà anh đã được xem là một sự nâng cấp so với Donnarumma, thay vì chỉ đơn thuần là kẻ thay thế. 
Mike Maignan: Người khiến các Milanista lãng quên Gianluigi Donnarumma
Ngày 25 tháng 5 năm 2021, chỉ 1 ngày sau khi Gianluigi Donnarumma rơi lệ trong niềm hạnh phúc vào khoảnh khắc AC Milan giành được tấm vé tham dự Champions...
Đương nhiên phải nhắc đến lão tướng 35 tuổi Olivier Giroud. Tuy là một ngôi sao lớn đích thực và sở hữu một bản thành tích đáng nể, nhưng cảm giác lo ngại từ các Milanista về một bản hợp đồng hết date và “lời nguyền số 9” là điều có thể thông cảm được. Đúng thật là Giroud đã có những khoảng thời gian ngồi ngoài không ngắn vì chấn thương – một đặc trưng của các lão tướng, đúng là những hạn chế vì tuổi tác đã thể hiện rõ và đúng là anh chẳng thể ghi bàn tằng tằng, nhưng anh biết cách để tỏa sáng vào những thời khắc quan trọng nhất – tiêu biểu nhất chính là cú đúp giúp Milan lội ngược dòng trước Inter vào tháng 2, và cú đúp vào lưới Sassuolo tại sân Mapei ở vòng đấu cuối cùng của Serie A 2021-22, trực tiếp đưa Milan đến với Scudetto.
 
Cách đây 2 năm rưỡi, Rossoneri đã bị nghiền nát với tỷ số 0-5 trước Atalanta tại Bergamo. Đó là thất bại nặng nề nhất của họ kể từ năm 1998, và đưa đoàn quân của Pioli rơi xuống đáy sâu của sự tuyệt vọng. Nhưng đó cũng là cái tát đã đánh thức toàn bộ CLB này, như Pioli từng khẳng định: “Milan mạnh mẽ của hiện tại đã được sinh ra từ thất bại 5-0 này. Từ đó, chúng tôi đã biết mình phải làm gì.” 
 
Và một trong số những “điều cần làm” được ngộ ra bao gồm, một phần nguyên nhân của các kết quả không tốt trên sân chính là Milan đang thiếu đi kinh nghiệm và bản lĩnh của các lão tướng. Chính sách đầu tư vào những cầu thủ trẻ được CEO Ivan Gazidis và chủ sở hữu Elliott chỉ đạo cần phải có sự kết hợp của các đàn anh đủ kinh nghiệm, trình độ và uy tín để làm chỗ dựa cho toàn đội cả về chuyên môn lẫn tinh thần. Kết quả là Ibrahimovic và Simon Kjaer đã gia nhập Rossoneri vài ngày sau đó vào một trong những kỳ chuyển nhượng tháng một tạo ra tầm ảnh hưởng lớn nhất từ trước đến nay.
 
Không chỉ mang đến những đóng góp tuyệt vời cho khía cạnh chuyên môn, hai người họ còn thể hiện rõ nét vai trò của những bậc đại ca, thủ lĩnh của tập thể, khiến những người quanh mình chơi tốt hơn, và nâng cao các tiêu chuẩn cả trên sân đấu lẫn sân tập lên rất cao. Hai gã đại ca ấy đã thúc đẩy những người trẻ trong đội, kích thích họ trở nên tốt hơn và thu hút những áp lực khỏi đôi vai của họ.

 
Tonali từng mô tả Kjaer như thể một vị HLV trưởng thứ hai của đội. Còn Ibrahimovic, ngoài những lời ca ngợi từ các đàn em, từng tự mình vỗ ngực tuyên bố rằng: “Tôi là HLV, là chủ tịch, là cầu thủ, là tất cả mọi thứ, nhưng chỉ được trả lương cho một vai trò.” Trong khi đó, Pioli và huyền thoại Paolo Maldini, người hiện đang nắm giữ vai trò giám đốc kỹ thuật của CLB, thì từng đưa ra chung một nhận định rằng, “Ibracadabra” đã truyền tải tinh thần hiếu thắng, ghét thua cuộc vào toàn đội. Nhờ đó, khi hai người họ không thể tự mình xuất chiến, những cậu trai trẻ kia đã có thể đứng vững trên đôi chân của bản thân và đưa Milan tiếp tục tiến về phía trước. 

Chính vì vậy, Scudetto 2021-22 còn là chức vô địch của những chàng trai trẻ có thừa nhiệt huyết và bản lĩnh để chinh phục những gian nan, và rồi khi xét trên độ tuổi trung bình của các cầu thủ đã được ra sân, Rossoneri chính là nhà vô địch trẻ nhất trong kỷ nguyên 1 trận thắng bằng 3 điểm của lịch sử Serie A. 
Trong đó, Pierre Kalulu từ một cậu nhóc vô danh được Paolo Maldini đưa về Milan từ đội trẻ Lyon với số tiền bỏ ra chưa đến nửa triệu euro vào mùa hè năm 2020, đã khỏa lấp xuất sắc chỗ trống mà Kjaer bỏ lại vì chấn thương, khiến đội trưởng Alessio Romagnoli phải tiếp tục gắn bó với băng ghế dự bị và góp công cực lớn vào chuỗi 11 trận cuối chỉ để thủng lưới 2 bàn đã đưa Milan lên đỉnh.
 
Kế đến là Sandro Tonali – một kẻ “nan tẩu” đích thực. Sau sự chật vật ở mùa bóng 2020-21 khiến Milan chần chừ trong việc mua đứt anh sau khi bản hợp đồng mượn từ Bresica kết thúc, chàng trai này đã tự chủ động giảm lương để có được cơ hội thứ hai ở Rossoneri và đưa ra lời tuyên bố “mọi người sẽ được nhìn thấy Sandro Tonali thực sự ở mùa bóng này” trước thềm mùa giải 2021-22. Anh đã nói được, làm được – với minh chứng cụ thể nhất là 5 lần được trao danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất trận ở Serie A mùa giải này. Không chỉ trở thành một gương mặt nổi bật nơi tuyến giữa đội chủ sân San Siro với sự sung mãn, nhiệt huyết và bộ não của mình, mà còn trực tiếp góp công vào Scudetto với những pha lập công quý hơn vàng vào lưới Lazio và Hellas Verona trong giai đoạn quan trọng nhất của mùa giải. 

Đương nhiên không thể kể thiếu Rafael Leao – chàng trai đã được trao danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất mùa giải sau khi cùng Rossoneri nâng cao Scudetto ở Mapei. Tiềm năng to lớn của Leao là điều không thể bàn cãi, nhưng thái độ là vấn đề của anh, và chính Ibrahimovic từng kể rằng, Leao là “đứa duy nhất mà tôi chẳng thể thúc đẩy được, cậu ta phải tự giúp lấy mình thôi, còn không thì chẳng ai giúp được cậu ta cả”. 
 
Tuy nhiên, cũng chính ngôi sao người Thụy điển ở mùa giải này đã mừng rỡ khen ngợi rằng: “Cậu ấy đã thay đổi hoàn toàn, đã tự mình tìm ra những gì cần phải làm.”
 
Không chỉ có được mùa giải hay nhất kể từ khi gia nhập Milan (14 bàn, 12 kiến tạo trên mọi đấu trường), mà còn thể hiện một phong độ bùng nổ trong 6 trận đấu cuối cùng – và quan trọng nhất – trên cuộc hành trình Scudetto, với thành tích góp dấu giày vào 9 bàn thắng, sẽ không phải là quá lời khi bảo rằng tài năng trẻ người Bồ Đào Nha chính là nhân vật chính trong vinh quang này của Rossoneri. Ngoài ra, chỉ có Kylian Mbappe, Adama Traore và Allan Saint-Maximin là những cầu thủ có nhiều pha rê bóng thành công hơn Leao tính ở 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu mùa giải 2021-22. Chỉ có bầu trời mới là giới hạn của chàng trai này.
 
Cuối cùng, Scudetto 2021-22 còn là sự vùng dậy, là lời khẳng định bản thân của những kẻ bị ruồng bỏ. Một Fikayo Tomori từng là người thừa ở Chelsea trở thành trung vệ số một bất khả xâm phạm của Milan. Một Ismaël Bennacer từng là “hàng thải” của Arsenal trở thành nhạc trưởng / tiền vệ xuất sắc nhất tại Rossoneri, được giới chuyên môn ca ngợi là “quái vật phát triển bóng” ở top 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu. Và một Theo Hernandez không tìm được chỗ đứng ở Real Madrid trở thành một trong những hậu vệ trái xuất sắc nhất châu Âu, là một trong hai ngòi nổ tấn công chính của Milan, bên cạnh Leao – như siêu phẩm trong chiến thắng 2-0 trước Atalanta đã cho thấy. 
 
 
***
Trên cuộc hành trình chinh phục Scudetto của Rossoneri nói riêng và chặng đường đã qua dưới triều đại Stefano Pioli nói chung, có sóng gió và gian nan, có sự coi thường (hãy nhìn lại  ngày Leonardo Bonucci tuyên bố trước các đồng đội Juventus trong phòng thay đồ rằng: “Nhìn lên tấm bảng này đi, tụi Milan này thì có cái  gì phải sợ!” vào mùa giải 2020-21), và có cả sự phản bội (như khi Hakan Çalhanoğlu tuyên bố rằng đá ở Inter sướng hơn khi chơi với đám đồng đội ở Milan).  
 
Và khi tất cả chúng đều bị chinh phục để trở thành “đá lót đường” đưa họ đến vinh quang, thứ bản lĩnh mà họ thể hiện, tinh thần quyết không “tẩu nan” đã giúp họ làm được điều đó chắc chắn phải đạt đến mức phi thường, để rồi khiến cho thành quả cuối cùng trở nên ngọt ngào không gì sánh bằng.
 
Cũng chính vì vậy mà Ibrahimovic đã có thể dõng dạc tuyên bố trước toàn đội rằng: “Tôi tự hào về các bạn! Giờ thì hãy làm giúp tôi một việc: Ăn mừng như những nhà vô địch, bởi vì vào thời khắc này không chỉ Milan thuộc về AC Milan, mà cả Italy đã thuộc về AC Milan!”.
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Rodri: "Có nhiều thứ bạn sẽ không thể học được qua trường lớp mà phải tự chiêm nghiệm theo thời gian"

Khôn khéo trong cách ăn nói, kín đáo trong phong cách ăn mặc, là một người có học thức khi đã tốt nghiệp đại học và một cơ thể không dính một hình xăm... Có thể nói Rodri giống như một "cánh chim vừa lạ, vừa đặc biệt" trong thế hệ các cầu thủ đang thi đấu ở bóng đá hiện đại. Và ở cuộc phỏng vấn với Esquire, chúng ta sẽ có dịp hiểu nhiều hơn về con người và lối suy nghĩ của Rodri - cầu thủ đang chơi cho Man City vừa đoạt được danh hiệu Quả bóng vàng năm 2024.

Nghịch lý Vinícius Júnior

Vinícius Júnior đã thất bại trong cuộc đua Ballon d’Or vào tháng trước, nhưng bạn hãy thử nói với người hâm mộ Real Madrid rằng anh thực sự không xứng đáng giành Quả Bóng Vàng mà xem. “Vinícius, Ballon d'Or,” đám đông khán giả tại Santiago Bernabeu đã hát đi hát lại câu này vào hôm thứ 7, khi tiền đạo người Brazil lập hattrick trong chiến thắng 4-0 của Madrid trước Osasuna.

Luis Nani: Cuộc đời xoay trong những điệu santo

Gần 40 tuổi, thay vì lựa chọn nghỉ hưu ở những bãi biển xinh đẹp, Nani vẫn tiếp tục chơi bóng. Chẳng quan trọng là Manchester United lừng danh thế giới, Valencia đình đám một thời hay Sporting Lisbon giàu truyền thống, chỉ cần được ra sân và cống hiến, như thế là đủ mãn nguyện đối với ngôi sao người Bồ Đào Nha.

Ruben Amorim: "Tôi sẽ làm tất cả để đưa Man Utd trở về vị thế của mình"

Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.

Ayoze Perez: Sau cơn mưa mù là nắng ấm

Từ một cái tên từng nổi lên tại xứ sở sương mù trong màu áo Newcastle cách đây gần một thập kỷ, rồi bất ngờ ngụp lặn bởi những ca chấn thương, Ayoze Perez giờ đây đã quay trở về quê hương Tây Ban Nha ấm áp và trở thành nguồn cảm hứng kỳ lạ mang đến nét tươi mới cho Villarreal trong mùa giải năm nay.

Rodri: “Quả bóng Vàng không làm thay đổi con người tôi”

Gặp chấn thương phải nghỉ thi đấu dài hạn, Rodri, chủ nhân của Quả bóng Vàng 2024, đã mời tạp chí France Football đến nhà riêng ở Madrid để chia sẻ những cảm xúc của anh về buổi lễ trao giải Ballon d’Or, những lời khen mà anh nhận được và về giải thưởng mà một cá nhân chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự hiếm hoi lắm mới nhận được.

Philipp Lahm: Từ phút ngắn ngủi tại Olympiastadion đến huyền thoại bóng đá Đức

Là cựu đội trưởng của cả Bayern Munich và đội tuyển Đức, Philipp Lahm có thể nói đã có một sự nghiệp thi đấu vô cùng thành công. Trong bài viết này, chúng ta sẽ được trở về với những kỷ niệm để tôn vinh nhà vô địch Champions League, World Cup và đã tham gia sâu vào kế hoạch tổ chức UEFA Euro 2024 của Đức.