Năm 1997 đã đánh dấu một thời khắc quan trọng của bóng đá Mỹ khi lần đầu tiên có một cầu thủ quốc tịch Mỹ vô địch giải đấu UEFA Champions League. 24 năm sau, điều này chắc chắn sẽ thêm một lần nữa diễn ra bất kể là Man City hay Chelsea giành chiến thắng trong trận đấu cuối cùng.
Trong khoảnh khắc trận chung kết Champions League diễn ra vào cuối tuần này, 22 cầu thủ đến từ hơn 12 quốc gia thuộc 4 châu lục khác nhau sẽ đại diện cho Chelsea và Man City để cố gắng giành lấy chiếc cúp bạc danh giá. Họ sẽ nhận được chỉ đạo từ hai vị HLV, hai trong số những bộ não chiến thuật tài tình nhất của bóng đá đương đại. Một người đến từ Calalonia, người còn lại đến từ Bavaria.
Ở trận đấu được coi là quan trọng nhất hàng năm của bóng đá thế giới này, khi đọc danh sách đăng ký thi đấu của hai đội, người ta sẽ tưởng rằng mình đang trong một buổi “điểm danh” của Liên Hợp Quốc. Thậm chí khi bóng lăn, chúng ta sẽ còn nghe được năm bảy thứ tiếng được sử dụng trên sân. Đây là câu chuyện hết sức bình thường đối với bóng đá châu Âu. Điều hiếm gặp hơn ở trận chung kết năm nay đó là lần đầu tiên kể từ năm 1997, chắc chắn sẽ có một cầu thủ quốc tịch Mỹ được nâng cao chiếc cúp Champions League.
Đó có thể sẽ là Christian Pulisic của Chelsea, tiền đạo trẻ sinh năm 1998 đến từ Hershey (thuộc tiểu bang Pennsylvania) hoặc thủ môn 26 tuổi Zack Steffen của Manchester City – người lớn lên ở Coatesville, vốn chỉ cách Hershey khoảng một giờ đồng hồ lái xe.
“Lúc này tôi cảm thấy thật khó tin”, Zack Steffen chia sẻ, “Không ai có thể tưởng tượng ra hai cậu bé đến từ Pennsylvania sẽ chạm trán nhau trong trận chung kết Champions League cả”.
Cuộc gặp gỡ bất ngờ này của hai cầu thủ người Mỹ đã nói lên một thực tế của bóng đá hiện đại. Cả Pulisic lẫn Steffen đều là sản phẩm của những hệ thống phát triển bóng đá toàn cầu. Nó tinh vi và có tính bao trùm để đảm bảo rằng các CLB sẽ không để lỡ bất kỳ một “mầm non” tương lai nào, cho dù cậu ta có sinh ra ở Pennsylvania chứ không phải những thành phố của bóng đá khác như Roma, Manchester hay Rio de Janeiro.
Ở một khía cạnh khác, cả hai chàng trai người Mỹ góp mặt trong trận chung kết Champions League mùa giải năm nay có lẽ đều phải biết ơn, dù ít hay nhiều, đến một vị “tiền bối” của họ, người đã chơi bóng chuyên nghiệp trước khi Pulisic hay Steffen được sinh ra. Đó chính là Jovan Kirovski – một người San Diego chính gốc với mái tóc mềm mại khiến nhiều người phải ghen tị. Cách đây 24 năm, Kirovski đã trở thành cầu thủ mang quốc tịch Mỹ đầu tiên vô địch Champions League khi anh khoác áo Borussia Dortmund. Lúc này, anh đang giữ vai trò Giám đốc kỹ thuật cho Los Angeles Galaxy – một trong những đội bóng danh tiếng nhất ở giải nhà nghề Mỹ (MLS).
“Hồi đó, có quá ít cầu thủ Mỹ chơi bóng ở nước ngoài”, Kirovski nói, “Chúng tôi phải nỗ lực từng ngày để chứng tỏ bản thân và nhận được sự tôn trọng từ mọi người. May mắn là mọi thứ bây giờ đều đã tốt hơn rất nhiều”.
Quá trình phát triển mà Kirovski, Steffen hay Pulisic đã và đang trải qua có thể hơi chậm nhưng lại hết sức chắc chắn. Champions League mùa giải 2020-21 đã bắt đầu vào mùa thu năm ngoái với tổng cộng 10 tuyển thủ quốc gia Mỹ có tên trong danh sách thi đấu của các CLB tham dự. Đó đều là những đội bóng có tên tuổi, từ Juventus với Weston McKennie cho tới Barcelona với Sergino Dest.
Zack Steffen thừa nhận: “Đây quả là một điều điên rồ. Mỗi lần nghĩ đến việc có tới 10 cầu thủ đang chơi bóng ở đấu trường cao nhất tại châu Âu là tôi lại thấy rùng mình, nhưng đó chính là những gì mà bóng đá Mỹ cần vào thời điểm này”.
Sẽ có một người Mỹ giành chức vô địch Champions League ở mùa giải này. Ảnh: Bleacher Report
Trước đó, cũng đã có những dấu ấn Mỹ khác được nhớ đến ở các giải đấu ở châu Âu. Điển hình là vào năm 2019, Jesse Marsch trở thành HLV người Mỹ đầu tiên dẫn dắt một CLB tham dự Champions League với Red Bull Salzburg. Cùng vào khoảng thời gian đó, Christian Pulisic ở tuổi 22 đã trở thành cầu thủ người Mỹ có nhiều lần ra sân nhất ở một giải đấu thuộc UEFA. Và tiền đạo trẻ từng chơi bóng cho Dortmund cũng không mất quá nhiều thời gian để vượt qua DaMarcus Beasley để trở thành cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất.
“Các CLB lớn đến với chúng tôi ngày một nhiều”, Kirovski tiết lộ, “Họ đang rất quan tâm tới MLS. Đây là một thị trường cực kỳ rộng lớn để tìm kiếm tài năng trẻ. Và quan trọng là chi phí để sở hữu cầu thủ ở đây cũng rẻ hơn đáng kể so với các nơi khác”.
Thực ra, Jovan Kirovski không phải là người Mỹ chính gốc (cái tên đậm chất Đông Âu của anh cũng đã nói lên điều này). Anh sinh ra trong một gia đình người Macedonia định cư ở Nam California. Anh cũng phải dựa nhiều vào may mắn khi quyết định phát triển sự nghiệp của mình ở châu lục phía bên kia Đại Tây Dương. Vận may đã mỉm cười với Kirovski khi anh lọt vào tầm ngắm của bộ phận tuyển trạch của Manchester United trong một chuyến du đấu của tuyển trẻ Mỹ ở Anh đầu những năm 90. Thời bấy giờ, đó gần như là cách duy nhất để một cầu thủ người Mỹ được biết đến bởi các CLB châu Âu.
“Mọi thứ lúc đó đều rất khó khăn với các cầu thủ đến từ Mỹ”, Kirovski nhớ lại.
Jovan Kirovski ở lại Anh trong 4 năm, nhưng sự nghiêm ngặt của luật lao động và các giấy phép cũng đồng nghĩa với việc anh chưa bao giờ được ra sân với tư cách là một cầu thủ chuyên nghiệp. Dẫu vậy, anh vẫn được tận hưởng lối sống và bầu không khí của một Manchester United vĩ đại dưới sự dẫn dắt của Sir Alex Ferguson trước khi chuyển sang Borussia Dortmund vào năm 1996.
Khi Kirovski tới, Dortmund chưa phải là một điểm đến trong mơ dành cho các tài năng trẻ như hiện tại. Đội bóng vùng Tây Bắc nước Đức khi ấy nổi tiếng là bởi họ sở hữu nhiều tuyển thủ Đức kỳ cựu từng tham dự World Cup và đã vô địch kỳ Euro năm 1996. Nếu Borussia Dortmund lúc này được coi là bệ phóng tuyệt vời cho các cầu thủ trẻ, bao gồm cả Mỹ và các quốc gia khác ngoài Đức, thì cách đây 25 năm, chỉ có vỏn vẹn 3 trong số 26 cầu thủ của đội bóng vàng - đen là có quốc tịch ngoài châu Âu.
Jovan Kirovski lúc đó cũng mới chỉ là cậu thanh niên 20 tuổi. Mọi thứ đối với anh đều xa lạ. Tuy nhiên, anh nhanh chóng hoà nhập với cuộc sống mới bằng những buổi học tiếng Đức diễn ra hàng ngày. Người châu Âu không coi Mỹ là quốc gia dành cho bóng đá. Chính vì vậy, các đồng đội mới khi trò chuyện với Kirovski thường tò mò về các chương trình truyền hình ở Mỹ hơn là những gì anh có thể làm trên sân bóng.
Trước Pulisic và Steffen, Jovan Kirovski là cầu thủ Mỹ đầu tiên góp mặt ở chung kết Champions League. Khi đó, anh khoác áo Dortmund. Ảnh: Getty Images
Nhưng điều đó không khiến Kirovski ngừng nỗ lực. Thành quả đã đến khi Jovan Kirovski trở thành cầu thủ mang quốc tịch Mỹ đầu tiên ra sân ở UEFA Champions League. Đó là trận đấu giữa Borussia Dortmund và Atletico Madrid vào năm 1996. Trước Kirovski 6 năm, một người Mỹ khác là Steve Trittschuh cũng từng ra được chơi ở cúp châu Âu nhưng giải đấu khi đó chưa được mang tên Champions League. Kirovski vào sân từ ghế dự bị ở phút thứ 71 và đó thực sự là một khoảnh khắc khó quên. Lần đầu tiên anh được đứng giữa Estario Vicente Calderon – nơi các trận đấu thường xuyên kết thúc trong những làn khói thuốc lá dày đặc.
Kirovski tiếp tục được ra sân trong trận lượt về với Atletico nhưng lại không được lựa chọn cho trận chung kết với Juventus. Ở những năm 90, mỗi đội bóng chỉ được phép đăng ký 5 cầu thủ dự bị. Vì thế, Jovan Kirovski chỉ được đăng ký là một trong hai phương án dự phòng cho 5 người này.
Trong một quán bar ở California, cả gia đình Kirovski đang dõi theo anh và cổ vũ cho đội bóng với màu áo vàng – đen truyền thống còn trong sân vận động Olympic ở thành phố Munich, Jovan lại đang đắm chìm trong những giai điệu đậm chất “Sturm und Drang” – một trào lưu nghệ thuật nổi bật của Đức ở thế kỷ 18. Trong giây phút đầy khí thế đó, Kirovski đã nhìn thấy Zinedine Zidane và anh không thể tin rằng mình đang chơi cùng một môn thể thao, có mặt trong cùng một trận đấu với cầu thủ xuất chúng bậc nhất thế giới.
Những điều khó tin tiếp tục xảy ra khi 90 phút sau, Jovan Kirovski và Borussia Dortmund đã trở thành nhà vô địch châu Âu. Với cú đúp của Karl-Hainz Riedle ngay trong hiệp 1 và bàn thắng của Lars Ricken trong hiệp 2, “Die Schwarzgelben” đã vượt qua Juve của những Zinedine Zidane, Didier Deschamps hay Angelo Di Livio để lần đầu tiên vô địch Champions League. Dù không thi đấu nhưng Kirovski cũng được nhận huy chương, và vào rạng sáng Chủ nhật tới (theo giờ Việt Nam), Pulisic hoặc Steffen cũng sẽ làm được điều tương tự.
“Chúng tôi là những người sẵn sàng chiến đấu để chứng tỏ bản thân, để ra nước ngoài thi đấu và để đạt đến một tầm cao mới”, Kirovski nói, “Tôi cảm thấy mình cũng đóng góp một phần nhỏ vào sự phát triển ấy”.
Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.
Từ một cái tên từng nổi lên tại xứ sở sương mù trong màu áo Newcastle cách đây gần một thập kỷ, rồi bất ngờ ngụp lặn bởi những ca chấn thương, Ayoze Perez giờ đây đã quay trở về quê hương Tây Ban Nha ấm áp và trở thành nguồn cảm hứng kỳ lạ mang đến nét tươi mới cho Villarreal trong mùa giải năm nay.
Những lời tâm sự được chính cựu danh thủ Adriano viết trên website The Players’ Tribune, về nhịp sống tại khu ổ chuột nơi anh sinh thành, về quyết định rời bỏ thế giới bóng đá đỉnh cao hào nhoáng để tìm lại về nơi đây.