8 năm trước, từ một giảng viên đại học ở Cardiff, tiến sĩ tâm lý học Ian Mitchell đã quyết định trở thành một huấn luyện viên chuyên nghiệp. Ông chính là người đã và đang tạo ra những sự thay đổi tích cực cho đội tuyển Anh ở Euro 2020.
Chiêc đồng hồ trên sân Wembley điểm 116:20, tức là đội tuyển Anh chỉ còn cách trận chung kết Euro đầu tiên trong lịch sử gần 4 phút nữa. Gần 4 phút cho một giấc mơ của cả xứ sở sương mù, cho HLV Gareth Southgate sửa chữa sai lầm của chính mình trên chấm 11m định mệnh cách đây 25 năm.
Người Anh chưa một lần được cảm nhận hương vị của chung kết kể từ chức vô địch World Cup 1966. Trong gần 6 thập kỷ ấy, Tam Sư có thêm bốn lần vào được bán kết một giải đấu lớn nhưng trận đấu với Đan Mạch ở Euro 2020 mới là lần đầu tiên họ giành chiến thắng. Vì vậy, có thể hiểu được cảm giác thấp thỏm lo lắng của các cổ động viên ngay cả khi quả 11m của Harry Kane đã được thực hiện thành công. Theo một cách mê tín nào đó, mỗi khi bước vào khoảng thời gian nhạy cảm, điều tồi tệ nhất sẽ ập đến với đội tuyển của họ.
Tuy nhiên, chính vào thời điểm 116:20 ấy, một điều kỳ lạ thú vị đã xảy ra. Các cầu thủ Anh đã giữ bóng liên tục trong vòng 2 phút 41 giây. Họ thực hiện liên tiếp 54 đường chuyền, 11 người trên sân đều chạm bóng ít nhất 1 lần và buộc Đan Mạch phải đuổi theo bóng dù đội tuyển thuộc vùng Scandinavia lẽ ra phải là những người cần bóng để tấn công. Từng đường chuyền qua lại được thực hiện một cách nhẹ nhàng và mượt mà chẳng khác nào trong những buổi tập.
Có người đã gọi 2 phút 41 giây ấy là khoảng thời gian tiêu biểu cho thế hệ mới của bóng đá Anh. Nhà báo Daniel Storey cho biết anh rất yêu thích hình ảnh có phần lạ lẫm này của Tam Sư.
“Đây không phải là đội tuyển Anh mà chúng ta vẫn biết”, Storey nói. “Trong quá khứ, đội tuyển Anh phải nhận thất bại không phải vì họ thiếu những ngôi sao mà vì họ không chấp nhận thay đổi thái độ thi đấu. Người Anh có tính bảo thủ và họ luôn hướng về khung thành đối phương ở bất cứ thời điểm nào trong trận.
|
Chuỗi 54 đường chuyền của đội tuyển Anh trước Đan Mạch. Ảnh: The Analyst |
Thế hệ ngày nay hay thế hệ mà HLV Gareth Southgate đang dẫn dắt đã dám thay đổi. Họ dám làm khác với những bậc tiền bối. Ví dụ điển hình là họ dám giữ bóng một cách thực dụng khi cần thiết và chính thái độ ấy đã xóa đi những nỗi ám ảnh kéo dài hơn 50 năm qua”.
Daniel Storey không sai. Dù ở thời đại nào thì bóng đá Anh cũng sản sinh ra những tài năng xuất chúng nhưng thứ ngăn cản họ đến với thành công lại là suy nghĩ của họ. Cách suy nghĩ và thái độ thi đấu chính là những khác biệt lớn nhất của đội tuyển Anh phiên bản Euro 2020 so với các phiên bản trước đây. Và người tạo ra khác biệt ấy chính là Tiến sĩ tâm lý học Ian Mitchell.
Từng có 17 năm giảng dạy bộ môn Tâm lý học thể thao ở trường Đại học Cardiff Metropolitan nhưng Ian Mitchell đã chấp nhận mạo hiểm để trở thành một huấn luyện viên chuyên nghiệp. Dự án lớn đầu tiên mà Mitchell tham gia chính là công việc tại đội tuyển xứ Wales ở Euro 2016. Đó là giải đấu thành công vượt kỳ vọng của Gareth Bale và các đồng đội khi họ chỉ chấp nhận dừng bước ở bán kết trước Bồ Đào Nha – đội tuyển sau đó đã lên ngôi vô địch.
Theo lời các cầu thủ xứ Wales, chỉ riêng sự có mặt của Ian Mitchell thôi cũng là đủ để giúp một tập thể trở nên “yên bình”. Họ đặc biệt thích cách ông tương tác với mọi thành viên trong đội, cách ông tham gia vào những trò chơi, những bữa tiệc ngọt vui vẻ với kem và bánh kếp.
Gary Monk, cựu cầu thủ của Swansea City và cũng là bạn học của Ian Mitchell ở lớp đào tạo HLV chuyên nghiệp của UEFA, chia sẻ: “Mitch có nhiều lợi thế vì cậu ấy hiểu bóng đá. Cậu ấy hiểu ngôn ngữ của các trận đấu, của những buổi tập. Cậu ấy là người dễ đồng cảm và cũng rất vui tính. Mitch cũng là người thấu hiểu mọi tình huống và biết khi nào cần nghiêm túc, khi nào có thể pha trò thoải mái”.
Tháng 2 năm 2018, Ian Mitchell chính thức gia nhập ê-kíp của HLV Gareth Southgate. Môi trường làm việc thay đổi, áp lực công việc thay đổi nhưng Mitchell vẫn trung thành với phương pháp làm việc của mình. Giống như trước đây, ông cố gắng gần gũi với mọi cầu thủ trong đội. Ông chơi ném phi tiêu, bóng rổ, tập yoga và thậm chí tham gia vào cả những trò “màu mè” hơn như với những chiếc phao hình kỳ lân của tiền đạo trẻ Bukayo Saka.
Thủ môn Jordan Pickford miêu tả Mitchell là “một gã tốt bụng và rất thực tế”, trong khi trung vệ Harry Maguire đã tiết lộ rằng Ian Mitchell chính là người đầu tiên anh tìm đến để giãi bày tâm sự sau vụ rắc rối ở Hy Lạp mùa hè năm ngoái. Mục đích cuối cùng của Michell là giúp các cầu thủ thư giãn nhất có thể, giúp họ quên đi sức ép khủng khiếp mỗi khi khoác lên mình chiếc áo của đội tuyển quốc gia.
Không những thế, Ian Mitchell còn quan sát và nghiên cứu rất kỹ ngôn ngữ cơ thể của các cầu thủ trong cuộc sống hàng ngày, trong tập luyện và trong những lần trả lời phỏng vấn. Qua đó, ông sẽ hiểu được thói quen tâm lý của từng người và có được sự chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra trong tương lai.
|
Ian Mitchell có 17 năm làm giảng viên Tâm lý học trước khi bước chân vào con đường huấn luyện với bến đỗ đầu tiên là đội tuyển Xứ Wales. Ảnh: Getty Images |
Ông cũng khuyến khích cầu thủ cởi mở hơn với giới truyền thông. Tất nhiên, họ luôn phải cẩn trọng về những chi tiết liên quan tới trận đấu nhưng chia sẻ một vài câu chuyện cũng chẳng gây tổn hại gì ghê gớm. Ngược lại, nó còn giúp người hâm mộ có thêm lý do để thông cảm và đồng hành cùng đội tuyển, đặc biệt là trong những giai đoạn khó khăn.
Quả phạt đền mà Raheem Sterling mang về cho Tam Sư ở cuối hiệp phụ thứ nhất trận đấu với Đan Mạch cũng là một dấu ấn khác của Ian Mitchell. Đó là tình huống mà có thể va chạm với hậu vệ Đan Mạch là chưa đủ để ngã nhưng chẳng ai có thể chỉ trích Sterling cố tình ăn vạ, và kết quả là phạt đền dành cho đội tuyển Anh vẫn được trọng tài Makkelie đưa ra.
Nhà báo người Anh JJ Bull giải thích: “Đó không thể nào là một quả 11m. Chỉ đơn giản là Sterling chạy quá nhanh và khi anh ấy lao thẳng vào đối phương, chỉ một tác động nhẹ là đủ để khiến anh ấy ngã xuống. Có thể nói rằng Sterling cũng đã chủ động cho một pha kiếm phạt đền nhưng đó mới là điều khiến tôi cảm thấy thú vị.
Trước đó chừng 10 phút, Sterling cũng có một tình huống ngã tương tự như vậy và hành động đầu tiên của anh ấy khi nằm xuống sân là hướng ánh mắt đến trọng tài. Điều đó cho thấy rằng các cầu thủ Anh giờ đây đã chấp nhận ‘tạm’ bỏ qua thói quen chơi đúng luật và tinh thần cao thượng để trở nên khôn ngoan hơn. Chúng ta có thể gọi đó là sự láu cá, tinh ranh nhưng cũng có thể gọi đó là thứ ‘nghệ thuật xấu xa’ trong bóng đá. Có điều, để đạt được danh hiệu, đôi khi bạn phải có những khoảnh khắc như vậy”.
|
Ian Mitchell là trợ thủ đắc lực của Gareth Southgate. Ảnh: PA |
Quan trọng hơn cả, Ian Mitchell và Gareth Southgate có sự tương đồng trong quan điểm và tầm nhìn chiến lược. Mitchell vừa đóng vai trò cố vấn trong công tác chuẩn bị trước mỗi trận đấu của đội tuyển, vừa là một “nhà truyền giáo” giúp tư tưởng của HLV trưởng và văn hóa của tập thể được nuôi dưỡng trong từng cá nhân.
“Tôi và ông ấy (Gareth Southgate) vẫn luôn nói về bốn yếu tố quan trọng trong thể thao là kỹ thuật, chiến thuật, thể chất và tâm lý”, Ian Mitchell nói. “Trước đây, yếu tố tâm lý luôn bị bỏ qua. Nhưng giả sử khi trận đấu đã diễn ra được 60 phút, có vô vàn tình huống tâm lý xảy ra trong quãng thời gian ấy. Rất dễ để một cầu thủ đánh mất kiểm soát và các huấn luyện viên phải cực kỳ nhạy cảm với cảm xúc của các học trò. Để làm được điều đó, bạn phải thấu hiểu văn hóa, cá tính và phải có khả năng lãnh đạo – những điều cần được tích lũy qua thời gian và trải nghiệm”.
Về phần mình, theo đúng tiêu chí của một tiến sĩ tâm lý học, Ian Mitchell vẫn luôn khuyên các cổ động viên đừng quá mơ mộng vì cuộc sống hiếm khi nào kỳ diệu như những chiếc đũa thần trong truyện cổ tích. Dẫu vậy, nếu đội tuyển Anh có thể vượt qua Italy trong trận đấu cuối cùng để “đưa bóng đá trở về nhà”, sẽ không quá khi nói rằng Ian Mitchell chính là cây đũa thần quý giá trong tay Gareth Southgate.