Son Heung-Min: Viết tiếp câu chuyện những chàng mắt híp ở xứ Sương Mù

Tác giả Teddy - Thứ Năm 06/10/2016 16:09(GMT+7)

Zalo
Cùng với thể lực tương đối yếu và chiều cao hạn chế, đôi mắt híp từ lâu đã được người châu Âu coi như một đặc điểm nhận dạng về người châu Á. Không thể phủ nhận được “các ông Tây” thì luôn cao lớn hơn và có đôi mắt hai mí sâu hoắm, nhưng quan niệm “thể lực kém” thì đã được định nghĩa lại từ thời Park Ji-Sung còn tung hoành tại xứ sương mù.
Son Heung-Min: Viet tiep cau chuyen nhung chang mat hip o xu Suong Mu4
Son Heung-Min: Viết tiếp câu chuyện những chàng mắt híp ở xứ Sương Mù (Ảnh: Nam Lương)
Số 13 của Man Utd sau khi cho Steven Pienaar, một cầu thủ đến từ châu Phi, phải hít khói, đã được gán cho cái tên “Người ba phổi”. Khoẻ, nhanh, không ngại va chạm và máu lửa đến tận phút 90, Park Ji-Sung đã từng là quân bài chiến lược quan trọng bậc nhất tại Old Trafford. Câu chuyện thành công của Park Ji-Sung chẳng thế mà được coi như huyền thoại ngàn năm có một đối với những người con của Đại Hàn Dân Quốc.
 
Ấy thế mà chỉ vỏn vẹn hai năm sau khi Người ba phổi rời Premier League, xứ sở kim chi đã tìm thấy một kẻ kế tục không thể xứng đáng hơn: Son Heung-Min, sinh năm 1992, giá trị 30 triệu euro, Gareth Bale mới của cả thành London và Premier League, sở hữu 4 bàn và 2 kiến tạo trong 7 trận đầu tiên cho Tottenham trong mùa 2015/16, thế chân Harry Kane như người gồng gánh Tottenham leo cao trên bảng xếp hạng. Còn quá sớm để nói Son Heung-Min sẽ thành công, nhưng nền tảng để thành công thì đã nằm trong tay số 7; và cả Hàn Quốc đang trông vào anh như người nối tiếp huyền thoại về các chàng trai mắt híp chinh phục xứ sương mù.

TỪ CÂU NÓI TIẾNG ANH BẬP BẸ
 
Son Heung-Min rất giỏi giao tiếp bằng tiếng Đức. Tuy nhiên với tiếng Anh thì khác. Hồi mới gia nhập Tottenham, số 7 được hỏi về những khó khăn ban đầu trong một bài phỏng vấn ngắn. Anh bối rối vài giây rồi gãi đầu gãi tai: “Thực ra thì tôi không có vấn đề gì với chuyên môn, nhưng giao thông ở đây khó hiểu quá. Lái xe trót lọt còn khó hơn cả rê bóng qua hàng thủ Chelsea nữa”. Thứ tiếng Anh bập bẹ đáng yêu vừa khiến người ta buồn cười, vừa làm dấy lên những câu hỏi về việc chàng trai người Hàn sẽ thích nghi với nước Anh thế nào đây, khi ngôn ngữ còn cách biệt.
 
Trong vài tháng sau đó, Heung-Min đã thực sự phải loay hoay để sống cho ổn ở Anh. Văn hoá, thời tiết, đồ ăn và luật… cấm đi ô tô màu đỏ là những trở ngại lớn nhất mà cầu thủ đắt giá nhất lịch sử châu Á phải đối mặt. Giữa hàng vạn thử thách không liên quan đến chuyên môn, màn trình diễn của số 7 chỉ như một cái chấm mờ mờ, không quá tệ (11 bàn thắng trong cả mùa) nhưng cũng không thể tương xứng với mức giá 30 triệu euro mà BLĐ Gà Trống đã bỏ ra để có anh. Nhất là khi chúng ta đặt mức giá này bên cạnh 27 triệu euro của Hidetoshi Nakata, 16 triệu euro của Shinji Kagawa và… 4.5 triệu euro của người tiền bối Park Ji-Sung. Hình ảnh Heung-Min khống chế bóng vụng về trong nhịp first-touch hay sút vội không quá xa lạ ở mùa trước.
Son Heung-Min: Viet tiep cau chuyen nhung chang mat hip o xu Suong Mu3
Son Heung-Min trưởng thành từ lò đào đạo trẻ của Hamburg
Tuy vậy, trong sâu thẳm Heung-Min vẫn là một sát thủ thực sự. Hẳn nhiên rồi, không ai có thể coi thường một kẻ đã từng lập cú đúp vào lưới Dortmund và tặng hẳn một hat-trick cho Wolfsburg và Hamburg, một kẻ mà khi ta nhìn vào thì không biết được chân nào mới là chân thuận. 16 tuổi, anh đã rời quê hương để cập bến lò đào tạo trẻ của Hamburg, rồi sau đó trở thành cầu thủ trẻ nhất ghi bàn kể từ năm 1992 tại Bundesliga với pha lập công vào lưới Cologne tháng 10/2010. Hai mùa sau, khi Hamburg chảy máu lực lượng tồi tệ, họ vẫn có thể xếp thứ 7 với niềm cảm hứng không ai khác ngoài chàng trai mắt híp có thể chơi mọi vị trí trên hàng công. Đặt anh nơi mũi nhọn, chân sút người Hàn cho thấy sự nhạy cảm vòng cấm. Chuyển anh ra cánh, Heung-Min thể hiện khả năng xuyên phá bằng tốc độ và thể lực dồi dào. Đá hộ công, số 7 của Spurs không có kiểu chuyền xuyên thấu hàng thủ đối diện như Ozil, nhưng lại có khả năng sút xa, di chuyển linh động để quấy phá và hỗ trợ phòng ngự đắc lực.
 
Và khi vượt qua những khó khăn ban đầu, sát thủ lại quay về làm sát thủ. Heung-Min đang thực sự làm người ta thấy ám ảnh với hình ảnh anh ăn mừng, phần vì nó quá quen thuộc trong mùa bóng này, phần vì kiểu cười tươi rạng rỡ quá giống Park Ji-Sung. Với hiệu suất khủng khiếp 68 phút/ bàn với 6 bàn trên mọi đấu trường khi cả Premier League và Champions League mới chỉ đi qua chặng rốt-đa, Heung-Min đang dần làm các CĐV của Spurs quên đi sự vắng mặt trong 6-7 tuần do chấn thương của đội trưởng Harry Kane. Man City của Pep Guardiola làm cả Premier League phải sợ hãi, nhưng Tottenham trên đôi chân Son Heung-Min đã khuất phục kẻ chinh phạt đến từ thành phố công nghiệp, kẻ đã ngạo mạn nói “thèm thua” trước khi gặp Spurs. Không ghi bàn nhưng số 7 chính là người đã bơm bóng cho Dele Alli sút tung lưới Claudio Bravo. Xa hơn nữa là 4 bàn chia đều cho mành lưới Stoke và Middlesbrough, giúp Tottenham có 2 trận thắng huỷ diệt. Ngăn cản một Son Heung-Min trên đà hưng phấn gần như là điều không thể.
 
ĐẾN NIỀM TIN MỚI CỦA NGƯỜI CHÂU Á
 
Một trong những yếu tố giúp Heung-Min thể hiện sức bật khủng khiếp chỉ sau một mùa hè chính là khả năng sử dụng nhân sự mẫu mực của Mauricio Pochettino. Chiến lược gia người Argentina giỏi nhìn người thế nào thì xem cách ông mua Victor Wanyama rồi biến anh từ tiền vệ giỏi thành tiền vệ xuất sắc thì rõ.
 
Thực tế mà nói, Pochettino đã định bán chân sút gốc Chuncheon trước khi mùa bóng khởi tranh, nhưng chính sự đa năng đã giúp cho Heung-Min tiếp tục bám trụ lại White Hart Lane. Trong quá trình xây dựng đội hình cho Spurs, Pochettino lấy sự cơ động làm gốc với sự di chuyển thay đổi vị trí liên tục của mọi nhân tố tuyến trên. Chính trong một môi trường mà Dele Alli khoán trắng vị trí của số 6, số 8 và số 10, Lamela và Eriksen liên tục ra biên rồi vào giữa, khoảng trống dành cho Heung-Min (cũng di chuyển cơ động) bỗng nhiều lên. Khả năng bứt tốc và dứt điểm ở nhiều tư thế hơn những người đồng đội kể trên đã biến Heung-Min thành chân sút số một thành London lúc này. 
 
Thứ hai, thành công của Son Heung-Min cũng có phần đóng góp của may mắn. Anh đã trải qua một mùa để thích nghi tương đối yên bình, nhất là khi nhìn sang hoàn cảnh của những Christian Benteke hay Angel Di Maria. Đơn giản vì tại Man Utd và Liverpool, môi trường khắc nghiệt hơn với những sự thanh lọc qua từng mùa, còn White Hart Lane lại mở rộng cửa cho nhiều cầu thủ hoà nhập trước khi được đưa ra ánh sáng (Danny Rose và Ryan Mason của những mùa trước là vài ví dụ điển hình). Thêm vào đó, đúng vào thời điểm Heung-Min vào phom nhất thì Harry Kane lại chấn thương. Đây là điểm không may với Spurs nhưng lại khiến cho số 7 có nhiều đất diễn hơn hẳn. 
Son Heung-Min: Viet tiep cau chuyen nhung chang mat hip o xu Suong Mu1
Son Heung-Min thăng hoa cùng Dele Alli
Với cả tài năng và may mắn song hành, không khó hiểu khi lúc này niềm tin của cả châu Á đang đặt lên đôi vai chân sút 24 tuổi. Park Ji-Sung đến Man Utd đúng vào thời điểm bằng tuổi Son Heung-Min bây giờ và có 7 năm dưới triều đại Sir Alex Ferguson. Để so sánh, kinh nghiệm đá bóng đỉnh cao của người hậu bối cũng chẳng phải vừa khi anh đã chinh chiến 8 năm tại lục địa già. Shinji Kagawa thất bại một phần bởi Old Trafford không cho anh nhiều cơ hội, và bản thân Sir Alex cũng đã thừa nhận rất khó để dùng tiền vệ người Nhật sao cho phải. Ở chiều ngược lại, Son Heung-Min đang khoác một chiếc áo hoàn toàn vừa vặn với anh, dưới trướng một Pochettino dụng binh như thần. Phải thừa nhận vào thời điểm này, cầu thủ người Hàn đang được đặt trong hoàn cảnh có mọi yếu tố để toả sáng, và người ta có quyền trách anh nếu anh thất bại sau một chặng chạy đà tốt đến như thế này.
 
Lại nói đến chuyện chạy đà. Tottenham, cũng như Arsenal, có những chặng rất hay, rất thăng hoa đến mức không thể cản nổi, nhưng rồi sau đó lại trượt dài đầy thất vọng. Với một thế hệ của những Kane, Eriksen, Alli, Wanyama và nhân vật chính Heung-Min, chưa khi nào ta thấy Spurs mạnh và có thể đạt được đến tầm ổn định như thế. Thậm chí họ còn cho thấy thấp thoáng hình bóng của một kẻ cạnh tranh ngôi vô địch. 

***
 
Những ngày gần đây dấy lên những tin đồn về việc Heung-Min sẽ phải vào quân ngũ năm 28 tuổi. Những lo ngại xa xôi của người hâm mộ Gà Trống đã gián tiếp thể hiện niềm tin và niềm kì vọng của họ nơi chân sút người Hàn. Muốn tiếp tục gắn bó với bóng đá đỉnh cao, Heung-Min cần một tấm huy chương cấp châu lục trở lên trong 4 năm tới. 4 năm, không xa nhưng cũng không quá gần. Thiết nghĩ, trước khi bắn tan máy bay địch thì vào lúc này, số 7 của Spurs chỉ cần tập trung vào việc giã nát mành lưới đối phương là cả châu Á đã vui lắm rồi. Thời thế thay đổi, biết đâu Heung-Min lại có thể chơi bóng ở châu Âu bền bỉ như Park Ji-Sung và viết tiếp câu chuyện về những chàng mắt híp thành công ở môi trường bóng đá khắc nghiệt và bất ổn định nhất thế giới?

TEDDY(TTVN)
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Premier League và sự trở lại của các... trung vệ cánh

Chiến thuật đã luôn phát triển kể từ khi bóng đá tồn tại, thế nhưng đôi lúc nó cũng tự “tiến hóa ngược” một cách đầy thú vị. Và hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về sự trở lại của các trung vệ cánh

Man City 3-2-4-1 và vai trò đặc biệt của "Inverted Centre-Back" John Stones

Nếu thường xuyên theo dõi các trận đấu của Man City, ít nhất là trong khoảng 3 tháng trở lại đây, bạn sẽ thấy sự bất nhất của các đơn vị truyền thông và các nền tảng thống bóng đá trong việc đưa ra sơ đồ chiến thuật đội hình xuất phát của "The Citizens". Có chỗ để 4-3-3, có nơi để 3-2-4-1. Hầu như sự thiếu tương đồng đó bắt nguồn từ việc họ, tôi, bạn, chúng ta xếp John Stones ở vị trí nào. Một trung vệ, hay là 1 tiền vệ trung tâm?

Antony: Chàng trai đến từ địa ngục

“Tôi sinh ra trong địa ngục. Đó không phải một trò đùa. Những người bạn châu Âu của tôi không biết, khu ổ chuột nơi tôi lớn lên tại Sao Paulo được gọi là Inferninho – little hell (địa ngục nhỏ)” – Antony.

X
top-arrow