Ray Wilkins, Alan Dickens, Mark Hughes, Gustavo Poyet, Frank Lampard và Oscar, giữa họ có điểm chung nào? Với CĐV Chelsea, đây có lẽ là một câu hỏi quá đơn giản bởi những cái tên kể trên đều là cựu cầu thủ The Blues và từng là chủ nhân áo số 8 tại Stamford Bridge. Riêng Lampard, tiền vệ đeo áo số 8 Chelsea trong suốt 13 năm, thậm chí còn đưa số áo này lên tầm huyền thoại.
|
Ross Barkley: Đi trong la ó, đến cùng hoài nghi |
Nhưng kể từ sau khi Oscar chia tay The Blues đúng một năm trước, áo số 8 tại Stamford Bridge rơi vào tình trạng… vô chủ. Không cầu thủ nào của Chelsea “dám” sử dụng số áo này vì sợ phải so sánh với Lampard hay bởi họ không muốn rơi vào hoàn cảnh của Oscar hoặc có thể BLĐ The Blues vẫn chưa tìm thấy một “số 8” đích thực? Câu trả lời đích xác thì chẳng ai dám chắc nhưng đến thời điểm hiện tại, thì “số 8” Chelsea đã có chủ.
Ross Barkley. Tân binh vừa chính thức ra mắt Chelsea ngày hôm nay sẽ là cầu thủ mới nhất khoác lên mình áo số 8 The Blues. Barkley, tài năng xuất sắc nhất Everton kể từ sau thời Wayne Rooney, mới 24 tuổi nhưng đã có hơn 6 năm chinh chiến ở Premier League, gia nhập Chelsea với mức phí chuyển nhượng 15 triệu bảng, được coi là thương vụ… vừa ký đã thấy hời của The Blues.
Điều đáng ngạc nhiên là ở chỗ, dù Barkley nhận được nhiều sự kỳ vọng ở mọi giới, BLĐ đội, các nhà chuyên môn và tất nhiên – các CĐV Chelsea song việc anh được trao áo số 8 lại gây chia rẽ lớn trong cộng đồng The Blues. Nếu điểm qua các dòng tweet hay chia sẻ trên facebook của các CĐV Chelsea trên khắp Thế giới và đặc biệt ở Anh, chúng ta có thể thấy bên cạnh sự ủng hộ và chờ đợi dành cho Barkley là những hoài nghi thậm chí phản đối dữ dội về việc tiền vệ này trở thành chủ nhân mới nhất của áo số 8 tại Stamford Bridge.
Những năm trở lại đây, Chelsea đặc biệt vô duyên với những thương vụ lớn trong tháng Một khi số tân binh thất bại thảm hại tại Stamford Bridge như Juan Cuadrado, Mohamed Salah, Kurt Zouma, Demba Ba, Kevin De Bruyne hay Fernando Torres vượt trội những chữ ký thành công (Gary Cahill, Nemanja Matic). Thực tế này chắc chắn sẽ trở thành áp lực lớn đối với Barkley. Trong khi những phản ứng trái chiều về việc Barkley được trao áo số 8 cũng khiến sức ép dành cho tiền vệ này tăng thêm gấp bội.
Bản thân Barkley khi quyết định đầu quân cho Chelsea này cũng chịu vô vàn đả kích từ CLB cũ Everton. Bạn hãy đọc những gì Everton cho đăng tải chính thức trên trang chủ CLB về việc Barkley sang Chelsea để ít nhiều có thể hiểu được tâm trạng cầu thủ này: “Ross Barkley đã chính thức rời Everton đầu quân cho Chelsea. Tiền vệ 24 tuổi, một sản phẩm của Học viện CLB, ra mắt năm 17 tuổi trong trận đấu với QPR vào tháng 8/2011, đã có 179 trận và ghi 27 bàn trong màu áo Everton. Barkley không chơi cho Everton bất kỳ trận đấu nào mùa này sau ca phẫu thuật chấn thương dây chằng”.
Đấy là toàn bộ những gì trang chủ Everton viết về Barkley, cầu thủ từng được coi là “viên ngọc quý” của Goodison Park, đã gắn bó với CLB này từ khi còn là một chú nhóc 11 tuổi, trong ngày anh đến Chelsea. Không “một lời cảm ơn”, không “một lời chúc may mắn”. Tất cả chỉ là những dòng chữ vô cảm.
Phát ngôn chính thức của CLB Everton đã vậy thì chẳng có gì ngạc nhiên khi Barkley phải nhận rất nhiều sự đả kích từ các CĐV đội bóng cũ. “Lươn lẹo, dối trá, phản bội” là những gì CĐV nửa xanh vùng Merseyside nói về cầu thủ mà họ từng tung hô không biết bao lần ở vài mùa giải trước đó. Còn lời nào tệ hơn nữa để… tiễn đưa một cầu thủ vừa rời CLB. Thậm chí, không ít CĐV Everton còn chê trách Barkley tại sao anh không.. đi luôn từ hè năm ngoái để CLB thu về 35 triệu bảng thay vì chỉ 15 triệu hiện tại.
Nhưng áp lực và kỳ vọng, ủng hộ và hoài nghi, Yêu và Hận vốn là những thứ mà Barkley đã phải đối mặt, phải chiến đấu suốt nhiều năm qua. Nguồn gốc của Barkley, hay thậm chí cái tên của anh vốn dĩ đã là chủ đề gây tranh cãi và tạo ra sự đả kích từ khi tiền vệ này còn ăn tập ở học viện Everton. Barkley, nhìn bề ngoài, rõ ràng là một cầu thủ da trắng nhưng anh thực chất lại mang dòng máu Phi trong mình. Cha của Barkley, ông Peter Effanga, là một người Nigeria nhập cư Anh. Và cái họ Barkley của cầu thủ này là lấy theo họ mẹ, bà Diane Barkley. Nguồn gốc Nigeria của Barkley từng khiến anh nhiều lần trở thành chủ đề châm chọc và phân biệt chủng tộc trên báo chí và show truyền hình liên quan đến bóng đá.
Việc tăng trưởng chiều cao và thể hình khá sớm cũng khiến Barkley phải đối mặt với những nghi vấn thậm chí cả điều tra về gian lận tuổi khi anh tham gia các giải trẻ giai đoạn tập ở Học viện Everton. Hệt như trường hợp của Romelu Lukaku, đồng đội của Barkley tại Everton cho tới trước khi mùa giải này khởi tranh, thời còn khoác áo các tuyến trẻ Anderlecht. Bên cạnh tài năng thì chính thể trạng vượt trội của Barkley so với các đồng đội cùng trang lứa buộc Everton phải… “chín ép” cầu thủ này. Chưa tới tuổi 15 nhưng Barkley đã là thành viên thường trực trong đội hình U-18 của Everton nhiều năm trước khi được ra mắt ở đội một CLB.
Ngay cả việc Barkley tưởng chừng gia nhập Chelsea hồi hè 2017, rồi sau đó lại từ chối và giờ chính thức trở thành tân binh The Blues, cũng là một chủ đề… gây chia rẽ. Cuối tháng 8 năm ngoái, Barkley nói lý do anh không ký vào bản hợp đồng có giá chuyển nhượng 35 triệu bảng với Chelsea vào giờ chót là bởi anh không thể nào liên lạc bằng điện thoại với HLV Antonio Conte. Và đây là phản hồi của Conte vào thời điểm ấy: “Nếu một cầu thủ có tham vọng chơi cho một CLB lớn (như Chelsea), anh ta sẽ ký. Có những lúc, việc một HLV nói chuyện với cầu thủ trước khi anh ta gia nhập đội là thực sự quan trọng. Nhưng có nhiều trường hợp, việc này không cần thiết. Tôi từng mua nhiều cầu thủ mà đâu cần phải “rào đón” gì trước với họ đâu”.
Nhưng giờ thì Conte đang dành cho Barkley nhiều lời có cánh. Với Conte, Barkley là một tân binh “hoàn hảo”, “mạnh mẽ” , “giàu kỹ thuật” và việc Chelsea dành cho tiền vệ này bản hợp đồng có thời hạn lên tới 5 năm rưỡi là sự đầu tư đúng đắn - rất đáng kỳ vọng. Thực ra, bất chấp những ý kiến trái chiều về Barkley thì việc Chelsea đặt kỳ vọng lớn vào tiền vệ này chẳng có gì là sai cả. Trong 2 mùa Premier League liên tiếp trước mùa này, Barkley đặt dấu giày ở 29 bàn thắng của Everton, bao gồm 13 lần trực tiếp lập công và 16 pha kiến tạo. Hiệu suất khoảng 200 phút tạo ra 1 bàn thắng của Barkley tại Everton, chỉ kém duy nhất chân sút Lukaku giờ đã sang Man Utd và cũng không ở quá xa so với nhóm tiền vệ hàng đầu của giải đấu.
|
Ross Barkley: Đi trong la ó, đến cùng hoài nghi1 |
Kể từ sau khi chia tay Lampard, Oscar và Matic, Chelsea rất nhớ những cú đấm từ tuyến hai, đặc biệt là từ vị trí tiền vệ trung tâm. Với Barkley, ở thể trạng tốt nhất, The Blues sẽ sở hữu một cầu thủ không chỉ đa năng, giàu tính chiến đấu, kĩ năng xử lý bóng điêu luyện cùng óc sáng tạo mà còn bổ sung cho tuyến giữa 1 chuyên gia dứt điểm từ xa. Trong 21 pha lập công của Barkley tại Premier League, có tới 8 là những pha dứt điểm thành bàn ngoài vòng 16m50.
Barkley từng miêu tả những tính xấu của mình như thế này: thiếu kiên nhẫn, hứa nhiều nhưng không phải lúc nào cũng làm được như nói. Nhưng để khẳng định mình và vươn tới những đỉnh cao ở Chelsea, Barkley phải học cách nhẫn nại trước áp lực, nói và hứa ít thôi thay vào đó là làm thật nhiều, trên sân tập và trong các trận đấu phía trước.
Everton dù dành cho Barkley cách chia tay tệ nhất nhưng dù sao đấy từng là nơi luôn bao dung và chấp nhận không ít sai lầm của Barkley trong những năm tháng anh khoác áo CLB. Điều tương tự chắc chắn không tồn tại ở Stamford Bridge, nơi tôi luyện của không ít ngôi sao bóng đá hàng đầu nhưng cũng là lò thiêu biết bao tài năng trẻ trong một thập kỉ qua…
ELFLACO (TTVN)