Sơ đồ chiến thuật linh hoạt 3-5-2 hoặc 3-4-3
Kể từ thời điểm chính thức làm việc tại Việt Nam vào tháng 10/2017, HLV Park Hang seo đã thổi một làn gió mới vào bóng đá Việt Nam lúc bấy giờ vốn đã rệu rã sau thất bại SEA Games 29. Đó là sơ đồ 3-4-3 với 2 cầu thủ chạy cánh di chuyển linh hoạt ở hai hành lang cánh, từ đó tạo ra một số biến thể khác như 5-2-3. Và ở ngay giải đấu chính thức đầu tiên, HLV người Hàn Quốc đã gặt hái được thành công khi cùng U23 Việt Nam vào đến tận trận chung kết Giải U23 châu Á 2018 trên đất Thường Châu.
HLV Park từng thành công với sơ đồ 3-4-3 tại VCK U23 Châu Á 2018 (Hình ảnh trong trận đấu bán kết với Qatar) |
Trong suốt 2 năm qua, thầy Park đã rất thành công với sơ đồ này. Và mới đây nhất, tại SEA Games 30 vừa qua, ông đã thay đổi linh hoạt sang sơ đồ 3-5-2 giúp U22 Việt Nam thi đấu chắc chắn hơn nhờ bố trí thêm 1 cầu thủ vào khu trung tuyến. Sự điều chỉnh đó cũng một phần do Việt Nam dưới sự dẫn dắt của thầy Park giờ đã không còn là ẩn số nữa nên việc điều chỉnh chiến thuật là hết sức hợp lý.
Ở VCK U23 châu Á 2020 sắp tới trên đất Thái, nhiều khả năng HLV Park Hang Seo sẽ vẫn tiếp tục tin dùng 2 sơ đồ yêu thích này, đặc biệt là 3-5-2. Với cả hai chiến thuật này, HLV Park tất nhiên vẫn sẽ có xu hướng thiên về phòng ngự. Hàng thủ với 3 trung vệ dàn ngang sân có thể là bộ đôi đã khẳng định được tên tuổi là Thành Chung và Tấn Sinh kết hợp với Đình Trọng đã trở lại sau chấn thương.
Trong khi đó, hai cầu thủ chạy cánh nhiều khả năng là Thanh Thịnh và Tấn Tài. Ngoài ra, thầy Park có thể tạo ra thêm một lớp phòng ngự nữa trước mặt 3 trung vệ khi một tiền vệ đánh chặn (có thể là Đức Chiến) sẽ thi đấu thấp hơn so với hai tiền vệ phía trước có nhiệm vụ tấn công. Điều này sẽ nâng cao “độ chặt” trong hệ thống của đội hình, đồng thời tăng cường khả năng phòng ngự của U23 Việt Nam
Ở SEA Games 30, sơ đồ 3-5-2 được áp dụng nhằm tăng cường khả năng phòng ngự (Hình ảnh trong trận chung kết với U22 Indonesia) |
Ở hai vị trí tiền vệ tấn công ở tuyến giữa, nhiều khả năng sẽ là Quang Hải kết hợp với Hoàng Đức. Cả hai cầu thủ này đều có cái chân trái rất “ngoan” và có óc sáng tạo trong các tình huống tấn công hoặc tổ chức phản công. Trên hàng công sẽ là sự kết hợp của cặp Tiến Linh – Đức Chinh, bộ đôi đã thể hiện được năng lực tại SEA Games vừa qua.
Nếu Đức Chinh nhanh và mạnh ở các tình huống băng cắt và chạy chỗ thì Tiến Linh lại cho thấy mình hợp với vai trò làm tường và khả năng không chiến. Đây chắc chắn là cặp tiền đạo đáng xem của U23 Việt Nam ở giải đấu sắp tới.
Phòng ngự chủ động – chờ phản công
Ở VCK U23 Châu Á sắp tới, thầy trò HLV Park sẽ nằm cùng bảng với U23 Triều Tiên, U23 UAE và U23 Jordan. Đây đều là những đối thủ mạnh nhưng quan trọng hơn, bóng đá Việt Nam đã ít nhiều bị lộ bài, không còn nhiều bí ẩn.
Tuy đoàn quân của thầy Park tham dự giải với tư cách đương kim á quân song Quang Hải và các đồng đội cần phải dè chừng tối đa. Do đó, chắc chắn U23 Việt Nam vẫn sẽ chủ trương chơi chắc chắn, chủ động phòng ngự từ xa và chờ đợi rình rập bằng các tình huống phản công nhanh.
Nhiều khả năng, HLV Park sẽ tiếp tục lối chơi phòng ngự phản công |
Điều này cũng hoàn toàn hợp lý nếu nhìn vào những con người và hệ thống sơ đồ mà HLV Park đang áp dụng. Mặc dù ở giải đấu tới, U23 Việt Nam sẽ không có được sự phục vụ của Đoàn Văn Hậu nhưng U23 Việt Nam hoàn toàn có những cầu thủ có đủ khả năng thay thế cầu thủ người Thái Bình.
Trong tay thầy Park có những cái tên đa năng như Tấn Tài, Tấn Sinh hay Đức Chiến,..., họ hoàn toàn có thể mang đến cho thầy Park những lựa chọn mới lúc cần thiết để phục vụ cho những toan tính của ông trên chặng đường sắp tới. Nhìn lại chặng đường suốt 2 năm qua, U23 Việt Nam vẫn đang thành công với lối đá, cách chơi đó thì sẽ chẳng có lý do gì để thầy Park phải mạo hiểm thay đổi khi giải đấu đã cận kề.
Hơn nữa, mục tiêu đặt ra với U23 Việt Nam là một trong 3 vị trí xuất sắc nhất nhằm có được tấm vé tham dự Olympic Tokyo 2020. Vì thế, U23 Việt Nam cần chắt chiu từng cơ hội, thi đấu tốt ở từng trận đấu nếu muốn tiến sâu vào các vòng đấu tiếp theo.