- Vui World Cup không quên… tình yêu
- Không khí World Cup chưa “nhiệt” tại Việt Nam
- World Cup 2014: Ronaldo và cơ hội bùng nổ thương hiệu
Bạn có tin việc chào cờ ảnh hưởng đến kết quả của một đội bóng? Chắc chắn câu trả lời của số đông là không. Nhưng người Nga thì tin vào điều ngược lại. Khi ĐT Nga liên tiếp thất bại tại các giải đấu lớn trong thập kỷ 1990 và những năm đầu thế kỷ 21, nhiều tuyển thủ nước này nói rằng họ thua là do… quốc ca!? Trên sân trong khi các đối thủ ngẩng cao đầu hát ầm ầm, thì các cầu thủ Nga chỉ biết im lặng, cúi đầu do quốc ca… không có lời.
Đức là đội tuyển có nhiều giai thoại nhất về chuyện hát quốc ca ở các kỳ World Cup |
Việc sớm bị đối thủ lấn át khí thế ngay từ khi bóng còn chưa lăn ấy đã khiến cho ĐT Nga chẳng còn tinh thần và hưng phấn thi đấu, dẫn đến thất bại. Tất nhiên, chẳng có nghiên cứu nào chứng minh việc không được hát quốc ca ảnh hưởng bao nhiêu phần trăm đến kết quả thi đấu của ĐT Nga, nhưng có một thực tế là thời gian qua Gấu Nga đã chơi tiến bộ trông thấy khi đã được hát to mỗi lần ra sân (sử dụng lời của bản quốc ca Xô Viết).
Trên thực tế, không chỉ có người Nga, mà rất nhiều đội tuyển khác cũng tỏ ra rất quan trọng việc hát quốc ca. Huyền thoại bóng đá Đức, Hoàng đế Franz Beckenbauer từng tỏ ra rất gay gắt việc chỉ có rất ít cầu thủ đội nhà hát khi nhạc bài “Das Lied der Deutschen” - Bài ca người Đức (do nhà soạn nhạc lừng danh Joseph Haydn phổ nhạc) được cử lên. “Các cầu thủ nên hát quốc ca, việc này sẽ giúp bạn có một thái độ khác hẳn. Ngay cả bây giờ, tôi vẫn hát vang quốc ca trong mỗi trận đấu”. Beckenbauer tỏ rõ sự không hài lòng.
Trước sự chỉ trích của Beckenbauer, HLV Joachim Loew đã phải thanh minh cho các học trò: “Rất nhiều người sinh ra ở Đức nhưng tổ tiên, gia đình lại đến từ một quốc gia khác. Thật khó xử cho họ nếu hát quốc ca”. Đúng là trong thành phần ĐT Đức hiện nay có khá nhiều cầu thủ nhập cư, nó phản ánh đúng xu thế toàn cầu hóa. Ví dụ như Klose và Podolski có gia đình đến từ Ba Lan, Mesut Oezil đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, Sami Khedira có gốc Tunisia, còn Jerome Boateng có bố là người Ghana. Nhưng vấn đề là khi đã chấp nhận là công dân một nước thì việc phải hát quốc ca là điều cần thiết, bởi nó là hành động tối thiểu thể hiện tinh thần yêu nước. Mà chỉ khi toàn tâm toàn ý với đất nước ấy thì người ta mới có thể cống hiến.
Hẳn chẳng ai có thể quên được những giọt nước mắt của Jong Tae-se khi quốc ca Triều Tiên nổi lên trong trận đấu với Brazil ở World Cup 2010. Jong Tae-se sinh ra và lớn lên ở Nhật, nhưng anh vẫn coi mình là người Triều Tiên. Thước phim Jong Tae-se khóc nức nở như một đứa trẻ thực sự là một khoảnh khắc vàng đầy cảm động và ý nghĩa về niềm tự hào dân tộc. Có lẽ những cầu thủ Đức nhập cư cần học theo Jong Tae-se. Hay chẳng đâu xa mới đây tiền đạo Eduardo của ĐT Croatia đã khẳng định rằng anh sẽ hát quốc ca của cả Brazil lẫn Croatia ở trận khai mạc. Sở dĩ như vậy là do Eduardo là một người Brazil chính gốc, nhưng lại lập nghiệp ở Croatia. Và anh không quên cả nguồn cội, lẫn nơi mình cống hiến.
Hiển nhiên chiếc áo không làm nên thầy tu. Việc có hát quốc ca hay không cũng chẳng thể khẳng định được tình yêu của một cầu thủ với tổ quốc. Thậm chí thà im lặng không hát còn tốt hơn hát sai như trường hợp của Marchisio. Tuyển thủ ĐT Italia này từng phải hứng chịu cơn phẫn nộ của các tifosi trước thềm World Cup 2010 vì một sai lầm tai hại. Thay vì “Che schiava di Roma iddio la creò”, Marchisio đã hát thành “Che schiava di Roma ladrona iddio la creò”, trong đó cụm từ “Roma ladrona” có nghĩa là những tên trộm Roma.
Nhưng dù sao cũng không thể phủ nhận rằng, hát quốc ca trong những trận đấu ở World Cup là một vinh dự. Đơn giản vì có hàng nghìn, hàng vạn cầu thủ mong muốn được có mặt tại Brazil để cất cao tiếng hát, nhưng không thể. Vì vậy, có lẽ các ngôi sao nên tận dùng niềm tự hào lớn lao ấy, thay vì để các HLV phải lên tiếng yêu cầu hát quốc ca như trường hợp của HLV Roy Hodgson vừa qua.
Theo Soha