- World Cup 2014 thiết lập kỷ lục mới
- Sốc: ĐT Hà Lan bị FIFA "đá" khỏi khách sạn
- Marcelo từ chối về chịu tang ông nội
Quá nhiều lệ rơi
Có lẽ lịch sử World Cup chưa bao giờ chứng kiến nhiều nước mắt cầu thủ như ở Brazil năm 2014. Khó có thể điểm lại hết những “ca” rơi lệ kể từ đầu giải. Khóc trên băng ghế dự bị như Luis Suarez (Uruguay), khóc khi chẳng có gì để tiếc nuối như Xabi Alonso của Tây Ban Nha, khóc khi đã chiến đấu hết mình như Ronaldo (Bồ Đào Nha), khóc khi cảm thấy mình không xứng bị thất bại như Medel (Chile), khóc khi thua hoàn toàn xứng đáng như Greizmann (Pháp), khóc khi hát quốc ca như Neymar (Brazil) và Dei (Bờ Biển Ngà). Nhưng có lẽ, đỉnh điểm là khi người Brazil khóc khi chuẩn bị sút penalty với Chile ở vòng 16 đội.
Neymar, David Luiz, Thiago Silva và Julio Cesar đã khóc trước khi bước vào loạt luân lưu. Riêng đội trưởng Silva còn xin không tham gia vào loạt sút. Chưa bao giờ trong lịch sử, người ta chứng kiến các cầu thủ đồng loạt khóc khi bước vào “loạt đấu súng” cân não.
Mặc dù sau đó, họ chiến thắng, nhưng giới chuyên môn và CĐV Brazil không khỏi tức giận. Đó là những hành động quá yếu đuối. “Họ cần tiết chế bớt cảm xúc đi” - cựu đội trưởng đội tuyển Brazil Cerecao nói. “Tôi thông cảm được. Nhưng họ cần ngừng việc khóc lại và chơi bóng đi” - huyền thoại Cafu tỏ ra gay gắt.
HLV trưởng Felipe Scolari sau đó đã phải gọi bác sĩ tâm lý tới làm việc với các cầu thủ để nâng tinh thần cho họ. Động thái này được cho là có kết quả, với việc Brazil sau đó thắng Colombia ở tứ kết. Nhưng sự hưng phấn có lẽ không thể kéo dài, khi trận đó, người Brazil lại phải khóc: Neymar đã khóc đau đớn khi anh dính một chấn thương lưng rất nặng và sẽ không thể tiếp tục thi đấu tại World Cup.
Thời đại của sự yếu đuối
Không quá khi nói rằng “khóc lóc” đang thành một trào lưu mới của bóng đá. Những biểu tượng sức mạnh, thần tượng của thế giới về sự can trường và sự chinh phục, đang mỗi ngày một mẫn cảm hơn và dễ khóc như trẻ em. Đó là thông điệp của World Cup 2014.
Nhiều người tin rằng đó là một biểu hiện bình thường của cuộc sống: Các cầu thủ dự World Cup phải chịu rất nhiều sức ép và họ có quyền thể hiện cảm xúc của mình. Nhưng so với quá khứ, rõ ràng có rất nhiều khác biệt. Nếu như hình ảnh Paul Gascoinge của Anh khóc ở World Cup 1990 có thể trở nên nổi tiếng, thì ở World Cup 2014, cầu thủ khóc nhiều tới mức không biết chọn hình ảnh nào làm tiêu biểu. Pele, Eusebio, Totti, Seaman, Henry - nhiều huyền thoại đã từng khóc trên sân cỏ. Nhưng 4 cầu thủ cùng khóc khi trận đấu chưa kết thúc thì quả là không thể tưởng tượng nổi.
So với thế hệ trước, các cầu thủ bóng đá hiện đại dễ chịu tổn thương hơn rất nhiều, kể cả về mặt tinh thần cũng như thể chất. Về tinh thần, họ luôn trở thành tâm điểm của giới truyền thông. Báo chí, truyền hình và mạng xã hội bùng nổ khiến cho thất bại của họ được tô đậm và nhai lại qua nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng. Sân cỏ cũng đang trở nên bạo lực hơn với những cú tắc bóng tàn bạo và một số cầu thủ đứng trước nguy cơ mất sự nghiệp bất cứ lúc nào.
Theo một điều tra của Liên đoàn cầu thủ chuyên nghiệp thế giới (FIFPro), có đến 26% số cầu thủ thuộc các giải hàng đầu châu Âu được hỏi khẳng định rằng họ có nguy cơ trầm cảm. Trong một thập kỷ qua, bóng đá thế giới đã chứng kiến rất nhiều cầu thủ và HLV giỏi tự kết liễu đời mình, như Robert Enke (Đức), Gary Speed (Wales), Dale Roberts (Anh). Có những người làm chuyện điên khùng như hậu vệ Breno (Bayern Munich, từng sang Việt Nam thi đấu trong thành phần U.23 Brazil), tự đốt nhà mình rồi đi tù. World Cup 2014 và cuộc “lạm phát nước mắt” của nó liệu có thể được xem là một bản ghi ngắn về cuộc sống tinh thần khó khăn của cầu thủ bóng đá trong thế giới hôm nay?
Theo Lao Động